Để thuận tiện cho các chủ phương tiện trong việc đăng kiểm xe cơ giới, hay đưa những chiếc xế hộp bị kẹt trong các sự cố tai nạn giao thông, dịch vụ "cứu hộ" xe lưu động mọc lên ngày càng nhiều. Công việc cứu hộ được thực hiện bất kể lúc nào, chỉ cần khách hàng có nhu cầu là những người làm nghề đáp ứng nhanh gọn và kịp thời.
Để thuận tiện cho các chủ phương tiện trong việc đăng kiểm xe cơ giới, hay đưa những chiếc xế hộp bị kẹt trong các sự cố tai nạn giao thông, dịch vụ “cứu hộ” xe lưu động mọc lên ngày càng nhiều. Công việc cứu hộ được thực hiện bất kể lúc nào, chỉ cần khách hàng có nhu cầu là những người làm nghề đáp ứng nhanh gọn và kịp thời.
Xe cứu hộ đang đưa chiếc ô tô tải ra khỏi khu vực xảy ra tai nạn giao thông nhằm giải phóng hiện trường. |
Để ô tô đạt chuẩn đăng kiểm
Thông thường, xe ô tô sau khi đưa vào nơi đăng kiểm, nếu đạt chuẩn sẽ được cấp giấy đăng kiểm đạt chất lượng. Với những ô tô không may hư hỏng, chủ phương tiện buộc phải đưa xe trở về nơi sửa chữa bảo dưỡng lại. Với những chủ xe ở xa, việc tu bổ xe mất khá nhiều thời gian khiến họ có thể bỏ lỡ đợt kiểm định chất lượng.
Nắm bắt được nhu cầu đó, xung quanh khu vực kiểm định xe cơ giới trên địa bàn Đồng Nai, dịch vụ bảo dưỡng xe chưa đạt chuẩn đã được mở ra, đáp ứng nhu cầu sửa chữa nhanh, gọn để chủ phương tiện có thể tiếp tục việc đăng kiểm ngay. Những người làm nghề bảo dưỡng xe lưu động được coi là thợ “cứu hộ” cho các xế hộp chưa đạt chuẩn.
Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe lưu động trước Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới của Sở Giao thông - vận tải chi nhánh Định Quán. |
Túc trực thường xuyên bất kể giờ giấc tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới của Sở Giao thông - vận tải chi nhánh Định Quán là đội ngũ sửa xe lưu động. Nếu so với các tiệm, garage sửa chữa ô tô chuyên nghiệp thì đồ nghề sửa chữa của dịch vụ này có phần khiêm tốn, đơn giản hơn. Với một chiếc máy bơm hơi, cần nâng trục xe hay vài bộ vỏ, ruột xe là có thể trở thành một “tiệm” sửa xe lưu động. Không bảng hiệu hoành tráng, chỉ cần trên thùng chiếc xe đẩy ghi dòng chữ “Sửa xe lưu động” cũng vẫn thu hút nhiều người ghé thăm.
“Trước khi xe vào đăng kiểm, khách hàng đã “trùng tu” và làm cẩn thận hết rồi. Nhưng khi đến kiểm định chất lượng, một vài vị trí không thỏa mãn yêu cầu từ trung tâm đặt ra là bị loại ngay. Vì vậy, chỗ tôi chỉ sửa chữa, thay thế một vài chi tiết nhỏ thôi, khoảng 30 phút phương tiện có thể trở vào đăng kiểm tiếp, không phải quay về nhà để sửa. Đó là cái tiện mà chủ xe nào cũng muốn, để việc đăng kiểm được thuận lợi” - anh Trương Văn Nghĩa (thợ sửa xe lưu động) hồ hởi nói.
Theo anh Nghĩa, khách hàng của anh có nhiều loại, từ chủ xe tải, xe khách đến ô tô cá nhân, nhưng chủ yếu là người chạy xe tải. Điều đáng chú ý là xe càng cũ thì việc bị “delay” đăng kiểm, bảo dưỡng lại càng nhiều nên “tiệm” của anh mới có nhiều khách. Có thời điểm xe cần bảo dưỡng vào ra liên tục, việc làm không xuể. “Những kỹ thuật cơ bản của ô tô rất phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có đủ hiểu biết để lật ngược từ hư hại đến toàn vẹn. Làm không cẩn thận, từ “lợn lành thành lợn què” thì chủ xe càng bực bội. Do đó, những xe nào thấy khó sửa, máy móc chỗ mình không đủ để bảo dưỡng thì tôi từ chối ngay” - anh Nghĩa nói thêm.
Dọc quốc lộ 51, đoạn gần Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-06D (xã An Phước, huyện Long Thành), nhiều tiệm sửa xe lưu động cũng ăn nên làm ra nhờ dịch vụ bảo dưỡng phương tiện trước khi đưa vào đăng kiểm. Lúc nào cũng có xe cộ xếp hàng chờ đến lượt sửa chữa, do không ít xe vừa rớt ngay từ vòng đầu kiểm định.
