Báo Đồng Nai điện tử
En

Trưởng khu phố Năm Son

07:11, 23/11/2017

Từ ngày cầu Bửu Hòa (nối 2 bờ xã Hiệp Hòa với phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đi vào hoạt động, những nạn nhân xấu số của sông nước không còn trôi dạt vào khúc sông Miếu Bà (KP.2, phường Tân Vạn). Câu chuyện vớt xác chết trôi của Trưởng khu phố Phạm Hồng Sơn (còn gọi là Năm Son) và những người dân, cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn cũng từ đó lùi vào dĩ vãng.

Từ ngày cầu Bửu Hòa (nối 2 bờ xã Hiệp Hòa với phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đi vào hoạt động, những nạn nhân xấu số của sông nước không còn trôi dạt vào khúc sông Miếu Bà (KP.2, phường Tân Vạn). Câu chuyện vớt xác chết trôi của Trưởng khu phố Phạm Hồng Sơn (còn gọi là Năm Son) và những người dân, cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn cũng từ đó lùi vào dĩ vãng.

Trưởng khu phố Năm Son.
Trưởng khu phố Năm Son.

Ông Năm Son kể mỗi lần có xác người trôi dạt vào khúc sông Miếu Bà, ông cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường, lực lượng dân quân, người dân địa phương phải mất ăn, mất ngủ để lo liệu hậu sự.

* Sát cánh cùng Hội Chữ thập đỏ

Ông Năm Son tâm sự việc lo cho người xấu số trôi dạt vào bến sông Miếu Bà không nằm trong chương trình hành động của Ban điều hành KP.1, phường Tân Vạn.

Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn, bày tỏ chuyện ông cùng với Trưởng khu phố Năm Son vớt xác chết trôi sông có kể cả ngày cũng không hết chuyện. Tuy vậy, các ông đã luôn nỗ lực làm tròn bổn phận để linh hồn người xấu số được an ủi khi trôi dạt về khúc sông Miếu Bà.

Tuy vậy, mỗi lần nhận được tin báo có xác chết trôi dạt vào khúc sông Miếu Bà, ông Năm Son lập tức có mặt để cùng lực lượng công an, dân quân, Hội Chữ thập đỏ phường tổ chức trục vớt, thông báo cho cơ quan chức năng đến khám nghiệm, tìm tung tích nạn nhân.

Sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi, tìm được thân nhân của người xấu số, công việc bảo vệ hiện trường của ông Năm Son và cán bộ Chữ thập đỏ phường Tân Vạn xem như hoàn thành. Trường hợp người xấu số chưa rõ nhân thân lai lịch thì ông Năm Son và cán bộ Hội Chữ Thập đỏ phường phải gánh thêm trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng lo chuyện mai táng.

13 năm tham gia Ban điều hành khu phố, ngoài việc sát cánh cùng Hội Chữ thập đỏ phường lo tìm thân nhân, ông Năm Son còn lo chỗ chôn cất yên ấm cho trên chục trường hợp người chết trôi sông. “Phát hiện người gặp nạn, chúng tôi cùng Hội Chữ thập đỏ, chính quyền địa phương tìm tung tích nạn nhân, vận động áo quan, áo quần, tìm người lo việc chôn cất. Đến khi người xấu số có thân nhân đến tìm, chúng tôi mới nhẹ lòng” - ông Năm Son nói.

Sinh ra nơi làng gốm, ông Năm Son cũng là dân mỹ nghệ khéo nặn cục đất ruộng thành những sản phẩm lu, hũ, bình, chậu nổi tiếng. Dân làm gốm sứ Tân Vạn sống ổn định nhờ đất nhào nặn, nung chín thành sản phẩm mỹ nghệ. Khi làng nghề bước vào giai đoạn khó khăn, người dân địa phương lại đùm bọc nhau với những gì mà họ tìm kiếm được từ cuộc sống.

