Báo Đồng Nai điện tử
En

Một ngày với những cánh bay Biên Hòa

10:08, 22/08/2016

11 giờ 45 phút ngày16-8, chúng tôi có mặt tại Sân bay Biên Hòa cùng với ban bay huấn luyện của Trung đoàn Không quân trực thăng 917 (Đoàn Đồng Tháp).

11 giờ 45 phút ngày16-8, chúng tôi có mặt tại Sân bay Biên Hòa cùng với ban bay huấn luyện của Trung đoàn Không quân trực thăng 917 (Đoàn Đồng Tháp). 

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân trực thăng 917 làm công tác chuẩn bị trước khi bay huấn luyện. Ảnh: V.BÍNH
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân trực thăng 917 làm công tác chuẩn bị trước khi bay huấn luyện. Ảnh: V.BÍNH

Dù đang giữa trưa nắng gay gắt nhưng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn ai cũng phấn khởi, tự tin, bởi từ khi chuyển về Biên Hòa huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu đến nay đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Huấn luyện gian khổ

Ban bay hôm nay vừa huấn luyện các bài bay đường dài, vòng kín, bay khu vực, cất hạ cánh ngày khí tượng giản đơn… cho phi công của đơn vị, vừa đào tạo, chuyển loại cho phi công nước bạn Lào, Campuchia. Có mặt tại đài chỉ huy, Thượng tá Nguyễn Quốc Long, Chính ủy trung đoàn, cho biết: “Do đặc thù công việc, phải tổ chức huấn luyện vào buổi trưa nên anh em vất vả vì bị xáo trộn quy luật tự nhiên của con người, nhưng đây cũng là thử thách đối với phi công và những người thợ nhằm huấn luyện sát với thực tế chiến tranh hiện đại, bởi kẻ thù có thể tấn công bất cứ lúc nào…”.

Trăn trở của các cán bộ, chiến sĩ trung đoàn là luôn lo lắng cho gia đình nơi hậu phương. Ở quê nhà, những người vợ của các cán bộ, chiến sĩ phi công trung đoàn phải vừa là cha vừa là mẹ trong việc nuôi dạy con, bởi vì nhiệm vụ các anh cứ đi biền biệt, nhiều lúc qua điện thoại các chị mới biết chồng mình đang gồng mình chống bão ở miền Trung, hay bay cấp cứu nơi  Trường Sa. Những lúc ấy, người thân của các anh chỉ biết thắt lòng lo lắng, khi biết tin các anh trở về an toàn, mọi người mới cảm thấy nhẹ lòng… Sự hy sinh thầm lặng của những người vợ phi công trong thời bình là như vậy đó.

12 giờ 30, Thượng tá Long vừa theo dõi trên màn hình vừa ghi chép số liệu vị trí các máy bay để hạ lệnh chính xác, kịp thời giúp phi công khi có tình huống bất trắc xảy ra. Cùng một lúc, Thượng tá Long chỉ huy 3 máy bay ở 3 khu vực thực hiện các bài bay khác nhau. Giọng ông nhẹ nhàng, nét mặt điềm tĩnh, tự tin nhưng dứt khoát: “847 cất cánh, độ cao 500; 847 nghe tốt, độ cao 500; 431 vòng phải về đài, hướng 90 độ, độ cao 600, gió cạnh trái 5m/s, hạ cánh đường băng số 1…”.

Đại úy The Rút, phi công người Lào, người được kèm cặp thực hiện hàng chục chuyến bay, dự kiến sẽ ra trường tháng 12-2016, cho biết bằng tiếng Việt khá sõi: “Cảm ơn những người thầy Việt Nam đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ chúng tôi hết mình. Chúng tôi cố gắng bay thật tốt để khi về nước sẽ xây dựng lực lượng không quân nước mình lớn mạnh, bảo vệ đất nước hiệu quả”.

Thiếu tá Trần Xuân Đông, Phó tiểu đoàn trưởng hậu cần Trung đoàn 935, bày tỏ: “Hôm nay, chúng tôi thức dậy từ hơn 4 giờ sáng để chuẩn bị, quét dọn, canh gác đường băng, quân y kiểm tra, theo dõi sức khỏe phi công trước khi lên máy bay, vệ sinh, dinh dưỡng, phục vụ 2 đơn vị bay cả ngày”.

16 giờ 30 phút,  kết thúc ban bay huấn luyện, tuy rất mệt nhưng nét mặt ai cũng vui tươi, phấn khởi vì ban bay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, an toàn tuyệt đối.

Viết tiếp truyền thống đơn vị 2 lần anh hùng

Trung đoàn 917 đang khai thác 3 loại máy bay: MI-8, MI-171, MI-172; quân số phân tán trên 3 sân bay, thực hiện nhiều nhiệm vụ: trực sẵn sàng chiến đấu tại Phan Rang, Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, nhận lệnh bay tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hay bay cấp cứu bệnh nhân tại Trường Sa là tổ bay sẵn sàng lên đường, bất kể thời gian nào.

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, vừa qua nhiều tổ bay của đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay diễn tập, bắn rốc-két ban ngày tại trường bia TB3, bia biển Hòn Tý cùng với lực lượng không quân khác, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Nhiều năm qua, đơn vị cũng nhiều lần bay ra biển xa làm nhiệm vụ chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra thăm Trường Sa, bay thông báo bão, bay cấp cứu. Cụ thể, vào tháng 4-2016 tổ bay của đơn vị đã có mặt kịp thời chuyển bệnh nhân từ Trường Sa vào đất liền cấp cứu thành công, làm nức lòng nhân dân cả nước, củng cố thêm niềm tin về tình quân dân.

Bên cạnh đó, đơn vị còn đào tạo, huấn luyện chuyển loại cho phi công mới ra trường, phi công của các nước bạn Lào, Campuchia. Nhiều học viên đã trở thành những “hạt giống đỏ”, nòng cốt của lực lượng không quân nước bạn, càng tô thắm thêm truyền thống đơn vị 2 lần được  phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Điều chúng tôi nể phục khi tiếp xúc với những cán bộ thuộc Trung đoàn 917, đó là các anh không chỉ là người thầy, người bạn, người chính trị viên,  mà còn là những cán bộ ngoại giao giỏi với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các cán bộ của trung đoàn phải biết ít nhất 3 ngoại ngữ: tiếng Nga để làm chủ khí tài; tiếng Lào, Campuchia để truyền đạt kiến thức, quan hệ, giao tiếp, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các học viên nước bạn. Ấy là chưa kể các anh còn phải tìm hiểu phong tục tập quán, khẩu vị ăn uống, sinh hoạt của học viên mỗi nước để ứng xử phù hợp. Cứ thế, công việc cứ quay như chong chóng, vất vả, mệt nhoài nhưng mọi người thường quay ra động viên lẫn nhau, nhận định đã “mê” cái nghiệp gắn bó với mình rồi thì phải luôn cố gắng hoàn thành…

Viết Bính

 


 

 

 

Tin xem nhiều