Ông Nguyễn Ngọc Đương (còn gọi là Mười Đương, 92 tuổi) vốn là con trai thứ tư của công chúa Nguyễn Phúc Chu Hoàn (hiệu là Tân Phong, con gái vua Dục Đức) và ông Nguyễn Hữu Du (con trai thứ tư của Đô đốc Bắc kỳ Nguyễn Hữu Độ).
Ông Nguyễn Ngọc Đương (còn gọi là Mười Đương, 92 tuổi) vốn là con trai thứ tư của công chúa Nguyễn Phúc Chu Hoàn (hiệu là Tân Phong, con gái vua Dục Đức) và ông Nguyễn Hữu Du (con trai thứ tư của Đô đốc Bắc kỳ Nguyễn Hữu Độ).
Ông Mười Đương đang đi nhặt hạt điều. |
Tuy xuất thân gia đình quý phái, nhưng ông Mười Đương vẫn vui với cuộc sống thanh bần ngày 2 bữa khi lưu lạc về vùng đất đá Thanh Bình (huyện Trảng Bom) đầy ắp tình người.
* Quang gánh “hoàng gia”
Sau Cách mạng tháng 8-1945, vương triều nhà Nguyễn sụp đổ, vua Bảo Đại thoái vị rồi lưu vong ở nước ngoài, công chúa Tân Phong và chồng, con vẫn tiếp tục định cư tại Huế. Ông Mười Đương cho biết lúc đó ông còn là học sinh trung học. Đến năm 1946, ông thoát ly gia đình theo cách mạng. Năm 1968 khi ông quay lại Huế sinh sống thì hay tin cha mẹ đã qua đời, các anh, chị, em của ông lưu lạc không rõ tin tức.
Một mình cô độc nơi quê nhà, ông Mười Đương gặp bà Nguyễn Thị Bé (con gái một gia đình bình dân). Sau khi thành vợ chồng, ông Mười Đương và bà Bé tạm cư tại làng Thủy Phước (xã Hương Thủy, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), sinh sống bằng nghề đan nón lá. “Cuộc sống cứ vậy trôi qua. Đến năm 1979, tôi đưa vợ con vào xã Thanh Bình lập nghiệp. Xin làm công nhân cao su không được, vợ chồng tôi dựa vào cái chợ nhỏ tại ấp Trung Tâm kiếm cơm bằng nghề gánh nước thuê” - ông Mười Hương tâm sự.
Dù phải lao động kiếm ăn từng ngày, ông Mười Đương vẫn nhiệt huyết tham gia hoạt động Hội Người cao tuổi. Ông Phạm Khắc Cước, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Bình, cho biết ông Mười Đương thà nhịn ăn một bữa chứ không bao giờ bỏ một buổi họp, sinh hoạt của Hội. Cách sống lạc quan, yêu đời của ông thật đáng yêu, đáng quý. |
Cái chợ quê ấp Trung Tâm ngày ấy không sầm uất như bây giờ, hàng hóa bày bán chỉ có mớ rau, con cá, quán bún nhỏ. Tuy vậy, vợ chồng ông Mười Đương cũng gánh được vài chục đôi nước mỗi ngày để kiếm tiền mua gạo nuôi con. Để có nhiều đôi nước đổi lấy lon gạo, bắp, ký khoai…, vợ chồng ông phải cật lực lấy nước từ cái ao ở miếu Cô Chín, gánh về tới từng sạp hàng, nhà dân. Để cho tiểu thương và dân xung quanh chợ có nước sử dụng trong ngày, 2 giờ sáng vợ chồng ông đã kẽo kịt quang gánh “hoàng gia”, gõ cửa từng nhà để đổ nước cho tới 21 giờ.
Thương đôi vợ chồng nghèo sống cơ cực nơi cái sạp chợ bỏ trống với gánh nước nuôi con ăn học, tiểu thương chợ Trung Tâm và người dân trong vùng thỉnh thoảng tặng thêm cho vợ chồng ông Mười Đương ít rau củ, lon gạo, vài ký khoai, bắp để tăng thêm khẩu phần ăn trong ngày cho gia đình. Nhờ vậy, 5 người con của ông Mười Đương có cơ hội đến trường, không phải lang thang ngoài rẫy mót khoai, bắp, đậu rơi vãi.
