Vào đêm 20-12-1967, để mở màn cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, theo lệnh của Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 Quân khu 7 đã phối hợp với Đại đội 240 Nhơn Trạch (C240) đánh diệt Sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan tại Bàu Nâu...
Vào đêm 20-12-1967, để mở màn cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, theo lệnh của Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 Quân khu 7 đã phối hợp với Đại đội 240 Nhơn Trạch (C240) đánh diệt Sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan tại Bàu Nâu, xã Phước Thọ (nay thuộc ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch). Đây là căn cứ quân sự lớn của quân chư hầu Thái Lan, nổi tiếng về sự tàn bạo đối với lực lượng cách mạng.
Cựu chiến binh Huỳnh Văn Thành (phải) kể lại trận đánh chốt Vườn Điều vào đêm 20-12-1967. Ảnh: Đ.VIỆT |
Trận đánh táo bạo của Quân giải phóng vào chốt Vườn Điều đã gây cho địch nhiều thiệt hại, đồng thời tạo ra khí thế mới cho quân - dân ta thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968.
* “Bóng đen” vùng kháng chiến
Gần 50 năm sau ngày trận đánh diễn ra, chúng tôi có dịp đến xã Long Thọ thăm lại chốt Vườn Điều. Nơi căn cứ quân sự đầy chết chóc ngày nào giờ được thay thế bằng những vườn cây ăn trái xanh mượt nằm xen lẫn trong khu dân cư với những ngôi nhà khang trang.
Mặc dù trận đánh chốt Vườn Điều chưa giành được thắng lợi trọn vẹn, nhưng đó là đòn choáng váng đối với quân địch, mang lại nhiều lợi thế cho quân ta về mặt chính trị. Kế thừa kinh nghiệm của trận đánh, để rồi gần nửa tháng sau đó, Tiểu đoàn 2 tiếp tục hòa vào đội hình Sư đoàn 5 hành quân về chiến trường Thủ Đức cùng với quân - dân miền Nam nổ súng tiến công địch, mở màn cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968. |
Bước chân đi trên con đường nhựa phằng lì dẫn vào ngôi đền thờ liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chốt Vườn Điều được xây dựng khang trang, chúng tôi gặp ông Lê Thanh Hải, thương binh hạng 3/4, cựu chiến binh C240 Nhơn Trạch thời chống Mỹ, người trông coi, chăm sóc đền thờ liệt sĩ. Nhìn những vết thương còn in hằn trên cơ thể ông Hải và những việc ông làm mỗi ngày tại nơi thiêng liêng này, chúng tôi chợt nghĩ người thương binh, cựu chiến binh ấy vẫn còn mang nặng nợ đối với những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Nghe có người “chạm” đến tâm tư, tình cảm của ông đối với những liệt sĩ, ông Hải bộc bạch ông không tham gia trận đánh Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan vào đêm 20-12-1967, nhưng ray rứt trước sự hy sinh của đồng đội, sau hòa bình ông đã dựng nhà ở gần nơi diễn ra trận đánh năm xưa, nơi có cả trăm chiến sĩ ngã xuống. Ông Hải cũng thấy mình có trách nhiệm làm tròn phận sự hương khói cho những người đã vì nước quên thân mà theo ông đó là đạo lý của người còn sống dành cho người đã khuất.
Theo lời ông Hải, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta, vùng đất Long Thọ - Phước An là căn cứ kháng chiến, là nơi nuôi giấu bộ đội, du kích đánh giặc giữ nước.
Năm 1965, nhận thấy vùng đất Nhơn Trạch là vị trí chiến lược trọng yếu trong hệ thống phòng thủ nên đế quốc Mỹ cùng quân chư hầu ra sức xây dựng đồn bót ở đây và thường xuyên cho quân càn quét, nống lấn để đàn áp phong trào cách mạng, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân - dân ta.
Riêng ở địa bàn Bàu Nâu, xã Phước Thọ (nay thuộc ấp 5, xã Long Thọ) nằm trong vùng chiếm đóng của quân chư hầu Thái Lan. Ở đây, chúng đặt Sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương, đơn vị khét tiếng về sự tàn bạo, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng của địa phương, phong tỏa sự liên lạc, tiếp tế của người dân với du kích, bộ đội ở khu lòng chảo Phước An - Long Thọ. Chúng đã liên tục xua quân càn quét, gây nhiều khó khăn cho lực lượng cách mạng; mọi hoạt động tiếp tế của người dân cũng như hoạt động chiến đấu của bộ đội, du kích có lúc như bế tắc. Do vậy, chủ trương của trên là phải tiêu diệt hệ thống chốt Vườn Điều để tạo hành lang an toàn cho các hoạt động của cán bộ, bộ đội và du kích trong vùng căn cứ.
* Đòn quyết định
Nhớ lại trận đánh cách đây 50 năm mà bản thân trực tiếp tham gia, cựu chiến binh Huỳnh Văn Thành (nguyên trinh sát Tiểu đoàn 2, hiện ngụ ở xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ vào đầu tháng 12-1967, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã giao cho Sư đoàn 5 đánh diệt Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan ở chốt Vườn Điều để mở rộng hành lang vùng giải phóng, tạo khí thế cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy đầu xuân Mậu Thân 1968.
Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chốt Vườn Điều (ở ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch). |
Phần lớn chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 có quê ở miền Tây Nam bộ, đơn vị gốc thuộc Tiểu đoàn 265 trinh sát ở tỉnh Bến Tre. Giữa năm 1967, Tiểu đoàn 265 được lệnh hành quân về Chiến khu Đ thực hiện đợt “rèn cán chỉnh quân”. Trong quá trình học tập, đơn vị được sáp nhập vào Tiểu đoàn 2 để thực hiện trận đánh diệt chốt Vườn Điều. Sau khi sáp nhập, Chỉ huy Sư đoàn 5 đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 2 phối hợp với C240 tổ chức điều nghiên trận địa và thực hiện trận đánh.
Lúc đó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Trần Văn Hướng đã giao nhiệm vụ cho ông Thành cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Hùng và Phan Thanh Việt ở bộ phận trinh sát thực hiện điều nghiên địa hình, địa vật ở chốt Vườn Điều để vẽ sơ đồ tác chiến cho trận đánh. Qua sự phối hợp, hướng dẫn của bộ đội địa phương, tổ trinh sát Tiểu đoàn 2 đã lên sơ đồ tác chiến chi tiết phục vụ cho trận đánh sau nửa tháng điều nghiên.
Nằm bên cánh rừng khộp, chốt Vườn Điều rộng hàng chục hécta, nhưng khu trung tâm chỉ 4-5 hécta. Ở đây, địch đóng quân theo đội hình hình tam giác, gồm sở chỉ huy ở giữa, 2 bên là 2 trại lính cùng công sự và hầm hào chiến đấu. Bên ngoài khu trung tâm, địch xây dựng 5 hàng rào bảo vệ với nhiều lớp kẽm gai sắc nhọn xếp chồng lên nhau. Về hỏa lực phòng thủ, trong căn cứ có các ụ súng đại liên, súng cối, súng phóng lựu M79...
Dù nghiên cứu rất kỹ địa hình, vẽ sơ đồ chi tiết hệ thống phòng thủ của căn cứ địch, nhưng chỉ 1-2 ngày sau khi ta có lệnh tấn công, địch bất ngờ điều 3 xe tăng hạng nặng M41 về bố trí ở các vị trí hiểm yếu bên trong căn cứ và giấu dưới các công sự. Do không phát hiện được sự thay đổi trong hệ thống phòng thủ của địch nên lực lượng ta vẫn thực hiện trận đánh.
21 giờ ngày 20-12-1967, lúc địch tập trung trước sân xem phim, quân ta chủ động tấn công cấp tập vào bằng những loạt súng cối. Khi mũi trinh sát đã tiềm nhập vào trong bấm quả mìn DH8 phá tan cửa, bộ đội ta chia thành 3 mũi tấn công trực diện vào Sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương.
Do chủ động phòng thủ nên địch phản công dữ dội, hỏa lực trên 3 chiếc xe tăng bắn rất mạnh vào đội hình của quân ta, đồng thời bắn trái sáng thắp sáng toàn bộ khu căn cứ và cho trực thăng quần đảo bắn rốc két vào đội hình của ta trên mặt đất. Bên ngoài rừng ngập mặn, địch dùng vũ khí hạng nặng bắn vào đội hình của quân ta, gây cho ta nhiều thiệt hại, buộc phải dừng trận đánh vào khoảng 3 giờ sáng hôm sau.
Đức Việt