Hầm cá, bao gạo, con heo... Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn vận động từ người khá giả để chia đều cho người khó khăn trên địa bàn. Ông Năm Son mau mắn nhận phần của dân nghèo ở khu phố ông đem về phân chia lại. “Con cá bắt từ hầm có con lớn, con nhỏ, nhưng chúng tôi cũng chia được công bằng và mọi người đều vui vẻ nhận phần” - ông Năm Son kể.

* Văn bản tình làng

Từ năm 2004 đến nay, KP.1, phường Tân Vạn, nơi ông Năm Son làm Trưởng khu phố, liên tục giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa.

Ông Năm Son (bên trái)  thăm nhà tình thương mà khu phố và địa phương xây tặng gia đình bà Võ Thị Hồng (ở tổ nhân dân số 3).
Ông Năm Son (bên trái) thăm nhà tình thương mà khu phố và địa phương xây tặng gia đình bà Võ Thị Hồng (ở tổ nhân dân số 3).

Ông Năm Son bật mí để giữ vững phong trào, năm nào ông cũng triển khai cho các hộ dân trong khu phố ký cam kết thực hiện gia đình văn hóa của phường và TP.Biên Hòa.

Ông Năm Son giải thích, khi các hộ dân trong khu phố xảy ra chuyện lục đục, mâu thuẫn với nhau, ông lại đem những điều các hộ dân đã ký với khu phố ra làm bằng chứng, khuyên giải mọi người phải nhường nhịn nhau để cuối năm gia đình mới được xét gia đình văn hóa.

Cũng có vài người dân ấm ức chuyện hàng xóm lấn đất, không giữ gìn vệ sinh chung, hoặc vợ bức xúc chồng say xỉn về lớn tiếng với vợ con… Được ông Năm Son chỉ ra hàng loạt tiêu chí các hộ dân đã thực hiện tốt qua việc đăng ký thực hiện gia đình văn hóa; nếu hàng xóm mâu thuẫn vì ranh giới đất, vợ chồng lục đục chuyện gia đình... thì sẽ mất điểm thi đua, ảnh hưởng đến danh hiệu khu phố văn hóa của KP.1, mọi người đã nghe theo ông mà giải hòa. Vậy là, ông Năm Son cất lại biểu mẫu đăng ký gia đình văn hóa của đôi bên vào cặp.

Khi nghề gốm sứ gặp ế ẩm, phải di dời cơ sở hoạt động theo chủ trương của tỉnh và TP.Biên Hòa, dân làm lò gạch, lò gốm ở địa bàn KP.1, phường Tân Vạn thất nghiệp nhiều nên việc vận động dân thực hiện bê tông hóa các tuyến đường giao thông của khu phố gặp khó khăn.

Để giải quyết những khó khăn đó, Trưởng khu phố Năm Son đã đề xuất với mọi người phương án: Tuyến đường nào dân có điều kiện thì triển khai bê tông hóa trước, khu vực khó khăn sẽ làm sau với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các mạnh thường quân. Với cách làm cuốn chiếu do Trưởng khu phố năm Son đề xuất, đến nay đã có gần 60% tuyến đường giao thông trong KP.1, phường Tân Vạn được đổ bê tông và 40% tuyến đường còn lại trong khu phố được cứng hóa.

Chuyện xóa hộ nghèo, hay xây, sửa nhà tình thương cho các hộ dân khó khăn trong KP.1, ông Năm Son chạy đôn chạy đáo tìm nguồn hỗ trợ, gắn kết với các hội, đoàn thể phường thực hiện mục tiêu.

Qua 13 năm làm Trưởng khu phố, ông Năm Son đã vận động người dân và các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa được 14 căn nhà tình thương; góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong khu khố từ 10% vào năm 2004, đến nay còn dưới 1%. Ông tâm sự hộ nào thoát nghèo, được chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ xây, sửa nhà thì ông lại thường xuyên đến thăm hỏi, chúc mừng, động viên.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều