Ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) xưa kia là rừng già, từng là căn cứ kháng chiến của TX.Long Khánh.
Ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) xưa kia là rừng già, từng là căn cứ kháng chiến của TX.Long Khánh. Sau ngày đất nước thống nhất, ấp 18 Gia Đình dang rộng vòng tay đón người dân từ mọi miền đất nước về khai hoang lập nghiệp. Bây giờ, ấp 18 Gia Đình thật sự sung túc, xanh màu cuộc sống nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Bé (Hai Bé), Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 18 Gia Đình, cho biết theo lời kể của những người cao niên, vào năm 1954, có 18 hộ gia đình đồng bào dân tộc Tày từ tỉnh Cao Bằng di cư về đây phá rừng già lập làng. Vì vậy, vùng đất này được dân bản địa gọi là khu 18 gia đình.
Nông dân Hoàng Ngọc Bút (con trai ông Hoàng Thắng Quảng) là một trong 18 hộ đồng bào dân tộc Tày đầu tiên vào khai phá vùng đất thuộc ấp 18 Gia Đình. |
* Bám trụ cùng bộ đội
Trước năm 1975, vùng đất 18 Gia Đình là rừng già, căn cứ kháng chiến của TX.Long Khánh nên người dân địa phương và các vùng khác chỉ vào đây khai hoang khẩn đất trồng tỉa vào ban ngày. Đến 16 giờ, hoặc khi xảy ra chiến sự giữa bộ đội địa phương với lính đồn địch, hay có pháo kích từ TX.Long Khánh vào, người dân phải quay về vùng ấp chiến lược để tránh đạn, bắt bớ. Dù ngụy quân, ngụy quyền ra sức ngăn cản, truy bắt sự tiếp tế, giúp đỡ bộ đội trong căn cứ, nông dân vào đây làm rẫy luôn được bộ đội bảo vệ, thông báo tin tức để tránh né, ra ngoài khi có chiến sự.
Để trốn quân dịch, ông Dương Văn Vĩnh (còn gọi là Tám Vĩnh, 77 tuổi, ngụ tổ 11, ấp 18 Gia Đình) đưa vợ con từ tỉnh Tiền Giang về vùng ấp chiến lược Bảo Vinh sinh sống. Ban ngày, ông Vĩnh đánh xe bò vào khu 18 Gia Đình khai khẩn đất hoang trồng tỉa. Để việc khai hoang làm rẫy không ảnh hưởng đến bí mật đóng quân, nhà máy xay lúa của bộ đội, ông Vĩnh được bộ đội nơi đây hướng dẫn, chỉ phần đất để khai phá, trồng tỉa. Mặc dù lính đồn địch ngăn cấm, kiểm soát ra vào gắt gao, đồng thời lùng sục, bắt bớ những người dân tiếp tế cho bộ đội khu 18 Gia Đình, ông Vĩnh và nhiều người dân vào đây làm rẫy vẫn bí mật tiếp tế cho bộ đội.
Từ 18 hộ gia đình, đến nay ấp 18 Gia Đình có trên 420 hộ với hơn 3 ngàn nhân khẩu. Trưởng ấp 18 Gia Đình Lê Quang Tùng cho biết số hộ khá, giàu trong ấp chiếm trên 70%; hộ nghèo chỉ còn 10 hộ. Ngoài các cây trồng, vật nuôi chủ lực, người dân ấp 18 Gia Đình rất chú trọng phát triển dịch vụ, nghề thủ công mỹ nghệ, làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TX.Long Khánh... |
Ngày mùa, khi thu hoạch xong nông sản, ông Vĩnh và các nông dân khác thường để lại một ít lúa, bắp, bí, đậu… ngoài rẫy để bộ đội đến lấy. Mỗi lần ra vào, ông được bộ đội gửi mua giùm ít nhu yếu phẩm, thuốc men mang vào. Ông Vĩnh cho hay, không phải ai cũng vào được khu 18 Gia Đình khai hoang làm rẫy, mà chỉ những nông dân chất phác, được bộ đội tin tưởng mới được vào. Bởi, từ ngã ba Cây Mít (nay là trung tâm xã Bảo Quang) trở ra là vùng ấp chiến lược do ngụy quân, ngụy quyền kiểm soát. Còn từ ngã ba Cây Mít trở vào là vùng căn cứ kháng chiến.
