Báo Đồng Nai điện tử
En

Màu xanh trở lại Xuân Hòa

05:07, 30/07/2016

Qua cơn hạn hán năm 2016, vùng đất Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) lại phủ một màu xanh tươi non của cây trồng. Các thành viên trong Câu lạc bộ cây ăn trái xã Xuân Hòa giờ lại tụm năm tụm ba chia sẻ kinh nghiệm kích nhãn ra hoa, đậu trái và diệt trừ sâu bệnh…

Qua cơn hạn hán năm 2016, vùng đất Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) lại phủ một màu xanh tươi non của cây trồng. Các thành viên trong Câu lạc bộ cây ăn trái xã Xuân Hòa giờ lại tụm năm tụm ba chia sẻ kinh nghiệm kích nhãn ra hoa, đậu trái và diệt trừ sâu bệnh…

Ngọn núi Mây Tàu trước mặt nhà ông Bảy Quang (ấp 2, xã Xuân Hòa) ngày 3 buổi: sáng, trưa và chiều mây đen vần vũ báo mưa nhưng chẳng mấy ai bận tâm bởi nguồn nước tưới giờ đây tràn ngập các con suối, ao, hồ, giếng nước.

* Chộn rộn mùa mưa

Cuối tháng 5-2016, nông dân trồng nhãn, xoài, cam, quýt… thuộc xóm Miền Tây (ấp 2, xã Xuân Hòa) hớn hở đón trận mưa đầu mùa. Chỉ qua vài cơn mưa, vườn nhãn, xoài, cam, quýt… được tắm mát từ ngọn đến gốc nên thi nhau đâm chồi, ra hoa, đậu trái.

 Qua cơn hạn hán, ông Bảy Quang xác định nhãn sẽ là cây trồng chính, cam dây là cây trồng phụ. Mô hình này sẽ cho thu nhập cao và chống chịu được hạn.
Qua cơn hạn hán, ông Bảy Quang xác định nhãn sẽ là cây trồng chính, cam dây là cây trồng phụ. Mô hình này sẽ cho thu nhập cao và chống chịu được hạn.

Nông dân Năm Cho (Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây ăn trái xã Xuân Hòa) thở phào tâm sự, may mà mưa về kịp cuối tháng 5 nên cây trồng sớm hồi sức để ra tược, trổ bông, kết trái. Sau những cơn mưa đầu mùa, các thành viên trong câu lạc bộ bắt tay vào việc kiến thiết lại vườn rẫy, thúc cây.

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn vừa qua, ông Năm Cho bỏ hết số cam, quýt, chanh (nhóm cây phụ) trồng xen trong vườn nhãn để thay vào những gốc xoài ghép giống Thái Lan mua từ miền Tây về. Ông Năm Cho đưa ra lý do kiến thiết lại vườn, do khu vực đất vườn ông khó khoan giếng, tuổi của ông không còn sức để theo đuổi giống cây mất nhiều công chăm sóc như cây nhãn, nên vài năm nữa khi cây xoài lớn lên, ông sẽ chặt bỏ cây nhãn.

ông Năm Cho bị các bạn nông dân: Bảy Quang, Hai Long, Chín Sĩnh, A Phúc… trêu đùa rằng sợ trời nên không có gan làm giàu từ nhãn. Tuy nhiên, các ông cũng hiểu rõ vùng đất Xuân Hòa vào mùa khô hạn thiếu nước, khoan giếng luôn gặp đá. Để có nước tưới cho cây trồng mùa nắng, nông dân chỉ biết trông chờ huyện đầu tư hệ thống thủy lợi. Vì vậy, kế hoạch táo bạo chuyển đổi cây trồng khi rút tỉa kinh nghiệm qua cơn hạn của ông Năm Cho sớm được nhóm bạn thấu hiểu, đồng tình.

Qua hạn hán, ông Bảy Quang là người kích thích cho nhãn trong vườn bung hoa trước nhóm bạn nông dân trong câu lạc bộ cả tháng. Do đó, vườn nhãn nhà ông Bảy Quang bây giờ trái đã bằng đầu đũa, trong khi các vườn khác chỉ mới trổ bông. Riêng số cam dây trồng xen trong vườn nhãn nhà ông lại xanh tốt bất ngờ. Vì vậy, ông Bảy Quang bật ra ý tưởng kiến thiết lại khu vườn rẫy gồm các cây trồng: nhãn là cây chính, cam dây sẽ là cây phụ.

Ông Bảy Quang lý giải, những cây trồng như: quýt, chanh, bưởi, cam sành gặp hạn như năm rồi rất khó phục hồi lại sức, chi phí đầu tư chăm sóc dưỡng cây lớn. Chỉ có số cam dây trong vườn nhà ông không bị ảnh hưởng sau hạn hán. Vì lẽ đó, ông Bảy Quang mạnh dạn trồng thêm cam dây vào mùa mưa này và những mùa mưa tiếp theo.

Trời đổ mưa, ông Chín Sĩnh luôn hả hê cười. Vườn rẫy nhà ông chỉ trồng xoài giống Thái, chăn thả chục con bò nên không quan tâm đến việc chuyển đổi, thiết kế lại vườn sau hạn như các bạn nông dân trong câu lạc bộ.

Ông Chín Sĩnh chia sẻ, dù năm tới có hạn đến nứt đất thì ông vẫn giữ vườn xoài hiện có và cố chăm sóc chục con bò cho yên ổn. Mưa đến, nguồn thu của ông là những tay lưới ở các con suối lớn, nhỏ đặt quanh vườn rẫy.

* Bám trụ vùng đất mới

Mưa tháng 7 thật sự làm cho nông dân xóm Miền Tây ở xã Xuân Hòa nhẹ lòng. Qua mùa hạn, họ có thêm kinh nghiệm để thích nghi với vùng đất mới sau bao năm về đây lập nghiệp.

Ông Bảy Quang kể, vào năm 1995 ông từ miền Tây về ấp 2 lập nghiệp. Lúc đó, xóm Miền Tây chỉ có chục nóc nhà. Vườn rẫy của ông và ông Năm Cho chỉ cách một đường ranh. Chỗ ở thì mỗi người chọn một góc suối để tiện bề sinh hoạt. Chiều tối mời nhau qua nhà chơi, 2 ông thường cất tiếng hú làm tín hiệu. Mồi ngon đãi bạn của nhau hôm thì con chuột đồng, con cá, con rắn bắt được lúc làm vườn; hôm thì chở vài buồng chuối ra chợ xã đổi ít lòng heo, ký cá đuối về ngồi lai rai bàn chuyện làm ăn, kể chuyện đời.

Ông Bảy Quang xưa là dân làm ruộng, do đất ít, ruộng xấu nên mới trôi dạt về đây mua đất lập vườn. Còn ông Năm Cho là thầy giáo nghèo, do con đông lại chịu ăn học nên ông phải rời quê tìm vùng đất mới mưu sinh, kiếm tiền chu cấp cho các con học đại học. Ngày mới vào ấp 2, các ông Bảy Quang và Năm Cho phải nài nỉ ông Liều Cẩm Diềng nhượng lại ít đất sản xuất. Sau đó, 2 ông mua thêm đất của vài hộ dân địa phương mới có được vườn nhãn, xoài rộng vài hécta như hôm nay.

Tháng 7, xóm Miền Tây của các ông: Năm Cho, Bảy Quang, Chín Sĩnh, Hai Long… vàng rực hoa nhãn; nước tràn ngập suối, ao, hồ, giếng đào. Những chú bò thiếu cỏ ngày nắng nay béo tròn nhẩn nha gặm cỏ. Dứt hạn, mưa về, xóm Miền Tây hả hê đón mùa vụ mới, mùa vụ của niềm tin và hy vọng đủ đầy.

Ông Hai Long trước kia là dân thương hồ ở miệt Trà Vinh, làm ăn thua lỗ nên bán ghe trôi dạt về đây. Ngày ông Hai Long mới về, xóm Miền Tây còn nghèo xơ nghèo xác. Các ông: Chín Sĩnh, Năm Cho, Bảy Quang phải liên tục tới lui thăm hỏi, động viên và bày cách làm ăn cho ông. Sự chịu thương chịu khó của ông Ba Long đã trở thành bản tính nên chỉ trong vòng vài năm, ông đã trụ vững ở vùng đất Xuân Hòa khắc nghiệt với vườn rẫy rộng đến 4 hécta; heo, gà, vịt, bò đều có.

Trong số nông dân ở xóm Miền Tây, ông Chín Sĩnh là người rất hay đùa. Ông là dân gốc Tiền Giang. Năm 1997, ông về đây kết bạn với các ông: Năm Cho, Hai Long, Bảy Quang…, nhằm góp thêm người để lập nên xóm Miền Tây, Câu lạc bộ cây ăn trái xã Xuân Hòa. Vườn rẫy của ông chỉ trồng giống xoài Thái Lan. Phần đất mà cây xoài chưa khép tán, ông trồng cỏ nuôi bò và rau, đậu đem bán.

 Ông Năm Cho, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây ăn quả xã Xuân Hòa, với công việc hàng ngày
Ông Năm Cho, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây ăn quả xã Xuân Hòa, với công việc hàng ngày

Ông Chín Sĩnh thẳng ruột tâm sự, rảnh rỗi bạn bè rủ nhậu thì ông nhậu, chứ rủ ông thiết kế vườn rẫy theo cách các ông: Bảy Quang, Năm Cho, Hai Long thì không. Vườn nhà ông nhiều đá bàn làm sao đào giếng sâu được, cho nên ông trồng xoài kết hợp với trồng cỏ nuôi bò là hợp lý nhất.

Cuộc tìm kiếm vùng đất mới mưu sinh của trên 32 hộ dân miền Tây tại ấp 2, xã Xuân Hòa từ thập niên 90 đến nay luôn đầy ắp nghĩa tình và khát vọng vươn lên. Những đứa con của các ông: Năm Cho, Bảy Quang, Chín Sĩnh, Hai Long…, đứa ra trường ở TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, người được cha mẹ chia đất khi có gia đình riêng. Tuy đám con cháu của các nông dân xóm Miền Tây có thể không biết hết mặt hoặc không chơi thân với nhau, nhưng lớp người già như các ông một ngày không gặp mặt là nhớ, là tìm dù tiết trời mưa hay nắng.

Đoàn Phú

.

 

 

Tin xem nhiều