Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân Hà Bắc ở thị trấn Vĩnh An

07:01, 15/01/2018

Sau ngày đất nước thống nhất, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) lần lượt đón nhận từng đoàn người di dân từ tỉnh Hà Bắc (gồm 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nhập vào năm 1962 và tách ra như cũ vào năm 1996) về định cư.

Sau ngày đất nước thống nhất, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) lần lượt đón nhận từng đoàn người di dân từ tỉnh Hà Bắc (gồm 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nhập vào năm 1962 và tách ra như cũ vào năm 1996) về định cư. “Con em tỉnh Hà Bắc khi chọn huyện Vĩnh Cửu làm quê hương thứ 2 luôn lấy tình đồng hương che chở, giúp đỡ nhau trong cuộc sống” - ông Dương Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Vĩnh An, Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Hà Bắc huyện Vĩnh Cửu, cho biết.

Người dân tỉnh Bắc Hà tự hào về quê hương thứ 2 thị trấn Vĩnh An.
Người dân tỉnh Bắc Hà tự hào về quê hương thứ 2 thị trấn Vĩnh An.

Huyện Vĩnh Cửu có khoảng 500 hộ dân Hà Bắc sinh sống, riêng thị trấn Vĩnh An có trên 200 hộ dân. Ông Vũ Huy Nưa, Phó trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Hà Bắc huyện Vĩnh Cửu, kể khi đất đai ở trung tâm thị trấn Vĩnh An đắt đỏ, những người Hà Bắc đến trước có trách nhiệm hướng dẫn đồng hương đến sau về các vùng đất thuộc KP.4, KP.8, thị trấn Vĩnh An hoặc các xã lân cận, như: Hiếu Liêm, Trị An, Vĩnh Tân mua đất lập nghiệp.

* Chuyện lập nghiệp

Năm 1985, ông Nguyễn Bá Hàm (quê xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, mất năm 2015) đưa đại gia đình vào KP.3, thị trấn Vĩnh An lập nghiệp. Lúc này, ở KP.3 còn thưa dân nên đại gia đình ông Hàm khai phá được trên 10 hécta đất rẫy. Chắt chiu dành dụm qua những mùa rẫy chật vật, cộng thêm việc chăn nuôi heo, đào ao thả cá…, cuộc sống của gần 20 nhân khẩu trong đại gia đình ông Hàm dần ổn định. Do có nhiều đất, ông Hàm chia sẻ bớt một phần đất cho các đồng hương đến sau để họ có chỗ lập nghiệp.

Ông Vũ Đức Vân, Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) thị trấn Vĩnh An, cho biết người huyện Yên Dũng sinh sống ở KP.4, thị trấn Vĩnh An có 50 hộ. Các hộ dân gốc Yên Dũng hiện có cuộc sống từ khá trở lên và họ được cư dân KP.4 đánh giá là những người siêng năng, biết dành dụm và chăm lo cho con ăn học ít ai bằng.

Được ông Hàm chia cho 1 hécta đất khi lập gia đình ra ở riêng, ông Nguyễn Bá Chắn (ngụ KP.4, thị trấn Vĩnh An) dành dụm mua thêm được 7 sào đất để xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm (vào năm 1990) và trở thành nông dân sản xuất giỏi của thị trấn.

Ông Chắn tâm sự để có được như ngày hôm nay, vợ chồng ông đã nỗ lực rất nhiều trong lao động, nuôi 3 con ăn học. Cuộc sống những ngày đầu lập nghiệp vất vả, nhưng ông chưa bao giờ để vợ con phải thiếu ăn, thất học.

Năm 1995, vùng đất đỏ KP.4, thị trấn Vĩnh An bắt đầu trơ những hạt sỏi trên bề mặt lớp đất thịt. Đất dần mất đi độ màu mỡ nên những người dân đến trước tranh thủ chuyển nhượng cho người đến sau để đi tìm vùng đất phì nhiêu hơn tạo lập những vườn cây ăn trái. Đó cũng là cơ hội để ông Nguyễn Văn Bằng rời quê (xã Đức Giang, huyện Yên Vĩnh, tỉnh Bắc Giang) về KP.4 mua đất lập vườn. Ông Bằng cho hay đất ở KP.4 sỏi đá với dân địa phương, còn với vợ chồng ông thì nơi đây vẫn hơn hẳn vùng quê tỉnh Bắc Giang.

Thấy đất rẻ, vợ chồng ông Bằng gom hết vốn liếng mang theo và vay mượn thêm của đồng hương mua 6 sào đất để dựng chòi, lập rẫy. Những cây điều xơ xác trên đất sỏi sau thu hoạch không được bồi bổ phân bón càng trơ những nhánh già; vợ chồng ông Bằng chưa có gì để thu hoạch nên vác cuốc đi khắp vùng tìm việc làm thuê.

Từ làm thuê, vợ chồng ông Bằng dành dụm tiền thuê được 3 hécta đất trồng mì, trồng tràm lấy hom, chăn nuôi heo... Nhờ tằn tiện, tích cóp dần theo từng mùa rẫy, vợ chồng ông Bằng dần mua được hơn 3 hécta đất rẫy, nuôi 3 con học đại học và mua đất dựng nhà ở trung tâm thị trấn Vĩnh An.

Ông Bằng tự hào khoe nhờ trồng tràm lấy hom cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm mà vợ chồng ông mua đất cất được nhà cho các con.

Ông Nguyễn Đình Đà (quê xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Trưởng KP.4, thị trấn Vĩnh An) cho hay dân Hà Bắc về thị trấn Vĩnh An những ngày đầu ai cũng gặp thiếu thốn, khó khăn. Bởi vì cuộc sống quê nhà thời kỳ đó quá khó khăn về kinh tế nên mọi người mới rời quê ra đi tìm cơ hội đổi thay nơi vùng đất phương Nam. Cũng từ cái khó, cái khổ ở quê nhà mà lúc vào thị trấn Vĩnh An người Hà Bắc rất cần cù lao động và tiết kiệm chi tiêu. Nhờ vậy, khi đất nước và địa phương phát triển, đời sống của họ càng có cơ hội đổi thay, vượt trội so với những người dân xứ khác đến đây.

* Ấm tình đồng hương

Gió xuân từ những cánh rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai bắt đầu thổi mạnh vào các khu dân cư ở thị trấn Vĩnh An, những con đường xi măng, trải nhựa từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thêm bừng sáng ở các khu dân cư của cư dân tỉnh Hà Bắc.

Ông Nguyễn Văn Bằng (phải) chọn KP.4,thị trấn Vĩnh An làm quê hương thứ 2 của mình.
Ông Nguyễn Văn Bằng (phải) chọn KP.4,thị trấn Vĩnh An làm quê hương thứ 2 của mình.

Ông Dương Minh Hoàng cho hay cựu chiến binh quê tỉnh Hà Bắc trong Hội của ông cũng nhiều. Phong trào nào được Hội và địa phương phát động, các cựu chiến binh Hà Bắc cũng nhiệt tình, gương mẫu, xung phong tham gia.

Chiến tranh đưa đẩy người lính Vũ Huy Nưa từ chiến trường miền Bắc đến miền Đông Nam bộ. Sau khi rời quân ngũ, ông Nưa bám trụ lại thị trấn Vĩnh An khi công trình thủy điện Trị An hoàn thành. Nỗ lực trong sự cơ cực hàng chục năm, nay vợ chồng ông đã gầy dựng được một cửa hàng kinh doanh hàng điện - điện tử khá hoành tráng ở KP.2, thị trấn Vĩnh An.

Ông Nưa kể những năm sau ngày đất nước thống nhất, hễ nghe tin dân tỉnh Hà Bắc di cư vào thị trấn Vĩnh An lập nghiệp là ông mừng như chào đón người thân của ông từ quê vào.

Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Ngọc Luyện (quê tỉnh Hà Nam, ngụ thị trấn Vĩnh An) ở đầu con dốc đường tỉnh 768 vào thị trấn Vĩnh An luôn là điểm hẹn của người dân Hà Bắc khi có chuyện cần. Tuy là dân khác tỉnh, nhưng ông Luyện được cư dân Hà Bắc ở KP.4, thị trấn Vĩnh An quý mến, hay ghé vào uống trà bàn việc.

Ông Luyện bộc bạch người quê Hà Bắc ở thị trấn Vĩnh An có riêng Hội đồng hương làng Long Khê (xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) để đoàn kết, tập hợp, giúp đỡ đồng hương trong làng khi họ gặp hoạn nạn, ốm đau, động viên con em học tập... Trong khi đó, đồng hương Hà Bắc thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cũng có Hội đồng hương Yên Dũng của riêng mình tại KP.4, thị trấn Vĩnh An.

Ông Dương Minh Hoàng cho hay ở các xã: Hiếu Liêm, Mã Đà, Vĩnh Tân..., chi hội hay các hội đồng hương các làng, xã, huyện tại các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều nhằm tập hợp đồng hương cùng quê dưới mái nhà chung Hội đồng hương Hà Bắc huyện Vĩnh Cửu để động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giáo dục con cháu sống tích cực với địa phương nơi mình cư trú và nhớ về cội nguồn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều