Là người đầu tiên ở ấp Bàu Tre (xã Bình An, huyện Long Thành) triển khai mô hình nuôi gà thả vườn theo quy mô lớn và đạt hiệu quả cao, ông Lê Thính được người dân trong ấp quen gọi là Thính "Gà". Ông Thính tâm sự đó là do ông có duyên với vùng đất Bàu Tre nên được vùng đất này đãi ngộ.
Là người đầu tiên ở ấp Bàu Tre (xã Bình An, huyện Long Thành) triển khai mô hình nuôi gà thả vườn theo quy mô lớn và đạt hiệu quả cao, ông Lê Thính được người dân trong ấp quen gọi là Thính “Gà”. Ông Thính tâm sự đó là do ông có duyên với vùng đất Bàu Tre nên được vùng đất này đãi ngộ.
Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi Lê Thính (58 tuổi, ngụ ấp Bàu Tre, xã Bình An, huyện Long Thành). |
Trước khi về ấp Bàu Tre sinh sống, ông Thính cùng cha cật lực thồ từng xe củi từ bìa rừng Bình Sơn ra chợ Long Thành đổi gạo, gia vị đem về nuôi đàn em nhỏ ăn học. Chờ khi đàn em cứng cáp, ông Thính mới được cha mẹ về quê nhà Quảng Ngãi hỏi cưới cho cô vợ hiền khi ông đến tuổi 30.
* Dân bìa rừng
Để trả nghĩa vùng đất Bàu Tre đãi ngộ mình, ông Lê Thính nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cách thức chăn nuôi gà và bán con giống, thức ăn thiếu cho các nông dân trong vùng. Ông còn phối hợp với Hội Nông dân xã và Ban điều hành ấp Bàu Tre vận động nông dân hiến đất, góp tiền xây dựng nông thôn mới; tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo. “Hội Nông dân thật sự ghi nhận vai trò cầu nối và trực tiếp đóng góp của ông Thính cho các phong trào của Hội thời gian qua” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An Nguyễn Hữu Phú cho biết. |
Năm 1980, cuộc sống ở quê nhà Quảng Ngãi ngày càng khó khăn khi công lao động quy ra lúa từ 3kg/ngày công còn 0,5kg/ngày công nên ông Lê Mai dắt 3 con trai lớn: Lê Thính (17 tuổi), Lê Hỉ (13 tuổi) và Lê Quân (10 tuổi) theo dòng người về khu kinh tế mới xã Bình Sơn lập nghiệp.
Được người dân địa phương nhượng lại đám đất um tùm cỏ dại nơi bìa rừng Bình Sơn với giá 1 chỉ vàng, cha con ông Mai chặt cây dựng tạm túp lều làm nơi trú ngụ để khai hoang vỡ đất.
Là con trai cả trong gia đình, ngoài việc phụ cha vỡ đất trồng khoai, đậu, lúc ấy Lê Thính còn có thêm trọng trách tìm trường học cho 2 em.
Vùng kinh tế mới Bình Sơn lúc đó chưa có trường THCS, buộc người em trai Lê Hỉ đang học lớp 6 phải tạm gác lại việc học để chờ trường lớp. 2 năm sau, cậu bé Hỉ được nhận vào học THCS khi Trường tiểu học và THCS Bình Sơn được thành lập, với điều kiện anh Thính phải kèm cặp giúp em trai ôn lại kiến thức.
Lo chuyện học cho 2 em xong cũng là lúc Lê Thính cùng cha tiếp đón mẹ và đàn em nheo nhóc 6 người từ quê nhà Quảng Ngãi vào Bình Sơn. Túp lều tranh ban đầu được cha con ông Mai mở rộng bên trái và bên phải để làm buồng ở, mở rộng phía sau để làm bếp nên trở thành túp lều to nhất, đông người ở nhất nơi bìa rừng khu kinh tế mới xã Bình Sơn lúc đó.
Khoai, đậu, bắp trồng ra ăn riết cũng ngán. Để kiếm ít gạo trộn với khoai, đậu cho các em no bụng đến trường, sáng sớm Lê Thính phải thồ xe củi to kềnh ra chợ Long Thành đổi gạo, gia vị. Đổi củi xong, Lê Thính lại lật đật đạp xe thật nhanh về nhà để cùng cha dọn đất, tỉa hạt.
Nghèo lại gặp cái eo, đất rẫy ở bìa rừng chỉ canh tác được vài vụ khoai, đậu, bắp đã bị bạc màu. Nhìn 5 hécta đất cha con bỏ công sức khai khẩn suốt 3 năm cỏ tranh mọc lưa thưa, khoai, bắp, đậu không nảy củ, hạt, cha con ông Thính tiếc rẻ nhưng cũng đành bấm bụng “bỏ của chạy lấy người”.
Rời xa bìa rừng khu kinh tế mới để vỡ đất lần 2, cha con ông Thính quyết tìm cho được khu đất tốt hơn và có thể cải tạo được vài sào ruộng để trồng lúa thay cho việc ăn khoai, đậu, bắp trừ cơm. Vậy là cha con ông Thính trôi dạt về ấp Bàu Tre sinh sống cho đến nay.
Ông Lê Thính (bìa phải) trao đổi cách thức cung cấp thức ăn cho gà phù hợp với đặc điểm người nuôi với các nhân viên của công ty cám. |
* Đổi thay số phận
Năm 1993, các em dần khôn lớn, ông Thính mới được cha mẹ về quê hỏi cưới cho cô vợ hiền.
Được cha cho 9 sào rẫy và 1,5 sào ruộng, vợ chồng ông Thính càng nỗ lực hơn với việc lo cho gia đình riêng.
Nhà sẵn lúa gạo ăn nhờ làm ruộng 2 vụ, ông Thính chuyển sang nghề đào giếng, làm thợ hồ để tích cóp tiền cải tạo 9 sào đất trồng điều sang cà phê.
Ông Thính kể vào thời điểm năm 1993, phong trào trồng cà phê bắt đầu nở rộ ở vùng đất Bình Sơn và Bình An nên 1 ngày công đào giếng bằng 3-4 lần ngày công lao động bình thường. Cho nên dù giếng cạn hay giếng sâu, khi người dân địa phương thuê làm ông Thính đều nhận lời hết. Để lấy trọn tiền công, ông và các em chia nhau ra sức đào chứ không thuê người ngoài.
Những lúc không có người thuê đào giếng, ông Thính ra thị trấn Long Thành tìm việc phụ hồ. Nhờ 2 công việc này mà ông có vốn cải tạo được 9 sào điều tạp thành vườn cà phê chen sầu riêng tươi tốt.
Năm 1998, cà phê được giá và được mùa, ông Thính là người đầu tiên ở ấp Bàu Tre dám mua chiếc xe máy với giá 4 cây vàng để đi buôn trái cây.
Nhờ lanh lợi, chịu khó nên việc buôn bán trái cây từ ấp Bàu Tre về các chợ đầu mối ở Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) của ông Thính được thuận lợi và ông cũng là người ở ấp Bàu Tre xây được nhà kiên cố. Cũng từ công việc buôn bán trái cây mà ông quen biết với những người chăn nuôi gà thả vườn.
Nuôi thí điểm vài trăm con gà thả vườn thành công, ông Thính táo bạo bỏ hẳn việc đi buôn để ở nhà chuyển đổi 9 sào cà phê, sầu riêng thành trại gà quy mô 10 ngàn con. Nhiều nông dân địa phương thấy ông Thính nuôi gà thành công và mở ra hướng chăn nuôi mới nên học làm theo. Cái tên Thính “Gà” cũng gắn với ông Thính từ đó.
Phong trào nuôi gà thả vườn ở ấp Bàu Tre và vùng lân cận phát triển đã tạo cho ông Thính thêm công việc đại lý phân phối thức ăn cho gà và gà giống cho các công ty có thương hiệu. Được xã, huyện, tỉnh công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, ông Thính khiêm nhường cho rằng vùng đất Bàu Tre đãi ngộ, cộng thêm một tí nhạy bén, cần cù lao động nên ông mới được như ngày hôm nay.
Đoàn Phú