Báo Đồng Nai điện tử
En

Trần ai với việc phát hành báo (Bài 2)

11:06, 06/06/2016

Trong buổi đầu thành lập Báo Đồng Nai, dù đã tập trung toàn bộ nhân lực, nhất là lực lượng thanh niên vào việc sản xuất lương thực, nhưng hàng tuần mọi người lại đều phải trở về tòa soạn để đi phát hành báo.

Trong buổi đầu thành lập Báo Đồng Nai, dù đã tập trung toàn bộ nhân lực, nhất là lực lượng thanh niên vào việc sản xuất lương thực, nhưng hàng tuần mọi người lại đều phải trở về tòa soạn để đi phát hành báo. Mấy chiếc xe trong cơ quan đều được huy động vào nhiệm vụ mang tính sống còn này, kể cả xe riêng của anh Giang Bảo.

Từ quân đội chuyển ngành qua, Trưởng phòng Nhiếp ảnh Đỗ Trung Tiến (sau là Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai) cũng phải đóng cửa buồng tối, đích thân lái xe chở một số anh em đi phát hành liên tuyến Long Thành - Nhơn Trạch - Bà Rịa - Xuyên Mộc - Vũng Tàu, rồi theo đường 2 qua Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú. Để “chuyển phát nhanh”, anh Trung Tiến phải thả người xuống dọc đường. Thế là những cô gái mảnh mai, như: Ánh Hoa, Hoài Mộng, Minh Châu, Thu Hương, Thúy Liễu... khệ nệ vác từng chồng 200-300 tờ báo, lội bộ thêm hàng cây số để giao cho đơn vị nông lâm trường, xã, ấp vùng xa rồi tự tìm cách đón xe đò quay trở lại cơ quan. Cả Xuân Trinh, Xuân Thu, Xuân Phú, Vũ Hoàng, Hồ Thành, Kim Loan... cũng phải sử dụng đủ loại phương tiện để đi giao báo. Nhiều lần tôi phải ngồi xe than đem báo đến cơ sở, xuống xe cả người và báo đều… lọ lem vì bụi khói than.

* Lửa thử vàng…

Đem báo đi phát hành đã vất vả, việc thu tiền báo còn cực hơn. Thông thường việc nhận báo ở đơn vị, nhà máy, địa phương do cán bộ Công đoàn, văn hóa thông tin hay tổ chức Đoàn thanh niên cơ sở đảm trách, nhưng tình hình tổ chức thời đó chưa ổn định. Người ký tên nhận báo tuần trước rồi đến tuần này lại vắng mặt vì bận công việc, đã chuyển công tác khác, thậm chí đã… vượt biên. Với đủ lý do khác nhau, việc phát hành và thu hồi tiền bán báo thật là trầy vi tróc vảy. 

Báo Đồng Nai đến với đông đảo bạn đọc.
Báo Đồng Nai đến với đông đảo bạn đọc.

Tự “cứu đói”, tự in, tự phát hành, Báo Đồng Nai trong tình cảnh kinh tế đất nước suy sụp do chiến tranh và lệnh bao vây, cấm vận kéo dài, đã làm cho việc giải quyết cái ăn đã khó, mà việc đi lại để tác nghiệp của phóng viên cũng rất đỗi nhiêu khê. Mỗi lần đi Tân Phú hoặc Xuyên Mộc, Duyên Hải… anh em phóng viên phải dậy từ lúc 2 giờ sáng ra Bến xe khách Đồng Nai tận ngoài Tam Hiệp để xếp hàng mua vé. Xe than cứ cà rà cà rịch chạy, đến đoạn dốc cao, nhà báo trẻ thường phải là người gương mẫu nhảy xuống phụ đẩy xe. Đến được bến xe huyện, phóng viên nào cũng bèo nhèo, mặt mũi tèm lem. Được cái, anh em phóng viên đều rất khoái đi cơ sở. Vì ở cơ quan ăn uống thiếu thốn, còn đi cơ sở thì… no hơn. Thời khó khăn đó, tình cảm giữa phóng viên và cộng tác viên dường như lại thân thiết với nhau hơn. Tôi đã từng công tác ở Long Đất hàng tuần với khẩu phần “mỗi ngày như một ngày”: sáng chả bắp, trưa bánh tét bắp nhưng tối nào cũng cùng Thanh Sĩ - Trưởng đài Truyền thanh huyện Long Đất đi Long Phước nhậu đế ốp-xanh đến mút chỉ. Độc đáo hơn là cùng cộng tác viên Thanh Hồng (sau này là Phó giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai, đã từ trần) ăn “đám giỗ tập thể” suốt gần một tuần lễ ở xã Hòa Long với lênh láng danh tửu Hòa Long.

