Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài giảng "công nghệ"

07:11, 21/11/2017

Khoảng 3 năm nay, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) đã đầu tư phòng dựng, máy quay phim, các thiết bị cần thiết và bồi dưỡng nhân lực để thực việc quay các clip bài giảng theo chủ đề. Các clip bài giảng "công nghệ" do giáo viên trong trường thực hiện được lưu trữ trong thư viện của trường.

Khoảng 3 năm nay, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) đã đầu tư phòng dựng, máy quay phim, các thiết bị cần thiết và bồi dưỡng nhân lực để thực việc quay các clip bài giảng theo chủ đề. Các clip bài giảng “công nghệ” do giáo viên trong trường thực hiện được lưu trữ trong thư viện của trường và đăng tải lên YouTube để giúp học sinh tự ôn bài tại nhà.

Hình ảnh khi quay sẽ được ghép trực tiếp bằng phim trường ảo.
Hình ảnh khi quay sẽ được ghép trực tiếp bằng phim trường ảo.

Trước phông nền xanh và máy quay, đèn chiếu… trong phòng quay, giáo viên dạy môn Văn Nguyễn Thị Mai Lan thực hiện bài giảng với sự quan sát của các giáo viên trong Tổ Văn và thầy Hiệu trưởng Phan Quang Vinh.

* Từ trăn trở đến hành động

Mỗi bài giảng có thời lượng trung bình 30 phút tùy theo yêu cầu của chủ đề, sau khi quay xong và kiểm tra lần cuối, clip bài giảng được đăng tải lên YouTube để học sinh trong trường và các trường khác có thể xem. Những bài giảng “công nghệ” như thế này được ra đời từ sự trăn trở tìm cách hỗ trợ học sinh tự học, ôn tập trước kỳ thi của thầy Hiệu trưởng Phan Quang Vinh hơn 3 năm trước.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch đánh giá: “Việc thực hiện clip bài giảng “công nghệ” như Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện nhằm tạo ra các chương trình, bài giảng nhanh, đơn giản và sinh động, thường sử dụng cho học sinh tự học trực tuyến. Các clip bài giảng “công nghệ” sẽ là học liệu rất thuận lợi, bổ ích để giáo viên, học sinh tham khảo, chia sẻ trong quá trình dạy và học”.

Thầy Vinh kể lại, qua những lần dự hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và xem các bài giảng được phát trên kênh truyền hình trong nước, thầy rất tâm đắc việc giáo viên giảng bài và thu hình, xử lý qua phim trường ảo thành clip bài giảng hoàn chỉnh, sinh động để học sinh có thể xem lại nhiều lần.

“Năm 2014, tôi xây dựng kế hoạch và gửi văn bản đề nghị Sở GD-ĐT hỗ trợ kinh phí thực hiện ý tưởng bài giảng “công nghệ”. Năm 2015, hệ thống phòng dựng, máy quay phim… được trang bị đủ. Tôi cũng kết hợp với một số đơn vị chuyên môn, như: Đài PT-TH Đồng Nai, Trường cao đẳng PT-TH 2 và Đài Truyền thanh Biên Hòa nhờ tập huấn cho cán bộ, giáo viên của trường làm quen với hệ thống phim trường ảo. Hiện tôi có 5 giáo viên thuộc các bộ môn có thể tự thực hiện các kỹ thuật quay, dựng để cho ra một clip bài giảng “công nghệ” hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu ôn tập cho học sinh” - thầy Vinh chia sẻ.

Là một trong những giáo viên phụ trách kỹ thuật phòng thu, phim trường ảo, giáo viên Vật lý Hà Tân Hòa cho biết thời gian để làm quen với hệ thống máy quay, phần mềm chuyên dụng khoảng 1 tuần. Dưới sự hướng dẫn của đơn vị cung cấp thiết bị và những chuyên viên được trường mời về, các giáo viên được phân công phụ trách kỹ thuật phòng thu nhanh chóng nắm bắt công việc.

“Ngoài việc thực hiện bài giảng bằng phim trường ảo, tôi còn hỗ trợ giáo viên khác thực hiện bài giảng của họ. Nói thật, khi đứng trước máy quay giảng bài chúng tôi vẫn còn thấy run, nhưng việc này có thể cải thiện bằng cách soạn bài giảng tốt và dợt trước tại nhà” - thầy Hòa chia sẻ.

