Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt động Ghì Rằng ở Thăng Hen

07:11, 04/11/2017

Nằm lọt thỏm giữa vùng núi non cao chót vót, vách đá hiểm trở, rừng xanh bao phủ cùng hàng chục hồ nước xanh biếc, Khu du lịch hồ Thăng Hen (tỉnh Cao Bằng) mở ra với khung cảnh trữ tình làm say đắm những du khách từ Đồng Nai lần đầu đặt chân đến.

Nằm lọt thỏm giữa vùng núi non cao chót vót, vách đá hiểm trở, rừng xanh bao phủ cùng hàng chục hồ nước xanh biếc, Khu du lịch hồ Thăng Hen (tỉnh Cao Bằng) mở ra với khung cảnh trữ tình làm say đắm những du khách từ Đồng Nai lần đầu đặt chân đến.

Ông Phạm Đức Bình giới thiệu cho du khách Đồng Nai cây xuyên đá, rễ được gọi là nhân sâm núi, một thảo dược quý hiếm chỉ có ở vùng cao phía Bắc.
Ông Phạm Đức Bình giới thiệu cho du khách Đồng Nai cây xuyên đá, rễ được gọi là nhân sâm núi, một thảo dược quý hiếm chỉ có ở vùng cao phía Bắc.

Từ TP.Cao Bằng đi theo quốc lộ 3 khoảng 30km lên đến đỉnh đèo Mã Phục (xã Quang Toản, huyện Trà Lĩnh) quẹo trái vượt hơn 4km đường trải nhựa, bên trái núi đá sừng sững và bên phải là thung lũng ẩn hiện trong màn sương mong manh, rải rác mái nhà sàn của đồng bào dân tộc, cuối đường là vào khu du lịch Thăng Hen. Một hình ảnh thật đối lập: vừa mạo hiểm vừa thơ mộng ở trên vùng núi rừng có độ cao hơn 1 ngàn m so với mực nước biển.           

Một đời phải đến

Người khai phá ra khu du lịch Thăng Hen là chị Trần Thị Thơm, năm nay 51 tuổi, có cha người Kinh và mẹ người Tày, kể: “Hồi đó để làm con đường vào Thăng Hen, chúng tôi phải cho nổ mìn phá đá rất gay go, rồi đầu tư xây dựng hình thành khu du lịch này biết bao vất vả, gian nan, tốn rất nhiều công sức, tiền của trong ròng rã 2 năm trời”. Như đức tính vốn có của đồng bào các dân tộc vùng cao Cao Bằng, chị Thơm khẳng khái nói: “Nếu chúng tôi không có gan mạo hiểm thì không thể có Thăng Hen”.

Đi qua hồ Thăng Hen để sang động Ghì Rằng.
Đi qua hồ Thăng Hen để sang động Ghì Rằng.

Chị Thơm bảo rằng, do xung quanh là núi đá nên các hang động ngầm cũng nhiều, đó là nguồn nước quanh năm cung cấp cho quần thể hồ Thăng Hen với 36 hồ nước ngọt lớn nhỏ, mỗi hồ có bờ bao riêng và cách nhau trên dưới 100m. Trong đó, hồ Thăng Hen nằm ngay trung tâm của khu du lịch là rộng lớn nhất có chiều dài hơn 1.000m, rộng khoảng 300m, nước luôn trong xanh bất kể mùa lũ hay mùa cạn. Giải thích thắc mắc của chúng tôi vì sao trong khu du lịch này lại có nhiều chiếc chum to đùng làm bằng xi măng có thể đựng vài trăm lít nước, chị Thơm nói “Thăng Hen” có nhiều nghĩa: theo tiếng của đồng bào Tày là đuôi ong hay cái chum. Chính vì vậy, khu du lịch này làm nhiều cái chum như là biểu tượng của Thăng Hen.

Không chỉ có vậy, Thăng Hen có nhiều “bí ẩn” mà trong đời người đã đến Cao Bằng phải đến Thăng Hen. 

Thăng Hen không phải thằng hèn 

Cùng đi với chúng tôi ra Thăng Hen còn có một doanh nhân khá quen thuộc ở Đồng Nai: Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Bình, cũng là nhà đầu tư của khu du lịch này. Ông Bình vốn là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nên đã giao lưu, quen biết hầu hết Hội Doanh nghiệp trẻ các tỉnh, thành trong cả nước. Cách nay 2 năm, nghe người quen giới thiệu chị Thơm, cũng từng là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng, đang gặp khó khăn về tài chính và muốn bán khu du lịch này. Sau vài lần ra vào khảo sát Thăng Hen, ông Bình đã bỏ vốn mua lại 80% cổ phần, hiện là chủ tịch HĐQT, còn chị Thơm có 20% cổ phần làm giám đốc. Do khá quen thuộc với địa hình ở Thăng Hen, ông Bình nói như vẻ thách đố với đoàn khách Đồng Nai: “Thăng Hen không dành cho thằng hèn. đến đây phải khám phá tour du lịch mạo hiểm lên động Ghì Rằng!”. Vậy là, sáng hôm sau các du khách Đồng Nai sau một đêm nhậu li bì, khá mệt mỏi vẫn lên đường chinh phục động Ghì Rằng.

Để lên động Ghì Rằng, du khách phải có tinh thần mạo hiểm. điều này tưởng chỉ dành cho dân phượt trẻ, thế nhưng với du khách đến từ Đồng Nai còn hơn thế! Không chỉ leo lên những con dốc đá nhỏ khá trơn trượt, ông Bình còn vạch ra tuyến du lịch mạo hiểm riêng cho du khách đến từ Đồng Nai đi lên và xuống động Ghì Rằng theo vòng cung, phải leo qua các mỏm đá lởm chởm, rồi vượt hồ nước xanh mượt Hang Then bằng bè ghép bởi những cây mai (lồ ô) để sang động Ghì Rằng. Với khách phượt bình thường chỉ được đi bộ vào thăm cảnh quan huyền bí trong hang động rồi quay trở ra, nhưng với du khách Đồng Nai thì ông Bình thiết kế phải đu dây leo lên hang động với cảm giác mạnh và phải khum người chui qua nhiều “lỗ chó” mới lên tới đỉnh Ghì Rằng. Rất mệt và hồi hộp, có thể trượt chân té bất cứ lúc nào. Ông Bình nói tuyến vượt động Ghì Rằng này chỉ dành cho người Đồng Nai! Bù lại, được ngắm cảnh quan thiên nhiên trong hang động Ghì Rằng có thể nói không hề thua kém các hang động nổi tiếng ở Việt Nam. Tuyến du lịch mạo hiểm leo lên động Ghì Rằng này mất hơn 3 tiếng đồng hồ, đi bộ gần 10km vượt qua nhiều cung đường dốc đá tai mèo. Quả là Thăng Hen không dành cho người hèn!

Ẩm thực tuyệt vời

Không chỉ có cảnh quan tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành trên vùng rừng núi cao, tại Khu du lịch Thăng Hen còn có nhiều món ẩm thực tuyệt vời mà nhiều doanh nhân ở Đồng Nai từng “ chinh chiến” ngược xuôi Nam - Bắc, kể cả ra cả nước ngoài, vẫn phải tấm tắc khen ngợi, trong đó rượu ngô men lá thì không chê vào đâu được. Lò nấu rượu ở Thăng Hen luôn đỏ lửa từ sáng sớm tới khuya. Ông Hoàng Văn Tốn, 65 tuổi, người “giữ lửa” cho lò nấu rượu ở Thăng Hen 15 năm nay, cho biết: “Rượu ở Thăng Hen được nấu bằng ngô với nguồn nước tinh khiết trên độ cao hơn 1 ngàn m và ủ bằng loại men lá do bà con dân tộc hái từ trong núi rừng sâu. Sau đó đổ vào chum đem vào hầm rượu nằm dưới đỉnh núi, hạ thổ khoảng 5 tháng mới lấy ra uống, khi đó rượu còn khoảng 28-29O. Rượu ngô dùng men lá dễ uống có vị hơi ngọt, đặc biệt là uống say cỡ nào thì hôm sau không hề mệt mỏi, nhức đầu, còn ngon hơn cả rượu Tây. Điều này thì các du khách từ Đồng Nai ra, trong đó có nhiều doanh nhân đều gật gù khen rượu ngô men lá của bà con dân tộc Tày nấu phải xếp vào hàng quốc tửu!

Thịt heo nướng, món ngon đặc sắc của bà con dân tộc vùng cao Cao Bằng.
Thịt heo nướng, món ngon đặc sắc của bà con dân tộc vùng cao Cao Bằng.

Không chỉ có rượu ngô, các món ăn ở vùng cao này ngon đáo để. Thịt heo được chế biến từ heo nuôi trong các bản làng của bà con dân tộc tuy nhiều mỡ nhưng ăn không hề ngán, món thịt heo quay hay thịt heo treo bếp (hun khói) đều có hương vị đặc trưng riêng. Thịt gà luộc thì không chê vào đâu được, bởi đây là loại gà trống thiến nuôi thả tự nhiên, miếng thịt vàng ươm, trông rất bắt mắt và ngọt lịm. Cá có nhiều loài được bắt ở các hồ nước ngọt thiên nhiên như: bò râu, bống bớp, cá chảy… và rau xanh thì mùa nào cũng có, như: rau dạ yến, ngót, rau âu. Đặc biệt, ở vùng đồi núi Thăng Hen còn nhiều loài thảo dược quý hiếm, như: giảo cổ lam loại 7 lá 1 hoa, hay cây xuyên đá mà rễ được xem như loài sâm núi được các thương nhân Trung Quốc săn lùng. Tổng giám đốc Công ty đại lý thuế Đồng Nai Trần Việt Cường nhận xét: khu du lịch Thăng Hen với động Ghì Rằng đem lại cảm giác thú vị vì ít nơi nào sánh được. Ẩm thực quá tuyệt vời.

Với người Đồng Nai như tôi, câu chuyện về Thăng Hen và chinh phục hang động Ghì Rằng nếu kể mãi sẽ không bao giờ dứt!

Xuân Phú

Tin xem nhiều