Báo Đồng Nai điện tử
En

Xôm tụ "chợ" đồ cũ

10:09, 21/09/2016

Ở TP.Biên Hòa, từ các con đường trung tâm thành phố đến vùng lân cận đều có thể thấy những chỗ bán hàng đã qua sử dụng (secondhand).

Ở TP.Biên Hòa, từ các con đường trung tâm thành phố đến vùng lân cận đều có thể thấy những chỗ bán hàng đã qua sử dụng (secondhand). Người ta bán hàng secondhand với đủ loại mẫu mã, công dụng, hàng hóa được đổ tràn trên vỉa hè nhưng lúc nào cũng có sức hút với người mua.

Khách hàng đến chọn mua dụng cụ xây dựng tại “chợ” đồ cũ trên quốc lộ 1, đoạn gần khu vực cầu Sập (TP.Biên Hòa).
Khách hàng đến chọn mua dụng cụ xây dựng tại “chợ” đồ cũ trên quốc lộ 1, đoạn gần khu vực cầu Sập (TP.Biên Hòa).

“Chợ” đồ cũ được nhiều người biết đến nhất ở TP.Biên Hòa có thể nhắc đến khu vực từ cầu Suối Linh kéo dài đến các phường Tân Hòa, Tân Biên. Những cửa tiệm nằm san sát nhau, đủ loại hàng hóa nên khách đến đây có thể dễ dàng chọn cho mình món hàng ưng ý.

“Chợ” hàng secondhand

Điều đặc biệt là mỗi khu vực chuyên bán một mặt hàng riêng biệt, từ phụ tùng, thiết bị, máy móc cũ đến đồ gỗ cũ. Đoạn từ cầu Suối Linh đến Lotte Mart bán phụ tùng ô tô; đoạn từ Nhà máy bia Đồng Nai đến cầu Sập chỉ bán máy móc, dụng cụ phục vụ ngành xây dựng; còn khu vực từ chợ Tân Biên đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất bán các mặt hàng liên quan đến đồ điện, máy nông nghiệp. “Chợ” tồn tại đã mấy chục năm qua, buôn bán quanh năm, lúc nào cũng thu hút khách cả trong và ngoài tỉnh tìm đến, nhưng vào những ngày cuối tuần có lẽ đông đúc hơn cả.

9 giờ sáng, sau một hồi lựa chọn mướt mồ hôi quanh mấy cửa hàng bán đồ phục vụ xây dựng, ông Nguyễn Văn Hưng (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) mới mua được một máy trộn bê tông, một máy đầm đất và vài bộ giàn giáo. Tạt qua cửa tiệm kế bên, ông còn lấy thêm chiếc máy quay sắt về thay bộ máy đã cũ để chuẩn bị cho công trình mới.

Những chiếc bàn ủi than con gà, hộp quẹt zippo, ly rượu cổ… được bày bán trên đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn gần Metro Biên Hòa).
Những chiếc bàn ủi than con gà, hộp quẹt zippo, ly rượu cổ… được bày bán trên đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn gần Metro Biên Hòa).

Ông Hưng cho hay, ông mới vào nghề xây dựng nên việc phải mua mới toàn bộ đồ nghề nằm ngoài khả năng vì khá tốn kém. Mua hết mớ này, ông chỉ tốn chưa tới 5 triệu đồng, rẻ hơn gấp nhiều lần so với đồ còn “zin”.

“Giá bán đồ secondhand rất đa dạng, tùy độ mới cũ và thương hiệu của mặt hàng mà có mức chênh lệch khác nhau. Vài tháng sau khi làm xong công trình, tôi thường đến đây tìm những món hàng thay thế, chịu khó lùng kỹ cũng kiếm được đồ ngon. Là khách quen nên khi chủ tiệm nhập về đợt hàng mới, chất lượng tốt họ sẵn sàng để lại cho tôi” - ông Hưng chia sẻ.

 Dịp cuối tuần, nếu ghé vào những tiệm bán đồ cơ khí, thiết bị điện tại khu vực gần chợ Tân Biên mới thấy sức hút từ các món đồ cũ như thế nào. Dưới mái che nóng hầm hập, người mua, kẻ bán vẫn xôm tụ lựa đồ, trả giá.

Ông Đỗ Thành Vinh (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) kể rằng, từ lúc ông bắt đầu (cách đây hơn 20 năm) bán hàng secondhand, khu vực này đã nhộn nhịp rồi. Từ vài món đồ lẻ tẻ, chọn lề đường làm mặt bằng buôn bán rồi cửa tiệm lớn dần, đến nay ông đã mua được cửa hàng cho riêng ông.

Phất lên nhờ nghề này, ông Vinh trở thành một trong những chủ tiệm giàu có ở  “chợ” đồ cũ. Không chỉ mình ông, mà 2 tiệm của người nhà ông gần đó cũng chuyên kinh doanh các mặt hàng secondhand. Đến đây, loại hàng nào cũng có, từ con ốc vít đến máy phát điện, máy hàn, máy khoan… So với đồ mới, đồ secondhand có khi giá chỉ bằng 1/3 nên người ta chọn đồ cũ cũng là điều dễ hiểu.

“Thời gian gần đây, nghề mua bán đồ cũ chịu sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc dữ lắm. Mua đồ mới Trung Quốc giá không cao hơn hàng cũ là mấy nên người ta cũng đắn đo. Tôi vẫn giữ lối buôn bán đàng hoàng, không hét giá, bởi những ai đã tìm đến đây chắc chắn đều là những người khó khăn, eo hẹp về tiền bạc” - ông Vinh tâm sự.

Đắt hàng nhờ bán đồ “độc”

Nhiều người mua đồ secondhand cho rằng, mua mấy mặt hàng này cũng hên xui vì dùng đồ cũ thì phải chấp nhận rủi ro. Nguồn hàng không rõ xuất xứ, đôi khi là đồ trộm cắp mà kẻ xấu lấy được, sau đó bán lại cho các chủ tiệm mua bán đồ cũ để kiếm lời.

Trong nghề buôn bán đồ cũ, có nhiều người phất lên nhanh chóng nhờ những món hàng tưởng chừng có thể vứt bỏ, nhưng cũng không ít chủ tiệm vừa bước vào kinh doanh đã phải đóng cửa, chấp nhận sập tiệm vì lãi không bao nhiêu. Sự cạnh tranh khốc liệt thể hiện ngay mặt hàng chọn bán và thị hiếu của người mua.

Cách đây khoảng 5 năm, các món đồ điện tử cũ, như: điện thoại di động, ti vi… có thể hút khách, bán “đắt như tôm tươi”, nhưng hiện tại thì mấy ai có thể sống được với việc kinh doanh mặt hàng này. Vì thế, người bán cũng tìm cách chọn cho mình lối đi riêng với các món đồ cổ, độc, lạ như: máy may, tẩu thuốc, đồng hồ hàng hải, đồ gốm, tem phiếu thời bao cấp…

Dù bày bán trên tấm bạt sơ sài hay để lăn lóc trên vỉa hè, nhưng những món đồ cũ vẫn có sức hút với người mua. Họ mua những món đồ này không hẳn vì giá rẻ mà đôi khi chỉ để thỏa cơn ghiền đồ cũ. Với bộ sưu tập toàn những kỷ vật đã phủ màu thời gian, như: bàn ủi than con gà, hộp quẹt Zippo, bi đông đựng nước, tiền xu…, “tiệm” của anh Lê Tài (trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn gần Metro Biên Hòa) luôn thu hút sự quan tâm của người đi đường.

Anh Tài chia sẻ, chỉ cần nhìn khách xem mặt hàng là có thể biết đối tượng thích sưu tập đồ cổ hay mua chơi theo phong trào. Riêng những khách ở độ tuổi trung niên, họ sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để mua một chiếc bàn ủi than con gà, hộp quẹt Zippo…

Chỉ vào chiếc bàn ủi (có giá 2,5 triệu đồng) với lớp vỏ bên ngoài xù xì, anh Tài tiết lộ nó làm bằng sắt nguyên chất và được nhiều người tìm mua. Đồ càng cũ, càng lạ thì càng bán được giá và không lo bị “ế”, anh phải thuê người săn tìm tại các vùng quê nên không phải lúc nào cũng có hàng.

Cũng buôn bán hàng secondhand nhưng chị Đặng Ngọc Vân (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) lại mở nhà kho ký gửi, tiêu thụ những món đồ “cũ người mới ta”. Ai cũng có thể đưa tới đây những món đồ không sử dụng để nhờ tiêu thụ, còn khách hàng có cơ hội tìm mua những sản phẩm có giá rẻ, hợp với túi tiền.

“Mặt hàng tại nhà kho khá đa dạng, từ quần áo, giày dép đến các vật dụng gia đình. Nếu bán được các sản phẩm này, tôi có thể hưởng 15% lợi nhuận. Trong khoảng thời gian 3 tháng, khi sản phẩm không bán được, chúng sẽ được đem đi làm từ thiện. Mô hình này tôi học hỏi từ TP.Hồ Chí Minh, do mới áp dụng ở TP.Biên Hòa nên lợi nhuận khá cao, nhiều người cũng tìm tới để ký gửi và mua sắm” - chị Vân nói.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
thu mua máy tính cũ tại hà nội