* Khao khát lan tỏa

Khi mới bắt tay thực hiện clip bài giảng “công nghệ”, các clip làm hoàn thành được lưu trong máy tính thư viện cho học sinh đến xem. Nhưng thấy cách làm này không mấy hiệu quả và tính lan tỏa không cao, thầy Hiệu trưởng quyết định cho lập thư mục “Video bài giảng” kèm đường dẫn đến clip trên website của trường và đăng tải clip bài giảng “công nghệ” lên đó cho học sinh truy cập. Học sinh có thể sử dụng máy tính, điện thoại di động ngay tại nhà để ôn bài trước kỳ thi mà không cần đi xa hay đi học thêm, tiết kiệm được thời gian. Không chỉ tại nhà mà ở bất kỳ nơi đâu có kết nối internet, học sinh của trường và các trường khác đều có thể chọn bài giảng phù hợp để ôn tập.

Các giáo viên xem lại clip bài giảng “công nghệ” vừa thực hiện trước khi đăng tải lên YouTube.
Các giáo viên xem lại clip bài giảng “công nghệ” vừa thực hiện trước khi đăng tải lên YouTube.

Đến nay sau 3 năm thực hiện, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đã có trên 20 clip bài giảng “công nghệ”, có những clip thu hút hàng ngàn lượt người xem, trong đó có những clip bài giảng thu hút 4-6 ngàn lượt xem, đem lại sự hứng khởi cho cả giáo viên và học sinh trong trường.

“Một số giáo viên ở tỉnh khác sau khi xem các clip bài giảng “công nghệ” đã liên hệ với trường xin phép được sử dụng” - thầy Vinh chia sẻ.

18 năm làm công tác giảng dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, cô Nguyễn Thị Mai Lan đã rất nhiều lần thực hiện các tiết dự giờ, giảng mẫu với sự theo dõi của giáo viên khác. Thế nhưng, mỗi khi đứng trước máy quay cô đều có cảm giác hồi hộp. Tuy nhiên, cũng nhờ xem lại clip bài giảng do mình giảng bài, cùng với sự góp ý từ các giáo viên khác, cô Lan đã rút kinh nghiệm, điều chỉnh cách dạy để việc giảng bài trên lớp tốt hơn.

“Trung bình chúng tôi mất khoảng 2-3 ngày để soạn một bài giảng “công nghệ” trên clip vì vừa có hình ảnh vừa có nhạc và các đoạn phim ngắn. Đó là với môn Văn, còn những môn khác thì cần nhiều hình ảnh đồ họa để minh họa. Thực hiện bài giảng “công nghệ”, tôi phải chuẩn bị kỹ hơn, cụ thể hơn, cách truyền đạt cũng khác hơn khi tương tác trực tiếp với học sinh. Chúng tôi không giảng theo từng bài giống ở lớp, mà theo từng chủ để, từng khối; ai tâm đắc bài nào, chủ đề nào có thể giảng phần đó” - cô Lan kể lại.

Trung bình 1 năm, định mức mỗi giáo viên ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện 2 bài giảng điện tử Elearning bằng phần mềm Adobe Presenter; giáo viên nào thực hiện bài giảng “công nghệ” nhiều sẽ giảm bớt bài giảng điện tử Elearning. Hiện nay, mỗi giáo viên của trường làm bình quân 3 bài giảng bằng các phần mềm công nghệ thông tin/năm, hoặc clip bài giảng “công nghệ”. Với cách này, giáo viên có thể vận dụng thế mạnh của bản thân (giọng nói, điệu bộ, cách soạn bài giảng) và góp phần làm đầy kho tư liệu bài giảng của trường, làm đa dạng cách học sinh ôn bài tại nhà.

Thầy Phan Quang Vinh bộc bạch: “Thực tế thì khả năng giáo viên của trường có hạn, không phải ai cũng có thể thực hiện được một bài giảng tốt với phim trường ảo, có người soạn bài hay nhưng chất giọng không truyền cảm và ngược lại. Nếu giáo viên trường khác có thể sử dụng phương tiện ở trường tôi để thực hiện các clip bài giảng “công nghệ” để sử dụng chung sẽ rất hay, vì vừa có tư liệu để sử dụng rộng rãi vừa nhanh chóng đáp ứng kịp thời chương trình học. Muốn làm được điều này, cần có chủ trương từ Sở GD-ĐT”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều