Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh trong "vùng lõi" khai thác đá

07:11, 13/11/2017

"Mỗi lần các mỏ đá nổ mìn khai thác đá, chúng tôi đều nơm nớp lo sợ, thậm chí phải trốn trong chiếc thùng container tạm bợ khi mìn nổ lớn.

“Mỗi lần các mỏ đá nổ mìn khai thác đá, chúng tôi đều nơm nớp lo sợ, thậm chí phải trốn trong chiếc thùng container tạm bợ khi mìn nổ lớn. Có hôm đá rơi rào rào trên nóc nhà, xuyên qua mái tôn rồi rơi xuống đất khiến chúng tôi luôn phải sống trong cảnh âu lo” - ông Nguyễn Văn Minh (quê TP.Cần Thơ, công nhân lò gạch ở gần các mỏ đá thuộc xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay.

Ông Nguyễn Văn Minh chỉ nơi đá rơi làm thủng mái tôn mỗi khi mỏ đá nổ mìn.
Ông Nguyễn Văn Minh chỉ nơi đá rơi làm thủng mái tôn mỗi khi mỏ đá nổ mìn.

Khu vực tập trung các mỏ khai thác đá ở xã Phước Tân vốn chỉ dành cho những người làm nhiệm vụ phá đá, vận chuyển đá đưa đi tiêu thụ… Công việc đặc thù, đầy rủi ro tưởng chừng không ai bên ngoài có thể tiếp cận, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng chục con người bám trụ để mưu sinh.

* Sống trong sợ hãi

Giữa một vùng rộng hàng trăm hécta với các đồi đá, hố sâu chi chít, đường đi gồ ghề thì sự hiện diện của các lò gạch nung với những nhân công đang làm việc tất bật đêm ngày khiến chúng tôi khá bất ngờ. Để đến nơi làm việc của họ phải trải qua quãng đường di chuyển khó khăn và cũng không kém phần nguy hiểm khi tiếp xúc những hầm đá nằm xen kẽ giữa các quả đồi khô khốc cùng dòng xe tải ben di chuyển liên tục.

“Công việc vất vả nhưng vẫn vui vì người thân, bà con ở gần quanh mình. Làm ở đây lỡ có ốm đau cũng không lo; trong nhà ai có chuyện gì đều được mọi người động viên, giúp đỡ nên cố gắng bám trụ để mưu sinh” - bà Nguyễn Thị Sanh chia sẻ.

Ông Minh tâm sự mưu sinh giữa “vùng lõi” khai thác đá, lại liên tục chứng kiến cảnh nổ mìn khác biệt hơn hẳn so với các công việc mà ông đã làm trước đây. Ngày mới tới làm ở lò gạch An Phát, ông được bà chủ lò hướng dẫn tận tình nếu có lệnh nổ mìn phải chạy đến ngay thùng container gần đó trốn; khi nào xung quanh ngừng nổ mìn mới được ra khỏi nơi trú ẩn, nếu không sẽ gặp nguy hiểm.

Nghe những lời dặn đó, ông Minh cảm thấy rùng mình và bất an, nhưng làm riết ông quen luôn sự nguy hiểm lúc nào chẳng hay. Chỉ lúc nổ mìn lớn, kéo dài trên 30 phút, ông và những người trong lò gạch mới trốn trong chiếc thùng container, còn mìn nổ nhẹ “lai rai” mọi người vẫn làm việc bình thường.

“Trung bình khoảng 2 tuần mỏ đá nổ mìn một lần và họ đều thông báo trước để chúng tôi ứng phó. Sợ nhất là những hôm đá rơi lộp độp trên mái tôn. Gặp cục đá nặng vài ký đã xé toạc tôn xuyên qua mái nhà, rơi xuống đất. May mắn ở dưới không có người nên chẳng hề hấn gì. Mấy ngày sau, chủ mỏ đá đến thay lại tấm tôn mới” - ông Minh bộc bạch.

Ông Năm Hùng (quê tỉnh An Giang) chia sẻ dãy phòng trọ cho nhân công lò gạch tá túc vốn nằm trong khuôn viên lò gạch, cách mỏ đá không xa nên điều khiến ông ngán ngại là đất, đá bay loạn xa khắp nơi mỗi khi mỏ đá cho nổ mìn. Cách đây mấy tháng, trong quá trình nổ mìn, một cục đá lớn rơi trúng ngay phòng trọ của ông Năm Hùng đã làm rạn bức tường.

Từ đó đến nay, ông luôn phải sống trong cảnh lo sợ tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vài lần ông định tìm công việc khác an toàn hơn, nhưng thấy những người làm chung trong lò gạch đều cố gắng bám trụ nên ông quyết tâm ở lại. Hiện tại sau gần 1 năm làm nhiệm vụ bốc xếp, đóng gạch, ông được chuyển lên làm thợ đốt lò với mức thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng. “Nguy hiểm luôn thường trực nhưng mọi người ở đây động viên nhau gắn bó với nghề. Công việc chỉ cần sức người nên phù hợp với những người lao động chân tay như chúng tôi. Làm riết rồi quen, không còn âu lo như lúc mới vào làm” - ông Năm Hùng tỏ bày.

* “Làng” trong mỏ đá

Cuộc sống ở đây gần như tách biệt với bên ngoài, xung quanh chỉ toàn đất đá, không một nhà dân nên dãy trọ hơn chục phòng dành cho những người làm ở lò gạch khá hoang vắng. Khu vực này chỉ thực sự có không khí vui vẻ lúc mọi người trở về “nhà” sum họp sau 1 ngày làm việc vất vả.

Công nhân lò gạch xếp gạch sau quá trình nung.
Công nhân lò gạch xếp gạch sau quá trình nung.

Do cách xa khu dân cư nên chuyện ăn uống, sinh hoạt, chợ búa ở đây khó khăn hơn so với những nơi khác. Cuối ngày, họ cử 2-3 người chạy xe ra chợ ở trung tâm xã mua thức ăn. Những mặt hàng thiết yếu, như: gạo, nước… có khi phải mua dự trữ cho cả tháng để không phải đi lại nhiều lần.

Bà Nguyễn Thị Sanh (vợ ông Minh) chia sẻ gia đình bà có 7 người đến đây làm ăn. Hai người con lớn của bà đã lập gia đình, thuê phòng trọ ở gần lò gạch; đứa cháu nội của bà mới hơn 3 tuổi cũng được cha mẹ đưa đi theo.

Không riêng gia đình bà Sanh, hầu hết những người làm việc ở đây là người trong một gia đình hoặc là anh em, họ hàng, người cùng quê với nhau. Họ làm chung một địa điểm, lại có cả người lớn, trẻ em nên giống như ngôi làng thu nhỏ. Mọi người còn tận dụng những mảnh đất trống cạnh lò gạch để chăn nuôi, trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Sống ở khu vực hẻo lánh, dịp cuối tuần hay ngày nghỉ, nhiều gia đình chỉ biết giải khuây bằng cách tụ họp lại hát karaoke, xem tivi…

“Nhà nào có người ốm đau cả xóm trọ đều biết. Bà con sống gần nhau để dễ dàng chia sẻ, giúp đỡ trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ ở lò gạch này, nhiều lò gạch khác cũng vậy. Cứ một vài người đến ở ổn định là rủ vợ, chồng hoặc anh em, hàng xóm lên làm cùng” - bà Sanh nói.

Theo những người làm lò gạch, xung quanh khu vực này trước đây có 5 lò gạch, nhưng hiện tại chỉ còn 3 lò hoạt động; mỗi lò có khoảng 30-40 người làm. Để những người làm lò gạch thuận tiện đi làm và gắn bó lâu dài với nghề, chủ lò gạch thường xây các dãy phòng trọ gần lò gạch và miễn phí cho họ tiền phòng, điện, nước.

Lau những giọt mồ hôi chảy ướt người khi đưa củi vào đốt lò, ông Nguyễn Minh Hùng (quê tỉnh Bình Dương) tâm sự công việc bên trong lò gạch vốn nặng nhọc nên đòi hỏi người làm ở vị trí này phải có sức khỏe. Hầu như bàn tay của những người làm lò gạch đều nhăn nheo, thô ráp như gạch và đầy những vết chai sần mang dấu tích của nghề.

“Người nào chọn nghề này đều có hoàn cảnh khó khăn, phải bỏ quê tìm việc mưu sinh. Điều mọi người lo lắng là điều kiện sức khỏe không đảm bảo; do phải ăn ở trong khu vực lò gạch nên thường chịu cảnh bụi bặm và ồn ào” - ông Hùng nói thêm.

Thanh Hải

Tin xem nhiều