Với người dân ấp 5, xã La Ngà (huyện Định Quán), Trưởng ấp Lê Văn Lưu là người có trách nhiệm với công việc, sẵn sàng gác lại việc nhà để lo việc chung.
Với người dân ấp 5, xã La Ngà (huyện Định Quán), Trưởng ấp Lê Văn Lưu là người có trách nhiệm với công việc, sẵn sàng gác lại việc nhà để lo việc chung. Bởi vậy, qua 8 lần bầu cử trưởng ấp, ông Lưu đều nhận được 100% phiếu tín nhiệm từ người dân.
Trưởng ấp Lê Văn Lưu (phải) được dân quý, dân tin và chính quyền đánh giá cao. |
* Làm bạn với dân
Ấp 5, xã La Ngà vốn là vùng đất mới của dân di cư tự do từ các tỉnh và Việt kiều Campuchia tụ hội về đây. Vì di cư tự do nên người dân ít quan tâm đến chuyện chính quyền, hộ khẩu, khai sinh, học hành. Năm 1995, ông Lưu được bầu làm trưởng ấp. Việc đầu tiên ông tạo ấn tượng với dân là lập khu nghĩa trang để có nơi chôn cất người xấu số nơi vùng đất mới.
“Khi sống không nhà, không người thân thích, chẳng lẽ đến khi chết họ cứ mãi cô đơn. Vì vậy, tôi đề xuất với UBND xã xin quy hoạch 4 sào đất công làm nơi an nghỉ cho người xa quê khi qua đời. Người chết thiếu áo quan, tôi vận động mọi người góp ván, góp công giúp họ” - ông Lưu tâm sự.
Dân nhập cư thiếu giấy tờ tùy thân nên nhút nhát, sợ sệt ngày mới đến. Ông Lưu tìm đến tận chòi rẫy họ ở vận động họ đăng ký tạm trú, nhập khẩu để làm công dân ấp 5. Khổ nhất là con em Việt kiều Campuchia, dân di cư tự do từ miền Trung, miền Bắc không có giấy tờ lận lưng dẫn đến thất học, không tiếp tục học THCS, THPT, ông Lưu phải kiến nghị UBND xã can thiệp làm giấy khai sinh cho trẻ trước, cha mẹ đăng ký hộ khẩu sau. Có em đậu đại học, giấy khai sinh và hộ khẩu không trùng khớp, ông Lưu cùng gia đình chạy đôn chạy đáo lên huyện, tỉnh xin cải chính hộ tịch.
Bao năm làm trưởng ấp, ông Lê Văn Lưu ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. |
Sốt rét rừng vẫn còn ở các vườn rẫy hành hạ sức khỏe dân nhập cư, Trưởng ấp Lưu kết hợp với y tế xã tuyên truyền diệt lăng quăng, ăn uống vệ sinh, uống thuốc kháng sinh khi đi rừng nhiều ngày. Dân nhập cư sinh đẻ nhanh hơn số đất được khai hoang và số tiền dành dụm, ông lại xông xáo tuyên truyền mọi người sinh đẻ có kế hoạch, đặt vòng, triệt sản. Rồi vợ chồng, hàng xóm cãi nhau vì quá chén, ông biết chuyện chạy đến khuyên can…
Cái tiệm tạp hóa nhỏ vợ chồng gây dựng, người dân nghèo đến mua hàng thiếu ông vẫn bán. Việt kiều Campuchia cần chiếc xuồng nhỏ, hay tay lưới đánh cá mà không có tiền mua, ông bàn với vợ cho họ mượn vốn với lãi suất nhẹ để họ sắm dụng cụ hành nghề. Người mới di cư về ấp 5 than phiền không ai thuê mướn làm việc nên thất nghiệp, ông lại tìm đến các chủ rẫy gửi gắm, xin việc làm cho họ.
“Dân ấp 5 lúc đó nghèo lắm, chỗ ở tạm bợ, nhưng được cái bà con sống rất tình cảm. Vì hiểu hoàn cảnh của họ nên tui thấy họ cần gì, thiếu gì thì giúp thứ đó. Vì vậy, gặp chuyện gì bất trắc trong cuộc sống, hay trong sinh hoạt gia đình, bà con chẳng cần biết điều mình cần có thuộc thẩm quyền của trưởng ấp hay không mà cứ hồn nhiên tìm tôi nhờ vả. Đôi lúc tôi cũng nhức đầu, can thiệp quá đà vì chuyện của bà con nhờ vượt thẩm quyền của mình” - ông Lưu bộc bạch.
* “Ấp” hoài không “nở”
Phó chủ tịch UBND xã La Ngà Cao Văn Toan cho hay dù điều kiện kinh tế - xã hội ấp 5 không bằng các ấp khác trong xã, nhưng với sự nỗ lực lo cho dân của Trưởng ấp Lê Văn Lưu, ấp 5 dần đuổi kịp các ấp có điều kiện hơn. Riêng tình cảm người dân dành cho Trưởng ấp Lưu, các trưởng ấp khác phải học tập ở ông. |
Mải mê lo chuyện ấp, ông Lưu quên mất chuyện bản thân ông cũng là dân miền Trung (Thừa Thiên - Huế) di cư về ấp 5 tìm cơ hội đổi đời mà đất đai lập vườn không có. Khi ông Lưu giật mình nhận ra điều đó thì các con ông đã khôn lớn, đi làm ăn xa, để lại cho ông khoảng trống trách nhiệm gia đình phải lo toan. Vì vậy, năm 2002 ông xin thôi làm trưởng ấp để có thời gian lo cho gia đình. UBND xã không đồng ý, dân không đồng tình, nhưng ý ông đã quyết thì không ai nỡ cản ngăn. Trong 5 năm (2002-2007) không làm trưởng ấp, ông Lưu mới làm lụng, dành dụm mua được 1,7 hécta đất để trồng xoài, dù ông vào địa phương lập nghiệp từ năm 1979, khi đất đai còn bạt ngàn, khai khẩn bao nhiêu cũng có.
Năm 2007, ông Lưu nhận lời trở lại làm trưởng ấp, bao nhiêu câu chuyện, điều bà con gửi gắm cứ vậy dồn dập lên vai ông.
“Từ việc đường hư, dân cần vốn vay để mua ghe, sắm lưới, đầu tư cây trồng... đến chuyện gấp rút lo hộ khẩu, giấy tờ cho Việt kiều Campuchia khi tỉnh, huyện có chủ trương... đều là những điều bức thiết của người dân trong ấp. Lúc đó, tôi ân hận, tự trách mình lúc trước xin nghỉ làm nên nay phải làm bù” - ông Lưu bày tỏ.
Năm 2007, ông Lưu làm “tân” trưởng ấp với 100% phiếu tín nhiệm. Cũng trong năm đó, ấp 5 đón nhận danh hiệu ấp văn hóa. Các vấn đề về hộ khẩu, khai sinh, vốn vay, nhà tình thương, đường giao thông, điện thắp sáng… nhanh chóng được ông cùng ban điều hành ấp mới và chi bộ, chi hội, đoàn thể đoàn kết, chung tay tháo gỡ. Cũng bắt đầu từ năm đó, cây xoài ở ấp 5 trúng mùa, người dân thêm hả hê chung tay cùng ông Lưu đẩy mạnh các chương trình xây dựng ấp văn hóa.
Từ một ấp thiếu trường lớp, con em thất học, nay ấp 5 đã có các điểm trường chính mầm non, tiểu học, trên 300 con em học đại học, cao đẳng; điện thắp sáng đảm bảo gần 100%; hộ nghèo chỉ còn 26 hộ; đường làng, ngõ xóm được bê tông và cứng hóa. Ngoài nghề cá và làm rẫy, người dân ấp 5 giờ tự tin đi làm công nhân, mở tiệm buôn bán. Riêng Trưởng ấp Lưu vẫn trẻ mãi không già so với tuổi 67, vẫn nhiệt tình gánh vác việc ấp và tình cảm với dân ấp 5 vẫn như thuở nào.
Điểm khác biệt bây giờ so với trước kia mà Trưởng ấp Lưu hay tâm sự với người dân, thăm dò ý kiến của dân là tìm giải pháp nào để dân ấp 5 khá hơn nữa, đường bê tông nhiều hơn để đi, vay vốn ngân hàng phải được vài trăm triệu đồng đầu tư nuôi trồng thủy sản, chăm sóc vườn xoài, buôn bán lớn… Điều trăn trở của Trưởng ấp Lưu luôn chí lý, hợp với lòng dân ấp 5 và nỗ lực của chính quyền xã La Ngà trong việc ổn định dân cư, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng nhanh, mạnh hơn nữa.
Đoàn Phú