Là bệnh binh mất sức 61% khi tham gia kháng chiến chống Mỹ về lại đời thường, ông Phạm Minh Tuân (64 tuổi) phải cố gắng làm lụng gấp 2-3 lần người khác mới có được cuộc sống ổn định như mọi người...
Là bệnh binh mất sức 61% khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, trở về lại đời thường ông Phạm Minh Tuân (64 tuổi, quê tỉnh Nghệ An, hiện ngụ tổ 7, ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) phải cố gắng gấp 2-3 lần người khác mới có được cuộc sống ổn định như mọi người.
Ông Phạm Minh Tuân (phải) cho đàn heo ăn. |
Gần 40 năm xuất ngũ, từ 2 bàn tay trắng, ông Tuân đã tạo dựng được 1,5 hécta rẫy, mua cho con 2 ngôi nhà ở TP.Hồ Chí Minh và đầu tư phương tiện cho con mở dịch vụ vận tải.
* Ngược Bắc, xuôi Nam
Năm 1972, khi mới 19 tuổi, ông Phạm Minh Tuân đăng ký tòng quân và được điều vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Trong một lần cùng đồng đội đi hái rau dại cải thiện bữa ăn ở gần thành cổ Quảng Trị, ông Tuân bị sức ép của một quả bom do máy bay B52 địch thả làm bị thương nặng. Vết thương lành, ông Tuân tiếp tục về đơn vị tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Mỹ, cho biết ông Phạm Minh Tuân luôn gương mẫu trong phong trào Hội và phong trào địa phương; gương mẫu, có nhiều cố gắng vươn lên. Ông còn tham gia vận động Quỹ Khuyến học cho học sinh, góp phần giúp con em địa phương có điều kiện học lên cao hơn. |
“Sau khi bị thương, tôi thấy người yếu hẳn nhưng vẫn cố gắng chiến đấu. Từ đó đến nay, tôi không làm việc nặng được, trái gió trở trời lại thấy khó thở. Sau này đi khám, xét nghiệm các loại mới biết mình bị mất sức 61%. Cùng với một vài vết thương trong lúc cùng đồng đội tấn công các cứ điểm của đối phương tại Thành Tuy Hạ (huyện Nhơn Trạch) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tôi đã xuất ngũ luôn từ đó” - ông Tuân chia sẻ.
Tháng 8-1978, ông Tuân về quê cưới vợ, sinh con và xây dựng cuộc sống mới sau những năm tháng cầm súng bảo vệ quê hương.
Dù vợ chồng cần cù lao động, nhưng cuộc sống vẫn không thấy khấm khá. Trong một lần gặp gỡ bạn bè, ông Tuân được khuyên vào miền Nam, nơi đất đai còn rộng, dân còn thưa, trồng cây gì cũng dễ phát triển, để lập nghiệp.
Nhớ lại thời điểm năm 1975, trong lúc cùng đơn vị chiến đấu tại khu vực Long Thành - Nhơn Trạch, ông Tuân cũng đã chú ý đến mảnh đất Đồng Nai màu mỡ và trù phú. Vì vậy khi được bạn bè khuyên nhủ, ông quyết định vào Nam một chuyến.
Vậy là năm 1986, ông đưa vợ cùng 3 người con vào xã Xuân Mỹ lập nghiệp với ý định tiếp tục nghề nông ở quê để nuôi sống gia đình.
Không vốn liếng mang theo, ở vùng đất mới, ông Tuân xin gỗ về dựng lán cho vợ con ở tạm, mượn tiền người thân mua rẫy ở khu vực ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ để sản xuất nông nghiệp.
Mỗi ngày, vợ chồng ông đi bộ 4-5km đường đất đỏ để vào rẫy làm. Ngay cả các con ông đi học cũng phải đi bộ đường đất ven lô cao su hơn 2km để đến trường. Nắng bụi, mưa lầy, cả nhà 5 người cố gắng làm lụng để vượt qua cuộc sống khó khăn của những ngày đầu lập nghiệp.
