Báo Đồng Nai điện tử
En

Người Bến Tre ở Mã Đà

11:08, 13/08/2017

Hòa cùng dòng người di cư về rừng Mã Đà lập nghiệp, những cư dân xứ dừa Bến Tre, như: ông Hai Yên, bà Năm "Chi Bộ", ông Năm Khỏe…, đều ngụ ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), nếm đủ những khó khăn, vất vả của cuộc sống.

Hòa cùng dòng người di cư về rừng Mã Đà lập nghiệp, những cư dân xứ dừa Bến Tre, như: ông Hai Yên, bà Năm “Chi Bộ”, ông Năm Khỏe…, đều ngụ ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), nếm đủ những khó khăn, vất vả của cuộc sống.

Nhiều loại cây ăn trái có xuất xứ từ tỉnh Bến Tre đang được ông Phạm Chí Dũng trồng thử nghiệm tại vườn nhà.
Nhiều loại cây ăn trái có xuất xứ từ tỉnh Bến Tre đang được ông Phạm Chí Dũng trồng thử nghiệm tại vườn nhà.

Theo thời gian, những đặc sản xứ dừa, như: nhãn, xoài và các loài cây có múi quen dần với chất đất kém phù sa ở Mã Đà; còn cư dân gốc Bến Tre thì hãnh diện, có nhiều niềm vui nơi vùng đất mới.

* Dân nghèo di cư

Ông Huỳnh Ngọc Yên cho hay những ngày đầu đến ấp 2, xã Mã Đà lập nghiệp, dân Bến Tre di cư tuy gặp khó khăn, nhưng sống rất nghĩa tình, đoàn kết. Nay cuộc sống khá giả, người dân Bến Tre ở xã Mã Đà vẫn thấm đẫm tình đồng hương, tự hào về quê hương của mình và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của xã, ấp phát động, như: xây dựng đời sống mới, bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới…

Vợ chồng bà Năm “Chi Bộ” (Trần Thị Phấn) về ấp 2, xã Mã Đà lập nghiệp với tài sản mang theo, gồm: chiếc xe đạp, cái cưa cá mập, tay lưới cá, chiếc búa (hiện bà vẫn còn lưu giữ làm kỷ niệm) và mấy ngàn đồng. Được tổ chức hưu trí của người Bến Tre cấp cho 1 hécta đất rừng khai hoang, vợ chồng bà Năm “Chi Bộ” và những người Bến Tre di cư nhanh chóng gieo tỉa những luống bắp, đậu, mì, bí trên phần đất được cấp để chống đói.

Ngày mới về, gia đình bà Năm “Chi Bộ” và những người đồng hương chưa có chòi riêng để ở mà phải ở trong “khu tập thể”. “Khu tập thể” của các gia đình là những lán trại được dựng bằng thân cây rừng, che tranh, vách bằng thân lồ ô đập giập. Ban ngày, mọi người tỏa đi dọn đất cho rẫy của mình, hoặc vần đổi công cho nhau khi đến ngày tỉa hạt. Buổi trưa và chiều về, mọi người quây quần bên nhau trong bữa cơm tập thể với rau rừng, cá bắt dưới lòng hồ, mọi dụng cụ không chảy nước đều tận dụng để nấu nướng, ăn uống.

Đất Mã Đà tiếp tục đón nhận thêm đợt di dân của người Bến Tre theo đoàn cán bộ ngân hàng TP.Hồ Chí Minh và dòng người di dân các tỉnh đổ về.

Ông Huỳnh Ngọc Yên (tức Hai Yên, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà) cho biết gia đình ông cũng là một trong 70 hộ dân Bến Tre di cư về xã Mã Đà lập nghiệp từ năm 1987-1988. Người dân Bến Tre chọn vùng đất ven lòng hồ Trụ An ở ấp 2 để tiện nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.

Sau vài năm, một số cán bộ hưu trí, ngân hàng là dân Bến Tre có điều kiện ít nhiều về vốn do không chịu được sự khó khăn của vùng đất Mã Đà nên nhượng lại đất cho đồng hương rồi về quê sinh sống. Số hộ Bến Tre trụ lại chủ yếu là những người nghèo khó, không còn đất đai, tài sản ở quê nữa.

Ông Hai Yên cũng được tổ chức hưu trí Bến Tre cấp cho 1 hécta đất để trồng tỉa. Ngoài cây bắp, đậu, bí, chuối… trồng kín vườn, vợ chồng ông còn đem theo giống mì đỏ (ăn củ không bị say như giống mì địa phương) trồng trong vườn để chống đói.

“Cũng vì quý giống mì này mà ông Hai Yên thoải mái cho đồng hương nhổ củ để nấu ăn, chứ không cho cây” - ông Phạm Chí Dũng (con trai ông Phạm Văn Khỏe) kể.

Dù thiếu thốn đủ bề, những người Bến Tre di cư về ấp 2, xã Mã Đà cũng lanh trí về quê chọn những hạt giống, cây trồng, vật nuôi tốt đem về vùng đất mới nhân giống. Sản vật làm ra không bán được ở Mã Đà thì chế biến, sấy khô đem về Bến Tre và các chợ đầu mối bán. Sự cần cù, chịu khó và cả sự khéo léo, lanh lợi của người dân xứ dừa Bến Tre từng bước làm vùng đất ấp 2 xanh màu cây trái, rúc rích tiếng trẻ thơ trên đường đến trường.

Bà Năm “Chi Bộ” giờ đã có cháu, chắt tại ấp 2, xã Mã Đà.
Bà Năm “Chi Bộ” giờ đã có cháu, chắt tại ấp 2, xã Mã Đà.

* Đặc sắc người xứ dừa

Vùng đất Mã Đà vốn anh hùng trong kháng chiến và người đảng viên Võ Trường Thành (58 tuổi Đảng, mất năm 2008) góp cho vùng đất này một bầu nhiệt huyết với Đảng.

Bà Năm “Chi Bộ” (vợ ông Thành) kể rằng chồng bà không chuyển sinh hoạt Đảng về Mã Đà được nên liên tục trong 6 năm, mỗi tháng ông Thành cứ cộc cạch đạp xe từ Mã Đà về xã Thới Lai (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) để sinh hoạt chi bộ.

Từ những lần về quê sinh hoạt chi bộ, ông Thành không quên mang về Mã Đà những hạt nhãn, xoài để ươm trong vườn. Từ cách làm của ông, vùng đất ấp 2 bắt đầu xuất hiện cây nhãn, xoài trồng xen trong những vườn điều, chuối, cà phê, chôm chôm. Đến năm 1996, người Bến Tre ở ấp 2 đã tạo lập được vườn nhãn chuyên canh 50 hécta.

3 năm đầu, cây nhãn giúp cho người nông dân Bến Tre ở ấp 2 nở mặt nở mày vì được mùa. Đến năm thứ 4, mọi người vội vã chặt bỏ cây nhãn để nhường chỗ cho cây xoài và các cây trồng khác phát triển.

Bà Năm “Chi Bộ” kể lúc ấy dơi rừng và côn trùng kéo về phá nhãn dữ quá, nhà nông nghèo không có tiền mua tay lưới để đánh bắt cá cải thiện bữa ăn thì lấy đâu ra tiền mua lưới bao nhãn. Vì vậy, phong trào trồng nhãn của người Bến Tre ở ấp 2 bị phá sản.

Khi cây nhãn bị chặt, cây xoài cát Bến Tre có điều kiện và không gian tốt để vươn mình, ra hoa, đậu trái. Dù được trồng bằng hạt khi nhặt ngoài chợ quê mang về ấp 2, cây xoài ở đây vẫn cho những quả nặng gần 0,5kg. Nhờ những vụ trúng xoài cát, nông dân Bến Tre ở ấp 2 bắt đầu mua máy móc về tưới nước, phun xịt thuốc, sửa lại mái nhà, kéo điện sinh hoạt và lo cho con ăn học.

Điều kiện kinh tế phát triển, nông dân Bến Tre ở ấp 2 nhanh chóng kiến thiết lại khu vườn theo hướng chuyên canh xoài cát và kết hợp với chăn nuôi. Một số nhà nông có kinh nghiệm, nhạy bén bắt đầu đi thuê vườn xoài của nông dân trong xã chăm sóc để ăn chia. Một số khác thì về các chợ đầu mối ký kết hợp đồng cung cấp xoài nhằm tránh sự phụ thuộc vào các thương lái ở địa phương.

Cây xoài cát của nông dân Bến Tre ở ấp 2 nhanh chóng khẳng định được thương hiệu. Vì vậy, nhà nông Bến Tre ở ấp 2 mạnh dạn đầu tư vùng trồng chuyên canh xoài cát lên đến 70 hécta.

Bên cạnh cây xoài cát, họ còn về quê chọn thêm nhiều giống cây trồng mới để ươm tạo trong vườn, như: mít, quýt, sầu riêng... “Gà Bến Tre thịt thơm và chắc, đang được chúng tôi nhân giống nuôi thả thay cho giống gà địa phương, gà tam hoàng thả vườn” - ông Phạm Chí Dũng bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều