Suốt 6 tháng qua, mỗi tuần vài lần, các chiến sĩ dân quân thuộc Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) canh trước khi trời mưa lớn lại đem nò đến khu ruộng ở ấp Cây Xoài (xã Tân An) đặt bắt cua đồng.
Suốt 6 tháng qua, mỗi tuần vài lần, các chiến sĩ dân quân thuộc Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) canh trước khi trời mưa lớn lại đem nò đến khu ruộng ở ấp Cây Xoài (xã Tân An) đặt bắt cua đồng. “Đến rạng sáng, khoảng 20 cái nò thu về trung bình 5kg cua đồng. Số cua đó được thả vào ruộng, sau đó Ban Chỉ huy quân sự xã thuê của người dân để nuôi tăng gia. Khi mùa khô đến, giá cua tăng, chúng tôi sẽ bán cua để lấy kinh phí tiếp tục đầu tư tăng gia, cải thiện đời sống cho anh em dân quân” - ông Phạm Minh Mẫn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An, cho biết.
Những thức ăn cho cua, như: khoai mì, ốc bươu, cá... vốn dễ tìm ở địa phương nên Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An sử dụng cho cua nuôi ăn hàng ngày. |
Đầu năm 2017, được đi học tập kinh nghiệm tăng gia sản xuất tại một số địa phương, Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An đặc biệt chú ý đến mô hình nuôi cua đồng trong ruộng tại một số Ban chỉ huy quân sự xã của huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) vì thấy có thể áp dụng ở địa phương. Ông Mẫn cho biết nhiều ruộng lúa của người dân xã Tân An, nếu khéo lựa thời tiết để đặt nò mỗi ngày có thể thu vài ký cua đồng đem về nuôi tập trung trong khu ruộng của Ban Chỉ huy quân sự xã thuê.
* Tận dụng lợi thế địa phương
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An Phạm Minh Mẫn chia sẻ việc bắt cua đồng đem nuôi không phải mô hình quá mới lạ vì đã có một số đơn vị làm trước và bị thất bại. Do đó, khi triển khai mô hình nuôi cua đồng tăng gia ở Ban Chỉ huy quân sự xã, ông Mẫn đã rút kinh nghiệm thất bại của các đơn vị bạn để tránh phạm sai lầm. Nhờ điều kiện tự nhiên ở địa phương thuận lợi nên sau 6 tháng áp dụng, mô hình nuôi cua đồng ở xã Tân An đã cho một số hiệu quả nhất định và nhận được sự ủng hộ của mọi người, của cấp trên. |
Từ tháng 4-2017, Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An đã bắt tay thực hiện thí điểm mô hình này ở địa phương. Ban Chỉ huy quân sự xã thuê 1,5 sào ruộng của người dân bỏ không ở gần trụ sở đơn vị với giá 2 triệu đồng/năm để làm khu nuôi cua tăng gia.
“Khu ruộng này nằm ở chỗ trũng, có nhiều ốc bươu vàng, việc trồng trọt cho năng suất thấp, nhưng lại tiện cho việc nuôi cua đồng nên chúng tôi thuê” - ông Mẫn cho hay.
Thuê được đất ruộng, Ban Chỉ huy quân sự bàn tính kế hoạch rồi quyết định mua tre về chẻ ra thành các thanh dài 1,2m đem cắm san sát nhau làm đăng tre bao quanh ruộng để cua nuôi không thể bò ra ngoài. Sau đó, dùng bạt ny-lông bao quanh đăng không cho cua tiếp xúc với đất ruộng để khỏi đào hang bò đi mất. Chỉ riêng việc chuẩn bị ao nuôi đã hết gần 1 tháng.
Chuẩn bị xong ruộng nuôi cua, Ban Chỉ huy quân sự xã lại được Chủ tịch UBND xã cho 20 cái nò bắt cua.
Hàng tuần, cứ canh theo thời tiết và nhân lúc rảnh rỗi, lực lượng dân quân xã lại đến khu ruộng ở ấp Cây Xoài đặt nò hoặc bắt cua đồng. Lúc trời quang, họ đến dọn sạch những vị trí sẽ đặt nò rồi tiến hành đặt nò trước khi trời đổ mưa. Đến khi mưa tạnh, nước rút, hôm sau họ lại đi kéo nò, bắt cua đem về. Ngày nào ít thì 20 cái nò thu được 3-4kg cua; ngày nhiều được 6-7kg.
Những đêm mưa tạnh sớm, canh nước rút, một tốp 5-6 dân quân lại đem thùng vào đồng ruộng bắt cua; có hôm đi bắt chỉ vài giờ đã có trên 20kg cua đem về thả trong ruộng nuôi.
Anh Trương Duy Khương (dân quân Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An) cho hay: “Nhờ tận dụng được nguồn cua thiên nhiên từ các ruộng lúa của người dân, lại sẵn cá đồng, ốc bươu, khoai mì trồng ngoài đồng nên việc nuôi cua ở đây khá thuận lợi. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại có thêm bữa canh, lẩu cua vừa ngon vừa tiết kiệm. Tuy nhiên vì mới nuôi thử nghiệm, chưa có kinh nghiệm chăm sóc cua đồng nên chúng tôi chỉ mới dừng lại ở việc đi bắt cua tự nhiên đem về thả nuôi rồi dần học hỏi nhiều người khác để rút kinh nghiệm. Cuối năm nay đợi thu hoạch xong lứa cua nuôi đợt này, chúng tôi sẽ điều chỉnh mô hình nuôi cua đồng tăng gia cho hiệu quả hơn”.
Dân quân thuộc Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An bắt cua đồng từ nò đặt vào hôm trước. |
* Rủ nhau tăng gia
Ông Phạm Minh Mẫn chia sẻ việc triển khai mô hình tăng gia bằng hình thức nuôi cua đồng có một số nơi đã làm, nhưng bị thất bại vì nhiều lý do, như: nguồn nước, nguồn thức ăn hoặc phương pháp không phù hợp. Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An hiện vẫn trong quá trình thử nghiệm mô hình nuôi cua đồng tăng gia, vừa tận dụng thời gian rảnh rỗi của dân quân vừa góp phần đa dạng bữa ăn, có thêm kinh phí cho các hoạt động của đơn vị. Điểm thuận lợi là số dân quân thuộc Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An đều ở địa phương, từ nhỏ gắn bó với ruộng đồng nên việc bắt cua, bắt ốc không xa lạ gì với họ. Do đó, hầu như mọi người đều biết phải làm gì để bắt cua mà không bị cua kẹp, phải đi bắt cua vào lúc nào trong ngày, đi vào thời tiết nào thì cua bò ra đồng kiếm ăn nhiều để bắt được nhiều hơn…
Dân quân Lê Đức Hạnh (thuộc Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An) cho hay từ nhỏ anh đã quen với việc bắt cua, bắt ốc ngoài đồng, dưới sông, rạch với bạn bè sau giờ học hay những buổi trời mát như là trò giải trí, đồng thời có cái để cải thiện bữa ăn. Riết rồi quen, con cua bò ra khỏi hang vào thời điểm nào, hang nào có cua, nó hay trốn ở đâu, bắt sao để không bị kẹp..., anh và các bạn khá rành. “Do đó, khi Ban Chỉ huy quân sự xã triển khai mô hình nuôi cua đồng tăng gia, hầu hết anh em trong lực lượng dân quân đều hứng thú. Sau mỗi cơn mưa, mọi người lại í ới rủ nhau xách thùng ra đồng bắt cua; nhất là lúc nước rút, không chỉ cua mà còn có cá đồng, con thì mắc cạn, con kẹt trong nò. Chỉ cần vậy thôi là bữa ăn ngày hôm sau của chúng tôi có thêm những thứ rất ngon từ đồng ruộng mà chưa chắc gì ở thành phố có thể tìm được” - anh Hạnh vui vẻ cho biết.
Những đêm mưa tạnh sớm, vào khoảng 19 giờ, các chiến sĩ dân quân xã Tân An lại chia nhau từng khu vực ở cánh đồng ấp Cây Xoài để bắt cua. Tiếng chân bước trên đồng ruộng bì bõm, tiếng động nước vang lên liên tục và chỉ 1-2 giờ sau các thùng cua của các anh đã đầy ắp.
Còn những lúc chiều nắng chưa tắt, họ lại đi bắt ốc bươu vàng, thu nhặt trứng ốc ở các ruộng, ao gần đơn vị để cho cua ăn. Hầu như những lúc rảnh rỗi mọi người đều tranh thủ ra đồng ruộng bắt cua về nuôi, hoặc bắt ốc làm thức ăn cho cua rất phấn khởi. So với việc nuôi gà, trồng rau... tăng gia thì việc bắt cua đồng đem bỏ vào ruộng nuôi khá dễ. Bên cạnh đó, khi giá cua đồng tăng lên, họ cũng tranh thủ bán lai rai để lấy kinh phí bổ sung cho một số hoạt động của đơn vị.
“Hy vọng qua tết, khi bán cua được kha khá, chúng tôi sẽ tổng kết kinh nghiệm và nghiên cứu điều chỉnh mô hình nuôi cua đồng tăng gia cho phù hợp. Nếu thấy ổn, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên và tiếp tục duy trì lâu dài mô hình tăng gia này” - ông Phạm Minh Mẫn phấn khởi chia sẻ.
Đăng Tùng