Đất không phụ công người, rẫy cà phê của gia đình ông Tuân dần được mùa, bán được giá nên đến năm 1990 thì ông xây được căn nhà gạch đầu tiên.
“Thời điểm đó, dân ở Xuân Mỹ ai cũng nghèo, cả xóm chỉ có 1 cái ti vi. Đường sá toàn đường đất, phải sau năm 2010 mới có đường nhựa sạch đẹp đi ngang qua xã, kéo dài đến huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Lúc xây căn nhà gạch đầu tiên (năm 1990), không có tiền thuê thợ, tôi phải tự làm” - ông Tuân kể lại.
* Vươn lên không ngừng
Quyết tâm làm giàu từ cây cà phê, vào năm 1993 với 4 chỉ vàng tích cóp được, ông Phạm Minh Tuân vay mượn thêm của bạn bè, người thân để có đủ 4 cây vàng mua gần 6 sào rẫy trồng cà phê. May mắn lại đến khi vụ thu hoạch cà phê năm đó cà phê lên giá, ông có tiền trả hết nợ và mua được chiếc xe máy mới làm chân đi lại. Từ đây, gia đình ông Tuân dần có cuộc sống ổn định và bắt đầu dành dụm để tính chuyện tương lai.
Bầy gà 100 con được ông Phạm Minh Tuân chăm sóc kỹ, trở thành niềm vui khi về già của vợ chồng ông. |
Năm 1995, trong một lần đến huyện Phước Long (trước thuộc tỉnh Sông Bé, nay là TX.Phước Long, tỉnh Bình Phước), ông Tuân thấy vùng đất này có thể đầu tư được. Vậy là ông về nhà gom góp tiền dành dụm của gia đình và mượn thêm người quen để mua 10 hécta đất trồng cao su, điều…
“Nhờ đầu tư mảnh đất ở Bình Phước mà sau này tôi có điều kiện sống tốt hơn, đầu tư cho các con ăn học, làm ăn được nhiều hơn. Đến năm 2008 khi 2 đứa con lập gia đình, tôi đã bán hết 10 hécta đất lấy tiền mua 2 căn nhà ở TP.Hồ Chí Minh cho con yên tâm lo sự nghiệp” - ông Tuân chia sẻ.
Hiện nay, ngoài số tiền phụ cấp bệnh binh hàng tháng gần 2,5 triệu đồng, với 1,5 hécta đất rẫy ở xã Xuân Mỹ, vợ chồng ông Tuân có cuộc sống khá thoải mái với vườn tiêu, cà phê và đàn heo khoảng 70 con, đàn gà 100 con và dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt đông khuyến học của ấp.
Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của ấp Láng Lớn (trước đây ông Tuân còn làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của ấp). Nhờ uy tín cá nhân, ông Tuân cùng những người cao tuổi khác trong ấp, xã đi vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền để lập quỹ khuyến học tặng học sinh có thành tích khá, giỏi hoặc con em các hộ nghèo trong ấp vào cuối năm học.
Bản thân ông luôn là một trong những người góp tiền đầu tiên vào quỹ, nên ông đi vận động cũng thuận lợi. Người khá giả góp 1 triệu đồng, người góp ít thì vài trăm ngàn, tất cả dựa trên tinh thần tự nguyện. Cháu nào học giỏi thì được tặng 200 ngàn đồng, cháu nào khá thì 100 ngàn đồng. Số tiền không lớn, nhưng đó là nguồn động viên, giúp các cháu mua sắm sách vở cho học kỳ sau.
“Cuối học kỳ và cuối năm học, chúng tôi lại phân chia nguồn quỹ vận động được thành các phần thưởng tặng các cháu học sinh. Thời của chúng tôi, chiến tranh đã cướp đi rất nhiều người giỏi, trẻ em không được học hành an toàn vì bom đạn. Bây giờ, khi đã già, tôi và những người bạn già luôn động viên con cháu trong nhà, các cháu học sinh trong ấp cố gắng học tập để sau này có thể góp sức xây dựng địa phương, đất nước giàu mạnh hơn” - ông Tuân bộc bạch.
Đăng Tùng