Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ chút hồn quê

10:09, 11/09/2016

Giữa cuộc mưu sinh đầy khốc liệt, trong lúc mọi người chọn những nghề có thu nhập cao thì tại một ngôi nhà nhỏ ven đường thuộc ấp An Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom), có một người đàn ông ngày ngày cần mẫn ngồi chẻ từng thanh tre, cọng lạt, vuốt từng sợi cước, sợi tơ...

Giữa cuộc mưu sinh đầy khốc liệt, trong lúc mọi người chọn những nghề có thu nhập cao thì tại một ngôi nhà nhỏ ven đường thuộc ấp An Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom), có một người đàn ông ngày ngày cần mẫn ngồi chẻ từng thanh tre, cọng lạt, vuốt từng sợi cước, sợi tơ... làm những dụng cụ đánh bắt cá, tôm phục vụ khách hàng gần, xa.

Ông Trần Văn Lâm đang bán dụng cụ bắt cá cho khách hàng.
Ông Trần Văn Lâm đang bán dụng cụ bắt cá cho khách hàng.

Thu nhập từ nghề thủ công mang đậm hồn quê tuy ít ỏi, nhưng người thợ Trần Văn Lâm vui vẻ tâm sự: “Tôi làm nghề để giữ lại chút hồn quê, giữ lại nghề truyền thống của cha ông vốn đang bị mai một trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.

Giữ hồn quê ở vùng đất mới

Ông Lâm cho biết, ông làm nghề sản xuất dụng cụ đánh bắt tôm, cá nước ngọt cách đây đã hơn 30 năm. Sản phẩm ông Lâm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó; khách hàng thỏa mãn với những thứ ông làm ra; còn ông có chút ít thu nhập để lo cho con cái học hành.

Ông Lâm cho biết ông sinh ra và lớn lên tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), mảnh đất vốn còn nhiều khốn khó vì hậu quả của chiến tranh. Từ thuở nhỏ, ông Lâm thường cùng bạn bè trong xóm ra đồng úp nôm, thả lưới, đánh bắt những con cá, con tôm vào mùa lũ lụt để góp phần cải thiện bữa ăn cho gia đình. Những lúc lên bờ, xuống ruộng theo dấu con cá, con tôm như thế đã giúp ông Lâm hiểu rất rõ về những dụng cụ phục vụ việc đánh bắt tôm, cá theo truyền thống của cha ông và hình ảnh những cái đụt, cái nôm, cái lờ, cái trúm, cái nhũi, cái vó, tấm lưới... dân dã, mang đậm hồn quê ấy nào ngờ theo ông suốt cả cuộc đời.

Ông Lâm chia sẻ, vào năm 1986, do cuộc sống quá khó khăn nên ông đưa gia đình rời quê hương Quảng Ngãi vào xã Tây Hòa lập nghiệp. Buổi đầu gian khó trong cuộc mưu sinh nơi đất khách, còn chút ít tiền dành dụm được lúc ở quê, ông mang vào xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) mua 5 sào ruộng để trồng tỉa lúa, bắp, khoai lấy lương thực nuôi sống gia đình.

Ông Lâm cho biết, lúc ấy làm lúa, bắp… chỉ đủ cái ăn trong nhà, còn việc học hành cho con cái thì ông không biết xoay xở ở đâu. Trong cảnh túng quẫn đó, sẵn có cái nghề đan thúng, nia từ thời còn ở quê nhà, ông Lâm quyết định làm thử một ít sản phẩm đưa ra thị trường phục vụ bà con nông dân. Những sản phẩm ông Lâm làm ra đạt yêu cầu về chất lượng, sức tiêu thụ cũng khá nên thu nhập từ cái nghề phụ này bước đầu giúp ông trang trải việc học hành cho các con.

Khi kinh tế gia đình bước đầu ổn định, những lúc rảnh rỗi ông Lâm chợt nghĩ miền Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng là nơi có rất nhiều ao, hồ, sông, suối, ruộng đồng bát ngát nên nguồn tôm, cá nước ngọt cũng dồi dào, việc làm ra những sản phẩm phục vụ người dân đánh bắt tôm, cá những lúc nông nhàn là điều rất nên làm.

Sống vững với nghề

Ông Trần Văn Lâm chia sẻ: “Nếu cho tôi một điều ước, tôi chỉ mong tương lai Nhà nước sẽ mạnh tay hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Nếu để môi trường bị ô nhiễm, con cá, con tôm… không sống được thì cái nghề đan lờ, đan lộp của tôi và nhiều người khác cũng sẽ “chết”.

Từ suy nghĩ thực tế đó, không lâu sau ông Lâm hạn chế bớt việc đan nia, thúng và bắt đầu chuyển sang làm những dụng cụ phục vụ cho việc đánh bắt cá, tôm để bán cho những ai có nhu cầu.

Ông Lâm chia sẻ, dụng cụ đánh bắt cá nước ngọt khá đa dạng, làm ra một sản phẩm có khi mất cả ngày nếu là đan lờ, đụt, nôm; thậm chí có khi mất nhiều ngày như đan những tấm lưới bén tùy theo kích thước. Tốn nhiều công sức do phải làm thủ công, nhưng giá thành sản phẩm làm ra bán cho khách khá rẻ, lợi nhuận ông Lâm thu về không nhiều, chủ yếu “lấy công làm lời”, nhưng đã góp phần giữ lấy cái nghề của ông cha không bị mai một.

Theo tiết lộ của ông Lâm, để có thể đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng, bên cạnh việc làm ra những sản phẩm đánh bắt tôm, cá quen thuộc, như: nôm, lờ, đụt, cần câu, ống trúm, lộp... bằng nguyên liệu mây tre, ông còn gia công thêm các mặt hàng, như: lưới dày, lưới đánh bắt cá giống phục vụ cho các trại cá giống; lưới bén giăng trong các sông, suối, ao, hồ và kiêm luôn việc buôn bán mồi câu cá. Khách hàng thường xuyên của ông là các chủ trại cá giống trong tỉnh; bà con nông dân, những người có thú đam mê đánh bắt cá đồng và một số tiểu thương trong các chợ. Tùy theo mùa mưa hay nắng, sản phẩm ông làm ra cung cấp cho thị trường lúc ít, lúc nhiều, nhưng lợi nhuận thu về từ nghề này giúp cho vợ chồng ông Lâm lần lượt nuôi 4 người con học đại học và đã thành đạt.

Ở tuổi 65, sức khỏe của ông Lâm không còn tốt như xưa, chứng bệnh đau nhức xương khớp do ngồi lâu cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc đan dụng cụ đánh bắt tôm, cá. Nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc, mà trái lại ông vẫn ngày ngày cần mẫn đi thu mua những cây tre đem về cưa, cắt, chẻ, chuốt thành những thanh hom để làm ra những sản phẩm đánh bắt tôm, cá quen thuộc cung cấp cho khách hàng. Những lúc “đuối” quá, lại bị khách hàng hối thúc, ông còn huy động vợ là bà Võ Thị Năm phụ giúp mình đan lưới, vào phao, kẹp chì để kịp thời gian giao sản phẩm cho khách.

Theo ông Lâm, làm công việc này có mệt nhưng ông thấy vui vì đã làm được cái nghề mình yêu thích từ nhỏ.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều