Báo Đồng Nai điện tử
En

Sống đời thơm thảo

07:10, 23/10/2017

Khách ghé thăm vườn bưởi của gia đình, dù quen hay lạ ông Phan Văn Dẩu (77 tuổi, ngụ ấp Nhân Hòa, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đều thơm thảo biếu khách cặp bưởi đem về làm quà.

Khách ghé thăm vườn bưởi của gia đình, dù quen hay lạ ông Phan Văn Dẩu (77 tuổi, ngụ ấp Nhân Hòa, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đều thơm thảo biếu khách cặp bưởi đem về làm quà. Ông Dẩu bộc bạch, vùng đất Nhân Hòa vốn ân tình với gia đình ông nên múi bưởi tự tay ông trồng mặn mà mùi vị của đất và tình người Nhân Hòa.

Ông Phan Văn Dẩu (ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) với 3,5 hécta bưởi da xanh cho tiền lãi đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Ông Phan Văn Dẩu (ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) với 3,5 hécta bưởi da xanh cho tiền lãi đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm.

Vốn là dân đất thép Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) “thà đổ máu chứ không đổ lệ”, thế mà ông Dẩu lại thấy cay cay khóe mắt khi nhắc lại chuyện xưa: “Lúc mới về đây, vợ chồng tôi phải cắt tranh lợp mái, đốn lá buông về dựng vách. Không có tiền mua đinh đóng vách, tôi phải đi nhặt kẽm gai chặt nhỏ ra làm đinh để đóng. Vậy là, vợ chồng tôi có nơi ở và có chỗ để hành nghề y”.

* Sống chân tình

Ông Dẩu kể rằng ngày mới về ấp Nhân Hòa lập nghiệp, vợ chồng ông không có cái nồi mới để nấu nướng, chẳng có cái chén lành để ăn cơm. Từ cái khó đó, ông tỉ mỉ chế tạo thùng đạn, mảnh bom nhặt được thành những dụng cụ sinh hoạt trong gia đình, như: nồi, thau, thùng xách nước...

Ông Phan Văn Dẩu (phải) dẫn thương lái thăm vườn bưởi trước khi đôi bên đưa ra giá cả.
Ông Phan Văn Dẩu (phải) dẫn thương lái thăm vườn bưởi trước khi đôi bên đưa ra giá cả.

Chuyện nơi ở, vật dụng sinh hoạt gia đình tạm ổn, ông Dẫu bàn với vợ (bà Mai) mở tiệm thuốc nho nhỏ tại nhà để mưu sinh vì vợ chồng ông vốn là lính quân y xuất ngũ. Để mở tiệm thuốc tại nhà chữa bệnh cho người dân trong vùng, vợ chồng ông Dẩu phải chạy vạy vay mượn người thân ở quê được 9 ngàn đồng, đủ để sắm các dụng cụ y tế cần thiết, như: tai nghe, dụng cụ đo huyết áp, bơm kim tiêm và ít thuốc men…

Tiệm thuốc mở ra, vợ chồng ông Dẩu thỉnh thoảng mới đón được vài người dân nghèo đến khám bệnh, mua thuốc. Ít bệnh nhân, lại lấy giá thuốc chỉ bằng một nửa so với các tiệm thuốc lớn nên bữa cơm của vợ chồng ông Dẩu lúc ấy chỉ có rau chấm nước muối.

Sợ người bệnh nhìn thấy cảnh thầy thuốc suốt ngày chỉ có cơm với rau sẽ không tin tưởng tay nghề của mình, dù bụng đói cồn cào, vợ chồng ông Dẩu cũng ráng nhịn; chờ đến khi bệnh nhân ra về vợ chồng ông mới dám ngồi vào mâm cơm đạm bạc của gia đình.

Dần dà, khách đến tiệm thuốc của vợ chồng ông Dẩu khám bệnh nhiều hơn. Nhờ vậy, bữa cơm của gia đình ông bắt đầu có ít thịt, cá và vợ chồng không còn lén lút vào buồng ăn cơm như trước đó.

Vốn là lính quân y thời chiến nên tay nghề chữa bệnh sốt rét, tiêu chảy, đỡ đẻ... của vợ chồng ông Dẩu được người dân địa phương đánh giá là “khá mát tay”. Ban ngày, ông Dẩu cùng bà Mai ở nhà khám bệnh, bốc thuốc; tối đến có người gọi vào rẫy đỡ đẻ cho sản phụ, ông luôn dắt vợ theo phụ giúp.

Nhờ ân cần, chân tình và hỏi thăm bệnh tình người bệnh như đồng đội thời còn ở địa đạo kháng chiến nên vợ chồng ông Dẩu được người bệnh quý mến và đến nhờ ông khám bệnh, mua thuốc ngày càng đông.

Ông Dẩu nhớ lại, thời đó dân xã Tây Hòa còn nghèo nên chuyện người bệnh mua thiếu tiền thuốc của ông rất nhiều. Dù tiệm thuốc còn nghèo, nhưng bệnh nhân nhớ trả tiền thì ông vui; còn ai khó quá, lỡ quên luôn tiền thuốc ông cũng không trách.

* Ông già không bảo thủ

Tiệm thuốc nhỏ của vợ chồng ông Dẩu theo thời gian tấp nập khách ra vào. Nhờ vậy, vợ chồng ông có chút dư dả để dành dụm tiền mua đôi bò cho người ta nuôi rẻ (nuôi ăn chia), tậu 1 hécta ruộng, rẫy trồng tỉa và nuôi một đàn heo nái, heo thịt mấy chục con.

Ngoài thu nhập cao từ cây bưởi, ông Pha Văn Dẫu (trái) còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với tiền công trên 7 triệu đồng/tháng.
Ngoài thu nhập cao từ cây bưởi, ông Pha Văn Dẫu (phải) còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với tiền công trên 7 triệu đồng/tháng.

Đến năm 1980, vợ chồng ông Dẩu thay căn nhà tranh vách buông bằng căn nhà ngói 3 gian; đồng thời còn có tiền dư hùn hạp với một nông dân khác mua máy cày về cày đất thuê.

Ông Dẩu thổ lộ, vào năm 1976, khi mới về vùng đất Nhân Hòa, vợ chồng ông thuộc dạng khổ nhất nhì trong ấp Nhân Hòa. Ngoài cái tiệm thuốc ngày càng sang trọng, đắt khách hàng, vợ chồng ông Dẫu cũng biết cách tậu thêm đất đai để trồng cà phê, mít, chôm chôm.

Để trở thành ông già thơm thảo của vùng đất Nhân Hòa, vợ chồng ông Phan Văn Dẩu sẵn sàng bán nợ bưởi giống và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong ấp, xã trồng nhằm làm giàu như ông. Ông Dẩu cho hay để trả nghĩa với vùng đất Nhân Hòa, gia đình ông tích cực đóng góp cho các phong trào xây dựng địa phương thôi chưa đủ; làm sao để những nông dân trong ấp, xã biết làm giàu từ bưởi đó mới là ân tình ông muốn trả cho vùng đất Nhân Hòa.

Năm 1990, ông Dẩu thỏ thẻ với bà Mai khi nhận thấy nghề thuốc của vợ chồng ông rồi sẽ lạc hậu với xã hội khi giới trẻ đi học y và mở phòng khám ngày càng nhiều. Hơn nữa, với cách hành nghề truyền thống của ông bà chữa bệnh không nặng tiền công thì sớm muộn gì cũng “rửa tay gác kiếm”. Cho nên, ông giảm bớt công việc khám chữa bệnh, tập trung vào rẫy vườn từ số đất tích tụ được.

Cà phê, chôm chôm, mít... trồng trong vườn bị mất giá và sâu bệnh triền miên, ông Dẩu thấy vậy đi mua 100 cây bưởi da xanh Bến Tre về trồng thử trong vườn. Sau 3 năm chờ đợi, cây bưởi cho trái bói, ông Dẩu bổ ra ăn thử mà lòng khấp khởi mừng vì múi bưởi da xanh ông trồng vẫn đậm đà vị ngọt thanh không thua kém bưởi da xanh được trồng ở Bến Tre.

Từ 100 gốc bưởi da xanh ban đầu, đến năm 2010, ông Dẩu đã có trang trại bưởi da xanh Quỳnh Trang rộng 3,8 hécta cho thu nhập mỗi năm từ vài trăm triệu đồng đến gần 1,5 tỷ đồng tiền lãi. Từ khi trồng bưởi, ông liên tục được bầu làm nông dân sản xuất giỏi cấp xã, huyện, tỉnh và nhiều lần được ra thủ đô Hà Nội dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương.

Ông Dẩu bật mí việc ông trồng bưởi da xanh trên đất Nhân Hòa thành công là do ông biết học hỏi từ nhiều nguồn, nhất là từ internet. Ông không bao giờ tỏ ra bảo thủ mà tinh thần lúc nào cũng trẻ dù tuổi ngày càng cao.

Thanh Trà - Đoàn Phú

Tin xem nhiều