Sau nhiều ngày thi công gấp rút, sáng nay 2-7 cầu Ghềnh mới chính thức được đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt Bắc - Nam được kết nối sau nhiều ngày gián đoạn...
Sau nhiều ngày thi công gấp rút, sáng nay 2-7 cầu Ghềnh mới chính thức được đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt Bắc - Nam được kết nối sau nhiều ngày gián đoạn.
Để cầu Ghềnh mới hoàn thiện được sớm hơn dự kiến, công đầu phải kể đến hàng trăm công nhân đã nỗ lực hết mình trong suốt hơn 3 tháng qua bất kể ngày đêm, nắng mưa.
* Bất chấp nắng mưa
Nhiều ngày qua, trên công trường thi công cầu Ghềnh luôn có từ 200-300 cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động chia ra hàng chục mũi thi công, làm việc liên tục 3 ca, bất kể những ngày tháng 4 nắng như đổ lửa hay những ngày tháng 6 mưa liên tục.
Các công nhân thi công 3 ca liên tục bất kể ngày đêm, nắng, mưa kể cả trong điều kiện nguy hiểm suốt hơn 3 tháng đã giúp công trình cầu Ghềnh mới hoàn thành sớm hơn dự kiến nhiều ngày. Ảnh: V.CHÍNH |
Sáng 30-6 trời nắng như rang, dù đã vào giờ nghỉ trưa, song công trường vẫn nhộn nhịp, tất cả các công nhân ai cũng chăm chú vào công việc của mình với mục tiêu cố gắng hoàn thiện các hạng mục được giao một cách nhanh nhất.
Quệt mồ hôi ướt đẫm trên trán, anh Phạm Văn Hòa, công nhân Xí nghiệp cầu 18, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), cho biết hầu hết công nhân thi công tại cầu Ghềnh đều từ các tỉnh miền Bắc chuyển vào theo điều động của công ty, vì vậy các công nhân phải thuê phòng trọ khu vực gần công trình để nghỉ ngơi và thuận tiện cho việc phục vụ thi công. Khó khăn là vậy, song hiểu được trách nhiệm của mình nên tất cả đều tập trung với tinh thần cao nhất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thời gian hoàn thành cầu. “Dù chia 3 ca nhưng công nhân hầu như không còn khái niệm làm đúng giờ, đúng ca mà chỉ cần thời tiết thuận lợi là mọi người lao vào công việc, những lúc cao điểm tất cả đều sẵn sàng trực chiến” - anh Hòa chia sẻ.
Cầu Ghềnh được thiết kế có hình vòm giống như cầu cũ, gồm 3 nhịp, mỗi nhịp dài 75m, cao 13m, nặng khoảng 260 tấn. So với cầu cũ, cầu mới có thêm 2 làn xe 2 bánh lưu thông qua lại, tĩnh không thông thuyền cũng được nâng lên 6,5m (cao hơn 2m so với cầu cũ), đáp ứng tốt hơn giao thông đường thủy khu vực sông Đồng Nai. Tổng kinh phí cho công trình là 298,5 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016. |
Những ngày cuối bước vào giai đoạn chạy nước rút để kịp tiến độ khánh thành cầu Ghềnh mới, các công nhân hầu như làm việc xuyên suốt, bữa cơm hộp dã chiến các anh cũng ăn vội ngay tại vị trí làm việc. Dù chưa quen với thời tiết nắng mưa bất chợt của miền Nam, nhưng mỗi người vẫn khắc phục khó khăn để công việc đạt hiệu quả tốt nhất. Nói về những khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ, công nhân Nguyễn Thế Anh (quê Nam Định), chia sẻ nhận công trình trong trình huống vừa xảy ra sự cố sập cầu và phải bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng công trình nên ai nấy đều sẵn sàng tinh thần làm việc cao nhất. Quá trình thi công cũng gặp không ít khó khăn về thời tiết, địa hình, địa chất trên sông nhưng anh em công nhân luôn làm việc với tâm thế vừa làm vừa tính các phương án thi công hợp lý nhất để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm an toàn.
* Thi công không ngày nghỉ
Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, cầu Ghềnh mới đã cơ bản hoàn thiện. Đây có thể coi là một kỷ lục bởi nếu không phải thi công theo lệnh khẩn cấp thì một công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao như cầu Ghềnh mới sẽ phải thực hiện trong khoảng thời gian dài hơn rất nhiều.
Mặc dù công việc thi công khá nặng nhọc song nụ cười vẫn thường trực trên môi của các công nhân của ngành đường sắt. |
Theo ông Nguyễn Duy Thắng, Phó tổng giám đốc Cienco 1 - đơn vị phụ trách trục vớt và thi công cầu Ghềnh mới, cho biết ngay khi bắt tay vào thi công đơn vị đã huy động các kỹ sư, công nhân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường sắt từ mọi miền đất nước đến công trường để thi công và phải làm việc 3 ca liên tục. Mặc dù trong điều kiện thời tiết bất lợi và thủy văn phức tạp, song với tinh thần sự quyết tâm cao độ, khi quá trình thi công gặp khó khăn, các kỹ sư, công nhân sẽ hội ý ngay tại công trường để tìm phương án điều chỉnh kịp thời để hoàn thành một cách thuận lợi và nhanh nhất.
Là đơn vị chịu trách nhiệm chế tạo nhịp dầm số 3 (phía Bửu Hòa), ông Nguyễn Văn Phóng, Phó giám đốc Xí nghiệp cơ khí và xây dựng (Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 3), cho biết suốt 3 tháng qua các công nhân không có ngày nghỉ lễ, ngày chủ nhật, lúc nào cũng túc trực tại công trình. Nhìn cây cầu mới vừa thành hình, ông Phóng chia sẻ: “Các anh em luôn phải làm việc với tốc độ cao nhất. Nếu là công trình bình thường thì nhịp dầm được hoàn thành trong thời gian từ 3,5 - 4 tháng, nhưng để làm nhịp dầm cho cầu Ghềnh, chúng tôi phải tăng số công nhân và làm suốt ngày đêm nên chỉ trong vòng 2 tháng là hoàn thành. Đây là cố gắng rất lớn không chỉ đơn vị của tôi mà tất cả các đơn vị thi công tại cầu Ghềnh đều phải tập trung mọi nguồn lực để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Đây là cây cầu có hình dáng rất đẹp, lần đầu tiên đơn vị tôi thi công loại cầu có hình dáng như thế này nên chúng tôi rất chú trọng vào các yếu tố kỹ thuật cũng như độ chính xác, an toàn”.
Công nhân tranh thủ ăn cơm trưa ngay tại công trường. |
Trong những ngày qua, hàng chục chuyến tàu đã lưu thông qua cầu Ghềnh giúp ngành đường sắt không còn đứt mạch như những ngày trước đây. Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam Đới Sĩ Hưng phấn khởi cho biết sau hơn 3 tháng gấp rút công trình cầu đường sắt cầu Ghềnh mới đã hoàn thiện, vượt tiến độ là nhờ những nỗ lực ngày đêm không biết mệt mỏi và có cả những hy sinh thầm lặng của tất cả các anh em trên công trường.
Theo tính toán của ngành đường sắt, sau sự cố cầu Ghềnh cũ sập, ngành thiệt hại mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng. Do đó việc thi công vượt tiến độ 20 ngày giúp thông tuyến đường sắt Bắc - Nam đã giúp ngành đường sắt giảm con số thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ.
Văn Chính