Đầu tháng 7-2016, các phương tiện truyền thông trong nước đã thông tin về vụ bảo vệ Bệnh viện nhi trung ương chặn xe cấp cứu chở bệnh nhân hấp hối về quê vì người thân không sử dụng các dịch vụ vận chuyển đã được "bảo kê", khiến dư luận rất bức xúc.
Đầu tháng 7-2016, các phương tiện truyền thông trong nước đã thông tin về vụ bảo vệ Bệnh viện nhi trung ương chặn xe cấp cứu chở bệnh nhân hấp hối về quê vì người thân không sử dụng các dịch vụ vận chuyển đã được “bảo kê”, khiến dư luận rất bức xúc.
Trước tình hình đó, các bệnh viện ở Đồng Nai đã kiểm tra hoạt động của lực lượng bảo vệ bệnh viện và khẳng định sẽ luôn tạo điều kiện cho bệnh nhân và người nhà tự chủ trong việc lựa chọn phương tiện di chuyển nhằm tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
* Nỗi lo của gia đình bệnh nhân
Nhiều lần đưa người thân đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay mỗi lần đưa người thân đến bệnh viện, hay về nhà, chuyển viện lên tuyến trên, chị có thể lựa chọn sử dụng xe của bệnh viện hay xe dịch vụ bên ngoài. Chị nói, trước giờ không để ý chuyện phải dùng xe nào, không dùng xe nào nên khi đọc tin về vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Bệnh viện nhi trung ương, chị rất lo lỡ chẳng may rơi vào trường hợp như vậy chị sẽ phải làm gì.
Bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. |
“Người nhà tôi bệnh nặng phải vào bệnh viện cấp cứu thường xuyên. Khi vào viện, chúng tôi thường đi taxi, hoặc xe người quen, còn lúc về thường sử dụng dịch vụ taxi, chuyển viện tuyến trên thì sử dụng dịch vụ xe cấp cứu của bệnh viện. Trước giờ, tôi thấy ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng như các bệnh viện khác trong tỉnh không có tình trạng bảo vệ bệnh viện chặn xe hay ép buộc dùng xe taxi đậu trong bệnh viện. Nhưng khi đọc tin trên báo về vụ bảo vệ chặn xe, tôi cũng lo và hỏi bảo vệ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thì được biết việc chọn đi xe nào về là tùy người nhà bệnh nhân” - chị Hồng bộc bạch.
Trước thực trạng hoạt động thiếu kiểm soát của dịch vụ vận chuyển người bệnh ra, vào tại một số cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện rà soát và gỡ bỏ ngay (nếu có) các quy định nội bộ về hạn chế người bệnh và người nhà lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra viện, xin về… trong trường hợp không cần trợ giúp y tế. Đối với các trường hợp chuyển viện, cấp cứu cần sự trợ giúp y tế, phải giải thích cho người bệnh cần sử dụng xe chuyên dụng (xe cứu thương bệnh viện, xe vận chuyển cấp cứu 115). |
Được biết, trung bình mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có hơn 100 ca xuất viện. Khi có nhu cầu ra vào bệnh viện, bệnh nhân và người nhà có quyền lựa chọn phương tiện vận chuyển. Lực lượng bảo vệ của bệnh viện chỉ được kiểm tra giấy xuất viện khi bệnh nhân ra về hoặc chuyển viện.
Còn tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, mỗi ngày trung bình có khoảng 100 ca xuất viện, 2 ca chuyển viện. Tất cả trường hợp xuất viện đều do bệnh nhân và người nhà tìm phương tiện di chuyển; bảo vệ, nhân viên bệnh viện không được cấm cản hay ép bệnh nhân dùng xe của dịch vụ vận chuyển “quen biết”.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi, Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, nhiệm vụ của bảo vệ bệnh viện là giữ trật tự, kiểm tra giấy xuất viện. Hàng tuần, Ban giám đốc, Phòng Hành chính bệnh viện luôn họp giao ban nhắc nhở vấn đề này để tránh chuyện đáng tiếc như vụ việc ở Bệnh viện nhi Trung ương xảy ra.
Chị Trần Thị Vy (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) cho biết do con chị bị bệnh nên chị hay đưa cháu bé đi bệnh viện khám. Đọc thông tin về vụ việc chặn xe ở Bệnh viện nhi trung ương, chị cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, nhiều lần đưa con đi khám ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chị cảm thấy yên tâm vì có thể thoải mái lựa chọn phương tiện di chuyển. “Thật ra, chuyện chặn xe người nhà bệnh nhân ra khỏi bệnh viện lần đầu tiên tôi nghe thấy. Lúc đầu, tôi cũng có chút hoang mang, nhưng mấy lần đưa con đi khám ở đây, được tự chọn xe di chuyển, mấy anh bảo vệ chỉ kiểm tra giấy tờ nên tôi yên tâm hơn. Tôi cũng được nhân viên bệnh viện chỉ cho số điện thoại đường dây nóng để kịp thời phản ánh bức xúc với lãnh đạo bệnh viện nên cũng không thấy lo lắng gì” - chị Vy vui vẻ cho biết.
* Chủ động chọn xe đi lại
Sau vụ việc đáng tiếc tại Bệnh viện nhi trung ương, các bệnh viện ở Đồng Nai đã nhanh chóng kiểm tra, nhắc nhở lực lượng bảo vệ để tránh những tình huống tương tự có thể xảy ra.
Ông Bế Trần Giang, bảo vệ ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết việc lựa chọn xe đi lại, bệnh nhân hoặc người thân tự chọn, bảo vệ bệnh viện không xen vào.
Thân nhân người bệnh luôn có thể tiếp cận số điện thoại đường dây nóng của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi chia sẻ: “Lâu nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai luôn có 3 số điện thoại đường dây nóng được dán ở những nơi dễ thấy trong bệnh viện. Nếu xảy ra tình huống nào liên quan đến việc chăm sóc bệnh nhân, công tác điều trị…, mọi người có thể gọi lãnh đạo bệnh viện phản ánh. Quan điểm của chúng tôi là không dung túng, bao che cho cấp dưới để ảnh hưởng đến bệnh nhân, ai làm sai đến đâu sẽ xử lý đến đó”.
Tại những bệnh viện lớn như Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hay Bệnh viện đa khoa Thống Nhất còn thành lập hẳn Phòng Công tác xã hội với chức năng nhận các thông tin phản ánh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Ông Nguyễn Mạnh Khiết, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết: “Khi có tin báo về, chúng tôi sẽ tổng hợp và xác minh để đảm bảo quyền lợi của người bệnh khi lui tới bệnh viện”.
Đối với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ông Phan Minh Trí, Trưởng phòng Hành chính quản trị, cho biết: “Không riêng gì dịch vụ xe cứu thương mà bất cứ vấn đề gì liên quan đến bệnh viện được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh, chúng tôi đều xem xét và xử lý. Trường hợp nhận được thư phản ánh, bệnh viện cũng có lực lượng công tác xã hội của bệnh viện tiếp nhận và nhanh chóng giải quyết. Mục tiêu của chúng tôi là sự hài lòng của bệnh nhân nên sẽ mạnh tay đối với những “con sâu” làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện cũng như quyền lợi của bệnh nhân”.
Đăng Tùng