Sau vụ sạt lở đất gây hư hỏng nhà cửa xảy ra trên địa bàn ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), nhiều người dân sống ven sông Đồng Nai ở gần đó luôn thường trực nỗi lo nhà cửa của mình có thể bị "hà bá" nuốt chửng bất cứ lúc nào.
Sau vụ sạt lở đất gây hư hỏng nhà cửa xảy ra trên địa bàn ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), nhiều người dân sống ven sông Đồng Nai ở gần đó luôn thường trực nỗi lo nhà cửa của mình có thể bị “hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào.
Một khi bờ sông bị nước xâm thực sẽ cuốn theo nhà đất, của cải, thậm chí là tính mạng nếu không được di dời kịp thời.
* Sau mưa lớn... nhà bị phá hủy
Trong vụ sạt lở đất vào đêm 26-6, tường và nền của 6 nhà dân đã bị xé nứt vỡ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trước đó, sau các trận mưa lớn, bờ đất sát mé sông có dấu hiệu sụt lún, người dân đã chủ động chuyển ra khu vực phía ngoài của ngôi nhà, cách xa bờ sông, nơi ít bị ảnh hưởng hơn để sinh hoạt. Cũng nhờ mọi người dự đoán được tình huống xấu nên chưa xảy ra thương tích về người, mà chỉ bị thiệt hại về tài sản. Nhưng với nhiều người, đây là lần sạt lở đất nghiêm trọng nhất sau nhiều năm khiến ai nấy đều hoang mang.
Mảnh đất của gia đình ông Trần Văn Lượng bị sạt lở nghiêm trọng, toàn bộ chuồng heo bị nứt vỡ, uy hiếp đến nền nhà đang ở. |
Ông Trần Văn Lượng (58 tuổi) không khỏi xót xa khi đứng trước căn nhà đã bị nước “ăn” trơ chân móng, còn chuồng heo thì bị lún xuống sâu khoảng gần 2m rồi vỡ tan tành. Vụ sạt lở đất vừa qua đã khiến gần 1/3 diện tích đất nhà ông Lượng bị mất, ngôi nhà của ông trong tình trạng nguy hiểm.
Ông Lượng kể, gia đình ông sống ở đây đã hàng chục năm, ngày trước đất vườn kéo dài gần 60m, sát tận mé sông. Đất rộng, gia đình ông có thể thoải mái canh tác đủ loại cây trồng, từ rau màu đến khoai sắn. Đất được phù sa bồi đắp và nguồn nước tưới đầy đủ nên vụ mùa nào cũng trúng đậm, vì thế mà cả gia đình 7-8 người trong nhà ông có thể sống khỏe. Buổi tối, ông Lượng cùng các con có thể ra sông quăng lưới, câu cá kiếm thêm bữa ăn cho gia đình. Vậy mà cứ sau mỗi năm, khi mùa mưa bão đến, đất cứ mất một đoạn, đến nay hơn 20m chiều dài đã trôi tuột xuống đáy sông. Đất đai của gia đình ông hiện bị thu hẹp chỉ đủ cất một căn nhà cấp 4 và làm chuồng nuôi vài con heo và cũng vì thế mà đời sống càng thêm khó. “Có ai ngờ, một nửa đất nhà tôi bây giờ lại nằm dưới sông rồi. Đợt sạt lở đất vừa qua, cả đêm tôi không ngủ vì lo di dời đàn heo sang nhà người quen để gửi” - ông Lương buồn rầu nói.
Theo người dân, đợt sạt lở này, nhiều nhà cửa, công trình phụ của các hộ dân cho đến nhà văn hóa ấp, miếu thờ… sát bờ sông đã bị sập đổ hoàn toàn. Nguyên do là một phần do nạn “cát tặc” diễn ra từ nhiều năm trước khiến bờ sông bị ảnh hưởng, gặp mưa lớn gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Gia đình ông Nguyễn Phú Cường (41 tuổi) là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nhất sau sự cố sạt lở đất ngày 26-6. Toàn bộ căn nhà mới xây khang trang đã hư hỏng hoàn toàn. Cách đây hơn 3 tháng, ông Cường đã bỏ ra số tiền lớn để xây căn nhà kiên cố và cứ nghĩ sẽ là nơi an cư lâu dài, vậy mà “hà bá” lại tìm đến nhà ông nhanh như vậy. Bây giờ, ngôi nhà bị bỏ hoang, cả gia đình gồm 4 người đành phải tá túc ở nhà người quen.
“Tôi và những hộ bị sập nhà trong đợt sạt lở đất vừa rồi đã được chính quyền địa phương giao đất ở mới mấy ngày nay. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn và lo lắng nhất là việc di dời đến nơi ở mới sẽ thế nào để bà con có tiền xây nhà mới. Vì gia đình di dời không có đủ tiền để xây nhà thì phải đi ở nhờ, nói thật là khổ trăm bề…” - ông Cường lên tiếng.
* Vừa ở vừa nơm nớp lo sợ
Trong lúc các hộ được cấp đất canh cánh nỗi lo làm sao có đủ tiền xây nhà mới thì các hộ ở lại phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ “hà bá” có thể uy hiếp nhà cửa, tính mạng con người bất cứ lúc nào. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi mùa mưa vẫn còn kéo dài, mực nước dâng cao kéo theo sự bất an tăng lên từng ngày của hàng chục hộ dân sống gần khu vực này.
Bên cạnh nhà ông Âu Ngọc Hải (62 tuổi) là cầu Rạch Đông, sau lưng là con sông lớn. Mấy hôm nay, nước đã mấp mé mảnh đất của gia đình ông Hải nên chưa bao giờ cả nhà ông phải sống căng thẳng như hiện nay. Những hôm trời mưa to gió lớn, cả gia đình ông không dám ở lại hết trong nhà mà phải chia nhau ra, đợi khi nào mưa tạnh, gió ngừng mới dám về. Ngôi nhà nhìn bên ngoài có vẻ vững chãi, nhưng không biết tai họa đến lúc nào.
Khu vực sát bờ sông ở Nhà văn hóa ấp 1, xã Tân An bị sạt lở, không ai được vào bên trong vì có thể gặp nguy hiểm. |
Tương tự, nhà của ông Ngô Văn Cưng (64 tuổi) thời gian qua cũng xuất hiện vết nứt kéo dài từ trần nhà xuống gần dưới nền. Ông Cưng cho hay, sự sợ hãi càng tăng lên khi hầu hết vụ sạt lở có thể xảy ra vào ban đêm, khiến người dân trở tay không kịp. Nhiều lúc thấy nguy hiểm, nhưng việc di dời đến nơi khác không hề đơn giản, gia đình nhiều thế hệ đã sống ở đây, tiền dành dụm bấy lâu nay đều dồn vào sửa chữa nhà cho kiên cố.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Đến nay đã có 8 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nạn sạt lở đất được giao đất ở khu vực tái định cư mới. Phần đất bị giải tỏa sẽ giao cho UBND xã quản lý, như: trồng cây xanh để kịp thời chống xói mòn, sạt lở. Chúng tôi đang lập thủ tục hỗ trợ việc xây nhà cho 8 hộ này. Với những hộ còn lại, về lâu dài huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh lập dự án để di dời nếu bị ảnh hưởng”. |
“Đi không được mà ở cũng không xong, nhiều đêm ngủ không yên. Khi dòng sông đã khoét sâu vào đất liền thì sớm muộn những mảnh đất gần đó sẽ bị cuốn theo thôi. Mong chính quyền địa phương sớm có phương án kịp thời để người dân yên ổn sinh sống. Nếu không, với tình trạng thế này có ngày chúng tôi sẽ nằm dưới đống gạch đá của căn nhà, hoặc tệ hơn sẽ làm mồi cho hà bá” - ông Cưng không khỏi lo lắng nói.
Trao đổi với phóng viên, Phó chủ tịch UBND xã Tân An Trần Văn Tâm cho hay địa phương đã tiến hành cấp đất cho những hộ dân bị hư hỏng nhà cửa trong đợt sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua. Tuy nhiên, vấn đề di dời những hộ còn lại hiện chưa có chủ trương, mà phải chờ kế hoạch từ UBND huyện. Ngoài các hộ dân đồng ý chuyển đi nơi khác ở, vẫn có trường hợp không muốn di dời vì lo không đủ khả năng xây dựng nhà mới.
“Theo thống kê của xã, khu vực ấp 1 có khoảng 30 hộ sẽ chịu ảnh hưởng nếu tình trạng sạt lở bờ sông cứ tiếp tục diễn ra như thời gian qua. Trước mắt, xã Tân An thường xuyên theo dõi những khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có thể ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố; đồng thời vận động người dân cảnh giác, có thể di dời đến nơi an toàn trước khi chính quyền đưa ra kế hoạch xử lý cụ thể” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Thanh Hải