* … Gian nan thử sức

Chuyện bây giờ mới kể, nghe có vẻ khó tin, nhưng thời đó cả phóng viên, biên tập viên đều sử dụng bút bi, xài hết mực đem đi bơm mực tái chế; giấy viết bài thì tận dụng mặt trắng của giấy in thử, rọc ra phát cho từng phóng viên. Lúc ấy, Báo Đồng Nai có hẳn một phòng nhiếp ảnh, nghe rất bảnh, nhưng toàn cơ quan chỉ có vài cái máy ảnh. Phóng viên ảnh chủ lực là Phan Dẫu đi huyện Thống Nhất chụp hình Bí thư Huyện ủy Hai Liên đang trao cờ thi đua. Phan Dẫu lấy ghế đứng cho cao để nhắm chụp, nhưng bấm máy thấy êm re, bèn đứng chết trân. Khá tinh ý, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Liên cười vui vẻ hỏi: “Chưa chụp được hả nhà báo? Thôi mình “diễn” lại cho nhà báo người ta chụp hình”.

Phan Dẫu thì có tiêu chuẩn chụp 3 tấm lấy 2, còn tôi được xem là “tay trái” nên 3 tấm chỉ được lấy 1. Lần đó tôi cùng Ngọc Dần, nữ phóng viên nông nghiệp  từ Bà Rịa đi bộ băng rừng vào Hắc Dịch. Đến được cái xã vùng sâu từng là căn cứ kháng chiến thì trời đã sụp tối. Mò vào nhà Chủ tịch UBND xã, cả nhà vui mừng luộc cho một nồi bắp để ăn tối, sáng hôm sau còn hậu hĩ đãi cho một bụng khoai mì nấu và cung cấp mọi thông tin mà nhà báo cần biết. Khi sắp chia tay, ông Chủ tịch UBND xã xin được đáp ứng một yêu cầu là chụp giùm cho bà mẹ già của ông tấm ảnh, vì từ nhỏ đến giờ bà chưa hề được chụp ảnh lần nào. Tôi hăng hái làm liền. Và trong lúc loay hoay chụp ảnh cho bà cụ thì tôi thấy vợ ông chủ tịch mặc cái áo bà ba trắng tinh kéo theo 2 thằng con đen nhẻm cũng đã mặc áo đứng xớ rớ kế bên. Ông Chủ tịch xã nhìn tôi cười thân thiện: “Thôi thì chẳng mấy khi...”. Tôi biết ông Chủ tịch xã muốn nói gì rồi, nên lùng bùng cả lỗ tai nhớ đến định mức sử dụng vật tư phim ảnh của cơ quan quy định. Trả giá cho 2 bữa ăn bắp và khoai mì, tôi phải chụp dè sẻn kiểu “tấm nào ăn chắc tấm nấy” cả tháng sau mới bù đủ định mức.

Đội ngũ phát hành báo trong những ngày đầu.
Đội ngũ phát hành báo trong những ngày đầu.

Trong tình hình gian khó như thế, Báo Đồng Nai vẫn ra mắt bạn đọc đúng định kỳ với nội dung ngày càng được cải tiến. Đặc biệt là báo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng bộ tỉnh trong từng giai đoạn, thời kỳ. Từ tuyên truyền động viên ra sức thi đua khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh với việc xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, thủy lợi là biện pháp quan trọng... rồi chuyển sang giai đoạn tuyên truyền cổ vũ cho công tác cải tạo, phong trào hợp tác hóa… Thời gian này, nhân sự Báo Đồng Nai biến động rất mạnh. Do nhiều lý do khác nhau, nhiều người ra đi. Những người trụ lại và chí cốt với tờ báo đã từng bước khẳng định được tên tuổi của mình và trở thành những cây bút có “thương hiệu”.

Có một điều hết sức đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn đó, mọi sinh hoạt ở cơ quan Báo Đồng Nai đều đi vào quy củ, nề nếp. 5 giờ sáng, mọi người đều dậy tập thể dục, trong tất cả các buổi họp (thường diễn ra vào buổi tối) mọi người đều có mặt đầy đủ trước đó khoảng 5-10 phút. Có thời gian tình hình xã hội bất ổn, bọn trộm hoành hành, cơ quan phải tổ chức trực gác, canh phòng; toàn bộ nam nữ thanh niên trong cơ quan đều nghiêm túc thực hiện. Nhiệm vụ càng nặng nề, lời ca tiếng hát trong cơ quan báo càng vang lên...

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều