Báo Đồng Nai điện tử
En

Con của người anh hùng

07:01, 13/01/2018

Gia đình ông Trần Văn Cao (Hai Cao, 80 tuổi) chuyển về sống tại KP.5, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đã hơn 1 năm, nhưng trừ vài người bạn cũ, hàng xóm ở đây ít ai biết ông từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ và bị mất chân phải trong lần trinh sát điều nghiên Sân bay Biên Hòa đầu năm 1967.

Gia đình ông Trần Văn Cao (Hai Cao, 80 tuổi) chuyển về sống tại KP.5, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đã hơn 1 năm, nhưng trừ vài người bạn cũ, hàng xóm ở đây ít ai biết ông từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ và bị mất chân phải trong lần trinh sát điều nghiên Sân bay Biên Hòa đầu năm 1967. Để rồi từ những tư liệu ông đưa về, Trung đoàn 724 pháo binh Miền đã nổ súng tấn công Sân bay Biên Hòa vào đêm 11, rạng sáng 12-5-1967.

Ông Hai Cao hiện sống cùng vợ trong ngôi nhà mới ở KP.5, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa.
Ông Hai Cao hiện sống cùng vợ trong ngôi nhà mới ở KP.5, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa.

Ông Trần Văn Cao chính là con trai lớn của cố Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (Hai Cà, tên thật là Trần Văn Kìa).

* Trốn lính vào rừng

Là anh lớn trong gia đình có 5 anh em, ngay từ nhỏ ông Hai Cao đã biết cha đi làm cách mạng nên ông luôn có cảm tình với những người làm cách mạng. Năm 1954, cha đi tập kết ở miền Bắc nên ông Hai Cao (khi ấy 16 tuổi) ở nhà đi học, phụ mẹ chăm sóc bà nội, các em và lo việc ruộng vườn, nhà cửa. Cuộc sống khi đó rất cơ cực, nhà đông anh em, cha lại đi tập kết nên hầu như mọi việc trong nhà đều một tay ông gánh vác.

Sau khi bị thương vào năm 1967, ông Hai Cao tham gia nhiều hoạt động khác ở căn cứ và đến năm 1970 thì được đưa ra miền Bắc điều trị, dưỡng thương cùng nhiều thương binh khác. Năm 1973, ông lập gia đình và quay lại miền Nam vào năm 1974. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia một số hoạt động tại địa phương. Ông vừa cắt bỏ phần chân hư vào cuối năm 2017 do bị nhiễm trùng.

Năm 1960, đang là trụ cột trong gia đình thì ông Hai Cao bị chính quyền chế độ cũ ép đi lính, nhưng ông đã trốn vào rừng, tham gia Đại đội 63 của huyện Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Lúc ông trốn vào rừng cũng chưa kịp dặn dò người nhà.

“Lúc tôi đang loay hoay bên ruộng mía ở cù lao Thạnh Hội (TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay) thì một toán lính đến đọc lệnh yêu cầu tôi vào đồn ngủ, hôm sau đi quân dịch. Tôi bị đưa đi ngay lúc đó, nhưng đã tìm cách trốn vào rừng Cò Mi (tỉnh Bình Dương) tham gia cách mạng” - ông Hai Cao kể.

Năm 1961 khi quay trở về miền Nam, biết tin con trai lớn đã tham gia cách mạng, ông Hai Cà đã viết thư gửi cho chỉ huy của ông Hai Cao bày tỏ mong muốn gặp lại con, và đó cũng là lần đầu cha con ông gặp lại nhau sau 7 năm xa cách. Lúc đó, ông Hai Cà tặng con khẩu súng ngắn để phòng thân.

Khi trở về đơn vị, ông Hai Cao được tổ chức cho đi học, sau đó về làm việc tại Ban Tác huấn Huyện đội Lái Thiêu.

Trên cương vị mới, ông Hai Cao có nhiệm vụ huấn luyện cho du kích các xã và làm nhiệm vụ nắm tình hình địch tại một số địa bàn trong khu vực. Cũng trong thời gian đó, với khẩu súng cha tặng, ông Hai Cao đã nổ súng tiêu diệt tên đại diện xã của chính quyền địch trước đây phục vụ quân đội Pháp, sau lại có nhiều hành động ép người dân bỏ nhà vào ấp chiến lược, nếu không sẽ đốt cả làng.

“Năm 1964, tôi được cử đi học và công tác ở Bộ Tư lệnh Miền. Sang năm 1965 thì cha tôi viết thư đề nghị đơn vị cho tôi về công tác tại Biên Hòa để gần cha và 3 người em trai của tôi. Nhưng lúc đó tôi đâu có chịu, tôi nói với cấp trên rằng cha con làm việc cùng nhau khó lắm, và tôi xin ở lại. Sau cùng, do cha tôi đề nghị liên tục nên cấp trên điều động tôi về Biên Hòa. Năm 1965, tôi mới chính thức tham gia chiến đấu ở TX.Biên Hòa với vị trí Trung đội phó” - ông Hai Cao tâm sự.

* Trinh sát dũng cảm

Sau nhiều lần tham gia trinh sát điều nghiên địa bàn, tìm hiểu các khu vực của TX.Biên Hòa và tham gia một số trận đánh vào đầu năm 1967, ông Hai Cao được giao nhiệm vụ tổ chức một tốp nhỏ đi trinh sát Sân bay Biên Hòa để phục vụ cho một trận đánh. Trước đó, liên tục những năm 1964-1966, Sân bay Biên Hòa bị quân ta tấn công bằng nhiều cách nên càng về sau địch bố phòng càng cẩn mật, việc đột nhập vào điều nghiên sân bay càng khó hơn.

Sân bay Biên Hòa bị tấn công vào đêm 11, rạng sáng 12-5-1967.
Sân bay Biên Hòa bị tấn công vào đêm 11, rạng sáng 12-5-1967.

Ông Hai Cao kể đã nhiều lần trực tiếp đi trinh sát các căn cứ quân sự của địch, nhưng khi về báo cáo thì có nhiều điểm không trùng với bản đồ bố trí của cơ sở mật bên trong chuyển ra. Điều này chứng tỏ địch có sự thay đổi cách bố trí căn cứ liên tục nhằm tránh thiệt hại khi bị quân ta đánh.

“Tôi được cử cùng 3 người nữa đi điều nghiên sân bay hướng giáp ranh giữa 2 phường Tân Phong và Trảng Dài bây giờ, với mục tiêu là tìm đường vào đặt mìn máy bay tiêu diệt một lượng lớn khí tài, sinh lực địch khiến địch bất ngờ. Một số anh em đóng giả dân thường đi vào trước. Sau 1 đêm, anh em ra báo cáo với tôi rằng đường tuần tra và các chốt canh rất nghiêm, cứ 50m có 1 chốt gác của 3 lính Mỹ với hỏa lực cá nhân mạnh nên không có lối vào. Sau đó, tôi đã trực tiếp đi trinh sát và tìm được một vị trí sơ hở nằm ngay nơi giáp hàng rào giữa Quân đoàn 3 Sài Gòn, sân bay và ấp Bàu Hang” - ông Hai Cao kể lại.

Từ kẽ hở này, ông chui vào được Sân bay Biên Hòa và ghi nhớ cách bố trí, tìm đường tiếp cận đường băng, nhà chứa máy bay, sau đó về báo cáo lại. Khi nghe ông báo cáo, ông Hai Cà không đồng tình vì cho rằng khác nhiều so với bản đồ được cơ sở mật gửi ra.

Sau khi nghe ông Hai Cao phân tích tình hình rằng không thể tiếp cận gài mìn máy bay rồi rút êm được, mà chỉ có thể tìm đường cho quân luồn vào bên trong sân bay đánh từ trong ra, phá hủy máy bay rồi phối hợp với một cánh quân bên ngoài để rút an toàn, ông Hai Cà yêu cầu con trai phải đi trinh sát nắm lại tình hình và báo cáo cụ thể hơn mới quyết định phương án tấn công.

“Lần thứ 2 tôi vào đúng vị trí rào giáp ranh kia, nhưng trong lúc anh em tỏa ra để ghi nhận bố trí của quân địch thì tôi đạp phải mìn do địch cài và mất bàn chân phải. Thấy vậy, anh em trong tổ trinh sát tìm cách đưa tôi ra ngoài một cách nhanh nhất, cố gắng không đánh động quân địch. Đến khi tôi được đưa về căn cứ thì quân y phải cưa bỏ phần chân bị nát. Từ đó về sau tôi không thể tham gia trận đánh nào được nữa và phải làm nhiệm vụ ở căn cứ” - ông Hai Cao nhớ lại.

Dựa vào những gì ông Hai Cao báo cáo sau khi điều nghiên, các đơn vị của Miền nghiên cứu và chọn cách tấn công bằng pháo vào Sân bay Biên Hòa trong đêm 11, rạng sáng 12-5-1967. Riêng cá nhân ông, vì mất một phần chân phải nên phải dùng chân giả nhưng sau này vết thương cũ sưng tấy và chảy mủ, ông đã bị cắt bỏ toàn bộ chân phải. Tuy nhiên, không vì vậy mà ông thôi cố gắng trong cuộc sống. Gia đình ông có 4 người con trai tham gia cách mạng thì người em út Trần Văn Mun hy sinh, còn ông là thương binh 3/4.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều