Không phải giáo viên nhưng 16 năm nay, đều đặn mỗi sáng thứ hai ông lại đến Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh) dự lễ chào cờ và lắng nghe chuyện học tập, sinh hoạt của từng khối, lớp. Khi biết có học sinh chưa ngoan, ông tiếp cận để giải thích, động viên học sinh đó chú tâm học tập, đừng phụ lòng chăm sóc, dạy dỗ của gia đình và nhà trường.
Không phải giáo viên nhưng 16 năm nay, đều đặn mỗi sáng thứ hai ông lại đến Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh) dự lễ chào cờ và lắng nghe chuyện học tập, sinh hoạt của từng khối, lớp. Khi biết có học sinh chưa ngoan, ông tiếp cận để giải thích, động viên học sinh đó chú tâm học tập, đừng phụ lòng chăm sóc, dạy dỗ của gia đình và nhà trường.
Ông Vương Mạnh Thế (trái) trao đổi công việc của Ban Đại diện cha mẹ học sinh với Ban giám hiệu Trường THPT Long Khánh. |
Người đàn ông đặc biệt đó là ông Vương Mạnh Thế (thường được giáo viên, học sinh trong trường gọi thân thương là bác Ba Thế, ngụ phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh), người có 16 năm giữ vai trò Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Long Khánh.
Làm việc chú tâm, không màng khen chê
Năm 17 tuổi, ông Thế dùng máu viết thư tình nguyện vào Nam đánh giặc. Suốt 6 năm, từ 1969-1975, ông cùng đồng đội bám sát địa bàn Long Khánh, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu chiến đấu. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông không trở về quê (tỉnh Nam Định) mà tiếp tục ở lại cống hiến, xây dựng vùng đất Long Khánh - Xuân Lộc cho đến ngày về hưu vào năm 1999.
“Khi về hưu tôi sinh sống tại phường Xuân Hòa (TX.Long Khánh). Năm 2000, khi dự họp phụ huynh cho con tại Trường THPT Long Khánh, tôi được đề cử giữ vai trò Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh (sau này gọi là Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh) của trường. Giờ con đã ra trường, tôi vẫn được đề cử vai trò này với lý do đã nhiều năm làm công tác quản lý, từ Chủ tịch UBND đến Bí thư xã, rồi Giám đốc lâm trường... Khi đó, tôi đang là Bí thư Chi bộ khu phố nên có uy tín. Mà làm Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh thì uy tín là điều quan trọng nhất, khi tất cả được công khai, minh bạch thì uy tín người đứng đầu tự khắc được củng cố” - ông Thế vui vẻ cho biết.
Năm 2013, ông Thế bị đột quỵ. Nhưng khi vừa lành bệnh, ông lại tiếp tục đến trường dự các buổi lễ chào cờ, gặp gỡ phụ huynh học sinh, trao cờ thi đua cho các lớp. Nghe nói lớp nào có học sinh nghịch ngợm, ham chơi, ông lại tìm cách gặp gỡ cha mẹ của học sinh đó hỏi han chuyện dạy con, rồi gặp riêng học sinh nói chuyện thân tình, động viên học sinh chuyên tâm học tập.
Ông Vương Mạnh Thế (phải) cùng Phó hiệu trưởng Nguyễn Duy Bằng kiểm tra tivi tại mỗi lớp. |
Ông Thế cho hay, việc làm công tác tư tưởng cho những học sinh chưa ngoan không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải mềm dẻo, kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, bạn bè của học sinh đó thì mới có thể thay đổi tâm tính của học sinh. Có những học sinh sau khi ra trường học hành tấn tới, đạt thành tích cao, khi quay về thăm trường luôn đến gặp và cám ơn những lời động viên của ông Thế.
“Suốt 16 năm làm Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh của Trường THPT Long Khánh, tôi đã giúp nhiều trường hợp học sinh nghịch phá trở lại học tập bình thường. Mỗi năm chỉ vài trường hợp thôi, chứ cũng không có nhiều. Tôi thấy vấn đề của những học sinh cá biệt ấy nằm ở tính cách muốn được mọi người chú ý, muốn thể hiện cái tôi. Nắm được nguyên nhân, tôi tìm cách gặp gỡ phụ huynh, cùng họ tìm ra giải pháp, nhưng chủ yếu tập trung ở cách khuyên nhủ, khích lệ tinh thần ham học của học sinh. Còn với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi cùng với ban cán sự lớp, Ban Đại diện cha mẹ học sinh của lớp đó quyên góp, hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn” - ông Thế bộc bạch.
Điểm tựa tinh thần cho thế hệ trẻ
Thầy Lê Văn Phê, Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh, đánh giá: “Ông Vương Mạnh Thế rất có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của trường. Ngoài ra, sự nhiệt tình, chu toàn của ông Thế trong công việc của Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh cũng là điều khiến tập thể giáo viên, học sinh các thế hệ của nhà trường luôn dành những tình cảm sâu đậm cho ông”. |
Thầy Lê Văn Phê, Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh, nhận định rất hiếm gặp được một trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh có tâm và nhiệt tình như ông Thế. Suốt 16 năm, trừ những lúc ốm đau, ông Thế luôn sát cánh cùng nhà trường trong việc đào tạo học sinh nên người. Từ việc triển khai các chủ trương của nhà trường đến từng phụ huynh, rồi việc công khai tài chính, minh bạch thu chi…, tất cả đều được ông Thế làm tận tâm, không tính toán.
Năm 2013, Trường THPT Long Khánh có chủ trương vận động Ban Đại diện cha mẹ học sinh mỗi lớp, bắt đầu từ lớp 10 của năm học 2013-2014 góp tiền mua tivi 49 inch trang bị cho học sinh để tiện việc học tập với giáo án điện tử. Ông Thế đã tổ chức họp phụ huynh học sinh từng lớp, giải thích cách thức làm và công khai cho các lớp tự chọn chủng loại tivi, bản thân ông cùng với nhà trường chỉ giám sát đơn vị thi công lắp ráp tivi, giá đỡ, kính cường lực theo tiêu chuẩn. Sau khi lớp học sinh đó ra trường, tivi sẽ được để lại cho thế hệ đàn em hoặc được bán hóa giá rồi hoàn lại tiền cho học sinh. Nhờ đó, mỗi phụ huynh đều cảm thấy yên tâm vì đồng tiền được sử dụng đúng mục đích phục vụ trực tiếp cho việc học tập của con em họ.
“Có thể nói, bác Ba Thế là một tấm gương sáng, điểm tựa tinh thần để thế hệ trẻ noi theo. Mỗi khi trường có phong trào nào đó, bác đều có mặt. Thấy vậy, tôi khuyên học trò nhìn gương bác mà học tập, đã cao tuổi nhưng vẫn hăng hái góp mặt vào các hoạt động của trường. Ai từng trải qua công tác Bí thư Đoàn trường mới biết điều khó nhất là tập hợp học sinh, đoàn viên để sinh hoạt; nhờ có bác Ba Thế mà các khối lớp tự biết bảo nhau có mặt đầy đủ, tích cực hơn với các hoạt động của trường” - thầy Nguyễn Duy Bằng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh, vui vẻ kể lại.
16 năm làm Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh, 13 năm liền làm Bí thư Chi bộ khu phố, rồi sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh phường, ngày ngày bán hàng phụ vợ và ra rẫy phát cỏ trồng cây…, hầu như từ khi nghỉ hưu đến nay không ngày nào ông Thế chịu ngơi tay. Ông tâm sự, phải chịu khó đi đây đi đó, gặp nhiều người để tự thấy bản thân luôn khỏe mạnh, không bị tuổi già đánh gục.
“Tôi từng là một người lính vào sinh ra tử, một cán bộ quản lý 20 năm ròng rã nên công tác quản lý Ban Đại diện cha mẹ học sinh với tôi rất đơn giản. Hiện nay, ngoài sáng thứ hai hàng tuần đến trường, tôi dành thời gian còn lại gặp gỡ mọi người, chăm sóc vườn tược, nuôi cá, trồng cây để khi bạn bè có dịp gặp nhau thì khỏi phải ra hàng quán, tiết kiệm được chút ít. Cũng nhờ gặp gỡ nhiều người nên tôi không bị trì trệ trong suy nghĩ, dễ tiếp xúc, lắng nghe học sinh tâm sự, dễ thấu hiểu với các học sinh nghịch ngợm hơn đấy” - ông Thế vừa cười vừa nói.
Đăng Tùng