Báo Đồng Nai điện tử
En

Lời cảnh tỉnh từ những vụ giết người thân

10:08, 29/08/2016

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh đã giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lại nổi lên tình trạng người thân giết nhau.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh đã giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lại nổi lên tình trạng người thân giết nhau.

Bị cáo Nguyễn Minh Tâm ra tòa chịu sự xét xử về tội giết người.
Bị cáo Nguyễn Minh Tâm ra tòa chịu sự xét xử về tội giết người.

Trong 6 tháng, đã xảy ra 6 vụ giết người thân mà nguyên nhân đều do mâu thuẫn trong sinh hoạt.

* Nóng giận bộc phát, giết người thân

Nghĩ cách làm ăn mà không có vốn, Võ Trương Tín (28 tuổi, ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) hỏi mượn sổ đỏ của cha để đem thế chấp ngân hàng vay tiền. Không tin tưởng Tín, ông Võ Văn Tập (cha Tín) không cho con mượn sổ đỏ. Ngày 9-4, sau khi đi nhậu về Tín hỏi mượn sổ đỏ của cha không được nên cự cãi, xô xát với cha. Sau khi đánh ông Tập té xuống nền nhà, Tín lấy cây kéo đâm cha một nhát khiến ông Tập chết tại chỗ.

Sống với nhau có một con chung 4 tuổi, giữa Lê Minh Thu (41 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) và chị T.A. đã đưa nhau ra tòa ly dị. Chia tay vợ cũ nhưng Thu vẫn đem lòng ghen tuông, rồi nuôi ý định giết vợ con và tự tử. Để thực hiện ý định điên rồ đó, vào ngày 6-5, Thu gọi điện rủ chị A. đi uống cà phê rồi chở chị về phòng trọ của chị ở huyện Long Thành. Trong đêm tối, Thu ép chị A. vào phòng, khóa kín cửa, rồi bắt mẹ con chị uống thuốc trừ sâu. Bị chị A. chống cự, Thu dùng dao đâm vào đùi chị gây thương tích. Được công an và người dân xung quanh giải cứu kịp thời, mẹ con chị A. đã thoát khỏi tử thần bởi người chồng, người cha mất nhân tính. Với hành vi này, Thu đã bị khởi tố về hành vi giết người.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã truy tố bị can Nguyễn Minh Tâm (33 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) về tội giết người. Vào ngày 15-9-2015, Tâm cho con trai N.M.T. (5 tuổi) ăn bánh canh, nhưng cháu không chịu ăn và khóc đòi mẹ. Trong lúc tức giận, Tâm đã đá vào ngực con, khiến cháu T. đập đầu vào tường. Sau khi đưa con vào giường ngủ, sáng hôm sau Tâm phát hiện cháu T. tử vong. Để che giấu hành vi giết con, Tâm đã đào hố chôn con bên hông nhà và bản thân vẫn ăn nhậu, hát karaoke vờ như không có chuyện gì xảy ra. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, Tâm mới khai nhận tội ác của bản thân.

* Tội ác từ mâu thuẫn âm ỉ kéo dài

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ giết người xuất phát từ những mâu thuẫn trong sinh hoạt xã hội. Trong đó, nổi lên tình trạng người thân giết nhau với 6 vụ, gồm: 1 vụ con giết cha, 1 vụ chồng giết vợ và con gái, 2 vụ chồng giết vợ, 1 vụ chồng bóp cổ vợ chết rồi tự tử và vụ 2 cậu cháu đâm chém nhau khiến cả hai đều chết.

Theo ông Nguyễn Phạm Hùng, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử án hình sự về trật tự xã hội Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, việc những người thân trong gia đình giết nhau chủ yếu do những mâu thuẫn kéo dài trong sinh hoạt đời thường. Trước hết, phải kể đến đạo đức xã hội đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Ngày nay, sự tự do, lối sống phóng khoáng, hiện đại của con người đã dần thay chỗ cho những khắt khe, định kiến của xã hội ngày xưa. Con người đề cao cái tôi cá nhân hơn là nghĩ đến mối quan hệ chung giữa con người với nhau. Bên cạnh đó còn do cách giáo dục ngày nay ít coi trọng vấn đề đạo đức, mà chủ yếu chú trọng về kiến thức, chạy theo bằng cấp, trình độ. Ngoài ra còn do những mâu thuẫn trong đời thường không được giải quyết dứt điểm mà để âm ỉ, kéo dài, đến khi có “giọt nước tràn ly” thì người ta giết nhau và để lại hậu quả nặng nề.

