Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối đầu với "giặc" lửa

10:09, 18/09/2016

Theo lẽ thường, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, mọi người sẽ tìm cách chạy xa. Còn với những người lính chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh luôn tìm cách tiếp cận đám cháy nhanh nhất, gần nhất rồi dùng mọi phương tiện để khống chế "bà hỏa".

Theo lẽ thường, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, mọi người sẽ tìm cách chạy xa. Còn với những người lính chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh luôn tìm cách tiếp cận đám cháy nhanh nhất, gần nhất rồi dùng mọi phương tiện để khống chế “bà hỏa”.

Xe chữa cháy mini được trang bị để có thể luồn lách vào các con hẻm nhỏ.
Xe chữa cháy mini được trang bị để có thể luồn lách vào các con hẻm nhỏ.

* Còi hú là xuất phát

Là một trong những lái xe có thâm niên của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp Đồng Nai, Trung úy Đỗ Xuân Khanh (lái xe chữa cháy Phòng Cảnh sát PCCC số 1) cho hay lái xe chữa cháy ngoài kỹ thuật lái xe thông thường còn phải biết các thao tác kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp lính cứu hỏa. Để sử dụng thuần thục các loại xe, phương tiện hiện đại, đội ngũ lái xe của đơn vị phải được tập huấn liên tục dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, các kỹ sư của nhà sản xuất xe chữa cháy.

Thượng úy Nguyễn Văn Thể, Đội trưởng Đội Chữa cháy chuyên nghiệp Phòng Cảnh sát PCCC số 1, cho biết: “Do đặc thù của công việc nên tất cả cán bộ, chiến sĩ và đội chữa cháy đều phải trực 100% quân số dù ngày lễ hay ngày thường, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng. Khi có tiếng chuông reng báo cháy, chúng tôi phải đến hiện trường một cách nhanh nhất để kịp thời triển khai nhiệm vụ, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra”.

“Bên trong xe chữa cháy, xe đặc chủng có nhiều màn hình điện tử, đồng hồ, các phím điều khiển... và điều khiển thuần thục loại phương tiện này không phải là dễ dàng. Gần 20 năm trước, khi Sở Cảnh sát PCCC tỉnh chưa thành lập, xe chữa cháy còn thô sơ, nhiệm vụ của tài xế tương đối nhẹ nhàng, chỉ việc đưa người, phương tiện tới đám cháy. Còn hiện nay, khi công nghệ phát triển, phương tiện trang bị đầy đủ hơn, tài xế lái xe cứu hỏa đòi hỏi phải học hỏi không ngừng, thực hành liên tục” - Trung úy Khanh kể.

Thông thường khi nhận được tin báo cháy, nhiệm vụ của chỉ huy đội là xác minh vụ cháy cụ thể ở điểm nào, chất cháy là gì, có người bị mắc kẹt hay không, rồi huy động lực lượng, phương tiện xuất phát. Tất cả những việc đó chỉ hoàn thành trong vòng 2 phút. Không chỉ phụ trách chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại địa phương phụ trách, khi nhận được sự điều động, lực lượng chữa cháy của Đồng Nai cũng có thể tiếp ứng các tỉnh bạn, như lần hỗ trợ Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương chữa cháy suốt đêm tại công ty sản xuất mực in ở TX.Thuận An.

Thượng úy Nguyễn Văn Thể, Đội trưởng Đội Chữa cháy chuyên nghiệp Phòng Cảnh sát PCCC số 1, tiết lộ: “Cứu hỏa là nghề mà khi mọi người chạy ra thì chúng tôi lại chạy vào cứu cái còn trong cái mất, điều đó cho thấy sự nguy hiểm của nghề cứu hỏa. Một khi đã là cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC thì chuyện đối mặt với những hiểm nguy rình rập trong đám cháy, với những giấc ngủ không yên, mặt mũi đầy khói bụi là điều hiển nhiên, thậm chí cả hy sinh khi đang làm nhiệm vụ”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng chữa cháy được trang bị rất nhiều phương tiện hiện đại, như: xe chữa cháy công nghệ 1.7 tiên tiến nhất hiện nay, có thể chữa cháy rất nhiều loại chất cháy; xe chữa cháy mini có thể len lỏi vào những hẻm nhỏ chỉ 1m; hoặc xe thang, bình dưỡng khí, áo chống cháy… và dĩ nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là con người. Do đó, đơn vị liên tục tổ chức diễn tập, thực hành phương án chữa cháy tại mọi địa hình để khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ vừa có thể dập lửa nhanh nhất vừa đảm bảo an toàn cho từng người lính.

* Chuyện kể phía sau làn khói mù

Theo các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC tỉnh, nguyên nhân dẫn đến chết người khi xảy ra cháy không phải do lửa thiêu mà thường là do ngạt khói. Khói bên trong đám cháy nhanh chóng lan vào mọi ngóc ngách khiến người bị mắc kẹt dễ hoảng loạn, chưa kể thành phần gây cháy có thể sinh ra khí độc làm người mắc kẹt ngất xỉu. Do đó, khi dập lửa hay tiến vào đám cháy cứu người, lực lượng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phải luôn tự tin và đem theo đủ trang phục bảo hộ.

Chiến sĩ chữa cháy luyện tập chữa cháy tại nhà cao tầng.
Chiến sĩ chữa cháy luyện tập chữa cháy tại nhà cao tầng.

Trung sĩ Nguyễn Đức Hiếu (Đội Chữa cháy chuyện nghiệp của Phòng Cảnh sát PCCC số 1) nhớ lại lần đầu tiên làm nhiệm vụ chữa cháy: “Nhận được tin báo cháy ở xưởng gỗ gần cầu Săn Máu, dù không nằm trong danh sách làm nhiệm vụ nhưng tôi vẫn xin đi theo hỗ trợ. Đến nơi, chúng tôi thấy sức ép từ ngọn lửa rất lớn khiến người dân hoảng loạn. Được phân công từ trước, vừa xuống xe chúng tôi chia nhau ra trinh sát đám cháy, trinh sát nguồn nước… Phải đến sáng hôm sau ngọn lửa mới được khống chế, còn cá nhân tôi thấy được sự vất vả và áp lực của lính cứu hỏa. Sau mỗi lần chữa cháy, tôi lại rút thêm kinh nghiệm, loại bỏ những thao tác thừa để linh hoạt hơn trong lúc làm nhiệm vụ”.

Lao vào đám cháy, lao vào khói mù, người lính cứu hỏa còn phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập, như: sập nhà, đổ kèo, ngạt khói, bỏng…, mọi thứ đều có thể ập đến bất kỳ lúc nào.

Như Trung sĩ Nguyễn Đức Hiếu trong một lần chữa cháy nhà cao tầng suýt bị cột nhà đổ đè vào người. Anh cho biết, những tai nạn kiểu như: bỏng nhẹ, vữa rơi vào người… thì lính cứu hỏa nào cũng đã gặp qua; riêng các tai nạn như bỏng nặng thì vài năm trở lại đây may mắn không ai gặp phải. “Lúc thấy cháy, chúng tôi mải lo dập lửa, cứu người chứ không chú ý gì. Khi biết bên trong còn có người mắc kẹt chúng tôi ai nấy đều sốt ruột, muốn vào cứu ngay” - Trung sĩ Hiếu tâm sự.

Lính cứu hỏa ngoài nghiệp vụ chuyên môn cùng với tinh thần dũng cảm, không ngại khó, không ngại khổ, còn cần có tâm và đạo đức, yêu ngành mến nghề để xông pha trên mặt trận chống “giặc” lửa, cứu người và tài sản cho dân. Có lẽ, niềm hạnh phúc của người lính cứu hỏa là khi kịp thời dập tắt đám cháy cứu được người, bảo toàn được tài sản, dù vất vả và đôi khi có cả sự hy sinh.

Với kinh nghiệm trên 20 năm đối đầu với “giặc lửa”, Trung tá Nguyễn Ngọc Thạch, Phó đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp (Phòng Cảnh sát PCCC số 1) nhớ mãi lần chữa cháy ở một cây xăng hơn 10 năm trước. Khi đó, nhận được tin báo cháy, Đội Chữa cháy trung tâm (khi đó còn thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh) xuất xe và cử cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Trong lúc hăng hái lao vào ngọn lửa, một cán bộ chữa cháy bị xăng dầu đang cháy bắn trúng vào người. Dù được đồng đội dùng nước làm mát ngay lúc đó, nhưng về đến đơn vị kiểm tra thì phần da tiếp xúc hóa chất của anh đã bị bỏng nặng.

“Lính cứu hỏa là vậy, rất xót xa khi thấy ngọn lửa còn chưa được khống chế. Sau này, với các quy tắc chữa cháy rõ ràng, phương tiện hiện đại thì các tai nạn như thế hiếm khi xảy ra nữa. Nhưng phương tiện chỉ là yếu tố phụ, yếu tố quyết định vẫn là tự bản thân mỗi người lính cứu hỏa phải không ngừng rèn luyện cách xử lý tình huống bất ngờ để vừa tự bảo vệ bản thân vừa cứu người, dập lửa an toàn” - Trung tá Thạch nhấn mạnh.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều