Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận tâm với nghề cầm vô lăng

06:06, 30/06/2016

Khi hỏi bí quyết lái xe an toàn, hầu hết tài xế có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thường có một câu trả lời chung: "Cần đức tính cẩn thận, tận tâm và trách nhiệm với nghề". Yêu nghề, đặc biệt là lúc nào cũng đặt tính mạng con người lên trên hết nên họ xứng đáng được tuyên dương danh hiệu lái xe an toàn trong 3 năm liên tiếp.

Khi hỏi bí quyết lái xe an toàn, hầu hết tài xế có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thường có một câu trả lời chung: “Cần đức tính cẩn thận, tận tâm và trách nhiệm với nghề”. Yêu nghề, đặc biệt là lúc nào cũng đặt tính mạng con người lên trên hết nên họ xứng đáng được tuyên dương danh hiệu lái xe an toàn trong 3 năm liên tiếp.

Lái xe Tống Ngọc Dũng kiểm tra xe trước khi cầm lái.
Lái xe Tống Ngọc Dũng kiểm tra xe trước khi cầm lái.

“Công việc của người lái xe chở khách được chúng tôi coi là nghề “làm dâu trăm họ”. Gặp những khách hàng khó tính, nếu không cẩn trọng dễ tạo hình ảnh xấu, dễ khiến nhiều người có cái nhìn không thiện cảm” - tài xế Sử Văn Thân (48 tuổi, lái xe của Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ vận tải Sài Gòn) hồ hởi mở đầu câu chuyện.

* Nghề “làm dâu trăm họ”...

Tài xế Thân được xem là người có thâm niên, lớn tuổi nhất trong số tài xế nhận danh hiệu Lái xe an toàn năm 2015 ở Đồng Nai. Nghề lái taxi không chỉ là chuyện kiếm cơm hàng ngày mà còn là đam mê, tâm huyết với ông. Tài xế lớn tuổi có nhược điểm sức khỏe không bằng giới trẻ, nhưng lúc nào cũng trầm tĩnh, không nóng nảy, ít gây gổ, tranh giành khách với những lái xe khác. Nếu lỡ khách này, ông sẵn sàng bỏ công đi tìm khách khác và bao giờ khách đi gần, xa cũng được phục vụ đàng hoàng.

Hơn 5 năm lái taxi, hàng chục năm cầm vô lăng, ông Thân tâm sự trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi những tình huống đòi hỏi sự ứng xử khéo léo mà vẫn bảo đảm những quy định của đơn vị. Ông rút ra bài học cho bản thân từ các tình huống thực tế xảy ra trên đường, không thể ỷ vào kinh nghiệm mà chủ quan, lái xe cẩu thả.

Nhiều tài xế cho hay, doanh nghiệp biết quan tâm đến tâm tư, đời sống của giới tài xế thì cánh tài xế có cơ hội thể hiện phẩm chất và vai trò của bản thân, từ đó mới mong gắn bó lâu dài với nghề.

“Những lúc rảnh rỗi, cánh tài xế chúng tôi thường tập trung lại chia sẻ kinh nghiệm, trong đó không thể thiếu việc phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn vừa xảy ra để rút kinh nghiệm cho những chuyến đi khác” - tài xế Thân nói.

Với tài xế Lại Kim Long (45 tuổi, lái xe du lịch 45 chỗ của Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoàng Hà), lái xe đường dài sợ nhất là xe hư hỏng dọc đường, vừa vất vả vừa mất an toàn. Do đó, từ khi bước vào nghề, sau mỗi chuyến đi ông đều dành thời gian chăm sóc xe và coi đó là một phần công việc không thể thiếu.

Đã cầm vô lăng là xác định lúc nào cũng phải bảo đảm những chuyến xe an toàn, không chỉ đối với hành khách trên xe, mà với cả người tham gia giao thông trên các tuyến đường nên công việc chịu khá nhiều áp lực, từ thời gian làm việc hay các tình huống xảy ra bất ngờ. Đặc biệt, trong tình hình giao thông như hiện nay, khi số lượng phương tiện tăng quá nhanh so với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, người lái xe phải thường xuyên rèn luyện tay nghề, bản lĩnh và đạo đức.

Suốt quá trình di chuyển, chỉ cần lơ là một chút là có thể gây hậu quả khó lường. “Với nghề này, mình phải thật nghiêm túc vì đằng sau tay lái là tính mạng của rất nhiều người. Có như vậy, bản thân tài xế mới thật sự làm chủ tay lái trên những cung đường, trong mọi hoàn cảnh để lúc nào cũng chuyên tâm với công việc” - ông Long nói thêm.