Ông Đinh Xuân Tài chia sẻ, chỉ mới mở dịch vụ được gần một năm nhưng tiệm của ông luôn được xếp vào nhóm có uy tín trong khu vực. Khách vào sửa xe khá đông, chủ phương tiện chủ yếu đến từ các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch… Khi người sử dụng ô tô tăng mạnh, việc kiểm định chất lượng cũng phải thực hiện đăng kiểm theo chu kỳ hàng năm. Vì vậy, xung quanh trung tâm đăng kiểm có khá nhiều tiệm bảo dưỡng xe lưu động, dù cạnh tranh gay gắt nhưng nhiều người vẫn sống khỏe với nghề.
“Có xe vào thay cần thắng, nâng nhíp, thay vỏ, nhưng cũng có xe chỉ chỉnh lại bộ đèn hoặc thay con vít mới. Việc sửa chữa phải nhanh, gọn trong thời gian ngắn để làm sao chủ xe có thể quay vào đăng kiểm tiếp mà không phải chờ lâu, kéo dài thời gian đợi kiểm định” - ông Tài vui vẻ nói.
Cứu hộ tai nạn giao thông: cần là có
Khi xe ô tô bị tai nạn giao thông, bị cây ngã đè hay rơi xuống hố sâu…, chủ xe chỉ cần gọi vào đường dây nóng, xe cứu hộ và nhân viên cứu hộ giao thông sẽ đến hỗ trợ trong thời gian sớm nhất có thể. Giải cứu kịp thời những phương tiện trong các vụ tai nạn giao thông không chỉ hạn chế tình trạng kẹt xe có thể xảy ra, mà còn cùng lực lượng chức năng hỗ trợ, giải quyết sớm vụ việc.
Ông Bảy Tân (làm dịch vụ cứu hộ tai nạn giao thông) chia sẻ, ngay khi nhận được tín hiệu SOS từ hiện trường, ông lập tức xử lý thông tin về sự cố, như: vị trí tai nạn, có thương vong không, loại xe gì, số sàn hay số tự động…, để từ đó điều loại xe cứu hộ cho phù hợp. Ngoài ra, để việc cứu hộ không mất nhiều thời gian, các “kịch bản” luôn được lực lượng cứu hộ bàn tính ngay khi trên đường đến hiện trường.
Các vụ tai nạn thường xảy ra bất kể ngày hay đêm, chỉ cần lực lượng cảnh sát giao thông gọi đến “giải phóng” hiện trường lúc nào thì xe cứu hộ có mặt khẩn cấp, không được chậm trễ. Ngoài ra, xe cứu hộ cũng giống như ô tô, được phân ra làm 3 hạng, gồm: hạng nhẹ (dưới 5 tấn), hạng trung (dưới 10 tấn) và hạng nặng (trên 10 tấn). Do đó, ông Bảy Tân cũng phải trang bị 3 loại xe, gồm: xe kéo nâng, xe có sàn chở và xe có cần cẩu.
Nếu không có xe cứu hộ, khi xe gặp sự cố hay tai nạn thì tài xế không thể làm được gì. Loại phương tiện này không chỉ giải cứu ở những trường hợp xe hư hỏng thông thường, mà còn hỗ trợ quan trọng trong việc ứng cứu khi có tai nạn, cứu mạng người bị nạn và làm giảm ùn tắc giao thông tại hiện trường.
“Nhiều năm trong nghề, tôi không nhớ đã tham gia cứu hộ bao nhiêu lần. Chứng kiến cảnh đau thương tại hiện trường, tôi cho rằng người cứu hộ phải có thần kinh “thép” mới có thể vững vàng tâm lý khi tác nghiệp. Nhiều vụ tai nạn thương tâm, có nhiều người chết cùng lúc, mình còn phải tham gia ứng cứu tai nạn, thậm chí huy động phương tiện của mình đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nói chung, nghề cứu hộ tai nạn giao thông “cần là có”, lúc nào cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ, bất kể ngày đêm” - ông Bảy Tân nhấn mạnh.
Chủ xe tải 12 tấn Lê Thanh Nhật (ngụ TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trước khi đi đăng kiểm, tôi cũng chăm chút cho xe mình cẩn thận, hư hỏng chỗ nào là phải sửa ngay, nhưng vào kiểm định lần nào xe cũng còn lỗi. Nếu không có dịch vụ sửa xe, bảo dưỡng lưu động thì chúng tôi cũng khổ sở lắm, phải quay về nhà thay mỗi con ốc vít, chỉnh cần lái rất mất thời gian”. |
Thanh Hải