Bóc múi bưởi hồng bằng đôi tay chai sần đưa khách nếm thử, nông dân Đào Văn Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ), giới thiệu bưởi da xanh của Thừa Đức có vị ngọt thanh đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, chất lượng trái không thua kém các vùng đất phù sa, như: Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), Sông Xoài (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Bóc múi bưởi hồng bằng đôi tay chai sần đưa khách nếm thử, nông dân Đào Văn Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ), giới thiệu bưởi da xanh của Thừa Đức có vị ngọt thanh đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, chất lượng trái không thua kém các vùng đất phù sa, như: Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), Sông Xoài (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Cựu Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nhơn Trạch Hồ Văn Hồng cũng tìm về vùng đất Thừa Đức trồng bưởi da xanh. |
Để thử nghiệm cây trồng mới trên đất Thừa Đức, vào năm 2005 ông Sơn cùng với 3 nông dân: Trần Văn Phú, Tống Hoàng Nam và Nguyễn Minh Tâm đón xe đò đến tỉnh Bến Tre mua bưởi về trồng. Kết quả, chỉ có nông dân Tâm thắng lớn vì táo bạo trồng bưởi da xanh, 3 người còn lại thì “méo mặt” do chọn giống bưởi năm roi. “Thua thằng Tâm tụi này tức lắm, nhưng nhờ cái tính liều của nó mà nông dân Thừa Đức mới mạnh dạn trồng bưởi da xanh” - nông dân Nam bộc trực tỏ bày.
* Tìm hướng đi mới
Vốn là dân vùng cây trái Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), ông Đào Văn Sơn đến Thừa Đức lập nghiệp chỉ với chiếc xe máy hiệu Citi là có giá trị. Sau khi bán chiếc xe, ông mua được 5 sào đất, xin cây của dân trong vùng cất cái chòi nhỏ làm chỗ ở cho 5 thành viên trong gia đình. Thời điểm năm 1999, vùng đất Thừa Đức bạt ngàn cao su, rẫy điều nên 5 sào đất của ông Sơn không đủ để nuôi 5 miệng ăn. Để tìm cái ăn, ngày 2 buổi vợ chồng ông Sơn vác cuốc, rựa đi làm thuê. Đêm đến, một mình ông lủi thủi trong các vườn cà phê cầm đèn soi cóc, ếch bán kiếm tiền, hoặc làm thức ăn.
Ông Lê Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND xã Thừa Đức, cho biết xác định cây bưởi da xanh là cây trồng chủ lực, hiệu quả kinh tế cao và thích hợp với vùng đất Thừa Đức, nên địa phương đã mạnh dạn hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng kém năng suất, giá trị kinh tế thấp sang trồng bưởi da xanh. Đồng thời, địa phương và tổ hợp tác của ông Sơn đang có kế hoạch tiến tới thành lập Hợp tác xã trồng bưởi da xanh xã Thừa Đức để tạo thương hiệu cho cây bưởi da xanh ở đây. |
Năm 2003, phong trào trồng tre lấy măng ở Thừa Đức nở rộ, ông Sơn không làm thuê mướn nữa mà chuyển sang trồng tre lấy măng, mua măng đem về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bán kiếm lời. Nhờ cây măng, kinh tế gia đình ông tạm ổn. Tuy vậy, ông Sơn vẫn chưa bằng lòng với cuộc sống hiện tại, hay bàn bạc với nhóm bạn chí cốt: Phú, Nam và Tâm tìm cây trồng gì có giá trị kinh tế cao hơn đồng thời phù hợp với những nông dân nhà chỉ có vài sào đất. Bàn đi tính lại, cuối cùng các ông quyết định chọn cây bưởi để trồng. “Thời điểm năm 2005, cây bưởi ở Bến Tre, Vĩnh Cửu, Sông Xoài thật sự giúp nông dân khá nhanh. Vì vậy, nhóm bạn tụi tui chọn cây bưởi thay thế cho cây trồng khác” - ông Sơn kể lại.
Nhân dịp có đám giỗ người thân ở quê, ông Sơn rủ nhóm bạn về quê ông tìm bưởi giống về trồng. Thời điểm đó, cây bưởi năm roi gây sóng gió thị trường cây ăn trái. Vì vậy, 4 ông bám riết các nông dân Bến Tre học tập kinh nghiệm, năn nỉ mua cây giống. Trước khi đi, cả 4 người nhất trí mua cho được giống bưởi năm roi về trồng trên đất Thừa Đức. Tuy nhiên, ông Tâm lại đổi ý, dốc hết tiền mua 150 cây bưởi da xanh làm 3 người bạn đi cùng chưng hửng. Vì còn non kinh nghiệm và chưa rõ 2 giống bưởi da xanh với năm roi cây nào hiệu quả hơn nên 3 người bạn của ông Sơn cứ mặc cho ông Tâm quyết định. Xong đám giỗ, cả 4 ông đem theo gần 300 gốc bưởi miệt Bến Tre về Thừa Đức trồng thử nghiệm.
* Thay đổi cuộc sống
Về tới Thừa Đức, ông Tâm mới bật mí với 3 người bạn lý do ông chọn giống bưởi da xanh, rằng trước khi đi ông xem tivi giới thiệu về giống bưởi này hiệu quả không kém giống bưởi năm roi. Nghe ông Tâm nói ra cái bí mật giấu trong lòng, 2 ông Sơn và Xuân chẳng thèm để bụng, chỉ có ông Phú sốt ruột nên nài nỉ ông Tâm chia lại cho 30 gốc để trồng.
3 năm sau, 2 giống bưởi da xanh và năm roi bắt đầu cho trái bói. Lúc này, ông Sơn và ông Xuân mới ngã ngửa ra khi giá bưởi năm roi chỉ bằng một nửa so với bưởi da xanh. Tức quá, 2 ông sang nài ông Tâm chiết cành bưởi da xanh trong vườn để cho 2 ông trồng xen trong đám bưởi năm roi nhằm cứu vãn tình thế. Cũng trong năm đó, cây bưởi da xanh miệt Bến Tre được nông dân Thừa Đức đổ xô mua giống về trồng. Ông Tâm trở thành nhà cung cấp giống và táo bạo chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cao su, tre lấy măng sang bưởi da xanh để đón đầu cơ hội làm giàu.
Ông Sơn (phải) và nhóm bạn nông dân của mình là những người có công đem cây bưởi da xanh Bến Tre về trồng ở Thừa Đức. |
Đến nay, xã Thừa Đức có gần 100 hécta bưởi da xanh. Những người trồng bưởi như các ông: Sơn, Xuân, Phú và Tâm… đã rủ nhau thành lập tổ hợp tác và đang tiến tới thành lập Hợp tác xã trồng bưởi da xanh xã Thừa Đức. Ông Xuân cho biết, giá bưởi da xanh hiện được thương lái vào tận vườn thu mua với giá 50 ngàn đồng/kg (loại trái nặng từ 1,2kg trở lên). Riêng dịp lễ, tết, giá từ 80-90 ngàn đồng/kg. Cây bưởi da xanh vùng đất Thừa Đức cho trái quanh năm, nhưng nông dân ở đây vẫn tập trung cho ra trái vào tháng 8 và tháng Chạp âm lịch để bán được giá cao.
Nhờ cây bưởi da xanh, ông Sơn thoát được cảnh khó khăn. Riêng 3 người bạn của ông khá giả thấy rõ vì nhà có nhiều đất hơn ông, có nhiều bưởi da xanh để bán. Ông Sơn tâm sự, thật ra cây bưởi xuất hiện trên đất Thừa Đức trước ngày nhóm bạn của ông đi Bến Tre tìm giống về trồng. Nhưng lúc ấy nông dân xem đó là cây trồng phụ, trồng chơi trong vườn nên họ không quan tâm đến vấn đề kinh tế. Do không quan tâm nên giống bưởi mà họ trồng được mua trôi nổi, lai tạp từ nhiều giống khiến chất lượng trái không ngon, thơm, ngọt đặc trưng của trái bưởi da xanh chính gốc Bến Tre được trồng trên đất Thừa Đức.
Từ một nông dân chật vật lập nghiệp với 5 sào đất, cây bưởi da xanh đã giúp ông Sơn thoát được cuộc sống khó khăn và trở thành ông tổ trưởng tổ hợp tác trồng bưởi da xanh đầy uy tín. Riêng ông Tâm sớm phất lên hàng đại gia với 4 hécta bưởi da xanh đang cho thu hoạch và trồng mới. Còn 2 ông Xuân và Phú thuộc loại khá giả của vùng đất Thừa Đức.
Ông Tâm bộc bạch, nhờ liều lĩnh mà ông về đích sớm hơn các ông: Sơn, Xuân và Phú. Thấy nhóm bạn của ông trồng bưởi da xanh hiệu quả, có kỹ thuật, bà con trong vùng đã bắt chước làm theo. Nhờ vậy, cây bưởi da xanh nhanh chóng lấn át các cây trồng truyền thống tại vùng đất Thừa Đức. Hiện tại, phong trào chuyển đổi vườn cao su, điều, cà phê, hoa màu trên đất Thừa Đức sang trồng bưởi da xanh đang rầm rộ khi mùa mưa đến.
Đoàn Phú