Hơn 10 năm trước, nhắc đến những cửa hàng kinh doanh đĩa phim, ca nhạc…, người ta sẽ mường tượng ngay đến cảnh nhộn nhịp khách ra vô mua hàng.
Hơn 10 năm trước, nhắc đến những cửa hàng kinh doanh đĩa phim, ca nhạc…, người ta sẽ mường tượng ngay đến cảnh nhộn nhịp khách ra vô mua hàng. Nhờ công việc này, nhiều người đã ăn nên làm ra và mở rộng việc kinh doanh. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, những cửa hàng kinh doanh loại hình này cứ dần rơi rụng khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối về một thời ăn nên làm ra của những địa điểm bán đĩa phim, đĩa nhạc…
* Hồi ức
Chưa đến 12 giờ nhưng anh Đỗ Xuân Thọ (chủ tiệm kinh doanh đĩa phim, ca nhạc Duy Anh, đường Phạm Văn Thuận, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã kê ghế xếp để chợp mắt. Nghe chúng tôi hỏi, lỡ khách đến thấy anh đang ngủ rồi họ bỏ đi thì sao, anh Thọ cười ngượng ngạo trả lời: “Bây giờ buôn bán ế ẩm lắm, cả ngày may ra được 30 lượt khách, mà tầm trưa chả có ai đến mua đĩa đâu”. Nói rồi, anh Thọ kéo chiếc ghế nhựa mời chúng tôi ngồi. Câu chuyện thăng trầm nghề kinh doanh đĩa phim, ca nhạc… dần được tái hiện qua lời kể đầy nuối tiếc của anh Thọ.
Khách hàng lớn tuổi ngồi đợi nhân viên tìm đĩa nhạc yêu thích. |
Năm 20 tuổi, anh Thọ đi làm thêm cho một tiệm kinh doanh băng đĩa. Lúc này, do nhu cầu khách đến mua quá đông nên chủ tiệm phải thuê đến 6 người phụ bán mới có thể quán xuyến hết công việc của tiệm.
Anh Thọ cho biết: “Nhiều lúc mới mở cửa tiệm khách đã đến đông nghẹt, đến trưa có khi phải bỏ bữa ăn để bán hàng. Hồi đó, lấy hàng về chỉ vài ngày là bán sạch, không có chuyện bán giảm giá gì đâu”.
Bước đến cái tủ kê trong góc nhà lấy ra vài bìa đĩa nhạc “hot” của khoảng chục năm trước, anh Thọ hào hứng kể hồi đó khách đến mua đĩa phim, nhạc chia độ tuổi rất rạch ròi; khách trung niên trở lên thì mua đĩa “nhạc vàng”, “nhạc đỏ” hoặc những đĩa phim tâm lý xã hội của Hong Kong... Còn giới trẻ hoặc lứa tuổi “teen” thường lùng những loại đĩa theo trào lưu, như: phim Hàn Quốc, nhạc trẻ thị trường…
Trước đây, nếu muốn nghe nhạc mọi người phải ra tiệm internet để tải về điện thoại, máy MP3 hoặc dùng USB để chép về máy tính để bàn, còn muốn xem phim phải ra tiệm băng đĩa để thuê; thì nay chỉ cần một chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng kết nối internet qua 3G hoặc wifi đã có thể nghe nhạc, xem phim thoải mái. Ngoài ra, ngày càng có nhiều trang web ra đời cho phép nghe nhạc, xem phim miễn phí với chất lượng khá tốt, được quảng bá thông qua các trang mạng xã hội. Đó là một trong những lý do khiến các cửa hàng kinh doanh đĩa phim, ca nhạc ngày càng ế ẩm, dẫn đến thu hẹp dần việc kinh doanh và đóng cửa. |
Cùng tâm trạng như anh Thọ, bà Hứa Hồ Thu Hồng (chủ tiệm kinh doanh đĩa phim, ca nhạc Nhật Tài, đường Đặng Văn Trơn, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) không khỏi nuối tiếc mỗi khi ai đó gợi lại quá khứ “đẹp như mơ” của nghề kinh doanh băng đĩa. Bà Hồng chia sẻ: “Hồi trước, tôi mở tiệm ở phường Quyết Thắng. Mặt bằng kinh doanh mấy chục mét vuông, gấp đôi hiện giờ, nhưng chẳng tháng nào lo đói khách”.
