Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ mở đất đến mở lòng (Bài 1)

09:08, 08/08/2016

Tôi, người Đồng Nai, nhìn trên bản đồ thấy Melbourne (Úc) thuộc phương trời xa tít, không mơ tưởng đến vì "nho còn xanh lắm"! Lần này, có chuyến đi đến Melbourne, cũng nghĩ là đi cho vui mắt, không nghĩ dùng đến cái đầu.

Tôi, người Đồng Nai, nhìn trên bản đồ thấy Melbourne (Úc) thuộc phương trời xa tít, không mơ tưởng đến vì “nho còn xanh lắm”! Lần này, có chuyến đi đến Melbourne, cũng nghĩ là đi cho vui mắt, không nghĩ dùng đến cái đầu. Rồi bệnh nghề nghiệp thôi thúc, không thể không động đến bàn phím, bởi ở góc nhìn từ xứ Đồng Nai, có thể học được nhiều bài học từ Melbourne.

Một góc TP.Melbourne. Ảnh: Internet
Một góc TP.Melbourne. Ảnh: Internet

Melbourne có diện tích gần gấp đôi tỉnh Đồng Nai (9,9 ngàn km2), với dân số khoảng 4 triệu người (thời điểm năm 2012) có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới. Lịch sử hình thành và phát triển của Melbourne tương tự xứ Đồng Nai của Việt Nam ở các đặc điểm, như: điểm hẹn của hợp cư, trung tâm của cộng cư, hạt nhân của hội nhập và phát triển vùng; bắt đầu cũng từ những đợt di dân, khai lập vùng đất mới.

* Những người mở đất

Trước năm 1835, Melbourne thuộc lãnh địa hoang sơ của người Kulin, là một vùng đồi núi xen lẫn đồng cỏ dãy Dandenong tiếp nối bán đảo Mornington ở phía Đông và Đông Nam đến vùng vịnh Port Phillip. Có thể kể, cột mốc của thời mở đất là thời điểm hạm đội gồm 11 con tàu người Anh cập cảng Sydney ngày 26-1-1788 làm xuất hiện ngoại lực kích hoạt sản xuất của nội vùng, như thể đoàn thuyền cập bến Cù Lao Phố của nhóm người Hoa Trần Thượng Xuyên năm 1679.

Các đợt di dân từ Sydney lan tỏa đến các vùng động lực Nam Úc, trong đó Melbourne là điểm đến thu hút. Dân di cư đến đây từ nhiều vùng miền khác nhau với nhiều lý do khác nhau, mục tiêu chung là khai thác, chung sống ở vùng đất mới, kết nối nhau chủ yếu bằng tiếp biến văn hóa, chưa có luật định. Melbourne từ một thị trấn vùng sâu, vùng xa của New South Wales nhanh chóng trở thành trung tâm phát triển của vùng, như xứ Đồng Nai của đất phương Nam thời Chúa Nguyễn.

Sau những đợt di dân tìm vàng của người tứ xứ, như: Hoa, Mỹ, Ailen, Scotland... đã hình thành các cụm cư dân sinh động. Năm 1851, hải thuyền người Anh xuất hiện, chiếm cảng Phillip, tuyên bố vùng này thành thuộc địa mới của Anh, đặt tên là Victoria để vinh danh Nữ hoàng Anh quốc. Cột mốc này khiến Melbourne thuộc vùng Victoria trở thành miếng mồi của thực dân, tương tự giai đoạn Nam Kỳ lục tỉnh trở thành thuộc Pháp từ sau năm 1861. Giai đoạn này, công nghiệp khai thác và phương pháp quản lý mới của thực dân đem lại hiệu quả sản xuất và diện mạo đô thị mới nhưng cũng gây ra phân tầng xã hội, phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quan hệ chủ - thợ, giàu - nghèo, lao động - hưởng lợi.

Chiến tranh thế giới cũng để lại trên vùng đất Melbourne vết thương và nỗi đau phải bù đắp, cũng có ngày 25-4 hàng năm để tưởng niệm những người lính đã ngã xuống và quyết tâm khắc phục “đại khủng khoảng” sau cột mốc thế chiến thứ hai năm 1945.

* Phát triển rực rỡ

Đến nay, sau 70 năm phát triển Melbourne là trung tâm của bang Victoria và là thành phố lớn thứ 2 của nước Úc. Thành quả xây dựng và phát triển của Melbourne ai nghe cũng mơ, ai thấy cũng mê.

Hàng năm, Melbourne đạt tỷ lệ tăng trưởng toàn diện, cao nhất trong các địa phương ở Úc; là một trong 30 trung tâm tài chính toàn cầu, thành phố văn chương theo bình chọn của UNESCO, thành phố đạt chuẩn dịch vụ cao cấp theo chuẩn GaWC; mạng lưới xe điện (tramway) lớn nhất thế giới với 250km phủ kín đô thị và ngoại ô; được mệnh danh là thành phố thiên đường của thể thao, âm nhạc, kịch nói, nghệ thuật truyền thống và nhiều loại hình nghệ thuật đường phố đặc sắc. Melbourne cũng là nơi có hải cảng lớn nhất của Úc và có nhiều ngành công nghiệp tự động.

So với các thành phố: New York, London, Tokyo, Paris và Berlin, Melbourne chỉ là thành phố “thiếu niên”, còn kém xa về thương hiệu, quy mô và mức độ hiện đại, nhưng là thành phố nhiều năm liền được bình chọn trong danh sách “thành phố đáng sống”, điều mà nhiều thành phố “đàn anh” không có được. Do đâu Melbourne tạo được sức sống “đáng sống” trong hành trình 70 năm phát triển? Từ góc nhìn của xứ Đồng Nai, ta có thể học được gì?

Phát triển của một vùng đất hay một thành phố cần có “triết lý cốt lõi” phù hợp với lợi thế của mình. Melbourne phát triển từ hành trình “mở đất bằng mở lòng”. Mở đất là để đất mở lòng đón nhận các nguồn lực tứ phương, cùng cộng cư, cộng cảm, chung sức xây dựng và phát triển địa phương. Triết lý phát triển này khiến ta nghĩ đến câu ca mở lòng của xứ Đồng Nai từ xa xưa: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Mở lòng là lấy nhân tâm làm mục tiêu phát triển, chứ không phải vì cây gậy hay củ cà rốt của ai đó.

Sự  “chuyển hướng chiến lược” phát triển hợp lý là bài học đáng suy ngẫm của Melbourne.

Theo đà phát triển, đến thập niên 1980 Melbourne đã rực rỡ, đầy đủ yếu tố của vùng trọng điểm kinh tế, nhưng bắt đầu có dấu hiệu khựng lại, bão hòa, chảy máu nhân lực, dần đánh mất vị trí dẫn đầu vào tay Sydney.

Vào thập niên 1990, Chính phủ của Thủ hiến Jeff Kennett thuộc Đảng Tự do khởi động, Thủ hiến Steve Bracks thuộc Đảng Lao động nối tiếp thay đổi xu hướng trên bằng cách phân tích tình hình, tỉnh giấc tự mãn, rời chiếc giường thành tích, kịp thời chuyển hướng trọng lực đầu tư phát triển “tạo bản sắc thành phố vào lĩnh vực văn hóa - giáo dục - môi trường” vốn là những ưu thế mà nhiều đô thị khác không có được.

Trong chiến lược phát triển của TP.Melbourne, an sinh xã hội được xác định là mục tiêu cao nhất. Chính sách lao động, nhà ở, điều kiện sinh hoạt xã hội cởi mở tạo cơ hội làm ăn thông thoáng đã mở lòng thu hút nguồn lực và bản sắc văn hóa của muôn nơi, khiến Melbourne trở thành mái nhà chung của thế giới; nơi đáng sống của mọi người.

Đó là lý do ở Melbourne có sự điều chỉnh về quy hoạch phát triển, lấy giao thông kết nối đô thị và ven đô, nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, giáo dục, sinh thái mọc lên và nhiều hoạt động văn hóa - thể thao tầm vóc châu lục và quốc tế nối nhau tổ chức.

Viện bảo tàng Melbourne, Trung tâm triển lãm và hội nghị Melbourne, Crown Casino tạo cú hích về dịch vụ trung tâm; các trường đại học được đầu tư hoành tráng (Deakin, La Trobe, Monash, RMIT, Melbourne, đại học kỹ thuật Swinburne và đại học kỹ thuật Victoria) đã thu hút nguồn nhân lực, khiến thành phố này có số lượng sinh viên quốc tế thuộc loại đông nhất trên thế giới, sau London, New York và Paris; hình thành các khu bảo tồn, công viên thiên nhiên vùng ngoại ô nổi danh, như: Stonnington và Booroondara; xây dựng hải cảng Melbourne lớn nhất nước Úc; sân bay Melbourne đứng thứ 2 của quốc gia về số lượng khách; tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, sự kiện thành tựu của Melbourne.

Sự “chuyển hướng chiến lược đầu tư phát triển xây dựng thành phố bản sắc” gợi ta nhớ đến con sông Đồng Nai sung mãn; các di tích trung tâm văn hóa xứ Đồng Nai cổ kính; khu sinh thái Cần Giờ, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đa dạng sinh học; hệ thống cảng biển, cảng sông Cái Mép - Phước An liên thông; Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chờ cất cánh; nhiều dự án khu dân cư đang chờ tan băng; nhiều công trình giao thông đang chờ kết nối...

Cùng có những nét tương đồng lịch sử hình thành và mục tiêu phát triển, Melbourne đã làm được. Xứ Đồng Nai tại sao không?

HUỲNH VĂN TỚI

 

 

Tin xem nhiều