Báo Đồng Nai điện tử
En

Phá đường dây tiêu thụ tiền giả xuyên quốc gia (Bài 1)

11:07, 08/07/2016

Gần nửa năm đeo bám quyết liệt, các trinh sát của Phòng An ninh điều tra (PA92) Công an tỉnh đã bóc gỡ đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả cực lớn do một đối tượng ở nước ngoài thiết lập, chuyên vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ.

Gần nửa năm đeo bám quyết liệt, các trinh sát của Phòng An ninh điều tra (PA92) Công an tỉnh đã bóc gỡ đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả cực lớn do một đối tượng ở nước ngoài thiết lập, chuyên vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ.

* Đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả

Trưởng phòng PA92, Đại tá Vũ Văn Huấn kể lại, khoảng giữa năm 2014, một số đối tượng đã sử dụng tiền giả để giao dịch với người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua xác minh, lực lượng công an nhận định các đối tượng này có thể nằm trong một đường dây chuyên vận chuyển, mua bán tiền giả, gây lo ngại về tình hình an ninh tiền tệ trong nước. Trước tình hình đó, Ban giám đốc Công an tỉnh đã triệu tập uộc họp (do Đại tá Lý Quang Dũng, Phó gicám đốc Công an tỉnh chủ trì) với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh để bàn kế hoạch đấu tranh làm rõ đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả này.

Một số đối tượng cầm đầu trong đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả lúc mới bị công an bắt (ảnh CAĐN).
Một số đối tượng cầm đầu trong đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả lúc mới bị công an bắt (ảnh CAĐN).

Sau khi có chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo PA92 đã cử trinh sát dày dạn kinh nghiệm vào cuộc điều tra. Sau hàng tháng trời xác minh các đầu mối thông tin, các trinh sát đã xác định các vụ sử dụng tiền giả trên địa bàn tỉnh xuất phát từ một đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả xuyên quốc gia do một số đối tượng ngụ ở nhiều tỉnh, thành tổ chức. Từ thông tin này, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo PA92 phải khẩn trương truy xét để bóc gỡ đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả và bắt các đối tượng liên quan xử lý theo pháp luật.

Sau một thời gian truy xét, vào ngày 11-5-2014, tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), lực lượng trinh sát đã bắt quả tang Phan Thị Nẩy (34 tuổi, quê tỉnh Bắc Ninh) đang vận chuyển hơn 300 triệu đồng tiền giả để giao cho các đối tượng ở Đồng Nai.

Đại tá Huấn nhớ lại, sau khi bắt Phan Thị Nẩy, cơ quan điều tra xác định đây mới chỉ là đối tượng tham gia tích cực trong vụ án, còn nhiều đối tượng trong đường dây này chưa bị bắt giữ; đặc biệt là đối tượng cầm đầu đang định cư ở Trung Quốc chưa xác minh được chỗ ở cụ thể. Trước tình hình đó, tổ trinh sát quyết định vận động Nẩy phối hợp để bắt giữ các đối tượng còn lại trong đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả. “Chúng tôi đã làm tốt công tác cảm hóa để đối tượng hợp tác trong quá trình điều tra. Qua kiên trì vận động, cuối cùng đối tượng Nẩy đã chấp nhận “lập công chuộc tội”, vạch mặt các đối tượng còn lại” - Đại tá Huấn cho biết.

Theo xác minh của trinh sát, kẻ cầm đầu đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam là Đặng Thị Lan (62 tuổi, quê TP.Hải Phòng), đã lấy chồng và định cư tại Trung Quốc. “Bắt giữ kẻ cầm đầu là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng lực lượng phá án vẫn quyết tâm “dụ” đối tượng xuất hiện để bắt giữ” - một cán bộ trinh sát cho biết.

Các trinh sát đã được cử ngay ra các tỉnh phía Bắc để “đón lõng” các đối tượng trong đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả. Ngày 16-5-2014, khi Đặng Thị Lan đang mang 57 triệu đồng tiền giả đến khu vực cầu Bồ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) để “giao hàng” thì bị trinh sát bắt quả tang. Sau khi bắt giữ kẻ cầm đầu, các trinh sát vẫn tiếp tục đeo bám địa bàn để truy bắt các đối tượng còn lại.

* Bóc gỡ cả đường dây

Qua đấu tranh khai thác đối với Lan và Nẩy, ban chuyên án lần ra nhiều mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả do Lan tổ chức ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ đây, các tổ trinh sát đã được cử đến các địa phương này truy xét, vận động họ ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Với sự kiên trì, khôn khéo của các cán bộ công an, Nguyễn Văn Năm (34 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) và Trần Quốc Cường (35 tuổi, quê tỉnh Cà Mau), 2 mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả này đã đến cơ quan công an đầu thú.

Cùng với việc vận động đối tượng đầu thú, các đối tượng: Nguyễn Minh Luân (36 tuổi, quê tỉnh Cà Mau), Nguyễn Văn Mão (29 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị), Đinh Xuân Mạnh (42 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) và Trịnh Văn Phong (42 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) đã lần lượt bị bắt giữ khi đang thực hiện việc vận chuyển, mua bán tiền giả tại những địa phương đối tượng cư ngụ.

Ngày 1-4-2015, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa 9 bị cáo trong đường dây vận chuyển, mua bán tiền giả do Đặng Thị Lan cầm đầu ra xét xử về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Sau khi xem xét hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Lan 17 năm tù, Lê Quang Vinh 18 năm tù. Các bị cáo: Phan Thị Nẩy, Nguyễn Văn Năm, Trần Quốc Cường, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Văn Mão, Đinh Xuân Mạnh và Trịnh Văn Phong, mỗi bị cáo lãnh án từ 3-10 năm tù.

Với vai trò cầm đầu, Đặng Thị Lan đã chủ động móc nối với các đối tượng có “máu mặt” trong nước để thiết lập đường dây vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Các đối tượng trong đường dây này sẽ được nhận số tiền chênh lệch theo từng cấp so với số lượng tiền giả vận chuyển về nước trót lọt.

Cụ thể, thông qua các mối quan hệ xã hội, Lan đã móc nối với Nẩy và Lê Quang Vinh (người sống như vợ chồng với Nẩy) và được Nẩy giới thiệu thêm một số người cùng tham gia, trong đó có Mão (em họ của Vinh). Tháng 11-2012, Mão đặt hàng Lan mua 85 triệu đồng tiền giả với giá 25 triệu đồng tiền thật. Thực hiện “hợp đồng”, Lan đã nhanh chóng gom 85 triệu đồng tiền giả đưa về tỉnh Bắc Ninh giao cho Mão. Theo điều tra, việc mua bán tiền giả giữa Lan và Mão đã diễn ra nhiều lần, với tổng cộng hơn 200 triệu đồng tiền giả.

Đối với Phan Thị Nẩy, sau khi được Lê Quang Vinh làm cầu nối, Nẩy đã cùng với Năm, Cường, Phong, Luân, Mạnh thực hiện nhiều “phi vụ” vận chuyển, tiêu thụ tiền giả với số lượng lớn. Điển hình, vào tháng 10-2013, sau những cuộc điện thoại trao đổi việc mua bán tiền giả giữa Vinh với Lan, Nẩy đã đến tỉnh Bắc Giang nhận tiền giả của Lan giao, rồi vận chuyển vào các tỉnh phía Nam giao lại cho Cường, Năm, Mạnh và Luân, để rồi các đối tượng này tiếp tục đem tiền giả đi tiêu thụ.

Kết quả điều tra xác định, từ cuối năm 2013 đến tháng 5-2014, Đặng Thị Lan đã 8 lần giao tổng cộng hơn 900 triệu đồng tiền giả cho các “chân rết” vận chuyển đến các tỉnh, thành phía Nam tiêu thụ.

Trần Danh

 

 

 

 

Tin xem nhiều