Báo Đồng Nai điện tử
En

Người đi tìm chữ Chơro

11:08, 07/08/2016

Mới học lớp 7 trường xã, ông Điểu Tám (43 tuổi, ngụ ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) vẫn cất công truy tìm chữ viết Chơro của tổ tiên. Ông Điểu Tám cho hay, phiên âm 2 từ Chơro phải viết Chrau Jro mới chính xác; Chrau có nghĩa là người, Jro nghĩa là tên bộ tộc.

Mới học lớp 7 trường xã, ông Điểu Tám (43 tuổi, ngụ ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) vẫn cất công truy tìm chữ viết Chơro của tổ tiên. Ông Điểu Tám cho hay, phiên âm 2 từ Chơro phải viết Chrau Jro mới chính xác; Chrau có nghĩa là người, Jro nghĩa là tên bộ tộc.

Khi rảnh rỗi việc nhà, ông Điểu Tám lại nghiên cứu chữ Chơro với những gì ông hiểu biết.
Khi rảnh rỗi việc nhà, ông Điểu Tám lại nghiên cứu chữ Chơro với những gì ông hiểu biết.

Qua quá trình tìm hiểu, ông Điểu Tám đã tự soạn ra 26 kiểu chữ cái Chơro để tiện bề ghép: âm, vần và nghĩa của từ thành câu…, rồi đem những gì mình biết, sưu tầm được hỏi những người già, người giỏi tiếng Chơro thẩm định xem có hợp lý chưa.

* Cậu bé chăn bò mê cồng chiêng

14 tuổi, ông Điểu Tám đã mồ côi cha mẹ. Vì vậy, học xong lớp 7 trường xã, ông Điểu Tám phải đi chăn bò thuê cho nhà ông Năm Miên để cùng với anh trai nuôi 2 em.

8 giờ sáng, ông Điểu Tám lùa đàn bò hơn chục con ra các lô cao su trong ấp Tín Nghĩa cho ăn no cỏ. Đến 16 giờ, ông mới lùa đàn bò về chuồng nghỉ ngơi. Mỗi tháng, ngoài việc lo cơm nước ngày 3 bữa, chủ bò Năm Miên còn trả tiền công cho ông Điểu Tám vài ngàn đồng (tương đương 20kg gạo) để ông mang về nhà nuôi em.

Suốt 4 năm chăn bò thuê, trưa nào ông Điểu Tám cũng cùng lũ trẻ chăn bò người Chơro trong làng lấy nắp nồi, lon nhựa chơi trò đánh cồng chiêng, hát dân ca Chơro. Vì mê cồng chiêng, ca hát nên trong làng, ngoài xã mỗi khi có tổ chức văn nghệ, lễ hội là cậu bé chăn bò Điểu Tám có mặt để bắt chước. Nhờ vậy, khi cầm đến chiếc chiêng thật, ông Điểu Tám đánh, múa rất có bài bản, hát dân ca Chơro mùi mẫn không kém người già, người được chỉ dạy bài bản.

Tuổi 18, chàng thanh niên Điểu Tám thôi đi chăn bò thuê và chuyển sang làm thợ cưa, bốc vác. Trong thời gian này, ông Điểu Tám được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với đồng bào Chơro trong xã, huyện và những nơi khác, như: Xuân Lộc, TX.Long Khánh, Bù Đăng (tỉnh Bình Phước)… Nhờ vốn tiếng Chơro tự học, ông tiếp chuyện được với rất nhiều người già, người có uy tín, những người am hiểu về phong tục tập quán Chơro để tìm hiểu về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Chơro mình.

Thấy ông Điểu Tám có năng khiếu văn nghệ, hiểu biết về phong tục tập quán Chơro, Đoàn Thanh niên xã Xuân Thiện đã mời ông giữ nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn thanh niên ấp Tín Nghĩa và tham gia Đội văn nghệ xã Xuân Thiện.

* Tìm chữ Chơro bị thất lạc

Ngày ấy, Bí thư Chi đoàn Điểu Tám có một điều trăn trở trong lòng, tại sao người ta dịch dân ca tiếng Chơro ra tiếng Kinh hát mà đồng bào Chơro của ông không dịch được bài hát tiếng Kinh ra tiếng Chơro. Đem điều này hỏi người già thì ông được trả lời, vì người Chơro đã quên chữ viết của dân tộc nên không dịch được tiếng Việt ra tiếng Chơro.

 Ông Điểu Tám dạy cho con trai phát âm tiếng Chơro cho chuẩn xác.
Ông Điểu Tám dạy cho con trai phát âm tiếng Chơro cho chuẩn xác.

Nghe người già nói vậy, trong đầu ông lóe lên ý nghĩ tìm lại cái chữ Chơro của tổ tiên bị thất lạc từ những người già, người Chơro có học vấn cao. Được người già, người Chơro học vấn cao chỉ dạy nhiều điều, phân tích rõ vì sao cái chữ Chơro bị thất lạc, rất ít người còn nhớ mặt chữ chứ nói gì đến viết chữ, dịch dân ca tiếng Kinh ra tiếng Chơro…, ông Điểu Tám không thất vọng mà càng quyết tâm tìm kiếm.

Đáp án đầu tiên mà ông Điểu Tám được những cán bộ văn hóa xã, huyện, thầy giáo dạy tiếng Chơro chỉ cho cách lần tìm cái chữ Chơro là từ thông tin: “Trước năm 1975, đã có những ấn phẩm bằng chữ Chơro được phổ biến, chủ yếu hướng vào việc phiên dịch Kinh Thánh và truyền đạo Tin Lành cho người Chơro. Thời kỳ này cũng có một số sách giáo khoa tiểu học và bài học kể chuyện bằng tiếng Chơro được biên soạn, phổ biến tại một số khu vực cư trú của người Chơro, như: TX.Long Khánh, huyện Thống Nhất…”. Từ thông tin đó, ông Điểu Tám tìm gặp mục sư Điểu Xảo (xã Túc Trưng, huyện Định Quán) và được mục sư Điểu Xảo tặng cho cuốn sách Em học vần tiếng Chrau Jro, quyển 1, lớp vỡ lòng để đem về nghiên cứu.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Triết, Viện Phát triển bền vững Nam bộ, từ nửa thế kỷ 20, tiếng Chơro bắt đầu được quan tâm nghiên cứu. “Trước năm 1944, một số chuyên gia thuộc Viện Ngôn ngữ học Mùa Hè (Summer Institute of Linguistics) với sự cộng tác của một số trí thức dân tộc đã tiến hành tìm hiểu hệ thống ngữ âm Chơro trên cơ sở mẫu tự La-tinh. Theo đó, một số tài liệu đã được in và phổ biến bằng chữ viết Chơro” (trích bài viết Vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong quan hệ Nhà nước - nhân dân người Chơro ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Khoa học xã hội số 01 (125) - 2009).

Ông Điểu Tám cho biết, cuốn sách được xuất bản năm 1972, nằm trong chương trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển sắc tộc, Viện Chuyên khảo ngữ học của chế độ cũ và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sách dày 64 trang với chữ viết phiên theo phát âm của người Chơro, được ghi lại theo mẫu tự La-tinh, có hình ảnh minh họa kèm với từng bài học.

Từ cuốn sách được tặng, cộng với những gì tìm tòi được, ông Điểu Tám đã sáng tạo ra 26 kiểu chữ cái Chơro (giống như 24 chữ cái tiếng Việt) để tiện cho việc ghép âm, ghép vần và các thanh sắc, huyền, nặng nhằm giúp người đọc dễ phát âm. Trên cơ sở đó, ông bắt đầu dịch nghĩa cuốn sách, dịch chữ viết tiếng Việt thành câu chữ Chơro.

Nhận thấy việc sáng tạo 26 chữ cái, các âm hợp lý với những gì cuốn sách mục sư Điểu Xảo tặng, ông Điểu Tám đem những điều này trao đổi với những người già, người giỏi chữ Chơro. Khi được mọi người khen ngợi, động viên và góp ý, ông Điểu Tám tiếp tục chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh. Đến nay, ông Điểu Tám có thể viết tương đối được chữ Chơro theo cách của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu, từ ông vẫn chưa hiểu, viết ra được thành câu hoàn chỉnh.

Ông Điểu Tám cho biết ông chưa tìm ra chữ Chơro gốc để đối chiếu với bản chữ cái của ông sáng tạo và những người biết chữ Chơro mà ông gặp đều không còn nhớ chính xác cách phát âm, viết chữ Chơro, nên dù đã tìm ra được 26 chữ cái, các âm chữ Chơro, ông Điểu Tám vẫn chưa có cơ sở khoa học cụ thể. Ông chỉ dám đem những điều mình biết, tìm tòi được dạy cho 2 đứa con và trẻ em trong làng.

Ông Điểu Tám mơ ước, giá như ai đó cho ông bản gốc chữ cái Chơro và cách ghép âm để so sánh, đối chiếu thì sớm muộn gì ông cũng tìm ra được chữ viết, tiếng nói chính gốc của tổ tiên đã bị thất lạc nhằm truyền dạy miễn phí lại cho lớp trẻ.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều