Văn hóa Việt Nam có một điểm rất đặc biệt, đó là ở đâu có dân cư hình thành cộng đồng là có đình làng. Ở đảo Lý Sơn cũng vậy, hiện vẫn tồn tại 2 ngôi đình gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này...
Văn hóa Việt Nam có một điểm rất đặc biệt, đó là ở đâu có dân cư hình thành cộng đồng là có đình làng. Ở đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng vậy, hiện vẫn tồn tại 2 ngôi đình gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Đó là đình làng An Vĩnh (xã An Vĩnh) và An Hải (xã An Hải), đều đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đình làng An Vĩnh (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Nguyễn Đăng Vũ |
TS.Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo tài liệu Hán Nôm còn lưu tại nhà thờ họ Phạm Quang (thôn Tây, xã An Vĩnh), vào năm Quý Tỵ (1773) người dân cù lao Ré (tên gọi dân gian của đảo Lý Sơn) đã đệ trình lên phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xin cho cộng đồng dân cư ở đây được tổ chức cúng kiếng riêng vào các dịp lễ tết, không phải lặn lội vào vùng cửa biển Sa Kỳ.
Đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình công nhận 2 làng An Vĩnh và An Hải trên cù lao Ré. Cùng với việc thiết lập đơn vị hành chính cấp làng, đình làng An Hải và An Vĩnh cũng được công nhận.
* Thăng trầm cùng đảo
Nhìn chung, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay đã dung nạp thêm nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, từ đó lễ thức này ngày càng trở thành ngày hội lớn, là cơ hội để di sản văn hóa được bảo tồn, bổ sung; truyền thống yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc được củng cố, tình làng nghĩa xóm người dân Lý Sơn thêm bền chặt. |
Đình làng An Hải chủ yếu do 7 dòng họ tiền hiền của làng (gồm các họ: Nguyễn, Trương, Dương, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình, Trần, Võ) đóng góp xây dựng.
Do vị trí địa lý đảo Lý Sơn thường hứng chịu nhiều cơn bão dữ nên đình An Hải cũng nhanh bị hư hại, đến nay đình trải qua 7 lần trùng tu lớn nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.
Đình gồm tòa đại đình (đinh thượng, đình trung, đình hạ), nghĩa tự, nhà thờ tiền hiền, miếu Thành hoàng (thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán). Năm 2015, người dân An Hải đóng góp xây dựng thêm lăng thờ cá Ông ở phía Bắc của đình.
So với đình làng An Hải, thì đình làng An Vĩnh “sóng gió” hơn rất nhiều. Trong thực tế, đình làng được xây dựng từ năm Cảnh Thịnh thứ 7 triều Tây Sơn (năm 1789). Tuy nhiên, vào năm Thiệu Trị thứ 3 triều Nguyễn (năm 1843), đình làng bị giặc Tàu Ô (tên gọi những toán cướp biển từ Trung Quốc sang) đốt cháy, đến năm 1920 (thời vua Khải Định) đình làng mới được người dân làng An Vĩnh trùng tu khang trang.
Nhưng đến năm 1953, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đình lại bị thực dân Pháp dội bom sụp một phần, khoảng vài năm sau do gió bão đình bị đổ hoàn toàn. Mãi đến 56 năm sau, vào năm 2009 tỉnh Quảng Ngãi mới tổ chức phục dựng lại đình theo lối kiến trúc ban đầu từ lời kể và sự hướng dẫn của các bô lão trong làng.
Có thể nói, đình làng An Vĩnh là “chứng nhân” cho quá trình kiên cường đấu tranh với thiên tai, địch họa trải hàng trăm năm qua của người dân Lý Sơn.
Theo tài liệu Hán Nôm còn lưu lại ở nhà thờ họ Võ Văn (làng An Vĩnh), vào thời vua Gia Long, cựu cai đội Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải Võ Văn Khiết được phê chuẩn giữ chức Cai đình An Vĩnh vì ông “là người thẳng thắn, thanh liêm, siêng năng, cần mẫn, việc công cũng am hiểu”. Đặc biệt, trước đình làng An Vĩnh có bến Đình, là nơi xuất phát của các đội binh phu đi Hoàng Sa từ những thế kỷ trước.
* Thiêng liêng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
TS.Nguyễn Đăng Vũ cho biết, trước đây một trong những sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa quan trọng của người dân Lý Sơn là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, chủ yếu được tổ chức tại các nhà thờ gia tộc có người đi lính Hoàng Sa, mà tiêu biểu là nhà thờ dòng họ Võ Văn.
Đây là dòng họ có nhiều người làm cai đội Hoàng Sa sớm nhất trong cả tỉnh Quảng Ngãi, hoặc hướng dẫn binh phu đi Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước, như: Cai đội Võ Văn Khiết (làm Cai đội Hoàng Sa từ năm 1785, dưới triều Tây Sơn), Cai đội Võ Văn Phú (từ năm 1803, Gia Long thứ 2), Đốc chiến Võ Huệ, binh phu Võ Văn Sanh... Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vì thế cũng tổ chức vào các ngày khác nhau, tùy theo các dòng họ.
Đoàn Đồng Nai thăm và chụp ảnh lưu niệm tại đình Lý Hải - di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia năm 1997 (trước kia thuộc xã Lý Hải, nay là xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: VĂN TRUYÊN |
Đến năm 2005, lần đầu tiên lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vượt ra khỏi quy mô của dòng họ mà do cộng đồng người dân ở lân (tương đương với xóm) Vĩnh Lợi phối hợp với nhiều lân khác trong xã An Vĩnh tổ chức, cũng không diễn ra tại nhà thờ họ mà ở Âm linh tự (cũng là di tích cấp quốc gia). Sau đó qua mỗi năm, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đều được nâng cấp về tổ chức và quy mô ngày càng mở rộng, người dân tham gia ngày càng nhiều.
Từ năm 2010 trở đi, lễ được tổ chức ở đình làng An Vĩnh với sự tham gia của hàng ngàn người, không chỉ người dân Lý Sơn mà có cả người từ các địa phương trong cả nước lẫn người nước ngoài. Cũng năm này, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Tương tự, trước đây các tộc họ ở làng An Hải phối thờ các binh phu đi Hoàng Sa không trở về tại khu Nghĩa tự trong đình An Hải, hàng năm tổ chức lễ khao lề thế chung với lễ tế các bậc tiền hiền, hậu vãng, âm hồn... vào ngày 17, 18-2 âm lịch. Từ năm 2013 trở đi, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân tổ chức thành lễ thức riêng vào tháng 2-3 âm lịch tại đình An Hải, cũng ngày càng có nhiều người dân trong và ngoài nước tham dự.
Không chỉ được “nâng cấp” về mặt lễ thức, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở 2 đình An Hải và An Vĩnh ngày càng có sự “tái cấu trúc” phù hợp với nguyện vọng người dân, bảo tồn và làm giàu thêm di sản cũng như tăng cường tính giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, khẳng định chủ quyền biển đảo song song với phát triển du lịch.
Trước đây, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở các dòng họ khá đơn giản, chỉ có mâm cỗ (gồm xôi, gà, gỏi cá, muối gạo, trầu rượu) và một chiếc thuyền lễ dán giấy ngũ sắc dài khoảng 0,4-0,5m, trên thuyền có 3 hình nhân thế mạng bằng bột gạo hoặc đất sét để mang ra biển thả. Nhưng hiện nay, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa từ nghi lễ cúng tế đã trở thành lễ hội không chỉ của người dân Lý Sơn mà của cả nước bởi tính chất thiêng liêng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc đối với tâm thức mọi người.
Các lễ khao lề thế lính Hoàng Sa gần đây người dân đều làm 3-6 thuyền lễ lớn, hình dạng giống như những chiếc thuyền câu mà binh phu Hoàng Sa sử dụng thuở trước, dài từ 1,2-1,5m, mỗi thuyền cũng có 3 hình nhân thế mạng cùng gạo muối, vàng mã nhưng được cắm theo rất nhiều cờ xí rực rỡ. Lễ vật dâng cúng ngoài gà, cá còn có 2-3 con heo lớn.
Thành phần tham gia thực hành nghi lễ ngoài ban quý tế, đại diện các tộc họ, học trò lễ còn có dân làng; ban nhạc lễ ngoài trống, chiêng, dàn nhạc lễ còn có thêm 1-2 người thổi ốc u. Đây là nét mới, khá đặc biệt.
Theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, ngày xưa khi tiễn đưa binh phu đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ, sau phần nghi lễ như thả thuyền cùng hình nhân thế mạng là đến phần giục quân xuống thuyền bằng hiệu lệnh ốc u. Khi tiếng ốc u trầm hùng vang lên là lúc đoàn binh phu chia tay người thân, bước chân xuống thuyền giong buồm đạp sóng ra khơi để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa những năm gần đây đều đưa phần thổi ốc u vào để nhắc nhớ về những hùng binh Hoàng Sa vị quốc vong thân.
Để lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thêm phần long trọng, người dân các xã An Vĩnh, An Hải còn tổ chức lễ rước thần, vong linh binh phu Hoàng Sa với lọng, kiệu, cờ phướn, lễ vật từ Âm linh tự về đình An Vĩnh, từ đình An Hải sang đình An Vĩnh. Phần hội cũng sôi nổi, nhộn nhịp hơn với các hoạt động như: đua thuyền, thả hoa đăng, bắn pháo hoa tầm thấp, biểu diễn võ thuật, hát bả trạo; gần đây còn có chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo.
Hà Lam