* Trăn trở để xóa những “hình ảnh” xấu

Từng có thời lái xe ô tô được xem như một nghề thời thượng, nhưng sau khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra do lái xe ngủ gật, nghiện ma túy, uống rượu (bia), chạy quá tốc độ, lạng lách… gây ức chế cho người tham gia giao thông thì hình ảnh những người cầm vô lăng không còn được yêu mến như trước. Thay vào đó là các tên gọi “hung thần xa lộ”, “hung thần sau tay lái”…, dần dần khiến nhiều người có cái nhìn không đẹp về nghề lái xe.

Những tài xế kinh nghiệm nhiều năm cho rằng, nguyên nhân của những hành động ấy, ngoài tính cách, đạo đức của người cầm lái thì chủ yếu xuất phát từ áp lực công việc. Bởi, dù chở khách hay hàng hóa, sẽ chẳng có lái xe nào trụ được với nghề nếu không chịu chấp hành những quy định do doanh nghiệp đặt ra. Các doanh nghiệp vận tải lâu nay vẫn đang tìm cách tận dụng tối đa sức lao động của lái xe để thu lợi nhuận.

3 năm liên tiếp nhận danh hiệu lái xe an toàn, tài xế Tống Ngọc Dũng (42 tuổi, lái xe taxi của Công ty TNHH Mai Linh Ðông Nam bộ) cho biết người cầm vô lăng thật tâm với nghề thì lúc nào cũng trăn trở để xóa đi những “hình ảnh” xấu của cánh tài xế trong mắt người dân. Khi chịu áp lực về mặt thời gian, doanh thu mà đơn vị đưa ra thì mỗi lúc bước lên xe, hầu hết người cầm lái không còn được tự chủ trong việc tuân thủ pháp luật về giao thông và luôn phải đối đầu với mọi hiểm nguy trên đường.

Tài xế Lại Kim Long (bìa trái) nhận danh hiệu Lái xe an toàn năm 2015. Ông Long là một trong 3 cá nhân lần thứ 3 liên tiếp đạt được danh hiệu này.
Tài xế Lại Kim Long (bìa trái) nhận danh hiệu Lái xe an toàn năm 2015. Ông Long là một trong 3 cá nhân lần thứ 3 liên tiếp đạt được danh hiệu này.

“Những ngày mới vào nghề, tài xế nào cũng nôn nóng, leo lên xe là muốn chạy cho nhanh để có nhiều khách và kết thúc ca làm. Nếu không giữ bình tĩnh và có lòng yêu nghề thì lúc gặp cảnh ùn tắc, người đi đường tạt ngang tạt dọc dễ bức xúc, rồi gây ra sự cố. Vì thế, chắc chắn lái taxi không dành cho những người nóng tính, lái xe cẩu thả” - ông Dũng chia sẻ.

Tài xế Dũng nói thêm, khi xã hội “khắt khe” với người cầm lái thì các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng bắt đầu chú ý xây dựng hình ảnh của đơn vị mình, trong đó đạo đức và tác phong ứng xử của tài xế được quan tâm hơn bao giờ hết. Đó là một tín hiệu đáng mừng và hơn hết là có thể “chắt lọc” ra được những lái xe chân chính.

Bác tài Sử Văn Thân cho hay, để đảm bảo cho những chuyến xe của mình an toàn, ông tự đặt ra nguyên tắc cho bản thân, một khi đã cầm lái thì không uống rượu (bia), đồng thời dành nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm từ các tài xế khác. Người lái xe giỏi trước hết phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giao thông, chữ “luật” luôn phải treo trên đầu người lái xe.

“Tôi luôn tự nhắc mình, dù đang trong tình trạng ế ẩm dễ dẫn đến bực mình thì cũng không được tỏ thái độ với khách, mà phải phục vụ người ta ân cần, chu đáo. Nhiều tài xế cho xe chạy trong khi khách còn chưa xuống hẳn, còn tôi luôn chờ mọi người xuống hết, an toàn rồi mới cho xe lăn bánh. Ngoài việc cần mẫn, tài xế còn phải có đạo đức và tận tâm với nghề” - tài xế Thân chia sẻ.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Hướng dẫn đọc sách online hiệu quả