Ngoài ra, còn do các cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm, đi sâu sát đến đời sống sinh hoạt, mâu thuẫn của các gia đình. Thông thường, để xảy ra giết người thân là cả một quá trình mâu thuẫn, ấm ức và tức giận lâu dài. Nếu sớm phát hiện những mâu thuẫn, các cơ quan chức năng có thể tham gia hòa giải, khuyên nhủ hoặc răn đe để mâu thuẫn sớm được tháo gỡ.

Với kinh nghiệm của người từng tham gia bào chữa cho các bị cáo có hành vi giết người, luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, chia sẻ: “Khi một người gặp căng thẳng, hãy cố gắng giúp họ kiểm soát cảm xúc. Hãy luôn đặt mình vào địa vị của người kia, hiểu và thông cảm với cảm xúc của đối phương để có cách hành xử phù hợp. Khi thấy người thân có những hành động kỳ lạ hơn so với bình thường, hãy để tâm tìm hiểu và nếu cần có thể đưa họ đi kiểm tra sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, đừng bao giờ đẩy ai vào đường cùng, bởi mỗi nhân cách đều có những điều tốt đẹp, thay vì chỉ trích họ thì hãy khích lệ những điều tốt đẹp ở mỗi cá nhân. Đối với trẻ em, không nên hành động bạo lực vì sẽ ảnh hưởng và dễ in sâu vào tâm trí con trẻ, khiến trẻ học theo nhân cách đó và dễ nổi nóng, dùng bạo lực. Mỗi người chỉ cần có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc sẽ không bao giờ xảy ra những mâu thuẫn dẫn đến việc chém giết người thân để khi hối hận thì đã muộn”.

Xét về góc độ tâm lý, ThS. tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), phân tích nguyên nhân xảy ra các vụ án giết người không theo một quy luật chung nào. Đối với các vụ án vợ chồng giết nhau, chủ yếu là do sự ghen tuông mù quáng, tâm lý “ăn không được thì đạp đổ”. Đối với vụ án cha con giết nhau thì do quan điểm sống hàng ngày; cha sống theo kiểu phong kiến, cổ hủ, còn con chạy theo sự hiện đại nên không đồng nhất trong lối sống, dẫn đến mâu thuẫn kéo dài và giết nhau.

Ngoài ra, có những vụ án mẹ giết con rồi tự tử là do tâm lý hận thù và muốn gây sự mất mát, tổn thương cho người chồng. Hơn nữa, một số phụ nữ có suy nghĩ muốn tự tử vì cuộc sống gia đình tù túng, nhưng nếu để con ở lại thì không ai chăm sóc nên “mang con theo cho đỡ khổ”. Còn những vụ án anh em ruột giết nhau cũng vì cách sống khác nhau. Điều này có thể lý giải một phần thường là do cha mẹ phân biệt đối xử và thiếu tính công bằng đối với các con, tạo nên tâm lý ganh ghét, đố kỵ nhau.

ThS. Lê Minh Công còn cho biết, ngoài vấn đề về đạo đức, lối sống thì việc con người sử dụng rượu, bia khi thực hiện hành vi tạo nên tâm lý hơn thua, tức giận, thích dùng bạo lực… Việc không kiềm chế được bản thân trong lúc có “ma men”, cộng với những mâu thuẫn kéo dài đã khiến con người dễ dàng ra tay sát hại người khác. Do đó, để một xã hội bình yên hơn, cần nhiều yếu tố, như: sự quan tâm từ gia đình, cách giáo dục của nhà trường, trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức và sự tự rèn giũa đức tính của mỗi người để có cách ứng xử đúng mực trong quan hệ gia đình cũng như ngoài xã hội.

Tố Tâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều