Ngày nay, món ăn chay không còn là món ăn đạm bạc, giản đơn chỉ có tương cà, rau củ... mà đã được nâng cấp thành nghệ thuật "ẩm thực chay".
Ngày nay, món ăn chay không còn là món ăn đạm bạc, giản đơn chỉ có tương cà, rau củ... mà đã được nâng cấp thành nghệ thuật “ẩm thực chay”. Có thể nói, thực đơn món mặn có gì thì các đầu bếp nấu món chay đều có thể chế biến ra món đó, nào là giò chả, tôm rim, mắm nêm, mắm thái cho đến nem nướng, nem tré, thịt heo quay, bò kho... Chỉ có điều, tất cả đều được chế biến từ nguyên liệu có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật.
Một bữa cơm chay ở nhà chùa. |
Với nhiều người Việt Nam, tháng 7 âm lịch có thể được xem là tháng ăn chay. Về mặt tín ngưỡng, tâm linh, tháng 7 là tháng có nhiều hoạt động, như: lễ Vu Lan báo hiếu, cúng xá tội vong nhân… Do vậy, tháng 7 thường có rất nhiều người ăn chay.
“THÁNG CHAY” CỦA NGƯỜI VIỆT
Tùy quan niệm, điều kiện của mỗi người, có người ăn chay vào các ngày mùng 1 và 15 (ngày rằm), có người lại nguyện ăn chay suốt cả tháng 7. Việc ăn chay, mục đích ăn chay đa số xuất phát từ tâm nguyện, như: van vái thi đậu, cầu hết bệnh, tránh khỏi được những điều không may, xui xẻo, tai qua nạn khỏi...
Đã có 40 năm ăn chay trường, cụ Diệu Hoa (70 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) cho biết: “Thuở còn trẻ, tôi mắc bệnh nặng, điều trị qua nhiều bệnh viện. Đêm đêm, tôi thường khấn vái Trời Phật nếu được khỏi bệnh, tôi sẽ ăn chay suốt đời. Sau đó, tôi đã khỏi bệnh. Giữ tròn lời nguyện, tôi “thọ chay” đến giờ đã hơn 40 năm”.
Đúng ngọ (12 giờ trưa) ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, chúng tôi đến chùa Đại Phước (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Lúc này, phía gian hậu điện của chùa đã có hơn 20 bàn ăn được nhà chùa bày sẵn các món chay.
Biết chúng tôi thắc mắc, chị Liên Nhung (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, phật tử của chùa) giải thích gần như là tâm sự: “Ngày mùng 1 và ngày rằm, tôi thường vào chùa làm công quả và cúng dường. Thường thì vào những tháng có rằm lớn, như: tháng giêng, tháng 7 và tháng 10, nhà chùa thường đãi cơm chay cho bá tánh. Hôm nay là mùng 1 tháng 7 nên nhà chùa có đãi cơm chay. Bất cứ ai cũng có thể vào dùng cơm chay miễn phí”.
Thấy chúng tôi nhìn chăm chú các món ăn chay trên các bàn ăn, chị Liên Nhung đưa chúng tôi đến gặp bà Thủy (ngụ phường Thống Nhất), tác giả của các món chay này.
Bà Thủy tỏ ra tự hào cho biết: “Tui gần như là bếp trưởng, chuyên chế biến các món chay làm công quả cho chùa Đại Phước. Tùy theo điều kiện tài chính của nhà chùa, nếu nhiều tiền thì tui nấu các món chay ngon và hấp dẫn, như: món kiểm, nấm đông cô xào chua ngọt, lẩu thập cẩm…, còn không thì làm các món ăn chay đơn giản, đạm bạc. Đã dự cơm chay nhà chùa thì chẳng mấy ai lại chê ngon, chê dở đâu. Người làm công quả thì mong lấy phước, còn người dùng cơm chay thì mong lấy lộc vậy mà…”.
CHAY TỊNH TẠI TÂM…
Có luồng ý kiến cho rằng, đã là món chay tại sao lại chế biến ra các món giống như món mặn. Liệu có phản cảm hay không khi người ăn chay lại ăn món… heo quay, tôm rim, bò kho, mắm nêm, sườn nướng?
Giải thích thắc mắc đó, một chị bán thức ăn chay lâu năm ở chợ Biên Hòa cho biết: “Bây giờ món chay cũng là một nét văn hóa ẩm thực rồi. Nếu kinh doanh món chay mà chỉ nấu các món đơn giản, quen thuộc thì rất khó thu hút khách. “Thực khách chay” giờ kén ăn lắm. Món chay mà không lạ, không cầu kỳ, ngon miệng là… thua ngay! Cho nên, để nâng cấp “nghệ thuật” nấu món chay, chỉ còn cách làm sao cho các món chay hấp dẫn, giống na ná từ hình thức đến tên gọi như các món ăn mặn vậy”.
Quán cơm chay đông thực khách tìm đến. |
Mới sáng sớm mùng 1 tháng 7 mà quán cơm chay Cù Lao (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã rất đông khách.
Trò chuyện với 2 cô gái trẻ đang ăn chay ở bàn ngoài, chúng tôi được một trong 2 cô cho biết: “Tụi em ăn cơm chay không thường xuyên đâu. Quán cơm chay Cù Lao này có chế biến nhiều món chay lạ, giống như những món mặn nên tụi em ăn cho biết. Hơn nữa, nghe nhiều người nói ăn chay có lợi cho sức khỏe, giảm cholesterol, tốt cho hệ tiêu hóa”.
Chuyện vãn với một số phật tử trong khi họ dùng cơm chay ở chùa Đại Phước, vui miệng chúng tôi đặt vấn đề: “Món chay ai cũng dùng được, nhưng người ăn chay lại hạn chế dùng món mặn trong thời gian… thọ chay. Trong khi đó, người ăn mặn lại thoải mái ăn món chay. Như vậy, người ăn mặn có… lợi thế hơn người ăn chay?”.
Nghe chúng tôi “lý sự” như vậy, cụ Chín Tốt (81 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) lý giải: “Ăn chay là do lòng thành, tâm nguyện. Nhờ ăn chay mình sẽ không sát sinh, hại vật, hạn chế làm những điều không hay, không tốt. Nếu so đo cái “lợi thế” như các anh nói thì tốt nhất không nên ăn chay. Hơn nữa, ăn chay thời bây giờ đâu nhất thiết phải tiết thực, ăn uống kham khổ cho hại sức khỏe…”. Nghe cụ Chín Tốt nói, chúng tôi đành vâng lời cụ dùng bữa cơm chay như là cách đồng thuận.
Hiện nay, riêng tại TP.Biên Hòa đã có khá nhiều tiệm cơm chay nổi tiếng, như: Việt Hoa Trai (phường Quyết Thắng), Pháp Lạc (phường Hòa Bình), Lạc Tâm (phường Tân Tiến), Cù Lao (xã Hiệp Hòa)… Các tiệm cơm chay này thu hút khá đông khách, nhất là vào các ngày mùng 1 và rằm. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp người ăn chay lại tỏ ra quá “khó tính”, thậm chí trách móc khi trong bữa ăn chay của họ bị người khác vô ý thọc đũa ăn mặn vào, làm cho món chay của họ bị… “nhiễm mặn”; người kỹ tính có khi còn đổ bỏ cả món chay “nhiễm mặn” đó.
Giải thích vấn đề vô ý “nhiễm mặn” này, nhà sư Thích Th.Đ. cho rằng: “Người ăn chay chớ nên quá cứng nhắc như thế. Phật dạy: “Không biết thì không có tội mà. Ăn chay xuất phát từ tâm nguyện. Chỉ sợ là sợ món chay bị… nhiễm độc trong quá trình chế biến thôi. Dù là ăn chay thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần phải đặt lên hàng đầu”.
Đến ngày mùng 1 hay ngày rằm, anh Hồng Chấn Thi (doanh nhân, ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) thường đến chùa Đại Phước dùng cơm chay. Anh Thi bộc bạch: “Bây giờ, chế biến hay thưởng thức các món chay cho sành điệu có khi tốn kém hơn món mặn. Có nhiều món chay đóng gói, đóng hộp nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc… rất đắt tiền, giá gấp đôi, gấp ba món mặn cùng tên, như: xúc xích, thịt nguội, thịt jambon, pa-tê, gà rán… chay! Trong quan hệ làm ăn, nhiều khi tôi mời đối tác dùng tiệc chay cho lạ miệng, nhưng giá chẳng hề rẻ đâu”. |
Lê Hoàng