Bao năm gắn bó với học trò nhỏ ở vùng đất đá Sông Trầu (huyện Trảng Bom), thầy Nguyễn Văn Phu, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sông Trầu, vẫn mải mê với chuyện gieo chữ, trồng người.
Bao năm gắn bó với học trò nhỏ ở vùng đất đá Sông Trầu (huyện Trảng Bom), thầy Nguyễn Văn Phu, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sông Trầu, vẫn mải mê với chuyện gieo chữ, trồng người. Về hưu, chuyển sang làm công tác khuyến học, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Nguyễn Văn Phu vẫn nhớ chuyện trường lớp nên phải nặng gánh lo toan.
Thầy Nguyễn Văn Phu vẫn nặng tình với các trò nhỏ như ngày nào. Ảnh: Đ.Phú |
Xã Sông Trầu nay khác xa với những năm 1980. Cái chuồng bò dân cho Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm mượn làm phòng học ngày trước giờ không còn nữa. Tuy vậy, trong ký ức của thầy Phu, cái chuồng bò đó thật sự là nơi ươm mầm tài năng. Từ lớp học ở chuồng bò này, nhiều học sinh xã Sông Trầu đã thành đạt, có người giờ thành tiến sĩ.
Người thầy chiến sĩ
Năm 1967, học xong lớp sơ cấp sư phạm, giáo sinh trẻ Nguyễn Văn Phu (quê tỉnh Nam Định) tình nguyện lên vùng núi Phú Lũng thuộc huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang) dạy học. Suốt 10 năm bám lớp, thầy giáo Phu chỉ được về thăm vợ (giáo viên mầm non) vào những dịp nghỉ rét.
Thầy Phu tâm sự, qua các phương tiện truyền thông, thầy biết được học trò vùng núi ngày xưa thầy dạy học giờ vẫn còn khó khăn lắm. Riêng thời thầy về đây bám lớp, bám trò thì khó khăn về vật chất, tinh thần khó diễn tả hết bằng lời.
Không chỉ quý học trò, cảm thông và trách nhiệm với đồng nghiệp khi còn đương chức, thầy Phu còn được người dân Sông Trầu biết đến là một nông dân trồng nấm, nuôi heo giỏi của xã. Có một thời, cái nhà trồng nấm của thầy Phu và chuồng bò dân cho mượn là lớp 6 đầu tiên của điểm Trường THCS Hùng Vương ngày đầu được thành lập. Từ đây, các trò nhỏ của Trường tiểu học Lê Văn Tám được học tiếp THCS, THPT, đại học và tiến sĩ, làm vẻ vang thêm cho vùng đất đá Sông Trầu. |
Hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ văn hóa vùng núi cao Phú Lũng, thầy Phu trở về quê nhà tiếp tục dạy học. Sau khi học lên trung cấp sư phạm, thầy được đề bạt giữ chức hiệu trưởng một trường tiểu học.
Năm 1981, thầy Phu vinh dự được Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất về thành tích bám vùng núi Phú Lũng dạy học. “Đó là kỷ vật quý nhất mà tôi lưu giữ được cho đến hôm nay về vùng núi cao Phú Lũng tôi từng đặt chân đến” - thầy Phu tự hào khoe.
Năm 1988, thầy Phu xin thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng ở quê để cùng vợ (cô giáo Thơm) chuyển đến vùng đất Sông Trầu dạy học. Trường tiểu học Lê Văn Tám thầy Phu nhận lớp ngày ấy không được khang trang như bây giờ. Lúc đó, trường được lợp bằng tranh hoặc mái tôn, vách ván; còn trò thì chân đất, dép nhựa, áo quần đủ màu hớn hở đến lớp. Riêng người thầy một buổi dạy, một buổi phải đi làm rẫy hoặc mót mì, hái rau muống, làm thuê mới đủ “năng lượng” vững chân trên nền đất, cao giọng giữa gió lùa.
Thầy Nguyễn Văn Phu (đứng hàng đầu, bìa trái) cùng với đồng nghiệp trong buổi tổng kết năm học 2000-2001. |
Cái duyên làm hiệu trưởng lại đến với thầy Phu khi Trường tiểu học Lê Văn Tám tách thành 2 trường: Lê Văn Tám và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi thầy Phu làm hiệu trưởng, phòng học là những khung sạp chợ lợp lá, nhà kho, chuồng bò dân cho mượn. Học sinh mặc áo quần đủ màu sắc, dép lê từ các vườn rẫy tìm đến. Trò thiếu giấy khai sinh, giấy chuyển trường…, thầy Phu cho nợ lại, bổ sung sau. Giáo viên từ thị trấn đạp xe vào Sông Trầu đứng lớp gặp mưa đến trễ, thầy và đám học trò lo thầy cô bị bệnh hơn là quở trách. Dù giáo viên và trò phải dạy và học 3 ca/ngày, nhưng cái khung sạp chợ, chuồng bò dân cho mượn làm phòng học ngày càng thêm đông học trò tìm đến. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, nhiều học trò của thầy Phu tiếp tục theo học THCS, THPT, đại học và cả tiến sĩ.
Vì học sinh thân yêu
Thời gian thấm thoát trôi, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm từng bước được kiên cố hóa, khang trang hơn và đạt chuẩn. Tóc thầy hiệu trưởng Phu có thêm nhiều sợi bạc khi bước vào tuổi 60.
Năm 2009, thầy Phu về hưu và được chính quyền địa phương mời tham gia Hội Khuyến học xã. Với chức danh Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sông Trầu, thầy Phu lại chạy đôn chạy đáo tìm nguồn tài trợ học bổng, cặp, sách, áo quần, xe đạp… cho học sinh nghèo.
Cái duyên giáo dục cứ vậy bám víu, thầy Phu chẳng được thảnh thơi mà phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn tài trợ. Người ta quý thầy ở cái tình, cái nghĩa nên nhiều học trò nhỏ được nhờ. Sau khi vận động được tiền, quà, thầy trân trọng mời nhà tài trợ trực tiếp đến các trường, ban ấp tặng quà cho học sinh. Ai bận rộn không đến được, thầy cử đại diện thành viên trong Hội Khuyến học xã đi tặng. Tuy vậy, thầy vẫn không quên gửi những dòng tri ân đến nhà tài trợ nhằm ghi nhận sự đóng góp của họ đã thật sự động viên tinh thần khuyến học của con em xã Sông Trầu.
Học sinh các dân tộc thiểu số: Hoa, Tày, Nùng… ở xã Sông Trầu giờ không còn cảnh dép lê, chân đất, áo quần đủ màu đến lớp học. Học trò giờ đã đồng phục, dép quai hậu, xe đạp mới hoặc cha mẹ đưa đón bằng xe máy và giáo viên đã chỉn chu áo bỏ vào quần, hoặc áo dài uy nghiêm đứng trên bục giảng với máy móc phụ trợ. Tuy vậy, trong tâm trí thầy Phu, đâu đó tại các vườn rẫy vẫn còn những trò nhỏ thiếu đồng phục, phương tiện tới trường. Cho nên, mỗi lần vận động được chiếc xe đạp, phần học bổng, chồng sách vở, thầy vui mừng đem đến tặng các trường, ấp để phát cho học trò nghèo.
42 năm đứng trên bục giảng, thầy Phu thấu hiểu sự thiêng liêng của Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Vì vậy, khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học xã, thầy đề xuất với chính quyền địa phương đến ngày này hàng năm, Hội và chính quyền xã sẽ tổ chức họp mặt, tặng quà cho toàn thể giáo viên đương chức và nghỉ hưu, hiện đang sinh sống và công tác tại địa bàn xã Sông Trầu. Để có số tiền tổ chức buổi lễ trang trọng, thầy Phu và các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Khuyến học xã không ngại phát thư kêu gọi, bỏ thời gian đi vận động.
7 năm gắn bó với Hội Khuyến học xã Sông Trầu, thầy Phu đã để lại bao kỷ niệm, cử chỉ tốt đẹp với các học trò nhỏ, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng đất đá Sông Trầu. Mỗi lần thấy thầy Phu đi ngoài đường, học trò nhỏ mặc đồng phục thì chắp tay chào “ông thầy”, học trò lớn đang chở con đi học thì cúi đầu “chào thầy” rất lễ phép.
Thầy Phu nhẹ nhàng giải thích, lớp học trò gọi thầy bằng “ông thầy” là con, cháu của lớp học trò gọi thầy bằng “thầy”. Họ luôn là những học trò hiếu học, vượt khó những năm thầy còn đứng lớp. Nay họ truyền lại sự hiếu học đến lớp con cháu nên thầy rất vui, rất quý khi gặp lại họ ngoài đường.
Đoàn Phú