Con đường cấp phối liên tổ Cửu Long (ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) giờ không còn cảnh mưa lầy, nắng bụi.
Con đường cấp phối liên tổ Cửu Long (ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) giờ không còn cảnh mưa lầy, nắng bụi. Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 3 Nguyễn Văn Ngoan bày tỏ, để con đường mở rộng thông thoáng như thế này, ông Nguyễn Văn Phích (còn gọi là Hai Phích) đã hiến 3 sào đất, 15 cây xoài đang cho thu hoạch và kêu gọi mọi người cùng làm.
Ông Hai Phích (phải) hỏi chuyện làm ăn của ngư dân Tám Tý. |
Ông Hai Phích, Tổ trưởng Tổ nhân dân số 8, không xa lạ với người dân trong ấp 3. Từ ngư dân nghèo, ông Hai Phích lên bờ khai phá đất trồng mía, xoài và trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, trung ương. Không chỉ làm ăn giỏi, ông còn có tài làm dân vận.
Vượt khó
Năm 1990, thời lòng Hồ Trị An còn nhiều cá, vợ chồng ông Hai Phích theo đồng hương tỉnh Trà Vinh về Mã Đà đánh bắt cá. Về đến Mã Đà, vợ chồng ông Hai Phích chỉ còn đủ tiền mua 3 tay lưới, không có tiền sắm xuồng nên suốt ngày ông phải ngâm mình dưới làn nước đánh bắt cá. Số cá ông đánh bắt qua từng mẻ lưới được vợ ông ì ạch mang ra chợ cá Cây Gùi (ấp 3) bán cho các đầu mối hoặc những người đi làm rừng.
Số cá bắt trong ngày đủ mua chục ký gạo nhưng vợ chồng ông Hai Phích chỉ dám nấu cháo với cá mà ăn. Ông tâm sự, vợ chồng ông không dám ăn cơm vì phải dành tiền để đón 5 đứa con đang gửi cho nội, ngoại ở quê lên sống cùng. Ngày rước được 5 đứa con ở quê về Mã Đà sum họp, vợ chồng ông bàn nhau cách phát triển kinh tế: “Đêm làm ngư dân, ngày lên bờ phá đất làm nông dân” - ông Hai Phích nhớ lại.
Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 3 Nguyễn Văn Ngoan bàn bạc với Tổ trưởng Tổ nhân dân số 8 Hai Phích sớm đưa trái xoài trong ấp xuất ngoại. Ông Hai Phích phản biện, để trái xoài xuất ngoại thì Tổ hợp tác cây xoài ấp 3 phải nâng cấp lên thành hợp tác xã, nông dân phải liên kết làm xoài đạt tiêu chuẩn GAP. Trước khi làm được điều đó, nông dân ấp 3 không để con đường cấp phối liên tổ Cửu Long xuống cấp, người nông dân phải có cuộc sống ổn định trên mảnh đất của họ, trẻ em đủ tuổi phải được đến trường... |
Tranh thủ lúc người dân trong ấp còn mải mê với con cá ở lòng hồ Trị An, vợ chồng ông Hai Phích tranh thủ khai khẩn và mua lại đất với giá rẻ của vài hộ khác để trồng tỉa bắp, mì. Trong vòng 2 năm, ông sắm được ghe và có được 4 hécta rẫy. Thu nhập từ đánh bắt cá và làm rẫy sớm giúp vợ chồng ông thoát cảnh nghèo và ghi tên vào những hộ đủ ăn hiếm hoi trong ấp.
Năm 1994, phong trào trồng mía đường nở rộ nơi vùng đất Trị An, Hiếu Liêm, Mã Đà nên ông Hai Phích mạnh dạn chuyển đổi 4 hécta đất trồng mì, bắp sang trồng mía. Thành công bước đầu, ông trở thành một trong những hộ chuyên cung cấp giống mía cho nông dân xã Mã Đà. Thắng liên tiếp 10 vụ mía giống/5 năm, ông Hai Phích mua được thêm 6 hécta đất và trở thành hộ khá của ấp, xã.
Ông Hai Phích cho biết năm 1996 ông được ra Hà Nội nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tặng thưởng về thành tích trồng mía giỏi.
Phong trào trồng mía chựng lại, ông Hai Phích mạnh dạn bỏ mía chuyển sang trồng xoài. Nông dân trong ấp thấy ông là người tiên phong trồng mía, nay lại bỏ mía trồng xoài nên bắt chước làm theo. Ông Hai Phích và nhiều nông dân khác đã trở thành hộ trồng xoài có tiếng ở Mã Đà với thu nhập trên 70 triệu đồng/hécta/năm.
Thắng liên tiếp 5 vụ xoài, ông Hai Phích hãnh diện lên huyện, tỉnh nhận giấy khen, bằng khen nông dân sản xuất giỏi, thi đua yêu nước. Ông tâm sự, làm kinh tế giỏi vợ con được nhờ, bản thân ông được các cấp khen thưởng vẫn chưa đủ; người làm ăn giỏi phải biết đem cái giỏi của mình chia sẻ, giúp đỡ người khác tới được tiếng thơm, mọi người tôn trọng.
Sống nghĩa tình
Con đường liên tổ Cửu Long từ đường tỉnh 761 vào ấp 3 luôn trong tình trạng lầy lội, bụi mù. Để giải quyết vấn đề đi lại, ông Hai Phích cùng với các nông dân uy tín trong ấp, tổ liên tục vận động người dân góp công, tiền tu sửa cho dễ bề đi lại, nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm tình trạng nắng bụi, mưa lầy.
Năm 2013, xã Mã Đà chủ trương nâng cấp con đường này bằng cách xã hội hóa. Ông Hai Phích đã tự nguyện hiến 3 sào đất, cưa 15 cây xoài đang cho thu hoạch để mở rộng đường. Ông Nguyễn Văn Ngoan cho hay, ngoài hiến đất và cây trồng, ông Hai Phích còn góp công, tiền để làm đường.
Đường cấp phối liên tổ Cửu Long sau khi được nâng cấp góp phần làm cho bộ mặt ấp 3 sáng sủa. Không để cho con đường xuống cấp khi xe tải ra vào nhiều, ông Hai Phích và những người uy tín trong ấp liên tục vận động nhân dân góp công, góp tiền vá dặm đoạn lún, cào phẳng mặt đường, khơi thông rãnh thoát nước. Nhờ vậy, 3 năm nay, con đường liên tổ Cửu Long không còn tái diễn tình trạng nắng bụi, mưa lầy như các năm về trước.
Ấp 3 đón thêm các cư dân miền Tây Nam bộ về tìm việc làm, lập nghiệp. Nhiều người mới đến không có đất cất nhà, không có việc làm, ông Hai Phích không ngần ngại cho họ mượn đất cất nhà, tạo việc làm cho họ. Người tạm cư gặp hoạn nạn, hay qua đời, ông biết tin tìm đến vận động người dân giúp đỡ, chôn cất. Ông còn đề xuất xã cấp riêng cho ông cuốn sổ vàng để ông đi vận động học bổng giúp đỡ học sinh nghèo. Từ cuốn sổ vàng, 4 năm nay, ông đã vận động được trên 40 học bổng (trị giá 300 ngàn đồng/suất), hỗ trợ phần nào chi phí học tập cho con em nghèo trong ấp.
Người giỏi nghề, giỏi việc hay giấu kinh nghiệm, riêng ông Hai Phích thì không. Kinh nghiệm trồng xoài, nắm bắt được bao nhiêu ông không ngần ngại chỉ bày cho người khác. Nông dân trong tổ, ấp khó khăn về vốn đầu tư, mua phân bón, ông sẵn sàng cho mượn tiền không lấy lãi, hoặc mua thiếu giùm họ.
Ông Hai Phích bày tỏ, dân ấp 3 vốn sống nghĩa tình, tình cảm nên khả năng kinh tế gia đình và bản thân ông có được bao nhiêu thì giúp họ bấy nhiêu. Hơn nữa, nơi vùng đất nghĩa tình như Mã Đà, mọi người luôn lấy nghĩa tình để sống thì ông không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc nhìn. Ông Hai Phích bộc bạch, ông nhớ hoài chuyện 3 anh em ruột: Cu Lì, Ba Duy, Năm Tịnh muốn sửa nhà mà không có cây, tôn. Biết chuyện, ông đem cây tới cho, vận động mọi người giúp tiền mua tôn để lợp. Nay 3 anh em họ được UBND xã tặng nhà tình thương, giúp vốn nên kinh tế ổn định.
Mưa ở Mã Đà hạt to như sỏi, người Mã Đà nặng tình đồng hương. Ông Hai Phích nay có nhà biệt thự để ở, đất đai cả chục mẫu để sản xuất và chia cho các con trưởng thành. Với người dân trong ấp 3, họ quý ông không phải sự giàu sang mà là cách sống nghĩa tình, những gì ông Hai Phích đã giúp đỡ.
Đoàn Phú