Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) anh hùng, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội, thấu hiểu vùng đất và con người nơi đây.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) anh hùng, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội, thấu hiểu vùng đất và con người nơi đây. Biết người dân Phú Hội trọng tình nặng nghĩa, giàu lòng nhân ái nên ông Hải mạnh dạn kết nối những tấm lòng với nhau. Vì vậy, ông được người dân Phú Hội đặt cho cái tên rất mộc mạc, thân thương là ông Hải chữ thập đỏ.
Ông Nguyễn Văn Hải (ngoài cùng bên trái) tự hào khi bên ông luôn có một đội ngũ cán bộ Hội Chữ thập đỏ trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình. |
Để Hạnh phúc “nghèo” không bị tranh chấp
Khi từ Trưởng ban chỉ huy quân sự xã chuyển sang làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, trong lòng ông Hải chỉ có một chút áy náy vì mấy chuyện chế độ, lương bổng. Tuy vậy, trước bao cảnh đời rất cần được Hội Chữ thập đỏ xã hành động, ông lập tức quên đi những điều lăn tăn, hẹp lòng đó.
Sau khi củng cố tổ chức Hội, ông Hải đẩy mạnh việc kết nạp hội viên, kết nối các tấm lòng hướng về hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội. Điều ông Hải kiên quyết làm là quà vận động từ các mạnh thường quân tặng cho đối tượng nghèo, tàn tật, hoạn nạn phải thật sự trao đúng người. Bởi vậy, ông Hải mạnh dạn thừa nhận, nếu để người dân tranh chấp nhau cái nghèo, khó khăn... bởi những món quà tài trợ là trách nhiệm của ông và người làm công tác Hội làm chưa tốt, chưa đúng chứ không phải lỗi do dân.
Khi nhận thức của người dân Phú Hội rành mạch, thấu tình về cái khó, cái nghèo thì quà của Hội vận động được ngày càng nhiều hơn. Để người nghèo khó được sẻ chia, có động lực vươn lên, tìm niềm vui trong cuộc sống, ông Hải và đồng nghiệp không ngần ngại cầm sổ vàng, tranh thủ mối quan hệ thân tình đi xin quà, tiền về cho những người nghèo, khó khăn, bệnh tật… Ông Hải cho hay, người ta cho tiền mặt hay áo quần, gạo, nước tương, bột ngọt, ngay cả... hòm cho người chết, ông và đồng nghiệp đều vui vẻ nhận. Quà thì mang về phân chia cho người nghèo khó, còn hòm để dành phòng khi người nghèo, người qua đường gặp hữu sự thì Hội có cái để lo.
Từ năm 2011 đến tháng 9-2016, Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội đã vận động xây được 4 mái ấm tình thương (30 triệu đồng/căn), hỗ trợ quà, xe đạp, học bổng... cho các đối tượng với số tiền trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ xã còn triển khai các chương trình: mổ mắt nhân đạo; hiến máu nhân đạo; khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, tàn tật... trên địa bàn. |
Năm 2010, đời sống người dân Phú Hội ngày càng ổn định cùng với sự phát triển đô thị và công nghiệp. Tuy người dân Phú Hội sớm thoát khỏi đời sống nông nghiệp, nhưng tấm lòng của họ vẫn mộc mạc, nghĩa tình như ngày nào. Người phương xa đến địa phương mua đất, người địa phương kinh doanh phát đạt tìm đến Hội Chữ thập đỏ xã đóng góp đã đành, những người chỉ dư dả chút đỉnh nhờ tiền tiết kiệm, tiền con cháu cho cũng rủ nhau làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Những điều đáng mừng đó được ông Hải và đồng nghiệp hồ hởi nắm bắt. Nhờ vậy, nhiều mái ấm tình thương, quà, gạo, xe đạp… đến với người nghèo, khó khăn, tàn tật cũng nhiều thêm.
Ông Hải tâm sự, ông phấn khởi vô cùng khi người dân được đả thông tư tưởng, không còn so đo, tranh nhau phận nghèo vì quà từ thiện; còn người thật sự nghèo khó thì bớt tủi phận khi được cộng đồng giúp đỡ, sẻ chia.
Điểm tựa của người nghèo
Đã 27 tuổi nhưng anh Sơn (ấp Đất Mới) vẫn là một cậu bé vô tư, suốt ngày nhún nhảy, nói cười. Khổ cho bà Muối (76 tuổi, bà ngoại anh Sơn), Sơn ngày một lớn nhưng ăn hoài không biết no. May nhờ cái tiệm tạp hóa gầy dựng từ nguồn vốn vay không lấy lãi từ Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội, bà Muối có đồng ra đồng vào mỗi ngày nên anh Sơn không chỉ no bụng mà còn khỏe mạnh.
Bà Muối cho biết thông qua Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội, bà vay được 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo, tàn tật của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai để mở tiệm tạp hóa. Số tiền lời bán hàng mỗi ngày cũng đủ cho 2 bà cháu sống ngày 3 bữa. Riêng tiền gốc thì đúng kỳ vay (1 năm) bà trả sòng phẳng nên được Hội Chữ thập đỏ xã và Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai giải quyết cho vay lại ngay sau đó.
Một lần tình cờ, ngồi chuyện trò với cán bộ hưu trí Lê Nguyên, ông Hải nghe ông Nguyên bày tỏ ý định hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ xã 30 triệu đồng để giúp người nghèo khó, ông Hải liền đề xuất dùng số tiền đó để Hội mua 1 con bò cái giống hỗ trợ cho bà Hết, một hộ nghèo trong xã. Bà Hết nhận bò nuôi 3 năm thì trả lại vốn cho Hội, để Hội giao cho hộ khác mua bò nuôi. Cứ như vậy, số tiền ông Nguyên tài trợ vẫn còn và nhiều hộ nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo.
Ông Hải nói vui: “Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội có 90 triệu đồng của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và 330 triệu đồng của dự án ngân hàng bò đưa cho người nghèo xài hoài mà vẫn còn nguyên gốc”.
Câu chuyện người nghèo xã Phú Hội xài hoài không hết tiền dự án kể ra rất đơn giản, nhưng trách nhiệm người làm công tác Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội rất cao. Để giúp người vay vốn duy trì được công việc buôn bán nhỏ hay chăn nuôi bò, ông Hải và ông Phương (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ xã) liên tục gặp gỡ, động viên; đồng thời chịu khó nhận giữ giùm người vay một số tiền mà họ tích cóp được. Cứ vậy, cuối kỳ vay, người vay có đủ số tiền trả cho dự án. Cách làm này chỉ có Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội duy trì và phát huy hiệu quả từ nguồn vốn Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai hỗ trợ. Nhờ vậy, những hộ nghèo, như: bà Muối, bà Hết, ông Út Em... đã có cuộc sống tạm ổn.
Với vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội, ông Hải táo bạo khuyến khích đồng nghiệp, chi hội cơ sở tạo thêm nhiều mô hình mới để gây quỹ giúp người nghèo khó, bệnh tật, như: thùng tiền tiết kiệm (Chi hội Chữ thập đỏ ấp Phú Mỹ 1); nhóm từ thiện của cô giáo Khỏe (ấp Đất Mới); vận động từ thiện tại các cơ sở tôn giáo; tủ áo tình thương… Tuy từng mô hình có mục tiêu khác nhau, nhưng mục đích nhân văn vẫn là tập hợp nguồn lực xã hội chung tay chia sẻ cho đối tượng nghèo khó, hoạn nạn… mà Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội được cấp ủy Đảng, chính quyền giao trách nhiệm.
Ông Hải chia sẻ, nhờ đội ngũ cán bộ Hội Chữ thập đỏ từ xã đến cơ sở đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm nên công tác từ thiện nhân đạo luôn được xã, huyện đánh giá cao. Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ xã thật sự tạo được chữ tín với các mạnh thường quân bên ngoài xã và người dân Phú Hội hảo tâm trong việc chăm lo cho các đối tượng nghèo khó, bệnh tật…
Đoàn Phú