Từ đầu năm 2017 khi cầu Đắc Lua được hoàn thành, việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, nhất là vào mùa mưa nước dâng cao. Đời sống người dân trong xã từ đó cũng dần thay đổi.
Xã Đắc Lua nằm cách trung tâm huyện Tân Phú khoảng 60km, trước đây người dân địa phương có việc đi lại rất khó khăn khi vừa phải qua phà vừa phải đi qua địa phận của tỉnh Lâm Đồng. Từ đầu năm 2017 khi cầu Đắc Lua được hoàn thành, việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, nhất là vào mùa mưa nước dâng cao. Đời sống người dân trong xã từ đó cũng dần thay đổi.
Cầu Đắc Lua nối gần xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) với những địa phương còn lại trong tỉnh. |
Xã Đắc Lua hiện có trên 1,5 ngàn hộ dân với gần 7 ngàn nhân khẩu; đời sống người dân chủ yếu làm nông nghiệp, một số ít làm dịch vụ. Ngày trước, người dân muốn đến trung tâm huyện phải đi phà; nhưng mùa mưa, nước lớn đổ về thì đi phà lại khó khăn hơn. Việc tiêu thụ nông sản, gia súc… của người dân trong xã vì thế bị giảm lợi nhuận vì phí vận chuyển tăng cao. Nhiều hộ cho biết nếu tình trạng cách trở kéo dài, có lẽ họ phải chuyển đi nơi khác sinh sống.
* Cách trở đò giang
Chủ tịch UBND xã Đắc Lua Lê Văn Hải cho biết cầu Đắc Lua là niềm mơ ước của người dân địa phương từ lâu. Chiếc cầu không chỉ giúp người dân địa phương đi lại thuận tiện, mà còn giúp đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Địa phương vùng sâu, vùng xa như xã Đắc Lua sẽ được kéo gần về với trung tâm huyện hơn, tạo đà phát triển để thay đổi bộ mặt một vùng đất từng là “rốn lũ” nhiều năm trước. |
Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua Nguyễn Ngọc Nhì chia sẻ: “Có hộ kinh doanh dịch vụ vận tải tính toán mỗi năm họ phải chi gần 150 triệu đồng tiền phà. Những hộ kinh doanh khác cũng phải nâng giá bán vì chi phí vận chuyển hàng hóa khá cao. Chưa kể phân bón đưa về cho bà con nông dân ở xã giá cao hơn thị trường; trong khi đầu ra nông sản lại khó khăn vì cách trở một chuyến phà”.
Bên cạnh việc giá cả tăng cao, lợi nhuận thu được ít, người dân nơi đây còn gặp phải khó khăn lớn nhất là khi có người ốm đau, bệnh tật vào ban đêm.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn (ngụ ấp 11) cho biết, người dân thường đi bệnh viện tuyến huyện ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng, cách xã Đắc Lua khoảng 25km) nếu bệnh nhẹ và đến huyện Tân Phú hoặc các tuyến trên nếu bị bệnh nặng. Vào mùa khô, phà còn hoạt động; gặp mùa mưa, nước dâng cao hay gặp mưa lớn thì phà đành nằm chờ…
“Nhiều bà con hỏi tôi sao không dọn đi nơi khác hoặc chuyển về xã nào gần trung tâm huyện để sống. Nhưng nói thật là cũng khó, ở đâu quen đó, gần 30 năm gắn bó với đất này rồi, giờ đâu thể nói bỏ đi là bỏ được' - ông Hoàn tâm sự.
Cũng theo ông Hoàn, rất may là mấy tháng trước cầu xây xong, việc đi lại thuận tiện. Mọi người thấy giá nông sản bán ra có tăng; giá phân bón, tiền vận chuyển giảm xuống, tiết kiệm cho mọi người rất nhiều; vậy là ai nấy đều vui mừng, có thêm động lực gắn bó với địa phương.
"Như tôi vừa làm lúa vừa nuôi gà, heo, thu nhập từ đó cũng tăng dần. Thời gian qua do giá heo trên thị trường giảm, chứ nếu ổn định thì những hộ sản xuất giống như tôi sẽ tăng lợi nhuận, sắm sửa được nhiều thứ cho gia đình” - ông nói.
Nhờ có cây cầu, việc kinh doanh của anh Vũ Duy Thanh giờ có thêm nhiều khách hàng hơn. |
* Đổi thay nhờ cây cầu mới
Cầu Đắc Lua khởi công từ tháng 8-2015, được xây dựng bằng bê tông cốt thép với chiều dài 362m; chiều rộng toàn cầu 9,5m, có 2 làn xe. Cầu đã giúp cho việc đi lại của người dân 2 xã: Đắc Lua (huyện Tân Phú) và Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) dễ dàng, từ đó giá thành nhiều sản phẩm mua vào giảm đi, những thứ làm được bán ra bên ngoài nhiều hơn, lợi nhuận cao hơn.
Lối đi được mở ra, cơ hội mở rộng thị trường cho những hộ kinh doanh cũng sáng hơn. Các hộ trồng trọt, chăn nuôi cũng không còn bị giá phân bón, giá đầu ra nông sản làm đau đầu như trước, dường như những cách trở của việc “lụy phà” như trước đây đã trôi dần vào quên lãng.
Gia đình anh Vũ Duy Thanh vừa kinh doanh bình gas, bếp gas vừa nuôi gà ở ấp 12, xã Đắc Lua. Trước đây, anh chỉ có thể mua bình gas, bếp gas từ bên ngoài vào bán cho các hộ trong xã. Do đại lý gas ở xa nên hàng vận chuyển vào khá tốn kém, kéo theo giá cả đến tay người tiêu dùng cũng tăng, thậm chí cùng một xã nhưng có những ấp xa xôi, đường vào khó khăn thì giá bán cao hơn nữa.
“Nay đã có cây cầu, khách hàng của tôi không chỉ có người dân địa phương mà còn có nhiều hộ ở bên kia cầu, phía huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) sang mua. Xe từ đại lý gas chở hàng vào tiện hơn, người dân mua gas chỗ tôi cũng rẻ hơn ở các điểm bán gas xa xôi, nhờ đó mà khách mua đông hơn và lợi nhuận vì vậy cũng cao hơn. Không chỉ vậy, giá lúa, giá gia cầm được giảm bớt tiền vận chuyển, bớt tiền thức ăn; dù tiền bán ra không tăng, nhưng nhờ giảm chi phí đầu vào nên tôi có lợi nhuận được nhiều hơn” - anh Thanh chia sẻ.
Ông Vũ Xuân Trường (ngụ ấp 12) kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, cho hay khi chưa có cây cầu Đắc Lua, mỗi năm chỉ tính riêng tiền phà để vận chuyển hàng, ông cũng tốn gần 20 triệu đồng. Kể từ khi có cây cầu, ông không tốn khoản phí đó nên giảm giá bán cho nông dân, hàng hóa của ông vì vậy bán được nhiều hơn trước.
“Tôi và gần như tất cả mọi người dân ở đây đều quên mất quãng thời gian hàng chục năm cách trở sông nước trước đây; mọi nếp sống, sinh hoạt, buôn bán cũng quen dần với việc có cây cầu Đắc Lua. Dường như ước mơ từ bao nhiêu năm nay của chúng tôi đã thành hiện thực, bà con giờ đi lại quá dễ dàng, các cháu học sinh đi học xa về cũng không còn lo trời mưa gió không qua phà được nữa” - ông Trường xúc động cho hay.
Đăng Tùng