Báo Đồng Nai điện tử
En

Trưởng thành cùng Chiến dịch Mùa hè xanh

11:08, 03/08/2016

Mỗi năm đến hè, các sinh viên Trường đại học Đồng Nai lại hăng hái tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh tại các địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Mỗi năm đến hè, các sinh viên Trường đại học Đồng Nai lại hăng hái tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh tại các địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh. Năm nay, Trường đại học Đồng Nai có 70 sinh viên tình nguyện tham gia lao động giúp dân tại 2 xã: Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) và Phú Hòa (huyện Định Quán). Đây là khoảng thời gian bổ ích để các sinh viên giao lưu, học hỏi được nhiều kiến thức từ cuộc sống, giúp ích cho công việc sau khi ra trường.

Sinh viên tình nguyện của Trường đại học Đồng Nai đến thăm gia đình có công với cách mạng.
Sinh viên tình nguyện của Trường đại học Đồng Nai đến thăm gia đình có công với cách mạng.

Cuối tháng 7 trời hay đổ mưa, nắng vừa lên chưa kịp khô những cành lá đẫm sương đêm đã nhanh chóng phải “nhường chỗ” cho cơn mưa tầm tã.

* Mùa hè xa nhà

Đứng bên hành lang Trường tiểu học Lê Lai (xã Xuân Thọ), sinh viên năm thứ 2 Đinh Xuân Hảo, Đội phó Đội sinh viên tình nguyện đóng ở huyện Xuân Lộc, chép miệng: “Mấy ngày gần đây mưa liên tục nên lịch lao động của tụi tôi hay bị thay đổi. May là vừa kịp sơn xong trường mầm non của xã được vài ngày, nên khi trời mưa nước sơn không bị trôi. Hơn 10 ngày tham gia phụ bà con lao động, tụi tôi làm được nhiều thứ lắm, chủ yếu là các việc: dọn cỏ, thông cống và mương thoát nước, sơn lại một số công trình công cộng… Do nhiều việc nên một số bạn nhà ở huyện Xuân Lộc cũng không có thời gian ghé thăm nhà. Từ sáng đến lúc đi ngủ tụi tôi được phân công lịch cụ thể để mỗi người có thể tập trung làm tốt nhiệm vụ”.

Với nhiều sinh viên năm nhất tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh, đây là lần đầu họ trải qua cuộc sống ở nơi vùng sâu, vùng xa và phải học cách thích nghi với môi trường mới, từ việc đi chợ, nấu ăn đến giờ giấc sinh hoạt đều khác với ngày thường.

Trong Chiến dịch Mùa hè xanh năm 2016, Trường đại học Đồng Nai có 70 sinh viên tham gia lao động giúp dân và 20 sinh viên tham gia tuyên truyền kiến thức pháp luật, an toàn giao thông… Nhà trường còn trao tặng 2 công trình thanh niên với tổng giá trị 30 triệu đồng, gồm các khoản kinh phí: xây nhà tình bạn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), thắp sáng ngõ hẻm cho xã Phú Hòa (huyện Định Quán) và trao 3 suất học bổng cho 3 học sinh nghèo hiếu học của xã Phú Hòa.

Tại xã Xuân Thọ, các sinh viên tình nguyện phải tự kê gạch làm bếp củi để nấu nướng, ăn cơm tập trung. Mỗi ngày 3 bữa, gần 30 sinh viên phải luân phiên nhau đi chợ, nấu ăn. Một số bạn nói vui rằng, nếu ai ăn uống kén chọn chỉ cần tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh vài ngày là hết kén ăn, vì lao động cả ngày rất mệt nên bắt buộc phải ăn để đảm bảo sức khỏe.

Còn tại xã Phú Hòa, các sinh viên tình nguyện của Trường đại học Đồng Nai được sắp xếp sinh hoạt tập trung ở Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, sinh viên được người dân cho mượn bếp gas nấu ăn nên việc bếp núc hàng ngày có tiện lợi hơn. Mỗi sinh viên tình nguyện trước khi lên đường đều phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho bản thân để không bỡ ngỡ trước điều kiện sinh hoạt tập thể.

Trước thông tin 3 nữ sinh viên tình nguyện bị lũ cuốn trôi ở tỉnh Quảng Ninh hồi đầu tháng 7, việc đảm bảo an toàn cho sinh viên tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh luôn được ban chỉ huy các cấp quan tâm. Các sinh viên trước khi lên đường đã được tập huấn kỹ các nội dung, kỷ luật đề ra phải được tuân thủ nghiêm, nhất là trước tình hình thời tiết bất thường hiện nay.

