Với lòng thành của người con Bình Định xa quê, chúng tôi được lão võ sư Trương Văn Vịnh, Trưởng môn phái Phi Long Vịnh (thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), nhận lời gặp gỡ.
Với lòng thành của người con Bình Định xa quê, chúng tôi được lão võ sư Trương Văn Vịnh, Trưởng môn phái Phi Long Vịnh (thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), nhận lời gặp gỡ. “Con cháu trong làng muốn tìm hiểu về nền võ thuật của cha ông, tao đều nói hết” - câu nói ngắn gọn của lão võ sư Vịnh làm chúng tôi thấy mừng khi cất công từ Đồng Nai đến Bình Định diện kiến ông.
Lão võ sư Trương Văn Vịnh. |
Đất Bình Định vốn có nhiều bậc kỳ tài về võ thuật và dòng họ Trương của lão võ sư Vịnh cũng góp mặt nhiều nhân tài làm rạng danh vùng đất võ Tây Sơn - Bình Định. Ở tuổi 82, lão võ sư Vịnh vẫn còn sức chăm sóc mấy sào ruộng, đứng lớp truyền dạy võ học cho các bạn trẻ xa gần.
* Dòng họ Trương làng Kỳ Sơn
Với nhiều danh hiệu được tổ chức, nhà nước trao tặng, ghi nhận, như: đại võ sư quốc tế, đại danh sư, nghệ nhân dân gian… và là võ sư đời thứ 7 của dòng họ Trương ở thôn Kỳ Sơn, lão võ sư Trương Văn Vịnh tự hào khi có con trai nối nghiệp. Lão võ sư Vịnh chia sẻ: “Võ Bình Định hiện nay đã được phổ biến rộng rãi, nhưng người giỏi võ Bình Định, giữ được hồn võ Bình Định vẫn là con em Bình Định tại các dòng tộc. Bí truyền của nó nằm ở sự phân thế đánh mà các võ sư dòng tộc Bình Định không dễ gì truyền dạy cho người ngoài”. |
Lão võ sư Trương Văn Vịnh có tất cả 10 người con (5 trai, 5 gái) và tất cả đều được cha truyền dạy võ nghệ của dòng họ Trương. Trong đó, võ sư Trương Trọng Hải đang phụ lão võ sư Vịnh dạy võ tại từ đường tổ ở thôn Kỳ Sơn, còn võ sư Trương Trọng Hùng mở lò võ riêng tại nhà ông với hàng trăm môn sinh theo học.
Lão võ sư Vịnh chậm rãi kể, võ đường họ Trương thờ ông Quan Thánh (Quan Vân Trường thời Tam Quốc) nhằm nhắc nhở con cháu, môn sinh biết trọng nghĩa khinh tài, học võ để hành hiệp trượng nghĩa. Hầu hết người trong họ Trương của ông từ xưa đến nay đều học võ. Truyền thống đó có từ thời ông tổ của dòng họ (danh sư Trương Văn Hiến, tức thầy giáo Hiến, người dạy cả văn lẫn võ cho anh em nhà Tây Sơn và nhiều vị văn thần, võ tướng của triều đại này).
Theo gia phả dòng họ Trương của lão võ sư Vịnh, ông Trương Hổ (ông nội của lão võ sư Vịnh) và em trai Trương Ninh đều là những người giỏi võ đất Bình Định.
Ông Trương Hổ có 3 người con, gồm: Trương Văn Cẩn, Trương Hoàng (Ba Chăm) và Trương Xuân Ba (Sáu Hòa), đều nổi danh về đạo đức lẫn võ học. Trong đó, ông Trương Hoàng là một trong những người thầy của võ sư Hà Trọng Sơn (biệt danh “Hùm xám miền Trung”); ông Trương Xuân Ba từng đoạt cúp vô địch võ thuật xứ Đông Dương thời Pháp thuộc.
Lão võ sư Vịnh tự hào kể, ông được cha là cố võ sư Trương Văn Cẩn truyền thụ võ nghệ từ nhỏ. Sau đó, ông được 2 người bác là cố võ sư Trương Xuân Ba và cố võ sư Trương Hoàng truyền dạy thêm nhiều chiêu thức chân truyền của dòng họ và bản thân ông chiêm nghiệm được thêm ít nhiều trong quá trình rèn luyện võ thuật.
Vào năm 1970, trong chương trình giao lưu võ thuật với các võ sư nổi tiếng trong nước và quốc tế, lão võ sư Vịnh biểu diễn bài Ngọc trản thần công (Ngọc trản ngân đài) với quyền cước biến hóa nên được ngợi khen và đặt biệt hiệu là “Phi Long” (rồng bay). Từ đó, tên Phi Long gắn liền với cuộc đời của lão võ sư Vịnh. Khi dạy võ, ông lấy tên võ đường là Phi Long. Sau đó, vì nhiều võ đường cũng lấy tên Phi Long nên ông đổi tên võ đường của ông thành Phi Long Vịnh cho khỏi trùng.
Năm 2007, lão võ sư Vịnh được võ sư Phạm Xuân Tòng (Chưởng môn Quán khí đạo Việt Nam) mời sang Italia dự đại hội Tổng hội Quán khí đạo quốc tế. Tại đại hội, lão võ sư Vịnh một lần nữa trình diễn Ngọc trản thần công trước hàng trăm võ sư đến từ 40 nước trên thế giới. Thêm một lần nữa, ông được giới võ sư quốc tế ngưỡng mộ và được võ sư Phạm Xuân Tòng đích thân tặng 3 chữ “Đại danh sư” cùng thanh kiếm quý.
Lão võ sư Trương Văn Vịnh truyền dạy võ học cho môn sinh. |
* Ông già của ruộng đồng
Chiếc búa chẻ củi trong nhà bị gãy cán, lão võ sư Vịnh tìm thợ mộc vừa ý mới chịu đem tra lại cán.
Nghĩ lão võ sư Vịnh khó tính, chúng tôi hỏi anh thợ mộc Dũng (người nhận lời giúp tra cán búa cho ông, thì thợ mộc Dũng cười hiền cho hay: “Lão võ sư là dân võ nên cái cuốc, xẻng, búa… đều phải tra cán vừa tay ông mới ưng ý”.
Thúc hối anh Dũng tra nhanh cán búa cho lão võ sư Vịnh, chúng tôi được ông vui vẻ bộc bạch nhờ lấy võ rèn luyện sức khỏe và ý chí mà ông có sức nuôi được 10 người con khôn lớn từ 2 hécta ruộng lúa. Lúa trên ruộng của ông lúc nào cũng tươi tốt là nhờ ông cày sâu, cuốc bẫm. Để ruộng tươi tốt, ông quần quật cày cuốc một mình từ sáng sớm tới chiều muộn mới về.
Nấu cơm bằng rơm, hạt lúa thành gạo hết thời giã cối đến chà máy thủ công. Cũng vì những khó khăn ấy mà người luyện võ như ông có thời gian vừa lao động vừa suy ngẫm chuyện đời, chuyện võ và các chiêu thức võ học do các bậc truyền nhân dạy.
Lão võ sư Vịnh khẽ nói: “Muốn giỏi thì phải ngày tập, đêm nghĩ. Đầu óc lúc nào cũng luôn nghĩ về các chiêu thức đã học để không bị lãng quên cho dù cuộc sống xô bồ”.
Thói quen của lão võ sư Vịnh là 4 giờ sáng thức dậy luyện võ rồi mới cơm nước, đi thăm đồng hoặc đứng lớp dạy võ cho thanh thiếu niên trong làng.
Chuyện ăn uống của lão võ sư Vịnh chỉ đạm bạc cơm rau, cá, bánh tráng chấm nước mắm… đều đặn ngày 3 bữa. Tuy vậy, nhờ siêng năng luyện võ, thời trai trẻ ông có sức vóc tráng kiện, thượng đài bất bại, tuổi già lại dẻo dai.
Luyện võ từ nhỏ nên nông cụ được lão võ sư Vịnh thi triển thành thạo như binh khí. Với tâm niệm quyền giỏi thì sử dụng binh khí càng giỏi, lão võ sư Vịnh sử dụng thành thục 18 bộ binh khí nhà Tây Sơn không kém gì sử dụng cuốc, xẻng, bồ cào... Cho nên, bài Ngọc trản cổ (Ngọc trản thần công) của dòng họ được ông thi triển nhẹ nhàng trên tấm chiếu nhỏ hoặc cái nia đựng lúa.
Chuyện bái sư, nhận trò theo học võ của lão võ sư Vịnh vẫn còn giữ nét xưa. Lão võ sư Vịnh cho biết trò hung, tâm phúc hay phản thầy… được ông nhận biết qua khuôn mặt, lời nói. Người tâm xấu thì lão võ sư Vịnh truyền dạy có chừng mực nhằm mục đích tự vệ là chính. Gặp người hiền tài, hiếu đạo, ông mới truyền dạy tận tâm. Với người nước ngoài, lão võ sư Vịnh cũng dạy vì theo ông võ học là vô bờ không phân biệt chủng tộc, giới tính.
Đoàn Phú