Báo Đồng Nai điện tử
En

Muôn mặt shipper

11:08, 18/08/2017

Xuất hiện hơn chục năm trước, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, shipper (người đi giao hàng) mới thực sự được nhiều người chú ý. Để có thu nhập từ dịch vụ giao hàng thuê, những rủi ro về tính mạng, sức khỏe, tiền bạc luôn tiềm ẩn với các shipper.

Xuất hiện hơn chục năm trước, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, shipper (người đi giao hàng) mới thực sự được nhiều người chú ý. Để có thu nhập từ dịch vụ giao hàng thuê, những rủi ro về tính mạng, sức khỏe, tiền bạc luôn tiềm ẩn với các shipper.

Người giao hàng thuê kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi giao cho người mua.
Người giao hàng thuê kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi giao cho người mua.

Vất vả cả ngày ngoài đường để nhận rồi giao hàng cho khách, đội ngũ giao hàng thuê vẫn ngày một đông trên cộng đồng mua bán hàng online.

* Kiếm sống với nghề giao hàng

Ngày nay, nhu cầu mua sắm qua mạng internet và giao hàng tận nơi trở nên phổ biến. Chỉ cần ngồi một chỗ lướt web tham khảo các mặt hàng trên mạng là khách hàng có thể đặt mua nhiều thứ từ nhỏ đến lớn, đủ các mặt hàng, như: quần áo, giày dép cho tới đồ ăn, thức uống. Chính vì thế, nhiều shop, cửa hàng, quán ăn... mở ra kèm thêm dịch vụ giao hàng tận nơi.

Để làm công việc này, chủ kinh doanh thường thuê shipper đi làm nhiệm vụ giao hàng. Chỉ cần chiếc xe máy, điện thoại truy cập internet và hiểu rõ mọi ngõ ngách nơi mình sinh sống, ai cũng có thể trở thành một shipper thực thụ.

Thông thường, sau khi có đơn hàng, shipper dựa trên địa chỉ khách cung cấp để giao hàng tận nơi, nhận số tiền mua hàng và về đưa lại cho chủ. Số tiền công shipper nhận được tùy thuộc vào quãng đường vận chuyển, giá trị và kích thước món hàng đem giao.

Anh Lê Đình Vũ (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) là shipper của một trang mạng mua bán online nổi tiếng đã gần 2 năm nay. Một ngày, anh Vũ giao trung bình 10 đơn hàng, chủ yếu ở các phường gần nơi anh sinh sống. Tiền công được trả dao động từ 20-40 ngàn đồng/món hàng nên thu nhập một ngày của anh Vũ khoảng 200-300 ngàn đồng.

Anh Vũ chia sẻ shipper nhận tất cả đơn hàng vào buổi sáng rồi sắp xếp theo từng khu vực để tiết kiệm thời gian và xăng xe. Khi đã nhận hàng từ chủ kinh doanh hay qua trung tâm phân phối, người giao hàng buộc phải thực hiện đầy đủ các quy định về thời gian cho dù gặp bất cứ khó khăn gì.

Có những ngày nắng như đổ lửa hoặc mưa to gió lớn, anh Vũ vẫn rong ruổi ngoài đường nếu chưa hoàn thành đơn hàng. Nhiều trường hợp shipper phải chờ đợi khách cả tiếng, thậm chí có khi mất cả buổi mới giao được một món hàng.

“Nếu chăm chỉ “cày”, chấp nhận giao hàng ở khu vực xa thì tiền công sẽ cao hơn so với những công việc khác. Ngày nào giao nhiều, trong tay có 600-700 ngàn đồng không chừng. May mắn nhất là lúc nhận được nhiều đơn hàng từ một cửa hàng, khoảng cách đi giao lại gần nhau nên rất tiết kiệm xăng xe và công sức” - anh Vũ vui vẻ bộc bạch.

Gắn bó với việc giao hàng thuê một thời gian dài, anh Trần Hoàng (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay thu nhập hàng tháng của anh có thể lên đến 12-15 triệu đồng, nhưng chưa trừ tiền xăng xe, điện thoại, công sức chờ đợi khách nhận hàng. Những ai làm shipper lâu năm và quen việc đều linh động ghép lộ trình giao các đơn hàng vào một tuyến vận chuyển. Nhờ đó, shipper có thể giao chục đơn hàng mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng có lúc “ế” khách, anh Hoàng phải tìm đơn hàng mới trên internet, hay từ các chủ cửa hàng khu vực trung tâm TP.Biên Hòa để “kèm” thêm.

Anh Hoàng chia sẻ kinh nghiệm, mỗi khi nhận đơn hàng lẻ bên ngoài, shipper phải cực kỳ cẩn thận, phải tìm hiểu kỹ thông tin cá nhân của chủ lẫn khách. Bản thân anh từng gặp chủ đưa hàng không đúng giá trị, sau đó quỵt tiền ứng trước của khách, hoặc kẹp hàng cấm vào kiện hàng.

“Ngoài ra, có đối tượng khách đưa địa chỉ không đúng, khi đến nơi gọi hỏi cụ thể vị trí thì bặt vô âm tín. Với trường hợp này, nếu điện thoại 3 lần người nhận hàng không nghe máy thì shipper không giao nữa và tiền công hôm đó chẳng đáng là bao, không đủ xăng xe” - anh Hoàng nói.

Người giao hàng kiểm tra thông tin đơn hàng của khách.
Người giao hàng kiểm tra thông tin đơn hàng của khách.

* Rủi ro luôn thường trực

Ngoài những shipper làm ăn chân chính, vẫn còn một số người đi giao hàng quỵt tiền của nhiều chủ kinh doanh hoặc tráo hàng của khách. Những trường hợp này chủ yếu nhận hàng lẻ bên ngoài, giao hàng không thường xuyên nên người mua cần cảnh giác.

Những người giao hàng thuê chia sẻ, công việc giao hàng ngày càng chứa đựng nhiều rủi ro. Thu nhập hấp dẫn và ổn định, nhưng sau đó là vô vàn khó khăn, vất vả. Nhiều khi bị lừa, kẻ xấu lấy hết sạch tiền bạc, thậm chí bị mất toàn bộ hàng hóa chưa kịp giao. Không những rủi ro do bị lừa đảo, shipper còn phải chạy cả ngày trên đường, chở theo bao nhiêu hàng hóa cùng với áp lực giao hàng phải đúng giờ, nỗi lo tai nạn giao thông...

Mới đây, kẻ gian đã giả vờ mua hàng trên internet rồi yêu cầu anh T.M.N. (21 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đi giao hàng để cướp tài sản.

Theo điều tra của cơ quan công an, khoảng 11 giờ 30 ngày 3-8, anh N. đi giao hàng trong Khu công nghiệp Amata (thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa) theo đơn đặt hàng online của khách. Đến 12 giờ, khi điều khiển xe máy đến cổng Khu công nghiệp Amata, anh N. được “khách hàng” yêu cầu đi vào một đoạn đường vắng để giao hàng. Tại đây, “khách hàng” cùng với một đối tượng khác uy hiếp, buộc anh N. phải đưa ví tiền và chìa khóa xe.

Lợi dụng lúc 2 kẻ cướp sơ hở, anh N. cố gắng chạy thoát thì bị chúng tấn công và dùng dao đâm nhiều nhát gây thương tích. Sau đó, kẻ xấu cướp điện thoại di động của anh N. rồi lên xe tẩu thoát.

Ông Lê Thành Trung, phụ trách bộ phận giao hàng của một công ty mua bán hàng online, chia sẻ để phòng ngừa bị lừa đảo, những shipper cần chú ý cảnh giác. Đối với việc giao hàng cho khách, shipper cần nắm rõ khu vực cần giao; không hẹn khách hàng ở khu vực hẻo lánh, ít người qua lại; nên yêu cầu khách nhận hàng ở địa điểm công cộng càng tốt. Tốt nhất, nên gọi điện cho người nhận hàng trước khi đi giao để xác nhận thông tin xem có đúng họ là người mua hàng và mua đúng loại hàng chuẩn bị giao hay không.

“Sau vụ một shipper bị cướp mới đây ở Khu công nghiệp Amata, chúng tôi yêu cầu nhân viên giao hàng phải hẹn khách ra đường lớn, khu dân cư đông đúc nhận hàng, để đề phòng những rủi ro có thể xảy ra… Giao hàng mua bán qua mạng internet là công việc tốt, ngày càng nở rộ đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng cũng lắm rủi ro” - ông Trung nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Bảng giá vận chuyển quốc tế mới nhất 2024