Từ những sinh viên trước giờ chỉ biết tập trung cho việc học, sau hơn 10 ngày tham gia lao động cùng người dân, 70 sinh viên của Trường đại học Đồng Nai đã quen với việc lao động tay chân như phát cỏ, đào mương.

Sinh viên năm thứ 2 Phạm Văn Đạm (Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện đóng ở Định Quán) cho hay không chỉ lao động tay chân, các sinh viên tình nguyện còn tổ chức thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, người già neo đơn để thấu hiểu cuộc sống người dân địa phương. Ngoài ra, sinh viên còn kết nối với các sinh viên tình nguyện từ các trường ở TP.Hồ Chí Minh về tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh ở huyện Định Quán, từ đó trao đổi thông tin, tăng mối quan hệ và học hỏi từ bạn bè đồng trang lứa.

“Lao động cùng người dân không phải là câu nói suông, mà tất cả đều được thực hiện theo kế hoạch. Hôm nay phát cỏ chỗ nào, ngày mai trồng cây ở đâu, tới thăm ai, giao lưu với Đoàn thanh niên địa phương thế nào…, tất cả đều được sắp xếp. Do có kinh nghiệm tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh nên tôi thường xuyên quan sát, đảm bảo đội hình tập trung đủ, không ai được tự ý tách riêng, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra” - sinh viên Phạm Văn Đạm nói. 

* Trưởng thành từng ngày

Mỗi buổi sáng, từ khi mặt trời chưa ló rạng, một tốp sinh viên đã đi chợ để chuẩn bị thức ăn cho cả ngày. Từ việc lao động tay chân đến những việc trước đây chưa từng làm, như: nhặt củi, nhóm bếp…, tất cả đều được các sinh viên làm thuần thục chỉ trong 10 ngày tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh.

Sinh viên tình nguyện tham gia lao động cùng người dân.
Sinh viên tình nguyện tham gia lao động cùng người dân.

Sinh viên năm thứ nhất Nguyễn Tuyết Anh tâm sự, nhà ở huyện Long Thành, nhưng khi hè đến Tuyết Anh lại tình nguyện tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh với mong muốn trải nghiệm một mùa hè sôi nổi, bổ ích. “Sống xa nhà với những người lạ không phải là điều dễ dàng. Nhờ thường xuyên làm việc chung nên dù là những sinh viên khác lớp, khác ngành, chỉ vài ngày sau chúng tôi đều quen biết nhau hết. Tuy nhiên, quá trình sinh hoạt tập trung cũng nảy sinh nhiều vấn đề, nên cần có sự hướng dẫn, động viên từ các anh chị đi trước. Nhưng cũng nhờ đó mà chúng tôi ngày càng trưởng thành hơn và có cái nhìn sâu sát về đời sống người dân vùng nông thôn” - Tuyết Anh tâm sự.

Giống với Tuyết Anh, Trương Thị Thúy Hằng (sinh viên năm thứ 2, nhà ở TP.Biên Hòa) chọn việc tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh ở Xuân Lộc để trải nghiệm cảm giác sống, lao động tại miền quê.

Hằng cho hay, từ nhỏ đến lớn chỉ tập trung vào việc học, nên khi lên đại học Hằng đã tham gia công tác Đoàn nhiều hơn để có thể tự tin, mạnh dạn khi làm việc với những người lạ. Hơn 10 ngày tham gia lao động tại xã Xuân Thọ, Hằng đã hiểu cảm giác sống xa gia đình và trân trọng hơn những gì được người nông dân vất vả làm ra.

“Lúc tôi báo tin sẽ tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh, cha mẹ tôi lúc đầu cũng e ngại, sợ ảnh hưởng đến việc học. Do tôi năn nỉ quá nên cha mẹ đồng ý, nhưng với điều kiện phải giữ gìn sức khỏe, chăm sóc tốt bản thân. Tuổi trẻ còn nhiều thời gian nên tôi muốn cống hiến hết mình. Tuổi trẻ không chỉ có việc học tập để lo cho tương lai, mà còn phải biết quan tâm đến những vấn đề xã hội khác…”  - Hằng bộc bạch.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều