Điều hạnh phúc của ông Phạm Ngọc Nam (Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) qua 62 năm gắn bó với vùng đất Trị An là cái tên dân dã Ba Nam "Xã Đội", Ba Nam "Mặt Trận" mà người dân địa phương trìu mến dành cho ông.
Điều hạnh phúc của ông Phạm Ngọc Nam (Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) qua 62 năm gắn bó với vùng đất Trị An là cái tên dân dã Ba Nam “Xã Đội”, Ba Nam “Mặt Trận” mà người dân địa phương trìu mến dành cho ông.
Ông Phạm Ngọc Nam (trái) luôn được người dân tin yêu. |
Suốt 41 năm qua, ông Nam đã vận động xây tặng trên 100 căn nhà tình thương cho người nghèo, lo hậu sự vẹn tròn cho hàng trăm người quá cố, kết dây tơ hồng cho rất nhiều cặp uyên ương… Vì mải lo chuyện bao đồng nên ông thuộc loại cán bộ nghèo nhất xã Trị An.
* Sinh ra ở rừng
Cha ông Nam là ông Phạm Ngụ (đã mất), vốn là dân công tra Phú Riềng (tỉnh Bình Phước). Vì không chịu được sự hà khắc của chủ đồn điền cao su người Pháp, ông Ngụ đi theo cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông hoạt động tại vùng Chiến khu Đ. Năm 1954, vợ chồng ông Ngụ sinh ra ông Nam tại Suối Linh (nay là xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu).
Chiến tranh kết thúc, ông Nam rời rừng Hiếu Liêm về ấp 1, xã Trị An sinh sống và tham gia công tác Xã đội. Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Xã đội phó Phạm Ngọc Nam kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương những chính sách hậu phương quân đội nhằm động viên thanh niên nhập ngũ, gia đình có con em nhập ngũ vững tin, tiếp bước truyền thống xã Trị An anh hùng. Nhờ vậy, từ năm 1975-1995 (giai đoạn ông Nam làm Xã đội phó, Xã đội trưởng), năm nào xã Trị An cũng giao quân đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao.
Năm 2014, nghỉ hưu chưa tròn năm thì ông Phạm Ngọc Nam được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trị An. Hỏi lý do cố “ôm rơm cho nặng bụng”, ông Nam bảo dân và tổ chức cần thì ông phải làm. Ông cố gắng công tác để tạo tiếng thơm cho con cháu, nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, chứ trong suy nghĩ của ông, nhận nhiệm vụ không phải để có cơ hội xây nhà to, mua sắm nhiều đất đai để an nhàn lúc tuổi già. |
Đất Trị An sau năm 1975 vẫn còn hoang vu, thiếu bàn tay người khai khẩn. Dân kinh tế mới và những người lính rời quân ngũ đua nhau khai khẩn đất hoang để tạo lập cuộc sống. Trong khi đó, ông Nam vẫn mải mê công tác ở ban chỉ huy quân sự xã, hiếm khi ở nhà giúp vợ lo cho 5 con nhỏ. Hết vận động thanh niên nhập ngũ, đưa thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc, ông quay sang lo hậu phương quân đội, chuẩn bị cho đợt nhập ngũ tiếp theo.
Cách làm của ông Nam cũng khác người ta, không nói nhiều về chính trị, trách nhiệm của gia đình, của người thanh niên đối với Tổ quốc mà tập trung vào việc hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống, ước mơ của họ. Đến thăm gia đình thanh niên, quân nhân, người có công với cách mạng, thấy hoàn cảnh họ khó khăn, ông tham mưu kịp thời cho cấp ủy Đảng, chính quyền có chính sách giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần, như: sửa nhà, cấp đất, hỗ trợ lương thực, thực phẩm...
Khi gia đình họ có chuyện hữu sự, ông Nam lập tức có mặt để phụ giúp, chia sẻ hoặc chung vui. Đám cưới thì ông đứng ra làm ông mai gắn kết tình sui gia cho 2 họ, tình vợ chồng cho đôi lứa. Gặp đám tang thì ông làm chủ lễ hoặc giúp những việc vặt, như: khiêng quan tài, đào huyệt, dựng rạp... Cho nên, cái tình của ông đã thấm vào tim bao lớp thanh niên, người lớn tuổi ở xã Trị An trong từng mùa tuyển quân. Nhờ vậy, tân binh do ông Nam kêu gọi lên đường nhập ngũ không bao giờ bỏ trốn, không rời hàng ngũ chiến đấu khi chiến trường khốc liệt hoặc hay tin gia đình gặp cảnh khó khăn.
* Lo nhà tình thương
Năm 1996, ông Nam được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trị An. Nhiệm vụ mới nhưng tính cách của ông vẫn như cũ. Ông Nam tâm sự, càng gần dân ông càng hăng hái vận động nguồn lực xã hội xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo. “Dân Trị An tuy nghèo tiền bạc nhưng giàu truyền thống cách mạng, giàu tình nghĩa xóm làng. Vì vậy, khi được Mặt trận vận động, kêu gọi giúp đỡ vật chất xây, sửa nhà cho người nghèo, gia đình chính sách, các mạnh thường quân trên địa bàn xã đã chung sức ủng hộ” - ông Nam nói.
Nhờ cái tính mau mắn của ông Nam mà vợ chồng nghèo Siêu Tắc (ấp 1) có mái ấm tình thương bằng gạch thay cho căn nhà gỗ bị đổ sập sau trận gió lớn. Hay bà góa bụa Lê Thị Phương làm nghề nấu bánh tét nuôi con bị bệnh tật ở ấp 2 sớm có mái ấm thay cho nếp nhà tranh dột nát.
Ông Nam “Mặt Trận” (ngoài cùng, bên trái) cùng nhân dân làm đường giao thông. |
Không chỉ vận động xây mái ấm cho những hộ nghèo có đất ở, ông Nam còn vận động các hộ dân hiến đất để xây mái ấm cho những người nghèo. Gần 20 năm qua (từ năm 1995-2014), ông Nam đã vận động xây tặng được trên 100 mái ấm cho người nghèo, người có công với cách mạng. Ngoài ra, ông Nam còn xông xáo vận động nhân dân các ấp trong xã làm đường, kéo điện lưới sinh hoạt, sản xuất...
Làm cho dân thì giỏi, năm nào cũng được các cấp tặng giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương, nhưng ông Nam vẫn không xây được cho mình một ngôi nhà khang trang để mẹ già, vợ con hãnh diện. “Năm 2010, khi thấy nhà tôi sắp sập, anh em bên nội, ngoại thương tình góp tiền xây tặng. Nhờ vậy, vợ chồng tôi mới có nhà xây để ở. Riêng đất đai cha mẹ để lại, tôi bán hết khi nhà kẹt tiền lo cho 4 đứa nhỏ ăn học” - ông Nam ái ngại chia sẻ.
Cả một đời hy sinh vì việc xã hội, công tác địa phương, ông Nam vẫn được xếp hạng cán bộ nghèo thứ 2 sau người thủ trưởng Vũ Văn Xoài (nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Trị An thời kỳ 1980-2010, vừa qua đời trong tháng 2-2016). Chuyện 2 cán bộ Nam và Xoài vì dân phục vụ, thường xuyên chở nhau bằng xe máy đi cơ sở hoặc đưa nhau đi chữa bệnh ở TP.Hồ Chí Minh và các nhà thuốc, người dân trong xã ai cũng biết, ai cũng khen.
Ông Xoài bị bệnh gan, nhờ tình bạn của ông Nam mà ông duy trì được sức khỏe để công tác, cống hiến. Ngày ông Xoài mất, ông Nam thức liên tục mấy đêm liền để lo hậu sự. Lo xong cho chuyện cho đàn anh, ông Nam tiếp tục sụt thêm vài ký nữa khi trong xã liên tục có thêm 8 người qua đời, bởi ông đã quen với công việc vui buồn của xã hội và tự nhận mình phải có trách nhiệm chu toàn để mong được dân yêu, dân tin.
Đoàn Phú