Để mời bà bán vải Nguyễn Thị Bích Thu phụ trách công tác phụ nữ ấp, bà Phạm Thị My (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) chỉ một lần đến nhà thuyết phục là thành công.
Để mời bà bán vải Nguyễn Thị Bích Thu phụ trách công tác phụ nữ ấp, bà Phạm Thị My (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) chỉ một lần đến nhà thuyết phục là thành công. Kể từ đó, ngoài cái tên thân thuộc do tiểu thương ngoài chợ gọi là Ba Vải, bà Nguyễn Thị Bích Thu có thêm nhiều tên mới, như: Thu “Phụ Nữ”, Thu “Xóa Mù”, Thu “Dân Số”, Thu “Khuyến Học”, Thu “Trưởng Ấp”...
Trưởng ấp Nguyễn Thị Bích Thu (Ba Vải) hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký tạm trú khi đến ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom làm ăn. |
Ấp 7, xã Sông Trầu nằm heo hút, đường ngang ngõ dọc lầy lội nhưng bà Ba Vải vẫn nhiệt tình đi thăm nắm tình hình, tuyên truyền các chính sách của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc… Bước chân bà đến đâu, bà con người Kinh, Tày, Hoa, Chơro… đều niềm nở mời vào nhà hỏi chuyện.
* Học tiếng dân tộc để làm tốt nhiệm vụ
Hôm trước nhận nhiệm vụ, hôm sau bà Ba Vải đã bắt tay vào việc nắm bắt tâm tư tình cảm của chị em phụ nữ, chiêu nạp hội viên. Sáng bà kẽo kịt gánh vải ra chợ số 9 (ấp 7) trải bạt ngồi bán. Từ trưa đến chiều (tối), bà say sưa lo công tác phụ nữ ấp. Nhờ có học vấn, cách ăn nói dịu dàng nửa Huế, nửa Nam bộ (bà Ba Vải sinh ở Huế, sống và lập gia đình tại tỉnh Tiền Giang), bà Ba Vải đã sớm chinh phục chị em các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng, Chơro…
Thời điểm năm 1995, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân cư ấp 7. Toàn ấp có 11 thành phần dân tộc sinh sống theo cộng đồng hoặc xen kẽ nhau. Do kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, trở ngại về giao thông, việc ăn học, cũng như nếp sống văn minh, kế hoạch hóa gia đình… với đồng bào Hoa, Tày, Nùng, Chơro… ở ấp 7 còn thua kém so với dân các ấp khác trong xã. Nắm được những mặt hạn chế của chị em phụ nữ trong ấp 7, bà Ba Vải cứ “miệng nói, tay làm, chân đi”.
Nhà nào đông con nhưng vẫn còn trong độ tuổi sinh đẻ thì bà vận động kế hoạch hóa gia đình. Người chồng ngại dùng bao cao su tránh thai thì bà đưa người vợ đi đặt vòng, dùng thuốc ngừa thai hoặc triệt sản. Chị em trong ấp cần vốn làm ăn, bà đề xuất địa phương xem xét cho họ vay các nguồn vốn ngân hàng, dự án, tiết kiệm từ các tổ phụ nữ…
Bà Ba Vải kể, để dễ tiếp cận mà tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, bà phải tự học tiếng nói, tìm hiểu phong tục tập quán của họ. Dù không học hiểu hết tiếng nói, tập tục của 11 đồng bào dân tộc thiểu số trong ấp, bà vẫn được chị em phụ nữ: Hoa, Tày, Nùng, Chơro… quý mến, bày tỏ hết chuyện nhà, chuyện xã hội mỗi khi bà đến thăm nhà.
Thấy phụ nữ trong ấp khi ký tên vào các loại giấy tờ bằng cách đánh dấu cộng hoặc lăn ngón tay, bà Ba Vải mạnh dạn đề xuất với Ban điều hành ấp, Chi bộ ấp 7 và xã Sông Trầu cho bà mở lớp xóa mù chữ cho những người chưa biết chữ.
Được ấp, xã đồng thuận, lớp xóa mù chữ do Chi hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ ấp Ba Vải làm giáo viên đã ra đời. Mới đầu, lớp học chỉ có vài học viên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Sau đó, sĩ số lớp học tăng lên vài chục người.
Ngoài lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi, bà cùng với Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nguyễn Văn Phu (giáo viên về hưu) mở thêm các lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em trong ấp không có điều kiện đến trường.
* Tâm huyết và trách nhiệm
Sáng bà Ba Vải gánh hàng ra chợ số 9 bày bán. Trưa về đến nhà, bà ăn vội chén cơm chồng con nấu rồi xuống cơ sở tuyên truyền, vận động phụ nữ vào Hội, thực hiện tốt các phong trào: giúp nhau làm kinh tế, tiết kiệm, sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng đời sống mới… do Hội Phụ nữ ấp, xã phát động. 17 giờ, bà quay sang đứng lớp dạy phổ cập, xóa mù chữ đến 19 giờ. Công việc cứ liên tục như vậy từ năm 1995-2008.
Bà Ba Vải cho biết, trong năm 2008 khi công tác xóa mù chữ và phổ cập tiểu học tại ấp 7 hoàn thành, bà được chính quyền, MTTQ xã Sông Trầu giao thêm trách nhiệm Trưởng ban công tác Mặt trận ấp. Thêm nhiệm vụ mới là thêm trách nhiệm, bà vẫn sáng bán vải, còn trưa, chiều, tối lo việc ấp.
Xuống cơ sở, nghe mọi người phản ánh việc đường sá đi lại khó khăn, bà Ba Vải về nằm suy nghĩ: “Dân ấp 7 còn nghèo, lấy tiền đâu để mua đá, đất, xi măng… làm đường. Không tiền, chẳng lẽ đứng nhìn hoặc bỏ ngoài tai điều bà con bức xúc?”.
Nghĩ một mình không xong, bà bàn với Ban điều hành và Chi bộ ấp để tìm ra câu trả lời. Dân ấp 7 không có tiền mua vật liệu thì mỗi nhà góp ít đá, đất, công lao động, phương tiện (xe máy cày) để tu sửa đường. Đường nào hư nhiều thì huy động tổng lực của ấp, xin kinh phí xã hỗ trợ, bỏ nhiều công, đổ nhiều đá, làm rãnh thoát nước 2 bên đường. Đường hư ít thì tự thân dân cư trong tổ, xóm đó đứng ra sửa chữa.
Bà Ba Vải (đứng) thật sự là thủ lĩnh của cán bộ, đảng viên ấp 7, xã Sông Trầu. |
Lo xong chuyện đường làng, ngõ xóm cứng hóa, xóa lầy lội, gồ ghề, bà Ba Vải có nhiều thời gian hơn để cùng Ban điều hành, Chi bộ ấp và các đoàn thể… tập trung lo xóa nhà dột; lo chuyện khuyến học; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; xây dựng đời sống văn hóa mới.
Hơn 20 năm tham gia công tác ấp, bà Ba Vải liên tục được xã, huyện, tỉnh, Trung ương tặng giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương về công tác phụ nữ, dân số, dân vận, đại đoàn kết… Tấm gương của bà luôn là đề tài để cho cán bộ, đảng viên, giáo viên trên địa bàn xã xây dựng câu chuyện về tấm gương “học tập, làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh” để đem dự thi ở xã, huyện. “Giấy khen, bằng khen xã, huyện, tỉnh, Trung ương tặng cho tôi, nhưng công lao là của tập thể. Vì vậy, giấy khen, bằng khen xã, huyện, tỉnh, Trung ương tặng thì tôi giữ, còn tiền thưởng tôi đem đãi đồng nghiệp, cộng sự” - bà Ba Vải thổ lộ. |
Để hoàn thành một lúc nhiều việc, bà Ba Vải buộc phải đi nhiều, gặp nhiều, vận động nhiều nơi mới có tiền để làm. Thấy bà có tâm huyết, nhiệt tình với việc ấp, việc dân, chi bộ, đảng viên trong ấp gợi ý giới thiệu bà vào Đảng. Bà Ba Vải chân thành trả lời rằng, được đứng vào hàng ngũ của Đảng là điều vinh dự với bà, nhưng bà đã trên 50 tuổi, được làm quần chúng tốt và được chi bộ, đảng viên và người dân tin yêu vậy là bà mãn nguyện rồi.
Tuy không phải là đảng viên, nhưng lối sống, tư tưởng, phong cách làm việc của bà Ba Vải chẳng khác gì đảng viên. Với gia đình, bà được tiếng là vợ hiền, mẹ giỏi. Trong công tác xã hội, bà lúc nào cũng gương mẫu, đầu tàu và luôn hòa nhã, gần gũi với người dân trong ấp. Vì vậy, khi bà ứng cử chức trưởng ấp, đại biểu HĐND xã thì người dân đã bỏ phiếu tín nhiệm.
Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu Nguyễn Phú Hữu bày tỏ, không phải là đảng viên nên việc bà Ba Vải nhiệt tình, trách nhiệm với công tác ấp từ năm 1995 đến nay là xuất phát từ tấm lòng, niềm đam mê cống hiến. “Đảng viên bị ràng buộc bởi trách nhiệm, sự phân công của tổ chức mà làm. Còn quần chúng như bà Ba Vải, nếu không có đam mê, tâm huyết thì khó gắn bó, thực hiện xuất sắc công việc “vác tù và hàng tổng” - ông Hữu nói.
Đoàn Phú