Nói đến Ấn Độ là nói đến những điều nghịch lý tồn tại song song cùng nhau, trong đó nghịch lý lớn nhất là sự phân biệt giai cấp và khoảng cách giàu nghèo. Và một trong những đô thị tiêu biểu cho những nghịch lý, mâu thuẫn ấy là TP.Mumbai.
Nghịch lý: một khu ổ chuột nằm ngay bên cạnh những tòa nhà cao tầng tráng lệ ở Mumbai. |
Nói đến Ấn Độ là nói đến những điều nghịch lý tồn tại song song cùng nhau, trong đó nghịch lý lớn nhất là sự phân biệt giai cấp và khoảng cách giàu nghèo. Và một trong những đô thị tiêu biểu cho những nghịch lý, mâu thuẫn ấy là TP.Mumbai.
“Nhà” ở khu ổ chuột chỉ là những túp lều tạm bợ che bằng ny-lông. |
Mumbai (tên gọi trước đây là Bombay) là thành phố đông dân nhất của Ấn Độ, đứng hàng thứ 6 trên thế giới với mật độ dân số bình quân khoảng trên 22 ngàn người/km2. Tuy nhiên, “bình quân 2 người/con gà không có nghĩa là mỗi người nửa con”, ở Mumbai có tòa lâu đài Antilia của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani được xây dựng trên diện tích khoảng 400 ngàn m2 với 27 tầng lầu nhưng chỉ để phục vụ 5 vị chủ nhân là vợ chồng và 3 người con của vị tỷ phú. Ngược lại, Mumbai cũng có khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ là Dharavi, với khoảng 1 triệu người sống trên diện tích 2,6 km2. Và Mumbai không chỉ có duy nhất khu ổ chuột Dharavi. Đi đến đâu ở Mumbai cũng có thể thấy khu ổ chuột, chỉ là quy mô lớn hay nhỏ mà thôi.
Khu ổ chuột ngay trên dòng “kênh thối”. |
Người dân sống ở các khu ổ chuột là những người nghèo, lao động phổ thông, lao động thời vụ, trong đó có khá nhiều người làm nghề nhặt rác. Họ di cư từ vùng quê nghèo đến để tìm kiếm cơ hội làm việc tại Mumbai. Với thu nhập rất ít ỏi, chỉ đủ sống đã là may mắn, họ không đủ tiền để thuê nhà nên chấp nhận chui rúc trong những túp lều tạm bợ che bằng tôn, giấy bìa, ny-lông, không có nhà vệ sinh, thậm chí không có cả điện, nước, xung quanh tràn ngập rác…
Sáng sớm, rất nhiều người ở khu ổ chuột đến “chợ lao động” tìm việc làm. |
Năm 2008, khi bộ phim Triệu phú khu ổ chuột của 2 đạo diễn Danny Boyle và Loveleen Tandan ra đời, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến đời sống rất thật của khu ổ chuột Dharavi trên màn ảnh. Phim giành được 8 giải Oscar năm 2009, 4 giải Quả cầu vàng và 7 giải BAFTA. Nhưng rồi từ đó đến nay, những khu ổ chuột ấy vẫn tiếp tục tồn tại…, không hề thay đổi.
Nghề nhặt phế liệu được nhiều người ở khu ổ chuột chọn lựa. |
Trẻ con ở khu ổ chuột vô tư chơi đùa bên những đống rác. |
Hà Lam