Để UBND xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) triển khai thi công đường Bò (đường số 5, ấp Tây Nam, xã Gia Kiệm) được thuận lợi, trời chưa dứt mưa 2 ông Nguyễn Văn Sỹ và Nguyễn Khánh Hiền đã tính toán chuyện vận động dân đóng góp tiền đóng trụ, kéo dây điện thắp sáng tuyến đường.
Để UBND xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) triển khai thi công đường Bò (đường số 5, ấp Tây Nam, xã Gia Kiệm) được thuận lợi, trời chưa dứt mưa 2 ông Nguyễn Văn Sỹ (70 tuổi) và Nguyễn Khánh Hiền (60 tuổi) đã tính toán chuyện vận động dân đóng góp tiền đóng trụ, kéo dây điện thắp sáng tuyến đường và làm tiếp đoạn đường qua nhà thờ Phát Hải dài gần 300m hiện đang xuống cấp.
Đôi bạn già Nguyễn Văn Sỹ và Nguyễn Khánh Hiền luôn cặp kè bên nhau vì tuyến đường Bò. |
Ông Sỹ thời trẻ là bạn thân của anh trai ông Hiền nên khi gia đình ông Hiền chuyển về đường Bò mua đất cất nhà sinh sống (từ năm 2011), ông Hiền cũng thường lui tới gia đình ông Sỹ. Từ ngày tham gia ban vận động nâng cấp tuyến đường Bò, 2 ông Sỹ và Hiền thường cặp kè bên nhau.
* “Dụ” bạn của anh
Xã Gia Kiệm có trên 98% dân số là giáo dân. Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Toàn nói vui rằng lo cho dân Gia Kiệm cũng gần như là lo cho giáo dân nên địa phương rất được sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo trên địa bàn xã trong việc triển khai các phong trào. Vì vậy, việc xã hội hóa các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đều được dân góp tiền đối ứng kịp thời để địa phương triển khai thi công. Trong đó, vai trò tham gia các ban vận động làm đường, giám sát thi công của giáo dân rất bài bản và trách nhiệm. |
Ông Hiền kể, vào tháng 7-2017, ông Hiền được Chủ tịch UBND xã Gia Kiệm Vũ Văn Toàn gợi ý về việc vận động dân sống 2 bên đường Bò góp tiền đối ứng với xã để sửa chữa, nâng cấp tuyến đường sau nhiều lần chắp vá. Thấy lời ông Toàn đề nghị hợp lòng 33 hộ dân sống dọc 2 bên tuyến đường Bò, ông Hiền nhận lời ngay.
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất Gia Kiệm, ông Hiền chẳng xa lạ chuyện tuyến đường Bò lầy lội mỗi khi ông qua đây làm rẫy. Dù vậy, với người dân ở khu đường Bò, ông Hiền vẫn là người mới đến; còn ông Sỹ mới là dân kỳ cựu của khu đường Bò từ năm 1960 đến nay. Bởi vậy, sau khi nhận lời ông Chủ tịch xã vận động dân đóng góp tiền nâng cấp tuyến đường Bò, ông Hiền đã lôi kéo đàn anh Sỹ nhập cuộc.
Ông Hiền bộc bạch tuyến đường Bò nâng cấp lần này chẳng liên quan gì đến nhà ông Sỹ. Tuy nhiên, ông Sỹ là người uy tín trong khu vực, lại là bạn thân của anh trai ông, nên ông quyết lôi kéo cho được ông Sỹ vào ban vận động nâng cấp tuyến đường Bò.
Nể tình, đồng thời quý tính xốc vác của ông Hiền, ông Sỹ đã nhận lời tham gia. Ban vận động nâng cấp tuyến đường Bò có 9 thành viên, ông Hiền được chọn làm trưởng ban, còn ông Sỹ làm phó ban. Từ ngày Ban vận động nâng cấp tuyến đường Bò ra đời, 2 ông Sỹ và Hiền đã trở thành đôi bạn già thân thiết lúc nào không hay.
Ông Sỹ hóm hỉnh bày tỏ thời trẻ ông không thèm đoái hoài đến đứa em Hiền nhỏ hơn 10 tuổi, cho dù ông Hiền ngưỡng mộ tình bạn giữa ông với ông Khải (anh trai ông Hiền). Chuyện 2 ông gắn bó với nhau là do tuổi tác cả 2 đã về già, ở gần nhau và không còn xốc nổi như thời trai trẻ nên dễ kết thân nhau.
Ông Sỹ từng là chức sắc trong xứ Phát Hải, là người thành đạt, uy tín; còn ông Hiền vốn là thợ vá lốp xe đời sống khó khăn nhưng hoạt bát, sống chân thành, trách nhiệm. Từ ngày 2 ông trở thành “cặp bài trùng” vận động người dân 2 bên tuyến đường Bò thực hiện chủ trương xã hội hóa giao thông của xã thì mọi ranh giới tuổi tác, địa vị xã hội, giàu nghèo giữa họ không còn.
Đôi bạn Nguyễn Văn Sỹ (bìa trái) - Nguyễn Văn Hiền (giữa) trao đổi với Chủ tịch UBND xã Gia Kiệm Vũ Văn Toàn về tiến độ thu tiền dân để nâng cấp tuyến đường Bò. |
* Chỉ sợ mất uy tín
Ông Sỹ tóc đã bạc trắng vì qua tuổi 70, ông Hiền nhỏ hơn 10 tuổi nên tóc vẫn còn đen. Cầm cọc tiền 101,5 triệu đồng vừa vận động người dân đóng góp xong vào ngày hôm trước, 2 ông Sỹ và Hiền đi xe máy đến UBND xã nộp cho bộ phận tài chính - kế toán xã theo quy định. Vừa nộp tiền, ông Hiền vừa nói với Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Toàn còn chưa tới 50 triệu đồng nữa là 2 ông hoàn thành 100% vốn đối ứng với xã.
Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Toàn nghe vậy động viên 2 ông Sỹ và Hiền rằng, đáng lẽ ra xã triển khai ngay việc thi công nâng cấp tuyến đường Bò khi người dân góp đủ số vốn đối ứng với xã (theo tỷ lệ dân đóng góp 30%, ngân sách Nhà nước 70%), nhưng do mấy ngày qua mưa bão nên 2 ông ráng chờ trời tạnh, xã chỉ đạo đơn vị thi công triển khai ngay.
Để yên tâm ra về, 2 ông già Sỹ và Hiền giãi bày sự âu lo trong lòng với Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Toàn rằng xã cần chỉ đạo đơn vị thi công làm đúng chất lượng và có sự giám sát của dân. Có như vậy, khi làm xong tuyến đường Bò, 2 ông tiếp tục vận động dân đóng góp thêm tiền làm hệ thống chiếu sáng, gờ giảm tốc, cổng chào, lắp camera; đồng thời sẵn đà vận động người dân tiếp tục ủng hộ chủ trương xã hội hóa của xã nâng cấp tuyến đường qua xứ Phát Hải.
Dù 2 ông Sỹ và Hiền không nói rõ với Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Toàn nỗi lo nếu đơn vị thi công làm tuyến đường Bò không đảm bảo chất lượng như đã thiết kế thì uy tín 2 ông sẽ bị ảnh hưởng, nhưng ông Toàn vẫn hiểu và động viên 2 ông chớ quá lo lắng mà mất ăn mất ngủ. Bởi mấy năm nay xã đã làm hàng chục tuyến đường theo hình thức này, đến nay vẫn chưa bị dư luận phản ảnh đường vừa làm xong đã xuống cấp.
Theo chân đôi bạn già Sỹ - Hiền về ấp Tây Nam xem thực tế tuyến đường Bò chuẩn bị đổ bê tông khi trời bớt mưa bão, chúng tôi được 2 ông cho biết lý do vì sao 2 ông có lo lắng vì sợ mất uy tín với người dân. Bởi, để thu được tiền nhanh, không mất nhiều thời gian vận động dân là do ban vận động của 2 ông được sự hỗ trợ của linh mục chánh xứ Phát Hải và đặc biệt là nhận được sự kỳ vọng của giáo dân 2 bên tuyến đường Bò.
Đoàn Phú