Theo lời bà Hồng, hồi đó nhu cầu người mua đĩa phim, ca nhạc quá lớn nên những nơi bỏ mối liên tục xuất hiện những cái tên mới. Cứ vài ngày họ lại xuất hiện để chào hàng, hoặc gọi điện thoại để báo trước sẽ có những loại đĩa gì để các cửa hàng nắm thông tin, kịp thời nhập hàng bán cho khách.
“Nhiều bữa mệt quá nên tôi phải đóng cửa tiệm nghỉ vài ngày, nhưng khách cứ đến gọi cửa để hỏi mua đĩa. Lúc đó internet chưa phát triển, wifi làm gì có, nên muốn xem phim hay nghe nhạc… nhanh và sớm nhất chỉ còn cách mua đĩa thôi. Hồi trước, phần lớn các bộ phim chiếu trên tivi phải theo ngày giờ cố định mới có để coi, trong khi đĩa luôn có đầy đủ nên họ hay tìm mua xem trước. Với lại, nhu cầu giải trí hồi đó không phong phú như bây giờ. Chưa kể đến dịp lễ, tết…, mỗi ngày tôi phải bán đĩa hài kịch, ca nhạc cho gần trăm lượt khách. Có không ít người mua một lần cả chục đĩa nhạc, phim…, nên việc kinh doanh đĩa phim, ca nhạc thời điểm đó rất hưng thịnh” - bà Hồng hào hứng chia sẻ.
* Đìu hiu “chợ chiều”
Dù làm chủ một trong những cửa hàng kinh doanh đĩa phim, ca nhạc lớn ở TP.Biên Hòa, nhưng ông Trần Tiến (quản lý cửa hàng Nguyễn Liên, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) phải thừa nhận khách hàng hiện nay chủ yếu chỉ còn người lớn tuổi với sức mua kém hơn trước đây rất nhiều.
Anh Đỗ Xuân Thọ sắp xếp lại quầy đĩa giảm giá. |
“Đĩa lậu giá rẻ mà còn ế thì nói gì đến đĩa gốc giá thành cao hơn nhiều lần. Có điều vẫn còn nhiều khách quen tới mua nên chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật các đĩa mới. Chủ yếu khách tới mua đĩa của các ca sĩ tên tuổi hoặc ở hải ngoại, riêng nhạc trẻ hiếm có khách hỏi. Người trẻ bây giờ thích nghe nhạc trên mạng hơn, cái thời nghe nhạc phải dùng máy tính, máy MP3, máy nghe nhạc bằng CD… qua lâu rồi. Không chỉ tiệm chúng tôi, mà hầu như các tiệm kinh doanh đĩa phim, ca nhạc hiện nay đều phải tìm hướng kinh doanh mới; nếu chúng tôi không vì niềm đam mê cá nhân chắc cũng phải chuyển sang kinh doanh thứ khác rồi”.
Giống với tình trạng của cửa hàng Nguyễn Liên, anh Đỗ Xuân Thọ cho hay cửa hàng của anh đã có 18 năm kinh doanh băng đĩa, nhưng hiện đang rất vất vả mới duy trì hoạt động được. Một số đĩa cũ bán không chạy, anh phải hạ giá từ 15 ngàn đồng xuống còn 3 ngàn đồng, nếu số đĩa này bán vẫn không được thì phải đem đi bán cân ký.
Do cửa hàng của anh Thọ làm ăn có uy tín nhiều năm và nằm ở tuyến đường đông người qua lại nên khách hàng hầu như ngày nào cũng có, nhưng số lượng lại ít dần. Thậm chí, nhiều khách quen chỉ đến hỏi mua đĩa mới của các ca sĩ hải ngoại, nhưng do các loại đĩa này không có nguồn cung cấp nên lâu dần các khách quen cũng bỏ đi.
“Vì quá yêu thích công việc này nên tôi mới quyết định mua lại cửa hàng để tiếp tục việc kinh doanh. Dù đầu tư rất nhiều để tìm cách vực dậy cửa hàng, nhưng gần một năm qua không có gì tiến triển. Sắp tới đây, chắc tôi phải tìm cách kinh doanh thêm thứ khác, chứ thu nhập hiện tại sau khi trả tiền thuê mặt bằng chẳng còn lời được bao nhiêu” - anh Thọ tâm sự.
Nói rồi, anh Thọ ngoái mặt nhìn về hướng những chiếc kệ gỗ trưng bày những đĩa nhạc, phim với ánh mắt đượm buồn.
Đăng Tùng