Năm 1987, công trình Nhà máy thủy điện Trị An hoàn thành, hồ Trị An bước vào giai đoạn tích nước, vùng lòng chảo ấp Trung Tâm bị khô hạn nay ngập tràn nước, nên quang gánh của vợ chồng ông Mười Đương thôi kẽo kẹt trên con đường đầy bụi đất.
Không kiếm được gạo từ gánh nước thuê, vợ chồng ông Mười Đương chuyển qua làm thuê làm mướn đủ thứ việc lặt vặt cho bà con trong xóm, ngoài chợ.
* Để cuộc sống ý nghĩa hơn
71 năm kết thúc cuộc sống hoàng gia, nay ở tuổi 92, ông Mười Đương vẫn còn đi cắt cỏ cho bò và mót hạt điều tại các vườn rẫy nông dân vừa thu hoạch xong. Thu nhập trong ngày chẳng đáng là bao, nhưng ông vẫn tự hào đó là đồng tiền chân chính từ lao động mà ông kiếm được. Riêng bà Bé, năm nay 79 tuổi, không còn sức để đi rửa chén bát thuê, mà ở nhà chăm cháu, chắt. Ông Mười Đương cho hay, vợ chồng ông nghèo nên con cháu nghèo theo. Vì vậy, họ phải tự lao động nuôi thân để khỏi làm phiền đến con cháu.
Vợ chồng ông Mười Đương tình nguyện hiến xác cho y học. |
Cái sạp ngoài chợ ấp Trung Tâm xưa kia nay trở thành ngôi nhà tình thương (năm 2004, xã Thanh Bình xây tặng cho vợ chồng ông Mười Đương) khá ấm áp. Ngoài ngăn bếp củi, căn nhà còn có phòng khách và nơi để vợ chồng già ngả lưng. Ông Mười Đương bộc bạch, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo nhưng xóm giềng ai cũng quý mến. 10 năm qua, ông đã được nhân dân trong ấp tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ nhân dân số 13 và Phó ban công tác Mặt trận ấp Trung Tâm. Cái tên Mười Đương, Đương “gánh nước” là do người dân ấp Trung Tâm đặt cho ông.
Vùng đất Thanh Bình không giúp cho vợ chồng ông Mười Đương khá giả sau 37 năm rời cố hương lập nghiệp, nhưng đã tạo cho vợ chồng ông nghĩa cử sống đẹp để người khác nể trọng. Đó là sự kiện vợ chồng ông tình nguyện hiến xác cho y học với một lý lẽ rất cao thượng: “Giúp cho các cháu sinh viên y khoa có cơ thể để thực tập. Các cháu giỏi thì người nghèo được chăm sóc sức khỏe tốt hơn” - ông Phạm Khắc Phước, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Bình, kể lại lý do ông Mười Đương tình nguyện hiến xác.
Chuyện vợ chồng ông Mười Đương tình nguyện hiến cơ thể cho y học lúc đầu còn bị con cháu, người ngoài xầm xì, dị nghị. Nhưng khi được vợ chồng ông chia sẻ tâm niệm cuối đời, con cháu trong nhà và người dân trong ấp, ngoài xã ai cũng nể, khen.
Ông Mười Đương tâm sự, vợ chồng ông không có tiền của, chức tước nhưng ông muốn tạo phước đức, tiếng thơm cho con cháu sau này.
Mưa tháng 6 lúc nặng hạt, lúc tí tách trên những ngọn cây điều. Ông Mười Đương vẫn cần mẫn cầm cái xô nhựa xăm xoi, nhặt nhạnh từng hạt điều còn sót lại sau thu hoạch để bán kiếm tiền nuôi thân. Cuộc đời của ông tuy khó nghèo, nhưng mãi là tấm gương sáng về cuộc sống thanh bần, yêu lao động, giàu sự hy sinh vì cộng đồng.
Diễm Quỳnh