Gần giữa tháng 11, công tác phòng, chống cháy rừng chưa tới thời điểm gay gắt nên lực lượng kiểm lâm Trạm Đá Dựng có thời gian chia sẻ với chúng tôi về chuyện giữ rừng...
Nằm cách trung tâm xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) khoảng 20 cây số đường rừng, những cánh rừng trồng, rừng tái sinh, rừng già do Trạm Kiểm lâm Đá Dựng (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) quản lý được xẻ dọc, ngang bởi những con đường rừng gồ ghề, lầy lội.
Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Đá Dựng trong một chuyến đi tuần rừng. |
Gần giữa tháng 11, rừng Đá Dựng vẫn còn ẩm ướt bởi những cơn mưa kéo dài. Công tác phòng, chống cháy rừng chưa tới thời điểm gay gắt nên lực lượng kiểm lâm trong Trạm Kiểm lâm Đá Dựng có thời gian chia sẻ với chúng tôi về chuyện giữ rừng.
* Qua rồi thời xung đột ở rừng
Thấy Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đá Dựng Đỗ Văn Xuất ngồi uống trà với chúng tôi ở lán trại trước cửa rừng khi trời lất phất mưa, vài người dân đi rừng ghé trạm chào hỏi Trạm trưởng Xuất, uống vội ly trà rồi lên xe máy chở lỉnh kỉnh dụng cụ làm nông đi vào rừng. Chúng tôi thắc mắc thì Trạm trưởng Xuất giải thích, với trên 5 ngàn hécta rừng và đất rừng do trạm quản lý, có hơn 516 hécta đất rừng giao cho 210 hộ dân nhận khoán trồng rừng, sản xuất. Vì vậy, việc người dân ra vào rừng mỗi ngày là lẽ rất thường tình.
Trạm Kiểm lâm Đá Dựng quản khu vực rộng trên 40 hécta với nhiều cảnh thiên nhiên thơ mộng. Nơi đây một thời nổi tiếng với chuyện dân săn bắn thú rừng phơi thịt thú rừng tràn lan và con hổ cuối cùng của rừng già Hiếu Liêm, Mã Đà và Vĩnh An bị bắn hạ. Tất cả đều lùi vào dĩ vãng để trả lại cho những cánh rừng xanh, muông thú sinh sôi và con người sống trách nhiệm, thân thiện với rừng. |
Mối quan hệ giữa dân ở trong rừng và cán bộ trong Trạm Kiểm lâm Đá Dựng khá thân thiện. Mỗi người dân sinh sống và sản xuất dưới những cánh rừng Đá Dựng được Trạm trưởng Xuất và lực lượng kiểm lâm trong trạm xem như lực lượng hỗ trợ mình trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật rừng và phòng chống cháy rừng.
Khu vực rừng do Trạm Kiểm lâm Đá Dựng quản lý vẫn còn 2 khu dân cư với 20 hộ dân nằm gọn trong những chòm rừng. Cuộc sống của 20 hộ dân này không còn khó khăn như những năm trước nên công tác quản lý, bảo vệ rừng và động vật rừng của lực lượng kiểm lâm trong trạm không còn bị nhiều sức ép như trước.
Trạm trưởng Xuất tâm sự cuộc sống của người dân ở trong rừng và các hộ giao khoán đất rừng thay đổi lớn là nhờ họ biết vận dụng tốt mô hình nông - lâm kết hợp theo chủ trương của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Đồng thời, qua chuyển đổi cây trồng từ cây điều, mì sang trồng cam, quýt, tiêu... nên cuộc sống của người dân nhận khoán đất rừng khá hơn, thậm chí có người cuộc sống còn khá hơn một số cán bộ kiểm lâm trong trạm.
Ông Ba Dũng (hộ nhận khoán rừng) cho hay người dân ở rừng như ông rất trọng tín và nghĩa. Quanh khu đất gia đình ông nhận khoán nếu để xảy ra cháy rừng, mất rừng, động vật rừng dính bẫy ông sẽ rất khó ăn nói với lực lượng bảo vệ rừng của Trạm Kiểm lâm Đá Dựng. Do đó, ông phải ra sức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
* Kỷ niệm nhớ mãi
32 năm gắn bó với những cánh rừng già Mã Đà và Hiếu Liêm, Trạm trưởng Xuất có rất nhiều điều để kể với chúng tôi. Tuy nhiên, với những cánh rừng già, rừng trồng, rừng tái sinh bình yên và tình cảm thân thiện giữa người giữ rừng với những người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng, ông không muốn nhắc lại những câu chuyện xung đột trong quá khứ.
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đá Dựng Đỗ Đăng Xuất (thứ 2 từ phải sang) họp nhanh mỗi buổi sáng trước khi cùng đồng đội đi tuần rừng. |
Năm 1997, các cửa rừng được đóng kín, ngăn cấm tất cả các hành vi khai thác rừng theo chủ trương của tỉnh nhằm giữ cho được những cánh rừng còn lại trước sự khai thác vô tội vạ của con người. Trạm trưởng Xuất khi đó là Phó phân khu Phân trường Hiếu Liêm (thời đó chưa thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Để giảm bớt sức ép dân cư về rừng, ông Xuất đã liên hệ với ngân hàng tìm nguồn vốn vay cho dân ở rừng sản xuất.
Dân ở rừng lúc ấy chẳng có tài sản gì giá trị để thế chấp nên việc vay vốn để đầu tư sản xuất trên những khu đất giao khoán của Phân trường Hiếu Liêm đối với người nhận đất rất khó khăn. Lúc ấy, Trạm trưởng Xuất chủ động liên hệ với ngân hàng và quy tụ dân rừng vào các tổ vay vốn tín chấp; đồng thời đứng ra bảo lãnh và chịu trách nhiệm với ngân hàng về các khoản vốn vay của tổ vay vốn nếu người vay không trả được.
Nhờ vốn vay ngân hàng và các công ty cung cấp phân bón, cây giống chấp nhận bán thiếu, người nhận khoán rừng bắt đầu tìm được cuộc sống ổn định tại rừng, không còn tàn phá rừng vì mưu sinh. Sau thành công đó, ông Xuất được tỉnh khen thưởng, người dân rừng thì yêu quý ông hơn.
Sang năm 2018, kiểm lâm viên Bùi Văn Dũng đã có 30 năm gắn bó với những cánh rừng già: Hiếu Liêm, Mã Đà và Vĩnh An. Kỷ niệm về rừng với ông nhiều như những bước chân đi tuần rừng. Thời mật phục bắt “lâm tặc” thồ gỗ luồn lách đường rừng hay những bè chở gỗ trên các con suối chảy xiết chẳng làm người bảo vệ rừng như ông tự hào vì nhiệm vụ trước sự chống đối quyết liệt của “lâm tặc”.
Nay không còn cảnh chờ “lâm tặc” mệt đừ khi vận chuyển gỗ qua những con dốc cao rồi xông ra bắt, hay những cây lồ ô, nứa nhọn hoắt của “lâm tặc” vừa làm sào đẩy bè chở gỗ vừa làm hung khí chống trả khi bị lực lượng bảo vệ rừng chặn đường nên ông Dũng say sưa kể về những vườn cam, quýt, bưởi của dân ở rừng cho thu nhập tiền tỷ.
Ông Dũng chia sẻ những chuyện không hay đã lùi vào quá khứ nên ông không muốn nhắc lại để tình cảm giữa người giữ rừng và người ở trong rừng được vun đầy. Nhất là người dân giờ đã có ý thức trả lại cho những cánh rừng màu xanh, sự bình an của muông thú thì chuyện xưa nhắc lại chuyện xung đột trước đây chỉ làm mất đi nụ cười.
Đoàn Phú