Trung đoàn Không quân 935 (thuộc Sư đoàn Không quân 370) là một trong những trung đoàn không quân sở hữu máy bay Su 30 MK2 hiện đại nhất Việt Nam. Để có thể điều khiển thành thục loại máy bay hiện đại này, các phi công trẻ phải thường xuyên trải qua quá trình khổ luyện khắt khe, rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe thông qua các bài tập đều đặn hàng tuần.
Trung đoàn Không quân 935 (thuộc Sư đoàn Không quân 370) là một trong những trung đoàn không quân sở hữu máy bay Su 30 MK2 hiện đại nhất Việt Nam. Để có thể điều khiển thành thục loại máy bay hiện đại này, các phi công trẻ phải thường xuyên trải qua quá trình khổ luyện khắt khe, rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe thông qua các bài tập đều đặn hàng tuần.
Các phi công lên máy bay chuẩn bị xuất phát. |
Trung tá Phạm Văn Sơn (Phó trưởng ban quân huấn, phụ trách huấn luyện thể thao, rèn luyện thể lực phi công) cho hay sức khỏe tốt, thể lực dồi dào là một trong những yếu tố quyết định giúp các phi công hoàn thành nhiệm vụ.
Rèn luyện trên thang quay giúp các phi công có tiền đình tốt, tránh được cảm giác sai. Bởi trong quá trình bay, nhất là bay trên biển, lộn nhào, bay ngửa bụng, khi đó trước mắt phi công là màu xanh của trời và biển, khắc phục được cảm giác sai sẽ phân biệt được đâu là trời, đâu là biển. |
Nội dung rèn luyện thể lực của phi công, bao gồm: thể thao hàng không, chạy và bơi. Riêng thể thao hàng không lại chia ra các loại, như: thang quay, đu quay, vòng quay trụ, vòng lăn…, với mỗi loại dụng cụ các phi công phải đạt được tốc độ 30-40 vòng quay/phút và bắt buộc tập mỗi ngày từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 30. Các dụng cụ này có tác dụng giúp phi công nâng cao tiền đình, khắc phục cảm giác sai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên trời.
Bài tập trên vòng quay trụ được cho là bài tập “khó nhằn” nhất đối với các phi công. Huấn luyện với thang quay kết hợp với vòng quay trụ là các bài tập nhằm rèn luyện tiền đình và sức khỏe dẻo dai cho phi công. |
Trung tá Sơn nhấn mạnh: “Trong các môn thể thao hàng không thì vòng quay trụ và đu quay hàng không là khó nhất, nhưng đem lại lợi ích nhiều nhất cho phi công trong các chuyến bay. Trong quá trình bay, nhất là bay biển, lộn nhào hay bay ngửa bụng, thay đổi độ cao liên tục, khi đó trước mắt phi công là màu xanh của trời và biển, nhờ rèn luyện đều đặn thể thao hàng không, các phi công có tiền đình tốt, khắc phục được cảm giác sai sẽ phân biệt được đâu là trời, đâu là biển, tránh gặp sự cố trên không, nhất là khi bay đêm. Bên cạnh đó, rèn luyện thể thao đều đặn còn giúp phi công nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai để thực hiện các nhiệm vụ bay với cường độ lớn, kéo dài nhiều giờ đồng hồ”.
Tập luyện trên xà kép giúp các cơ bắp phát triển, các khớp vận động linh hoạt. |
Ngoài thể thao hàng không, các phi công còn phải chơi thêm các môn thể thao tự chọn, như: bóng chuyền, bóng rổ, tennis… để tăng cường sự nhanh nhẹn, nhạy bén. Tuy nhiên, bóng đá lại là môn thể thao mà các phi công bị cấm chơi do dễ gặp phải chấn thương, ảnh hưởng đến nhiệm vụ.
Sau các bài tập, các phi công tiếp tục vận động với bóng rổ. “Bóng đá là môn tuyệt đối cấm với các phi công vì môn thể thao này có nhiều khả năng gây chấn thương” - Trung tá Phạm Văn Sơn cho biết. |
Văn Chính - Đăng Tùng