Báo Đồng Nai điện tử
En

Trải nghiệm tàu điện ngầm ở Nhật Bản

11:08, 16/08/2017

Nhiều người cho rằng đến Nhật Bản mà chưa đi tàu điện ngầm thì coi như chưa đến. An toàn, đúng giờ, sạch sẽ, an ninh, tiện nghi và không tiếng ồn... đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi trải nghiệm tàu điện ngầm ở Tokyo trong một dịp đến Nhật Bản.

Nhiều người cho rằng đến Nhật Bản mà chưa đi tàu điện ngầm thì coi như chưa đến. An toàn, đúng giờ, sạch sẽ, an ninh, tiện nghi và không tiếng ồn... đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi trải nghiệm tàu điện ngầm ở Tokyo trong một dịp đến Nhật Bản.

Người dân Nhật Bản chờ tàu điện.
Người dân Nhật Bản chờ tàu điện.

* Thành phố dưới lòng đất

Đến thủ đô Tokyo giữa giờ cao điểm, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy đường phố xe cộ khá thưa thớt. Nhưng dưới lòng đất, hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt như mạng nhện với những chuyến tàu điện dọc ngang. Hàng triệu lượt người đi lại mỗi ngày như những đàn kiến trong lòng ống, không chen chúc, ồn ào, người Nhật rất điềm tĩnh, điềm tĩnh đến lạ lùng trong sự vội vã.

Hệ thống tàu điện ngầm có ở khắp nơi. Tại Tokyo có 13 tuyến với 282 nhà ga. Trên phố, cứ cách khoảng 1km là có lối xuống nhà ga tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ngầm ở Nhật Bản được đánh giá phát triển vào bậc nhất thế giới. Những nhà ga trung tâm có tới 2-3 tầng tàu điện, khách lên xuống bằng thang cuốn.

Nhật Bản nổi tiếng là nước có công nghệ điện tử hiện đại. Tại các nhà ga tàu điện ngầm, máy bán vé tự động cùng với bản đồ tàu chạy đều bằng điện tử và được bố trí tại những điểm thuận tiện nhất để hành khách dễ quan sát.

Máy bán vé có sẵn màn hình với thông tin ga, giá tiền, thời gian tàu chạy… hành khách chỉ cần đút tiền (tiền xu hoặc tiền giấy) vào máy rồi nhấn vào vé trên màn hình, ngay lập tức vé tương ứng với số tiền đó được đưa ra và tiền thừa cũng được trả lại một cách chính xác. Nếu lỡ mua nhầm vé ga khác hoặc vé có số tiền cao hơn, khách cứ việc lên tàu, khi vào ga đến gặp nhân viên nhà ga sẽ được trả lại phần tiền chênh lệch hoặc hủy vé mua nhầm, trả lại tiền cho hành khách.

Để vào sân ga, chúng tôi đi qua một hệ thống máy soát vé tự động. Đưa vé qua khe máy, thanh chắn đặt rất thấp, chỉ cách mặt đất khoảng 30cm, mở ra cho khách qua. Lên tàu cũng không có người soát vé, khi xuống tàu và ra khỏi ga, một lần nữa đưa vào khe soát vé tự động, vé sẽ được giữ lại để hủy.

Hơn nửa số dân Nhật Bản chọn tàu điện làm phương tiện đi lại hàng ngày.
Hơn nửa số dân Nhật Bản chọn tàu điện làm phương tiện đi lại hàng ngày.

Ở Tokyo, tàu điện có nhiều tốc độ khác nhau: tàu thông thường, vận tốc trung bình 40 km/giờ, tàu nhanh Shinkansen chạy 300 km/giờ. Giá vé tàu Shinkansen gần ngang với máy bay, nhưng vẫn được ưa chuộng bởi tiết kiệm được thời gian, tiện nghi và hoạt động cực kỳ đúng giờ.

Sau hơn 50 năm đi vào hoạt động, tàu Shinkansen vẫn là niềm tự hào của nước Nhật hiện đại, khi đã giảm thời gian đi lại giữa thủ đô Tokyo và TP.Osaka từ 6 giờ 30 phút xuống chỉ còn 2 giờ 30 phút.

* Văn hóa Nhật nơi nhà ga

Tokyo có 13 tuyến tàu điện ngầm với 282 nhà ga. Tổng chiều dài hệ thống là 328,8km, mỗi ngày vận chuyển khoảng 8 triệu lượt khách. Với hơn 50% người dân chọn phương tiện đi lại hàng ngày bằng tàu điện ngầm, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượt khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống tàu điện ngầm ở Nhật Bản được đưa vào hoạt động từ năm 1927.

Tàu điện ngầm không chỉ là phát minh của nền công nghệ vượt bậc của Nhật Bản, mà tại nơi “thế giới” dưới lòng đất này, chúng tôi còn có những quan sát thú vị về thói quen của người dân Nhật Bản.

Hỏi chuyện một cô gái có tên Nachika ngồi bên: “Sao nước Nhật sản xuất ra rất nhiều xe ô tô, bán đi khắp thế giới, nhưng người Nhật lại chỉ thích dùng tàu điện?”, Nachika trả lời: “Tàu điện là phương tiện di chuyển đặc trưng của người Nhật. Chúng tôi thích đi tàu điện vì tiết kiệm, đúng giờ, lại thân thiện với môi trường. Còn đi ô tô riêng, giá xăng đắt, phải trả phí đường cao tốc, phí bảo vệ môi trường, phí đậu khá cao. Vì thế, nhiều người Nhật có điều kiện nhưng không thích mua ô tô”.

Bằng tàu điện, người ta có thể đi khắp Nhật Bản bởi hệ thống tàu điện ở xứ sở mặt trời mọc này cực kỳ hiện đại và rộng khắp. Trên mỗi tàu điện được bố trí đủ tiện nghi như máy lạnh vào mùa hè, máy sưởi vào mùa đông. Hai bên hông tàu luôn có các bảng điện tử chỉ dẫn để giúp hành khách có thể tra cứu lộ trình dễ dàng với mạng wifi miễn phí.

Người Nhật nổi tiếng là nguyên tắc, vì thế trên ga và trên tàu có rất nhiều biển cảnh báo như: hãy cẩn thận khi bạn đang say rượu và đứng gần tàu; cẩn thận khi bạn trang điểm trên tàu… và hầu hết các biển cảnh báo đều có phiên bản tiếng Anh.

Như Nachika đã nói, một trong những ưu điểm khiến người dân Nhật Bản chọn tàu điện ngầm là luôn bảo đảm giờ giấc chính xác. Điều này lý giải vì sao nhiều người Nhật lên tàu dù ngủ nhưng thức dậy rất đúng giờ để xuống đúng ga mình muốn. Bởi các chuyến tàu chạy theo một lịch trình nghiêm ngặt và hành khách có thể thiết lập những báo động trên điện thoại, hoàn toàn yên tâm ngủ mà không lo lỡ ga.

Theo JR East - công ty quản lý hệ thống tàu điện ngầm ở Nhật Bản, thời gian tàu điện trễ hẹn chỉ khoảng 7 giây mỗi năm. Trên chuyến tàu chúng tôi đi hôm ấy, tàu cũng chỉ đến trễ vào phút cuối, nhưng nhân viên tàu đã xin lỗi hành khách rối rít qua hệ thống loa.

Một trong những nét văn hóa đi tàu điện của người Nhật khiến cả thế giới nể phục, đó là khi lên tàu, mọi người xếp thành 2 hàng trước vạch vàng (vạch an toàn) và không được phép chen lấn. Khi tàu điện đến, những người lên tàu nhường cho người xuống tàu xuống hết mới bước lên. Trên tất cả các toa tàu đều có ghế dành riêng cho người già, người tàn tật, phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ.

Riêng về mức độ an toàn, gần như không có khoảng hở giữa đường ray và sân ga, cửa tàu mở ra liền giáp với sàn ga, vì thế không có chuyện lọt xuống đường ray hay bước hụt. Ngay cả cửa tàu điện tự động đóng mở theo nhịp, nhưng bao giờ cũng dừng lại nhịp giữa trước khi đóng chặt để ai chưa vào hẳn tàu sẽ không bị kẹt lại.

Trên chuyến tàu hôm ấy, chúng tôi gần như không nghe thấy tiếng ồn của phương tiện lẫn khách đi tàu. Mọi người rất lịch sự, im lặng đọc sách, ngủ hoặc nhắn tin. Người Nhật rất ít khi gọi điện trên tàu vì sợ làm ảnh hưởng đến người khác.

Vệ sinh trên tàu cũng như ở sân ga luôn sạch sẽ, tinh tươm. Một ngày 3 lần, nhân viên hút bụi làm sạch tàu hoặc lau khử trùng các tay vịn. Tuyệt đối chúng tôi không thấy tình trạng bán hàng rong lộn xộn, nơi đây chỉ có những máy bán nước tự động, một vài quầy báo miễn phí, quầy hàng lưu niệm tự phục vụ, ngay cả nhân viên nhà ga cũng chỉ có 1 người làm nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích khi khách có yêu cầu.

Phương Liễu

Tin xem nhiều