Đã 91 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, ông Nguyễn Hạnh (còn gọi là Bảy Hạnh) vẫn giữ được khí phách của người đảng viên trung kiên, mạnh dạn đấu tranh với những cái xấu, điều chưa được tại nơi cư trú (KP.5, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), để góp phần xây dựng khu phố, chính quyền vững mạnh, được dân tin tưởng.
Đã 91 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, ông Nguyễn Hạnh (còn gọi là Bảy Hạnh) vẫn giữ được khí phách của người đảng viên trung kiên, mạnh dạn đấu tranh với những cái xấu, điều chưa được tại nơi cư trú (KP.5, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), để góp phần xây dựng khu phố, chính quyền vững mạnh, được dân tin tưởng. Ông tâm niệm, làm việc mà sợ đụng chạm, không lấy dân làm gốc thì đâu được dân tin, dân quý, dân ủng hộ. Mà dân không quý, không tin, không ủng hộ thì rất khó thành công.
Đã 91 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, lão thành cách mạng Bảy Hạnh (phải) vẫn nhiệt huyết tham gia công tác khu phố, sinh hoạt chi bộ nghiêm túc. |
Ông Bảy Hạnh sinh ra và lớn lên ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa). Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông theo cách mạng chống Pháp, rối chống Mỹ và tập kết ra miền Bắc. Hòa bình lập lại, ông về công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh, rồi tham gia công tác Đảng tại phường Thống Nhất.
Tuổi trẻ với cách mạng
Trong ký ức của ông Bảy Hạnh, vào năm 1940, xóm Bàu Hang, thuộc xã Bình Trước (nay là phường Tân Phong) của ông chỉ hơn chục nóc nhà và nằm lọt thỏm trong rừng cao su của các ông chủ người Pháp, người Việt Nam giàu có. Ngày quân đội Nhật vào Việt Nam, ông mới học xong lớp 3 Trường École Primaire de Biên Hòa (nay là Trường tiểu học Nguyễn Du).
Trưởng KP.5 Trần Thị Thu cho hay, suốt thời gian dài bà cộng sự cùng nguyên Bí thư chi bộ Bảy Hạnh trong việc xây dựng khu phố văn hóa, kéo điện, làm đường, xây nhà tình thương cho dân... điều bà Thu ấn tượng nhất ở ông Bảy Hạnh là tinh thần dám nghĩ dám làm, luôn đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Nhờ vậy, việc gì khu phố triển khai đều được dân đồng thuận, chung sức chung tay cùng thực hiện. |
Ngày 9-3-1945, quân đội Nhật hất cẳng Pháp thành công. Để giành chính quyền từ tay quân đội Pháp tại Biên Hòa, trước đó quân Nhật bí mật bố trí nhiều thùng gỗ trước bót gác của quân Pháp tại Nhà thương điên Biên Hòa (nay là Bệnh viện tâm thần Trung ương 2). Đến giờ G, quân Nhật mới từ trong các thùng gỗ chui ra phối hợp với quân bên ngoài chiếm đồn bót, cơ quan hành chính quân Pháp kiểm soát. Ngày Nhật đảo chính Pháp, một số quân Pháp đầu hàng Nhật, số khác chạy vào xóm Bàu Hang và được người dân chỉ đường ra bên ngoài thoát thân.
Khi Nhật kiểm soát bót trước Nhà thương điên Biên Hòa, mỗi khi dân qua lại bót, bọn lính gác Nhật sợ dân làm loạn nên chĩa thẳng súng và lưỡi lê vào người họ. Chờ khi người dân đi xa, lính gác Nhật mới hạ súng xuống. Sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh. Cách mạng tháng Tám nổ ra. Vào ngày 19-8-1945, thủ đô Hà Nội tổng khởi nghĩa thắng lợi. Rồi xuyên suốt từ Bắc chí Nam, chính quyền Việt Minh các tỉnh nổi dậy cướp chính quyền thành công, trong đó có tỉnh Biên Hòa.
Ông Bảy Hạnh kể, ngày xóm Bàu Hang nổi dậy cướp chính quyền, thanh niên trong ấp Bàu Hang cầm tầm vông vót nhọn kéo nhau thành đoàn kéo về về Biên Hòa tham gia cướp chính quyền. Sau khi cướp chính quyền thành công, Ủy ban kháng chiến hành chính xã Bình Trước được thành lập, trụ sở ủy ban đóng cách nhà ông chỉ vài chục mét. Từ đó, ông mới biết đến cách mạng, Bác Hồ và nhận nhiệm vụ liên lạc cho Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bình Trước.
Để qua mắt bọn lính Pháp gác bót tại Nhà thương điên Biên Hòa, tài liệu liên lạc giữa cán bộ Việt Minh Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bình Trước với bên ngoài được ông Bảy Hạnh vo chặt như điếu thuốc. Một đầu tài liệu ông cột vào sợi chỉ, đầu kia cột vào nhánh cao su cầm trên tay huơ qua, huơ lại hoặc kéo lê dưới đất. Nếu bị bọn lính gọi lại hỏi hoặc kiểm tra, ông đạp cuộn tài liệu, tay giật nhánh cao su cho đứt sợi chỉ nhằm phi tang. Sự khôn khéo đó do ông Bảy Hạnh tự nghĩ ra để che mắt bọn lính Pháp.
Uy tín với dân
Làm liên lạc cho Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bình Trước được một thời gian, ông Bảy Hạnh thoát ly vào rừng kháng chiến. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Trong thời gian này, ông có 3 lần được gặp Bác Hồ.
Tháng 11-1974, ông theo đơn vị hành quân trở về Nam giải phóng Lộc Ninh. Sau ngày 30-4-1975, ông đưa vợ con từ miền Bắc về KP.5, phường Thống Nhất sinh sống. Từ năm 1975 đến khi nghỉ hưu (năm 1990), ông Bảy Hạnh giữ chức vụ Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Hành chính, Chủ tịch Công đoàn Ty Nông nghiệp. Sau khi về hưu, ông tham gia công tác Đảng ủy phường Thống Nhất, kiêm Bí thư chi bộ khu phố.
Năm 1990, khu phố nơi ông Bảy Hạnh sinh sống, giữ cương vị Bí thư chi bộ có khoảng 500 hộ/12 tổ nhân dân. Khu phố lúc ấy chỉ có chục nhà có điện sinh hoạt (chủ yếu kéo nhờ đường dây của công trình thủy lợi vào sử dụng), đường dân sinh phần lớn là những con hẻm lầy lội, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn (chủ yếu buôn bán nhỏ, lao động tự do, làm công nhân). Nhận nhiệm vụ hôm trước, hôm sau ông họp khu phố đề xuất phương án kéo điện lưới về cho dân sử dụng bằng 100% sức dân đóng góp. Sau khi được dân thống nhất, ông Bảy Hạnh và khu phố mất hàng tháng trời lo thiết kế đường dây, thu tiền đóng góp, triển khai phương án kéo điện.
Năm 1991, toàn KP.5 bừng sáng ánh điện, trên 90% dân cư trong khu phố được sử dụng đồng hồ kế riêng với điện mạnh giá rẻ. Điện lưới từ đó không chỉ phục vụ sinh hoạt, mà còn rực sáng về đêm khắp các tuyến đường hẻm.
Ông Bảy Hạnh nhớ lại, để các hộ dân ở trong hẻm sâu hay mặt đường đều kéo được điện về sử dụng với sự đóng góp bằng nhau (600 ngàn đồng/hộ), ông chỉ đạo khu phố thiết kế đường điện chính chạy dọc từ hẻm chính đến hẻm phụ. Nhờ vậy, hộ dân nào cũng được lắp điện kế từ trụ điện vào nhà trong phạm vi không quá 100m (theo thiết kế của điện lực) nên không có ai thắc mắc, hoặc xảy ra tình trạng điện chỗ mạnh, chỗ yếu.
Hoàn thành dự án thắp sáng nhà dân và khu phố, uy tín Bí thư chi bộ Bảy Hạnh tăng cao. Tiếp đó, ông cùng khu phố, chi hội, đoàn thể họp dân triển khai bê tông hóa đường hẻm. Sau khi công trình nhựa hóa đoạn từ đường ray xe lửa (nay là đường Phạm Văn Thuận) đến ngã tư Gò Me dài 736m theo phương thức Nhà nước và dân cùng làm, kinh phí trên 800 triệu đồng được dân đồng thuận triển khai, từ năm 1992-2012, ông Bảy Hạnh quyết liệt cùng khu phố vận động dân bê tông, nhựa hóa 95% tuyến hẻm lầy lội, nhỏ hẹp còn lại trên địa bàn khu phố từ 100% sức dân.
Không chỉ để lại dấu ấn về đường, điện đối với dân KP.5, lão thành cách mạng Bảy Hạnh còn để lại nhiều dấu ấn trong lòng dân, cán bộ, đảng viên, giáo viên, người nghèo… qua việc mượn cơ sở đình Bình Trước để con em trong phường có chỗ học khi trường xây dựng mới; kết nạp đảng viên từ phong trào khu phố; dẹp tệ nạn xã hội; giúp vốn cho người nghèo; xây dựng khu phố văn hóa…
Đoàn Phú