Để qua mắt lính gác đồn địch tại ngã ba Cây Mít, hàng hóa mang vào cho bộ đội khu 18 Gia Đình, ông Vĩnh và mọi người thường bí mật giấu trong người hoặc xe bò, dụng cụ làm rẫy. “Việc mua giùm bộ đội những thứ họ cần ở ngoài thị xã không khó, cái khó nhất là làm sao qua mắt được bọn lính gác đồn, gác cổng tại ngã ba Cây Mít. Mỗi lần qua chốt gác, tụi tui bị bọn lính soi mói, lục soát đồ đạc, tra hỏi đủ điều. Nhưng tụi tui không sợ, vẫn hết lòng giúp đỡ bộ đội nên được bộ đội tin tưởng, bảo vệ” - ông Vĩnh nói.
* Xây dựng cuộc sống mới
Chiến tranh kết thúc, dân cư từ mọi miền đất nước tìm về vùng đất 18 Gia Đình lập nghiệp. Người dân Chơro bản địa cùng với đồng bào người Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Kh’mer… đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc khi nước nhà độc lập, quê hương thanh bình. Những khu rừng già, hố bom, khu vực trú quân, trạm quân y trước kia nhanh chóng trở thành vườn rẫy, nhà cửa. Những con đường độc đạo, đường hành quân bí mật thành đường dân sinh.
Ông Dương Văn Vĩnh (trái) và ông Ba Lù là lớp người bám trụ vùng đất 18 Gia Đình từ năm 1972 đến nay. |
Cuộc sống khó khăn thời bao cấp vẫn không làm cho người dân khu 18 Gia Đình nản chí khai khẩn đất đai, chờ mưa đến trồng tỉa. Với những người dân cựu trào như các ông: Tám Vĩnh, Ba Lù, Ngọc Bút…, vùng đất 18 Gia Đình thật yên bình khi cảnh bom rơi, đạn lạc không còn nữa. Những vụ lúa, bắp, mì, đậu… tuy bị sâu bọ phá hại, thiếu thuốc, thiếu phân, nhưng vẫn đủ cho nhà nông no bụng chờ vụ mùa kế tiếp. “Thời chiến tranh, lúa, đậu, bắp… cận ngày thu hoạch chỉ qua loạt bom, pháo kích, hay trận càn của giặc thì hư sạch, không thu được gì” - ông Ba Lù (70 tuổi, ngụ tổ 11) bày tỏ.
Ấp 18 Gia Đình giờ trở thành ấp trung tâm của xã Bảo Quang, những rẫy cà phê, cây ăn trái bạt ngàn giờ xuất hiện thêm những mái nhà xây, trụ điện 3 pha, trụ sở UBND xã, trường học, y tế, chợ… Những nhà nông chất phác nhanh chóng bắt nhịp thời đại, đưa những giống cây trồng thị trường ưa chuộng, như: chôm chôm, sầu riêng, tiêu… về trồng trong vườn rẫy. Những giống cây, như: bắp, đậu, điều, mít một thời giúp họ thoát nghèo, nhanh chóng được thay thế bằng những giống mới cho năng suất cao hơn.
Cuộc sống thay đổi theo thời gian, nhà nông ấp 18 Gia Đình không còn bận tâm đến bữa cơm no bụng mà lo tới chuyện tích lũy, mở rộng sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo khoa học - kỹ thuật, bám sát thị trường. Nhà cũ xuống cấp, chật chội, nông dân phá bỏ hoặc cơi nới thêm cho rộng rãi. Máy móc, phương tiện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hay sinh hoạt gia đình nhà nào cũng đủ đầy. Đồng bào Kinh, Chơro, Tày, Nùng, Hoa, Kh’mer… thêm bền chí, chung tay cùng chính quyền xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đời sống mới ở khu dân cư.
Năm 2009, xã Bảo Quang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Từ nông thôn mới, địa phương được huyện, tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nên những công trình đạt chuẩn quốc gia (theo tiêu chí nông thôn mới), như: chợ, lưới điện, trường học, đường giao thông… Trong số đó, ấp 18 Gia Đình được hưởng lợi nhiều nhất do là ấp trung tâm của xã.
Ông Bé Hai bộc bạch, ngoài kinh phí do xã, huyện, tỉnh đầu tư cho ấp, người dân còn bỏ thêm kinh phí trên 2 tỷ đồng và hiến đất, hoa màu, công lao động để sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2014. Nay ấp 18 gia đình cùng các ấp trong xã quyết tâm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao chậm nhất vào năm 2018.
Đoàn Phú